Chặng đường mới của đồng Nhân dân tệ
TCCSĐT - Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (năm 2008) đến nay, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Ngày 01-12-2015, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định đưa đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ SDR. Liệu quyết định này có làm xuất hiện một bước nhảy vọt trên bản đồ tài chính thế giới?
Trung Quốc kiên trì giành ưu thế cho đồng Nhân dân tệ
Ngày 11-12-2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cùng với những thuận lợi đến từ việc Mỹ chuyển hướng chính sách đối với Trung Quốc trong thập niên gần đây, việc gia nhập WTO đã tạo ra bệ phóng tăng trưởng cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc. Sau khi vượt Nhật Bản, Trung Quốc đã vươn lên trên Mỹ, giành lấy vị trí thứ nhất toàn cầu về kim ngạch thương mại vào năm 2013. Song hành với tiến trình này là sự gia tăng về quyền phát ngôn của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ quốc tế.
Từ năm 2003, Bắc Kinh đã bắt đầu kế hoạch quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Theo một nguyên tắc cơ bản, nước nào muốn quốc tế hóa đồng nội tệ, tất yếu phải thúc đẩy đồng tiền tệ nước mình được giao thương rộng rãi trên thế giới và càng phổ biến thì vị thế càng lớn. Và Trung Quốc đã tiến hành cuộc “vạn lý trường chinh” với nhiều biện pháp khác nhau, như thúc đẩy giao thương bằng đồng Nhân dân tệ, tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ bằng đồng Nhân dân tệ; từng bước thí điểm thành lập các trung tâm giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ ở bên ngoài Trung Quốc Đại lục, tại Hồng Kông từ năm 2004, tại Luân Đôn năm 2012, Xin-ga-po năm 2013... Với các bước đi này, Trung Quốc có thể thâm nhập dễ dàng hơn vào các thị trường tài chính toàn cầu, khuyến khích việc giao dịch và sử dụng đồng Nhân dân tệ. Theo Báo cáo tháng 4-2014 của Ngân hàng Thanh toán quốc tế, Nhân dân tệ là đồng tiền sử dụng trong thanh toán quốc tế đứng thứ hai chỉ sau USD, và được thanh toán nhiều thứ năm trên thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tiến hành trao đổi tiền tệ trực tiếp với một số quốc gia trên thị trường ngoại hối Trung Quốc. Tính đến tháng 3-2015, đã có 9 đồng tiền được trao đổi trực tiếp trên thị trường ngoại hối Trung Quốc (bao gồm đồng USD, đô la Xin-ga-po, ơ-rô, đô la Niu Di-lân, bảng Anh, yên Nhật, đô la Ô-xtrây-li-a, rin-gít Ma-lai-xi-a, rúp Nga).
Tuy nhiên, do một mặt, Trung Quốc đẩy mạnh giao thương đồng Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế, nhưng mặt khác, Trung Quốc vẫn muốn giữ đồng Nhân dân tệ ở mức giá thấp để bảo đảm phát triển kinh tế, vốn lệ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu. Vì vậy, đồng Nhân dân tệ chưa đủ tiêu chuẩn nằm trong rổ tiền tệ quốc tế. Theo quy định, IMF sẽ xem xét lại cơ cấu rổ tiền tệ 5 năm một lần và tổ chức này từng từ chối việc đưa đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ SDR hay còn gọi là “quyền rút vốn đặc biệt” trong lần đánh giá năm 2010, với lý do đồng tiền của Trung Quốc chưa đáp ứng được những điều kiện cần thiết.
Bước ngoặt lịch sử
Cùng với chính sách kiên trì và tính mục đích rõ ràng trong các quyết sách hành động, gần đây, Trung Quốc đã có bước đi quan trọng trong nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Ngày 01-12-2015, IMF quyết định đưa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vào giỏ tiền tệ SDR. Theo quyết định này, từ ngày 01-10-2016, đồng Nhân dân tệ chính thức trở thành đồng tiền thứ 5 trong giỏ tiền tệ quốc tế, đồng thời là đồng tiền đầu tiên của một nước đang phát triển được gia nhập SDR. Xét về tỷ trọng, đồng Nhân dân tệ dự kiến chiếm 10,92%, vượt qua đồng bảng Anh (8,1%) và đồng yên Nhật (8,3%), chỉ đứng sau đồng USD của Mỹ (41,7%) và đồng ơ-rô của châu Âu (30,9%), trở thành đồng tiền lớn thứ 3 của SDR. Rõ ràng, việc IMF đồng ý để đồng Nhân dân tệ gia nhập SDR là một quyết định lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc, được xem là dấu mốc quan trọng cho nỗ lực của Trung Quốc để có thể tạo ảnh hưởng lên đời sống kinh tế thế giới - trước đó vốn được chi phối chủ yếu bởi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Ra đời năm 1969, SDR là loại tiền tệ quy ước của IMF, được dùng trong quan hệ tín dụng giữa quỹ với các nước thành viên, hoặc giữa các nước với nhau. Khi giải ngân, phương tiện này có thể quy đổi thành một đồng tiền bất kỳ trong rổ - USD, ơ-rô, yên Nhật, bảng Anh và nay là Nhân dân tệ - để đáp ứng nhu cầu cân bằng thanh toán của các nền kinh tế thành viên. Sự có mặt của Nhân dân tệ là thay đổi mới nhất về cơ cấu của SDR kể từ năm 1999, sau khi ơ-rô thay thế đồng mác (Đức) và đồng phrăng (Pháp) trong rổ tiền tệ. Nó cũng đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ - đồng tiền ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ hai và chỉ được giao dịch nội địa suốt nhiều năm.
Đằng sau sự đột phá mang tính lịch sử này là sự thừa nhận của hệ thống tiền tệ quốc tế về sức ảnh hưởng kinh tế và tài chính ngày một lớn của Trung Quốc. Trước mắt, việc đồng Nhân dân tệ được bổ sung vào SDR được kỳ vọng là sẽ tạo ra nhiều lợi ích quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, cụ thể: khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng nhu cầu mua Nhân dân tệ, giảm phụ thuộc vào USD, qua đó, giúp nâng cao vai trò, vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, việc gia nhập SDR còn có lợi cho việc tăng cường niềm tin của thị trường đối với đồng Nhân dân tệ, gia tăng mức độ sử dụng đồng Nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế cả trên phương diện thanh toán công lẫn chi tiêu cá nhân. Đồng thời nó cũng là bước đi quan trọng giúp đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.
Quyết định của IMF sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương, đặc biệt là của các nền kinh tế lớn, đẩy mạnh việc đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối của mình bằng cách mua trái phiếu Trung Quốc, chứ không chỉ tập trung vào đồng USD hay đồng ơ-rô. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng trở nên tự tin hơn bởi, không gian chính sách ứng phó với biến động kinh tế sẽ được mở rộng sau khi đồng Nhân dân tệ gia nhập SDR, trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Ông Đ. Cô-oan-di, chuyên gia chiến lược của Ngân hàng Pháp Crédit Agricole ước tính, trong vòng 6 năm tới, tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ trong các kho dự trữ ngoại tệ có thể tăng từ 1,4% hiện nay lên 4,7% - 10%.
Xét về trung hạn, cùng với việc các nước thành viên IMF gia tăng giữ vốn đồng Nhân dân tệ, đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài sẽ được sử dụng tương đối thuận tiện, ngày càng phổ biến, người dân Trung Quốc ra nước ngoài du lịch, đầu tư sẽ không còn cảm thấy bất tiện về việc đổi tiền. Cùng với việc các tài khoản tài chính dần dần mở cửa, việc dùng đồng Nhân dân tệ đầu tư cổ phiếu, quỹ, công trái cũng sẽ tiện lợi hơn, việc quản lý tài sản của người dân có thể được bảo toàn giá trị và tăng giá trị tốt hơn thông qua phân phối toàn cầu.
Xét về dài hạn, nếu phạm vi thanh khoản tự do tiền vốn liên quốc gia mở rộng từ khu thương mại tự do như Thượng Hải hiện nay ra đến ngoài khu vực, sự giao động tỷ giá Nhân dân tệ đi theo hướng hợp lý và được công nhận, nền kinh tế có thể duy trì tăng trưởng ổn định nhằm bảo vệ sự tin cậy của thị trường vốn, vì vậy, thị trường chứng khoán sẽ đi theo hướng tốt đẹp lâu dài. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Trung Quốc trước đây thường lo ngại vấn đề rủi ro về tỷ giá thì nay với sự khẳng định được vai trò của đồng Nhân dân tệ, các nước có nhu cầu thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ tăng lên, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tham gia dễ dàng hơn vào việc định giá nhiều hàng hóa, tránh rủi ro về tỷ giá.
Chặng đường dài ở phía trước
Dù đã đáp ứng được tiêu chuẩn “tự do sử dụng” theo yêu cầu của IMF, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đồng bản tệ có thể “được tự do chuyển đổi”. Có thể nói, hiện mới là điểm khởi đầu của một quá trình ngày càng phức tạp hơn trong nhiều năm, nhiều thập niên tới. Sau khi IMF đưa ra thông báo, Phó Thống đốc PBoC Yi Gang thận trọng cho rằng: Gia nhập SDR cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế kỳ vọng nhiều hơn vào Trung Quốc trong các vấn đề tài chính và kinh tế, tuy nhiên Trung Quốc vẫn còn khoảng cách tương đối xa so với các thị trường phát triển.
Dù đã đạt được đồng thuận trong Kế hoạch 5 năm về việc để đồng Nhân dân tệ được tự do chuyển đổi vào năm 2020, các bước đi tiếp theo vẫn đầy rủi ro. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các cải cách tài chính làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính. Nhật Bản mất 40 năm để hoàn thành cải cách lớn trong tỷ giá hối đoái, lãi suất và khu vực tài chính để rồi sau đó, chịu cảnh “bong bóng” tài sản bị bơm căng, vỡ tung và kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế trong suốt hai thập niên qua.
Về lý thuyết, sau khi đồng Nhân dân tệ gia nhập SDR, kho dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương dần dần sẽ tăng nhu cầu đối với đồng Nhân dân tệ. Đương nhiên, để đưa ra quyết định gia tăng dự trữ bằng đồng Nhân dân tệ hay không, các ngân hàng trung ương phải dựa vào những đánh giá, cân nhắc toàn diện. Một trong những nhân tố quan trọng cần tính tới là đến nay, tỷ giá đồng Nhân dân tệ chưa thực sự tự do hóa; đồng thời, ở Trung Quốc, tài khoản vốn cũng chưa được mở cửa hoàn toàn mà mới được thí điểm trong phạm vi hẹp. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã có xu thế đi xuống, nợ xấu ngân hàng vì thế cũng có thể tăng lên. Sự tồn tại của những rủi ro kinh tế như vậy sẽ khiến việc tự do hóa tỷ giá và mở cửa tài khoản vốn có khả năng ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính quốc gia.
Hiện nay, việc thực hiện lãi suất hóa theo cơ chế thị trường đã cơ bản hoàn thành, nhưng cục diện triển khai cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng bên trong Trung Quốc vẫn chưa hình thành. Ở cấp độ lớn hơn, trong khi một số ngân hàng trung ương nước ngoài đã được chấp nhận để thâm nhập thị trường trái phiếu nội địa Trung Quốc, các ngân hàng trung ương khác vẫn còn gặp nhiều trở ngại với các quy định hoặc bị loại hoàn toàn khỏi thị trường trái phiếu này. Giới đầu tư trong nước Trung Quốc vẫn chịu giới hạn khi đem tiền ra nước ngoài đầu tư.
Cạnh tranh giữa các đồng tiền mạnh cũng ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Việc đồng Nhân dân tệ bước đầu khẳng định được mình, đồng nghĩa với việc đồng Nhân dân tệ đang tạo sức ép lên các đồng tiền mạnh khác, buộc các nước có đồng tiền cạnh tranh phải có biện pháp ứng phó. Đặc biệt, Mỹ luôn lo ngại vị thế độc tôn của đồng USD sẽ bị lung lay. Từ trước tới nay, giá trị đối ngoại của đồng Nhân dân tệ được PBoC tính chủ yếu dựa theo giá trị USD. Tuy nhiên, theo quyết định của PBoC, kể từ ngày 11-12-2015, tỷ giá có tính tham chiếu về thương mại và giao dịch tiền tệ sẽ được tính theo phương thức TWI (“trade-weighted index” - tức dựa trên việc tính toán tương quan đồng Nhân dân tệ với một rổ 13 đồng tiền của các nước đối tác thương mại quan trọng). Đây được cho là một quyết định mang tính bước ngoặt bởi trên thực tế từ đầu năm 2015, đồng Nhân dân tệ đã giảm giá khá mạnh so với đồng USD, nhưng lại tăng giá tương đối so với các đồng ngoại tệ khác. Cách tính đồng Nhân dân tệ dựa trên một rổ ngoại tệ sẽ giúp đồng tiền này dần giảm giá so với đồng USD, trong khi Trung Quốc không bị cáo buộc là chủ đích can thiệp để phá giá. Bước đi này của Trung Quốc được đánh giá là tạo ra thách thức lớn đối với Mỹ, đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 16-12-2015 vừa qua.
Việc gia nhập SDR đã xác lập mục tiêu với tiêu chuẩn cao và rõ ràng hơn cho việc thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, cái gọi là “đồng Nhân dân tệ vào SDR sẽ trở thành đồng tiền quốc tế mạnh” vẫn cần phải kiểm nghiệm qua thực tế mà thước đo chính xác nhất vẫn là sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Đồng Nhân dân tệ sẽ được sử dụng rộng rãi trên thế giới, song còn phải vượt qua một chặng đường dài ở phía trước./.
Đoàn kết - Tinh thần thông điệp đầu năm của các nhà lãnh đạo thế giới  (01/01/2016)
Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá lên - xuống hàng ngày  (01/01/2016)
Cảng Hải Phòng ra quân đầu năm 2016, đón mã hàng đầu tiên  (01/01/2016)
Chủ tịch nước khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng  (01/01/2016)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội  (01/01/2016)
Thế giới chào đón Năm mới 2016 trong tình trạng an ninh siết chặt  (01/01/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên