Phát triển kinh tế vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế
Tây Bắc (gồm các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) là cửa ngõ phía Tây của Tổ quốc, có biên giới với Lào, Trung Quốc, có nhiều tiềm năng to lớn, nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy điện và du lịch sinh thái. Sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập, kinh tế vùng Tây Bắc đã có bước chuyển tích cực trên một số mặt, song cho đến nay Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất nước ta. Vì vậy, nghiên cứu tìm giải pháp phù hợp đưa vùng này tiến kịp các vùng khác là yêu cầu bức thiết.
Tây Bắc là vùng đất rộng người thưa, tiềm năng đất đai, rừng, nguồn nước, hệ sinh thái cây trồng vật nuôi được xếp vào tốp đứng đầu trong 8 vùng kinh tế của cả nước. Với diện tích tự nhiên là 3.741.263 ha, chiếm 11,3% diện tích cả nước, Tây Bắc là địa bàn cư trú của 2.707 nghìn người (năm 2007), chiếm 3% dân số cả nước với 50 dân tộc; mật độ dân số là 69 người/km2 (cả nước 254 người/km2). Cơ cấu dân số ở vùng nông thôn chiếm 86,1%, thành thị 13,9%. Trong những năm gần đây, bức tranh toàn cảnh kinh tế vùng Tây Bắc đã có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của vùng qua các năm đều tăng dần, năm 2001 dưới 8%, năm 2002 đạt 8,13%, năm 2003: 9,21%, năm 2004: 10,65%, năm 2005: 11,59%, năm 2006: 11,2%, năm 2007: 11,5%. Bình quân 7 năm 2001 - 2007 tăng trên 10%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay, ở một số địa phương đã xuất hiện mô hình hoạt động hiệu quả, nhất là trong quan hệ “bốn nhà”; nhiều công ty nhà nước đã trở thành doanh nghiệp cổ phần mà cổ đông là hộ nông dân góp vốn bằng đất để hưởng lợi. Mô hình này gắn lợi ích của người lao động đối với công ty lãi cổ phần được chia và người nông dân được hưởng lợi kinh tế từ liên kết này.
Cơ cấu kinh tế qua các ngành cơ bản
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp với tốc độ chậm (xem bảng).
Bảng: Cơ cấu kinh tế theo GDP vùng Tây Bắc giai đoạn 2001 - 2007 (%)
Năm Khu vực |
2001 |
2002 |
2003 |
2004 |
2005 |
2006 |
2007 |
Nông, lâm, thuỷ sản |
50,4 |
50,0 |
48,0 |
45,5 |
43,3 |
42,0 |
41,2 |
Công nghiệp, xây dựng |
16,6 |
17,2 |
19,2 |
20,9 |
22,5 |
23,0 |
23,5 |
Dịch vụ, thương mại |
33,0 |
32,4 |
32,8 |
33,6 |
34,2 |
34,3 |
35,3 |
Nguồn : Tổng cục Thống kê
Tốc độ tăng GDP bình quân toàn vùng không những đạt cao hơn tốc độ tăng trung bình cả nước (1,5%), mà thu nhập bình quân nhân khẩu/tháng cũng tăng dần từ 197 nghìn đồng năm 2002 lên 266 nghìn đồng năm 2004 và 372 nghìn đồng năm 2006. Các ngành kinh tế chủ yếu của vùng Tây Bắc những năm qua có bước phát triển mới cao hơn các năm trước.
Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: Tây Bắc là vùng sản xuất thủy điện lớn nhất cả nước, với nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Sơn La và hàng chục nhà máy thủy điện nhỏ như Nậm Chiến I, Nậm chiến II, Huổi Quảng... được thiết kế thi công xây dựng sử dụng công nghệ mới với đập siêu mỏng. Cùng với thủy điện, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của vùng là khai thác than, đá, kim loại; sản xuất gạch ngói, vôi, rượu bia, giấy, máy xát, nước khoáng, tiểu, thủ công nghiệp gia đình, dệt may, sản xuất trang phục, sản phẩm da, sản xuất giường, tủ, bàn ghế...; trong đó, sản xuất thực phẩm, đồ uống chiếm tỷ trọng lớn nhất của thành phần ngoài quốc doanh.
Tỉnh Điện Biên là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Tây Bắc. Năm 2007 cả tỉnh có 2.740 cơ sở công nghiệp, trong đó 2.739 cơ sở công nghiệp trong nước, chủ yếu là cá thể 2.690 cơ sở. So với năm 2005, số cơ sở công nghiệp tăng 4%, trong đó công nghiệp cá thể tăng 6 lần. Công nghiệp chế biến có 2.609 cơ sở, tăng 2% so năm 2001, chủ yếu là sản xuất thực phẩm, đồ uống, dệt, may trang phục, sản xuất sản phẩm bằng da, chế biến gỗ và lâm sản, sản xuất giấy và sản phẩm giấy, giường, tủ, bàn ghế, sản xuất các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại với quy mô nhỏ. Lao động công nghiệp có 7.044 người, chiếm 2,8% lao động xã hội, trong đó khu vực nhà nước chỉ có 571 người. Giá trị sản xuất bình quân 1 cơ sở có 217 triệu đồng và 2,8 lao động. Ngành xây dựng có 8.951 người chiếm 3,62%, trong đó khu vực nhà nước có 189 người. Tuy quy mô còn nhỏ bé, nhưng trong những năm gần đây, công nghiệp Điện Biên đã có khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2001 - 2007 đạt trên 20%, trong đó tăng trưởng nhanh nhất là công nghiệp ngoài quốc doanh, đạt trên 25%. Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, nhất là thực phẩm. Cơ cấu thành phần công nghiệp khu vực nhà nước chiếm 13%, khu vực ngoài nhà nước: 87%, trong đó cá thể: 72%.
Tỉnh Lai Châu năm 2007 có 1.263 cơ sở công nghiệp, trong đó cơ sở nhà nước có 8 (trung ương có 1 cơ sở), cơ sở ngoài nhà nước có 1.227, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có 1 cơ sở. Các ngành chủ yếu là khai thác than có 39 cơ sở, sản xuất thực phẩm và đồ uống có 847 cơ sở, sản xuất trang phục có 94 cơ sở, sản xuất các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại có 77 cơ sở, sản xuất giường, tủ, bàn ghế có 124 cơ sở, sản xuất sản phẩm từ kim loại có 50 cơ sở. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu là gạch nung, quặng, đá, chè khô, đồ gỗ. Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2007 đạt 139 tỉ đồng (giá hiện hành), bình quân 110 triệu đồng/ cơ sở. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hằng năm đạt trên 14%.
Ở tỉnh Hòa Bình và Sơn La sản xuất công nghiệp cũng có nhiều khởi sắc, nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ công trình xây dựng và vận hành hai nhà máy thủy điện lớn nhất cả nước.
Trong lĩnh vực nông nghiệp: Những năm qua sản xuất lương thực của Tây Bắc đã có bước phát triển nhanh. Sản lượng lương thực có hạt năm 2007 đạt 1.115 nghìn tấn so với 631,4 nghìn tấn năm 2000, tăng 76%. Đặc trưng của lương thực Tây Bắc là cơ cấu sản lượng khá cân đối giữa lúa và ngô. Năm 2007 sản lượng lúa đạt 587 nghìn tấn, chiếm 55% và sản lượng ngô đạt 459 nghìn tấn, chiếm 45%. Tây Bắc có thế mạnh về sản xuất ngô, diện tích toàn vùng năm 2007 đạt 172 nghìn ha, tăng 65,3% so với năm 2000, năng suất đạt 31,5 tạ/ha tăng 43,8 tạ/ha, sản lượng đạt 541 nghìn tấn, tăng 138 % (314 nghìn tấn so với năm 2000). Tỉnh đạt sản lượng ngô cao nhất là Sơn La với 326 nghìn tấn, đứng thứ 3 cả nước, sau Đắc Lắc và Đồng Nai. Về lúa, năm 2007 diện tích trồng đạt 157,5 nghìn ha, tăng 15,4% (21 nghìn ha), năng suất lúa cả năm đạt 36,4 tạ/ha, tăng 8,9 tạ/ha (23,4%) so với năm 2000. Lúa Tây Bắc tuy năng suất không cao, nhưng chất lượng lại tốt, nhất là Mường Thanh có gạo thơm nổi tiếng thị trường trong nước được người Hà Nội ưa chuộng. Năm 2007 lương thực bình quân nhân khẩu đạt 401,4 kg/năm (325 kg năm 2000). Đáng chú ý là Tây Bắc không chỉ bảo đảm an ninh lương thực trong vùng mà còn dư thừa để cung cấp cho các vùng khác, như ngô cho các tỉnh phía Nam, gạo thơm cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trung tâm ngô giống ở Mai Sơn (Sơn La) cung cấp ngô giống cho nhiều tỉnh trong cả nước. Những năm gần đây, vùng Tây Bắc còn phát triển mạnh cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: cam, quít, chuối, dứa, vải, nhãn, mận, mơ, chè, cà phê, cao su, mía, lạc, đỗ tương... Cây ăn quả trở thành một trong những thế mạnh của vùng. Chăn nuôi phát triển mạnh: năm 2007 đàn trâu có 465 nghìn con, tăng 24%, đàn bò có 272 nghìn con, tăng 72%, đàn lợn có 1.144 nghìn con, tăng 32%, đàn gia cầm có 8,8 triệu con, tăng 74% so với năm 2001. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi của vùng giai đoạn 2001 - 2007 đạt hơn 10%/năm, cao hơn trồng trọt.
Cao nguyên Mộc Châu ví như Đà Lạt của Tây Bắc là nơi có nhiệt độ từ 18o - 24o, khí hậu quanh năm mát mẻ, có thể phát triển đa dạng cây trồng vật nuôi, phát triển nhiều loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái.
Trong lĩnh vực dịch vụ thương mại: Vượt qua những khó khăn do kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém (nhất là đường bộ, đường không), công nghiệp chưa phát triển, các hoạt động thương mại, vận tải, du lịch... của các tỉnh trong vùng đã có nhiều tiến bộ. Thị trường nội địa ổn định, giá cả hàng hóa dịch vụ trong vùng không có biến động lớn, sức mua của dân cư tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ trong vùng đạt trên 23%/năm. Giao lưu hàng hóa, dịch vụ giữa Tây Bắc và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các vùng khác diễn ra khá sôi động; hoạt động du lịch tăng trưởng nhanh, nhất là Điện Biên và Hòa Bình. ở tỉnh Điện Biên năm 2001 dịch vụ chiếm 35% GDP, đến năm 2007 chiếm 38,2%. Cả tỉnh có 4.968 cơ sở thương mại, tất cả đều là cơ sở trong nước, trong đó có 4.867 cơ sở cá thể. Giá trị doanh thu dịch vụ năm 2007 đạt 318 tỉ đồng; doanh thu du lịch là 84 tỉ đồng, tăng trung bình trên 10%/năm.
Lai Châu là tỉnh nghèo nhất vùng Tây Bắc nhưng hoạt động dịch vụ có nhiều tiến bộ. Tỷ trọng dịch vụ trong GDP năm 2007 là 29,5%. Toàn tỉnh có 1.771 cơ sở thương mại, du lịch, trong đó 1.720 cơ sở tư nhân. Giá trị dịch vụ đạt 70 tỉ đồng, bình quân 39,9 triệu đồng/cơ sở. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,3 triệu USD, trong đó chè khô đạt 1,5 triệu USD, còn lại là công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp, đá lợ, quặng sắt, các hàng khác. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,87 triệu USD, chủ yếu là các hàng khác. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm đạt 624 tỉ đồng, trong đó doanh thu cá thể 54%, doanh thu nhà nước 27%. Doanh thu du lịch, khách sạn, nhà hàng đạt 57 tỉ đồng. Khách du lịch đạt 47 nghìn lượt người trong đó 4.243 khách quốc tế. Bộ mặt thành thị, nông thôn đổi mới như thành phố Điện Biên, Hòa Bình, thị xã Sơn La, Lai Châu cùng nhiều thị trấn đang từng bước hiện đại hóa, trở thành những trung tâm kinh tế, thương mại và du lịch. Giao lưu giữa các tỉnh trong vùng với Hà Nội, các tỉnh trong cả nước, với Lào và Trung Quốc được mở rộng. Nổi bật là đường số 6 lên Tây Bắc đã được nâng cấp, mở rộng so với trước. Kết cấu hạ tầng nông thôn có sự chuyển biến tích cực.
Thách thức chủ yếu
Tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng đến nay Tây Bắc vẫn là vùng nghèo của cả nước về các chỉ tiêu từ sản xuất công, nông nghiệp, xây dựng đến hoạt động dịch vụ, du lịch. GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt khoảng 4.105.000 đồng, bằng 40,7% mức trung bình của cả nước, thấp nhất trong các vùng kinh tế. Nguồn thu ngân sách địa phương quá nhỏ bé nên phải dựa vào ngân sách trung ương là chính.
Công nghiệp còn nhỏ bé về quy mô, chủ yếu là cá thể, sản phẩm nghèo nàn, không có sản phẩm chủ lực, sản xuất phân tán, kỹ thuật lạc hậu. Vì vậy, chất lượng, giá thành sản phẩm công nghiệp của vùng kém sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Công nghiệp khai thác khoáng sản còn chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của hầu hết các tỉnh trong vùng, còn công nghiệp chế biến tuy có khởi sắc, nhưng không bền vững. Tây Bắc là vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là gỗ và lâm sản, nông sản, nguyên liệu cho công nghiệp phong phú, nhưng chưa được đầu tư khai thác hợp lý, chất lượng còn thấp, chi phí còn cao do kỹ thuật, công nghệ chậm đổi mới. Khu vực FDI còn quá nhỏ bé (ở Hòa Bình chiếm 4% còn 3 tỉnh còn lại không đáng kể).
Tây Bắc là vùng sản xuất thủy điện lớn nhất cả nước, với Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (1.920Mw), Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400Mw) và hàng trăm nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. |
Thu ngân sách không đủ chi, phải dựa vào nguồn hỗ trợ của Trung ương là chính. Năm 2007, thu ngân sách của tỉnh Điện Biên đạt 1.346 tỉ đồng; trong đó thu trên địa bàn chỉ có 130 tỉ đồng, chiếm 9,66%, thu do Trung ương hỗ trợ 924,5 tỉ đồng chiếm 90,34%. Chi ngân sách của tỉnh là 1.282 tỉ đồng; bội chi ngân sách địa phương 1.152 tỉ đồng, bằng 89,8% tổng chi. Tỉnh Lai Châu thu ngân sách trên địa bàn chỉ có 87,2 tỉ đồng, chiếm 6,8% tổng thu và bằng 7,6% tổng chi trong năm. Tình hình tương tự cũng diễn ra đối với Sơn La và Hòa Bình .
Thu nhập và đời sống dân cư vùng Tây Bắc đến nay vẫn thấp nhất trong 8 vùng trong nước và khoảng cách đó tăng dần theo thời gian: năm 2004 bằng 54,7%, năm 2002 bằng 55,3%, năm 2004 bằng 56% mức trung bình cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Bắc năm 2007 còn 37,5%, cao nhất cả nước, trong đó Lai Châu là 55,3%; Điện Biên là 40,8%; Sơn La là 37,1% và Hòa Bình là 30,9% (so với 14,7% cả nước, 21,1% vùng Đông Bắc, 10,1% vùng đồng bằng sông Hồng). Tây Bắc chưa thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước nên vốn đã nghèo lại thiếu vốn, thiếu khoa học - công nghệ. Tổng vốn FDI đầu tư vào Tây Bắc từ năm 1988 đến 2007 chỉ có 27 dự án với số vốn 115,4 triệu USD, trong đó vốn pháp định là 447,6 triệu USD: Lai Châu 4,1 triệu USD, Sơn La 7,4 triệu USD và Hòa Bình 25,7 triệu USD. Riêng năm 2006, toàn vùng chỉ có 10 triệu USD tăng vốn ở tỉnh Hòa Bình, không có dự án đầu tư mới. Tỷ lệ khu vực FDI trong GDP của vùng dưới 1%, tỷ lệ vốn FDI trong vốn đầu tư phát triển xã hội của vùng khoảng 1%, trong đó Hòa Bình: 4%, Sơn La: 0,8%, Lai Châu: 0,03% và Điện Biên: 0%. Khu công nghiệp tập trung chưa có, làng nghề truyền thống có 1. Dân số tăng nhanh, lao động thừa còn chiếm tỷ trọng lớn.
Nguyên nhân của tình hình trên là do điều kiện địa lý không thuận lợi, do đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng những năm qua chưa theo kịp yêu cầu hội nhập kinh tế. Giao thông kém nhưng chưa khắc phục được là lực cản lớn nhất của Tây Bắc trong bối cảnh hội nhập. Đường số 6 từ Hà Nội lên Tây Bắc tuy được nâng cấp nhưng vẫn là con đường có chất lượng kém, độ dốc lớn, nhiều sông suối, cầu cống yếu... ảnh hưởng cho các phương tiện cơ giới vào mùa mưa. Đường hàng không hoạt động không ổn định. Giao thông đường thủy không thuận tiện cho vận tải hành khách, hàng hóa từ miền xuôi lên do không an toàn, nhất là mùa mưa, lũ. Điện cũng là yếu tố khó khăn do chi phí cao trong xây dựng đường dây, trạm hạ thế. Tài nguyên đất đai, rừng, sông suối, khoáng sản rất phong phú nhưng khó khai thác, vì vốn thiếu, công nghệ lạc hậu, nhân lực có trình độ cao thiếu nghiêm trọng. Rừng bị tàn phá, kể cả rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ nên đất đai bị xói mòn, đồi núi trọc chiếm tỷ lệ lớn và tăng nhanh.
Trình độ dân trí thấp, kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp nói chung còn lạc hậu, tình trạng du canh du cư, đốt phá rừng làm nương rẫy, độc canh và quảng canh vẫn phổ biến ở các xã vùng cao. Cán bộ thiếu về số lượng, bất cập về cơ cấu, thấp về trình độ, nhất là cán bộ khoa học - kỹ thuật cao, cán bộ quản lý kinh tế giỏi, giáo viên các trường phổ thông các cấp từ tiểu học đến trung học và cao đẳng, đại học. Đội ngũ cán bộ có trình độ đại học là con em các dân tộc thiểu số còn quá ít, trong khi đó đội ngũ cán bộ miền xuôi lên công tác ở Tây Bắc chưa yên tâm gắn bó lâu dài, do chế độ chính sách thu hút nhân tài của các tỉnh trong vùng chưa có hoặc chưa phát huy tác dụng. Chương trình phát triển kinh tế Tây Bắc của Nhà nước tuy đạt được sự tiến bộ bước đầu, nhưng chưa bền vững, chưa ổn định và còn khoảng cách xa so với mục tiêu đề ra. Đầu tư của Nhà nước cho vùng Tây Bắc chưa tương xứng cả về vốn ngân sách và đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, công nhân lành nghề.
Giải pháp phát triển
Để phát triển kinh tế vùng Tây Bắc trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thiết nghĩ, cần tập trung vào các giải pháp sau:
1 - Hoàn thiện quy hoạch vùng kinh tế Tây Bắc.
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng đồng bộ, toàn diện và lâu dài. Để hoàn thiện quy hoạch vùng, trước hết cần đổi mới nhận thức về vị trí của vùng Tây Bắc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, phát triển kinh tế Tây Bắc toàn diện và vững chắc gắn với công nghiệp chế biến và thị trường xuất khẩu nông sản là yêu cầu và điều kiện tiên quyết để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng và cả nước. Từ đổi mới nhận thức phải tạo sự đột phá về tổ chức và quản lý cùng với hoàn thiện cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Bắc theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, đầu tư của Nhà nước cho Tây Bắc cần thể hiện rõ ràng hơn vai trò của các yếu tố: kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nông nghiệp hàng hóa, dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với lợi thế vùng lòng hồ và ven hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La.
2 - Giải pháp vốn nhằm phát triển sản xuất kinh doanh.
Tây Bắc là vùng nghèo, thiếu vốn rất nghiêm trọng nên giải pháp tài chính càng có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt, cần tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách trung ương cho vùng cả số tuyệt đối và tỷ trọng so với trước để tạo bước ngoặt về tăng trưởng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng lên ngang mức trung bình cả nước. Đổi mới cơ cấu đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là đường giao thông, điện, các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, bệnh viện; đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng khoa học - công nghệ, nhất là nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ; xây dựng các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản mà vùng có thế mạnh như chế biến sữa tươi, quả tươi, thức ăn gia súc, lâm sản, thủy sản ven hồ... Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như gạch ngói, xi-măng cũng cần được đầu tư để giảm bớt sự phụ thuộc vào các tỉnh miền xuôi, giảm chi phí vận chuyển... để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các công trình cần ưu tiên hàng đầu là xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông từ Hà Nội lên các tỉnh Tây Bắc, nâng cấp sân bay Điện Biên, Nà Sản để giải quyết sự bất cập về giao thông đang cản trở sự phát triển của vùng.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là giải pháp quan trọng. Đây là giải pháp vừa tạo vốn, vừa tạo thị trường mới về lao động, áp dụng kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất công nông nghiệp hàng hóa, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động vùng theo hướng từ thủ công lên hiện đại. Để thu hút vốn FDI, có nhiều việc phải làm, trong đó có trách nhiệm của Trung ương và các địa phương, nhất là nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, có cơ chế, chính sách thông thoáng...
3 - Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nghiên cứu xây dựng Trường Đại học Tây Bắc theo mô hình Đại học Tây Nguyên đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao, chủ yếu từ con em đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa và người Kinh đang làm ăn sinh sống gắn bó lâu dài với Tây Bắc. Mở rộng và nâng cấp các trường phổ thông (có nội trú) để thu hút con em các dân tộc trong vùng đến trường. Đào tạo nghề cho thanh niên theo yêu cầu của thị trường sức lao động Tây Bắc để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Dành tỷ lệ hợp lý nguồn vốn đầu tư ngân sách cho nội dung dạy nghề cho lao động bao gồm: đào tạo nghề mới, đào tạo lại, bồi dưỡng ngắn hạn kiến thức và kinh nghiệm làm ăn bằng các ngành, nghề nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ. Đối tượng đào tạo còn bao gồm cán bộ tỉnh, huyện, xã, thôn, bản và hội viên Hội Nông dân. Ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ dân trí và trình độ nghề nghiệp cho các hộ nghèo. Đầu tư cho phát triển công nghiệp chế biến tại các vùng nguyên liệu, công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Thực hiện chính sách ưu đãi về tiền lương và các chính sách khác như nhà ở, đất ở, cơ sở nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, đi học nước ngoài... để khuyến khích đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, trí thức trẻ, nhất là bác sĩ, giáo viên miền xuôi lên Tây Bắc làm việc lâu dài, đồng thời có cơ chế khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc bản địa. Tăng cường vai trò của Nhà nước đối với vùng Tây Bắc cả về cơ chế, chính sách, đầu tư, đào tạo cán bộ, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thu hút nguồn vốn FDI, ODA (viện trợ phát triển chính thức), chương trình, dự án quốc tế. Hình thành sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên giữa Ban chủ nhiệm Đề án Tây Bắc với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp vùng Tây Bắc. Tiến hành điều tra cơ bản để có thông tin đầy đủ, có độ tin cậy cao về thực trạng kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc./.
Mưa lũ làm 49 người chết, nhiều tuyến đê hư hỏng nặng  (03/11/2008)
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng xấp xỉ 16%  (03/11/2008)
Nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy - học lý luận Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học, cao đẳng  (03/11/2008)
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 27-10 đến 2-11-2008)  (03/11/2008)
Về hiện tượng CPI âm trong tháng 10 năm 2008  (03/11/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 27-10 đến 2-11-2008)  (03/11/2008)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay