Nga và các hồ sơ nóng
TCCSĐT - Các quyết định và tuyên bố gần đây của Tổng thống Nga V. Pu-tin được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính chất quan trọng của nó trong việc giải quyết các hồ sơ nóng của thế giới hiện nay, buộc phương Tây dù muốn hay không cũng phải thừa nhận vai trò không thể thiếu của Mát-xcơ-va.
Nga - Mỹ với hồ sơ Xy-ri
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-11-2015, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã trao đổi với Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ S. Rai-xơ, để đi đến nhất trí cần phải có một “sự chuyển giao chính trị do người Xy-ri làm chủ và dẫn dắt, theo sau các cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian giữa chính phủ và phe đối lập Xy-ri, cùng một thỏa thuận ngừng bắn”. Ngoài ra, ông V. Pu-tin cũng đối thoại với Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-run, người kêu gọi ông V. Pu-tin tập trung vào các mục tiêu chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), với tuyên bố Anh sẵn sàng thỏa hiệp về một thỏa thuận hòa bình chung và một giai đoạn chuyển giao ở Xy-ri.
Cả Mỹ và Anh đã buộc phải chấp nhận Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-sát có thể tiếp tục nắm quyền trong khoảng thời gian 18 tháng diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc giám sát, như Tổng thống Nga V. Pu-tin đề xuất cho dù mới gần đây, các nhà lãnh đạo Ảrập và phương Tây vẫn khăng khăng yêu cầu ông An Át-sát phải ra đi. Thậm chí, Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-run còn cam kết các lợi ích chiến lược của Nga ở Xy-ri - bao gồm các căn cứ hải quân và không quân của nước này ở Địa Trung Hải - sẽ được công nhận hoàn toàn và được bảo vệ. Điều này khác hẳn với những gì diễn ra tại Hội nghị G20 ở Brít-xben một năm trước đó, khi mà Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma còn cảnh báo ông V. Pu-tin sẽ bị cô lập trên toàn thế giới, còn Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-run nói ông không tin nhà lãnh đạo Nga.
Không chỉ có vậy, trong chuyến thăm vùng Vịnh, Ngoại trưởng Mỹ G. Ke-ry cho biết, Oa-sinh-tơn có thể hợp tác với Nga tại Xy-ri khi có “bối cảnh thích hợp” và “triển vọng mang tính xây dựng”. Những tuyên bố này cho thấy, phương Tây không thể quay lưng lại với nước Nga đang tái khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, sự bất đồng giữa Nga và phương Tây về hồ sơ Xy-ri không dễ dàng được hóa giải, bằng chứng là ngày 30-11-2015, tức là chỉ hai tuần sau Hội nghị G20 diễn ra, trong cuộc gặp với ông V. Pu-tin bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21), Tổng thống B. Ô-ba-ma vẫn tiếp tục gây sức ép đối với quan điểm của Nga khi cho rằng, Tổng thống Xy-ri An Át-sát cần phải từ bỏ quyền lực như một phần của quá trình chuyển tiếp chính trị, cùng với đó là việc cần có một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng U-crai-na và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể được rút lại nếu Mát-xcơ-va tuân thủ thỏa thuận Min-xkhơ.
Nga - I-ran với liên minh chống IS
Chuyến công du một ngày của Tổng thống Nga V. Pu-tin tới I-ran ngày 23-11-2015 với món quà mà ông V. Pu-tin mang đến I-ran là việc ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp các thiết bị làm giàu urani cho I-ran. Việc dỡ bỏ lệnh cấm này “có liên quan đến việc Nga nhập khẩu urani đã được làm giàu từ Iran”.
Nga và I-ran là hai đồng minh chủ chốt của Tổng thống Xy-ri An Át-sát kể từ khi làn sóng nổi dậy chống chính quyền bùng phát tại Xy-ri năm 2011 trước khi nó nhanh chóng trở thành nội chiến.
Nga đã có một quyết định quan trọng liên quan đến cuộc chiến chống IS tại Xy-ri khi ngày 30-9 vừa qua, Nga đã phát động chiến dịch không kích chống IS ở nước này. Dưới sự yểm trợ của các cuộc không kích của Nga, các lực lượng ủng hộ Tổng thống An Át-sát đã tiêu diệt được nhiều mục tiêu IS và liên tiếp giành lại các phần lãnh thổ bị chiếm đóng. Tiếp đó, sau vụ máy bay Nga bị IS đánh bom và rơi tại bán đảo Xi-ne (Ai Cập) hôm 31-10, làm 224 người thiệt mạng, Tổng thống V. Pu-tin tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc không kích cho tới khi nào tiêu diệt hết những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ đánh bom máy bay trên. Về phía I-ran, chính quyền Tê-hê-ran hiện là nguồn cung cấp cho đồng minh Đa-ma-cút các viện trợ về quân sự và tài chính, trong đó có việc cử cố vấn quân sự thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng I-ran sang Xy-ri.
Vì lẽ đó mà trong chuyến thăm, Tổng thống V. Pu-tin và Thủ lĩnh tinh thần tối cao I-ran Ali Kha-mơ-nây và Tổng thống H. Ru-ha-ni đã đề cập đến kế hoạch quốc tế về hòa bình cho Xy-ri, theo đó đặt hạn chót ngày 01-01-2016 tới đây sẽ bắt đầu cuộc đối thoại giữa Tổng thống Xy-ri An Át-sát với các phe phái đối lập. Đây là một kết quả ngoại giao mà hơn một năm qua, liên minh phương Tây đã không thể đạt được dù đã tốn kém công sức bằng cả sức ép chính trị, ngoại giao và quân sự.
Việc khởi động can thiệp quân sự vào Xy-ri từ ngày 30-9 và chuyến thăm của ông V. Pu-tin tới I-ran với nội dung chính là bàn về giải pháp cho vấn đề Xy-ri đã thể hiện ưu tiên của Mát-xcơ-va trong triển khai chính sách đối ngoại tại khu vực này. Các động thái này của Nga cũng phá vỡ sự cô lập mà Mỹ và NATO tạo ra sau vụ Nga sáp nhập Crưm, khiến phương Tây buộc phải cư xử với Nga như một nhân tố không thể thiếu để tìm lối thoát cho các điểm nóng Trung Đông, trong đó có cuộc chiến chống IS.
Có thể thấy, một liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu được thành lập từ cách đây một năm nhưng chưa thu được kết quả mong muốn. Một liên minh Nga, Xy-ri, I-ran và I-rắc đang chứng tỏ được hiệu quả đối với các vấn đề khu vực, khiến cho cục diện cuộc chiến IS đang thay đổi một cách cơ bản, theo đó thế giới chỉ có thể chống IS hiệu quả nếu liên kết lại với nhau.
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ lỡ nhịp hòa giải
Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay quân sự SU-24 của Nga ngày 24-11. Tổng thống V. Pu-tin đã dùng những ngôn từ gay gắt chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo sự việc này có thể sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước. Việc giải tỏa căng thẳng giữa Mát-xcơ-va và An-ka-ra có nguy cơ rơi vào bế tắc khi hai bên chưa tìm được những lời lẽ “giải tỏa”.
Trong cuộc họp Nội các ngày 26-11, Thủ tướng Nga Đ. Mét-vê-đép đã yêu cầu các quan chức chính phủ thiết lập danh sách các biện pháp trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cắt đứt mọi liên kết kinh tế và đóng băng các dự án đầu tư giữa hai bên. Đặc biệt, trong số đó có một hợp đồng dự án trị giá nhiều tỷ USD nhằm xây dựng một đường ống dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ mà Tổng thống Nga V. Pu-tin từng khẳng định là con đường tốt nhất để xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu và dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, các hạn chế về thuế, hải quan, giao dịch tài chính, du lịch và giao thông vận tải cũng được đưa vào diện xem xét áp dụng nhằm trả đũa An-ka-ra. Mát-xcơ-va cũng tuyên bố năm giao lưu văn hóa đặc biệt Nga - Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra vào năm 2016 sẽ bị hủy bỏ, cảnh báo công dân không nên du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết các công ty lữ hành lớn của Nga đã ngừng bán tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là một trong những điểm đến phổ biến nhất đối với tầng lớp trung lưu Nga trước đây.
Lo ngại trước hệ lụy từ đòn trừng phạt kinh tế của Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Ét-đô-gan cho rằng, cả An-ka-ra và Mát-xcơ-va đều không nên để căng thẳng leo thang, tránh dẫn tới những kết cục không mong muốn, và đề xuất một cuộc gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Nga V. Pu-tin bên lề Hội nghị COP 21 ở Pa-ri (Pháp) với hy vọng đây sẽ cơ hội để hai nước giải quyết những bất đồng. Trước đó, theo tin từ điện Krem-lin, ông V. Pu-tin từng hai lần từ chối trả lời điện thoại từ ông T. Ét-đô-gan và sẽ tiếp tục giữ thái độ này cho đến khi nhận được lời xin lỗi từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 30-11, cơ hội mà ông T. Ét-đô-gan mong muốn đã lỡ nhịp. Tổng thống V. Pu-tin đã từ chối hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T. Ét-đô-gan bên lề Hội nghị COP 21. Người phát ngôn Điện Krem-lin Đ. Pê-xcốp nêu rõ, Tổng thống V. Pu-tin “không có kế hoạch tham dự một cuộc gặp hay trao đổi cấp nguyên thủ nào với Tổng thống T. Ét-đô-gan” tại COP 21. Tuy nhiên, trong Thông điệp Liên bang 2015 công bố ngày 03-12, Tổng thống V. Pu-tin khẳng định, Nga sẽ có những phản ứng thích hợp, song sẽ không đe dọa bằng sức mạnh.
Dường như thay vì bị phương Tây cô lập, ông V. Pu-tin đã trở thành người nắm thế chủ động, dẫn dắt trong cục diện chính trị ở Trung Đông. Các nhà lãnh đạo phương Tây buộc phải thừa nhận vị thế chính trị của Nga trong một giải pháp hiệu quả cho hồ sơ Xy-ri và các điểm nóng Trung Đông. Dễ hiểu là tại sao ở trong nước Nga, dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn từ cấm vận của phương Tây, tỷ lệ ủng hộ của người dân dành cho ông V. Pu-tin vẫn ở mức cao kỷ lục mới, gần 90%. Còn năm 2015 cũng là năm thứ ba liên tiếp Tổng thống Nga V. Pu-tin được Tạp chí danh tiếng Forbes chọn là người quyền lực nhất thế giới với nhận định “ông là một trong số ít người trên thế giới có đủ quyền lực để làm những điều ông muốn”./.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam  (18/12/2015)
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tiếp Tư lệnh Phòng không - Không quân Cuba  (18/12/2015)
Phó Thủ tướng tiếp Phó Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây  (17/12/2015)
Trao quyết định bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao  (17/12/2015)
Tiểu ban tuyên truyền Hội đồng Bầu cử quốc gia họp lần đầu  (17/12/2015)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay