Hồ sơ Iran: khép lại nhưng còn những tranh cãi
TCCSĐT - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), ngày 15-12-2015, đã thông qua nghị quyết chấm dứt cuộc điều tra kéo dài 1 thập niên về những “khía cạnh quân sự” trong chương trình hạt nhân của Iran. Động thái này được cho là sẽ mở đường cho việc thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được hồi tháng 7 vừa qua giữa Iran và Nhóm P5+1.
Quyết định trên được Hội đồng điều hành IAEA đưa ra sau khi thông qua bản báo cáo đánh giá cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran được công bố hồi đầu tháng 12, trong đó xác nhận không tìm thấy bằng chứng về việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân sau năm 2009.
“Thỏa thuận hạt nhân lịch sử”
Hồi trung tuần tháng 7-2015, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt được một thỏa thuận toàn diện, chấm dứt 13 năm tranh cãi về chương trình hạt nhân của Tehran - một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ quốc tế đương đại.
Với rất nhiều lần “nâng lên, hạ xuống” giữa hai bên nhằm đi đến thỏa thuận được cho là nhằm chấm dứt chương trình làm giàu urani của Iran vốn gây tranh cãi bấy lâu nay của cộng đồng quốc tế. Kết quả là, hai bên cũng đã đạt được thỏa thuận khi mỗi bên đều phải chịu “lùi” một bước trước những yêu cầu trước đó của mình. Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Tehran. Đổi lại, các nước P5+1 chấp thuận cho phép Iran làm giàu urani ở mức độ giới hạn và sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt Iran áp dụng từ năm 2006 trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, tài chính và năng lượng.
Như vậy, lượng urani làm giàu của Iran sẽ giảm 96% xuống chỉ còn 300kg (3,67%), dưới mức có thể dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử. Theo đó, lộ trình của bản thỏa thuận được các bên nhất trí, bao gồm: Iran sẽ giảm 2/3 số máy ly tâm làm giàu urani trong 10 năm. Nhà máy hạt nhân ở Arak cũng chỉ được sử dụng vào mục đích hòa bình. Mọi nhiên liệu hạt nhân phải được đưa ra khỏi Iran trong khi nhà máy này còn hoạt động. Iran sẽ cho phép việc mở rộng thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là các cơ sở quân sự. Mặc dù Iran có quyền từ chối yêu cầu tiếp cận những khu vực trên của các thanh sát viên, song một ủy ban quốc tế có thể phủ quyết mọi sự phản đối của Iran qua bỏ phiếu. Các thanh sát viên sẽ chỉ tới từ các nước có quan hệ ngoại giao với Iran, do đó sẽ không có quan sát viên từ Mỹ. Lệnh trừng phạt có thể khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã được thống nhất với Nhóm P5+1. Lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc tiếp tục duy trì trong 5 năm và lệnh cấm Iran mua công nghệ đạn đạo sẽ duy trì trong 8 năm nữa.
Sau khi Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận lịch sử trên, ngày 23-11, Tổng thống Nga V. Putin đã ký ban hành sắc lệnh tháo gỡ những hạn chế trong hợp tác Nga - Iran phù hợp với Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân của quốc gia này. Theo sắc lệnh, tất cả những lệnh cấm và hạn chế từ nay không được áp dụng cho xuất khẩu, bán và chuyển giao nguyên liệu, trang thiết bị, hàng hóa và công nghệ, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, dịch vụ môi giới, đào tạo chuyên ngành và đầu tư của Iran. Lệnh cấm cũng được bãi bỏ đối với việc Iran xuất khẩu uraini làm giàu hiện còn hơn 300kg ở nước này để đổi lấy urani thiên nhiên, cũng như không áp dụng cho việc cải tạo lò phản ứng ở Arak.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini cho biết ngày 18-10, EU cũng đã thông qua khuôn khổ pháp lý cho việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran mặc dù quyết định này sẽ chỉ có hiệu lực sau khi Tehran thực thi các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân vừa qua. Trong tuyên bố chung với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, bà F.Mogherini nhận định đây là bước đi quan trọng đưa các bên liên quan đến gần hơn tới việc bắt đầu thực thi thỏa thuận này. Quyết định của EU được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ B. Obama ký sắc lệnh hành chính, theo đó, nước này có thể bắt đầu miễn áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với Iran, đánh dấu mốc trong quan hệ giữa Iran với Mỹ.
Tuy nhiên, đầu tháng 12-2015, IAEA công bố báo cáo cho thấy, đến nay, Iran mới dỡ bỏ khoảng 4.500 máy ly tâm, đồng nghĩa với việc nước này vẫn phải giảm thêm 10.000 máy nữa. Báo cáo của IAEA cũng chỉ ra rằng, chưa thấy có sự thay đổi nào được thực hiện tại Nhà máy Arak, trong khi kho dự trữ urani đã làm giàu của Iran thậm chí còn tăng nhẹ. Trước báo cáo trên, Thứ trưởng Ngoại giao Iran A. Araghchi đưa ra lời giải thích rằng, số urani này đã được thỏa thuận bán cho Nga để đổi lấy urani thiên nhiên. Nửa tháng trước đó, ngày 24-11, ông Abbas Araghchi cũng đã chuyển thông điệp về việc Iran mong muốn thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được hôm 14-7 giữa Tehran với Nhóm P5+1 sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 01-2016 - thời điểm Iran bắt đầu thực hiện các cam kết về chương trình hạt nhân của mình. Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Vienna (Áo) sau cuộc gặp lãnh đạo IAEA, ông A. Araghchi đã nhấn mạnh mong muốn này của Iran.
“Thành công lớn” của quốc gia Hồi giáo
Phát biểu tại Vienna (Áo), Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết, nghị quyết chấm dứt cuộc điều tra về chương trình hạt nhân của Iran được thông qua sau khi IAEA không tìm thấy bằng chứng nào về việc phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran sau năm 2009. Kết luận này là kết quả của công bố báo cáo mới nhất ngày 03-12 đánh giá về chương trình hạt nhân của Iran. Theo báo cáo của IAEA, Iran có hoạt động chế tạo một thiết bị nổ hạt nhân từ trước cuối năm 2003 và một phần hoạt động được tiếp tục sau năm 2003, tuy nhiên các thanh sát viên cho rằng, hoạt động này không vượt ra khỏi khuôn khổ nghiên cứu khoa học - công nghệ và luận chứng về tính khả thi, cũng như đạt được các năng lực kỹ thuật liên quan nhất định. Báo cáo nhấn mạnh: “IAEA không tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy về việc các vật liệu hạt nhân đã được chuyển sang sử dụng cho các mục tiêu quân sự trong khuôn khổ của chương trình hạt nhân”. Tuy nhiên, theo ông Y. Amano, kết luận trên không có nghĩa là các cuộc điều tra liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran sẽ kết thúc và IAEA sẽ tiếp tục làm các công việc xác minh về chương trình này trong thời gian tới.
Cũng liên quan đến báo cáo của IAEA, Mỹ, ngày 02-12, tuyên bố sẵn sàng thực hiện bước tiếp theo thực hiện thỏa thuận hạt nhân với Iran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố, Iran đã hợp tác thỏa đáng với các thanh sát viên IAEA. IAEA đã có thể kiểm tra chương trình hạt nhân của Iran; xác nhận Iran đã thực hiện các cam kết của mình và đáp ứng các yêu cầu của IAEA theo lộ trình nhằm làm sáng tỏ chương trình hạt nhân của nước này.
Trước quyết định khép lại câu chuyện điều tra về chương trình hạt nhân của Iran trong suốt hơn một thập niên qua của IAEA, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, việc IAEA thông qua nghị quyết chấm dứt các cuộc điều tra kéo dài hơn một thập niên qua về các hoạt động hạt nhân tại nước này là “thành công lớn” đối với quốc gia Hồi giáo. Trong bài phát biểu truyền hình trực tiếp trên kênh quốc gia, ông H. Rouhani khẳng định: “Nghị quyết của IAEA không chỉ là thành công về mặt kỹ thuật và pháp lý, mà còn là thành công về chính trị và đạo đức”. Theo ông H. Rouhani, Hội đồng điều hành IAEA đã thông qua dự thảo nghị quyết trên sau bản báo cáo đánh giá cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran được công bố hồi đầu tháng 12, trong đó xác nhận không tìm thấy bằng chứng về việc Tehran phát triển vũ khí hạt nhân sau năm 2009. Động thái này được cho là sẽ mở đường cho việc thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử (hay còn gọi là JCPOA) giữa Iran và Nhóm P5+1.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng đã hoan nghênh việc IAEA thông qua nghị quyết nêu trên. Ông J. Zarif cho biết, Iran đã sẵn sàng thực thi thỏa thuận với Nhóm P5+1. Trong khi đó, phái viên của Iran tại IAEA Reza Najafi cho biết, nước này sẽ thực thi việc hạn chế các hoạt động hạt nhân của Tehran theo thỏa thuận trên trong vòng từ 2 - 3 tuần tới.
Bình luận về báo cáo của IAEA, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuyên bố IAEA xác nhận Iran hợp tác đầy đủ theo “lộ trình” ngày 14-7 và điều này cho phép IAEA kết luận không có “khía cạnh quân sự” trong chương trình hạt nhân của Iran. Hơn nữa, trong quá trình kiểm tra, các thanh sát viên IAEA cũng loại bỏ các nghi ngờ rằng, tại cơ sở ở Marivan dường như có tiến hành các vụ nổ thử nghiệm. Trả lời báo chí về những nghi ngờ của IAEA về việc Nhà máy ở Parchin đã được sử dụng cho các thử nghiệm quân sự qua bằng chứng là các bức ảnh chụp từ vệ tinh của IAEA năm 2000, ông A. Araqchi nhấn mạnh Iran đã cung cấp cho IAEA những bức ảnh đáng tin cậy hơn bác bỏ các cáo buộc đó, ngoài ra chính Tổng Giám đốc IAEA cũng đã thăm cơ sở này và không thấy bằng chứng nào. Ông A. Araqchi cũng nêu rõ báo cáo chứng tỏ chương trình hạt nhân của Iran phục vụ mục đích hòa bình và như vậy khép lại vấn đề chương trình hạt nhân của Iran.
Vẫn còn những quan ngại
Mặc dù quyết định chấm dứt cuộc điều tra về chương trình hạt nhân gây tranh cãi bấy lâu nay của Iran chưa ráo mực, thì một báo cáo của Liên hợp quốc đưa ra cùng ngày 15-12 về việc Iran thử tên lửa tầm trung Emad hồi tháng 10 vừa qua, lại làm dấy lên quan ngại của các nước.
Theo Liên hợp quốc, việc Iran thử tên lửa này là vi phạm Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua ngày 09-6-2010. Theo đó, Tehran bị cấm tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân và Nghị quyết này vẫn còn hiệu lực đến khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 được thực thi. Ngoài ra, chỉ ít ngày sau khi các bên đạt được thỏa thuận lịch sử này, Liên hợp quốc cũng đã thông qua Nghị quyết 2231 quy định Tehran không được có bất kỳ hoạt động nào liên quan tới lĩnh vực tên lửa đạn đạo trong vòng 8 năm. Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, việc phóng tên lửa Emad có tầm bắn trên 1.000 km có khả năng mang tối thiểu 1.000 kg chất nổ là sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và một quả tên lửa có thể mang theo đầu đạn nặng ít nhất 500 kg và có tầm bắn tối thiểu 300 km được coi là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Phản ứng trước cáo buộc trên, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan khẳng định, tên lửa tầm xa Emad hoàn toàn là “vũ khí thông thường”, và Tehran sẽ không chấp nhận bất kỳ hạn chế nào đối với chương trình tên lửa này. Theo ông H. Dehghan, mục tiêu của chương trình trên là muốn gửi tới thế giới thông điệp rằng, hành động của Iran là phù hợp với lợi ích quốc gia và sẽ không chấp nhận hạn chế trong lĩnh vực tên lửa.
Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Hội đồng Bảo an đang cân nhắc khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran, có thể vào tháng 01-2016, nếu IAEA xác nhận nước này đã thực hiện các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân. Do vậy, ngay sau vụ phóng thử tên lửa tiếp tục gây tranh cãi về Iran, nhiều nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Tổng thống B. Obama không dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran vì cho rằng, vụ phóng thể hiện Iran “không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế”. 36 trên tổng số 54 thượng nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell, đã ký một bức thư kêu gọi ông B. Obama không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran. Bức thư nhấn mạnh, các vụ thử tên lửa nhằm tăng khả năng của Tehran tấn công Israel và quân đội Mỹ trong khu vực. Chính vì vậy, các thượng nghị sĩ cho rằng, “sẽ là sai lầm nếu giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của Iran tách biệt với chương trình hạt nhân”. Vậy là vấn đề Iran vẫn tiếp tục “nóng” trên diễn đàn quốc tế./.
Thu hẹp khoảng cách phát triển - Ưu tiên hàng đầu của ASEAN  (18/12/2015)
Việt Nam kêu gọi đảm bảo an ninh, quyền con người tại Burundi  (18/12/2015)
Nga và các hồ sơ nóng  (18/12/2015)
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam  (18/12/2015)
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tiếp Tư lệnh Phòng không - Không quân Cuba  (18/12/2015)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay