Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: 40 năm xây dựng và phát triển
TCCSĐT - Ngày 02-12-1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập. Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nhân dân các bộ tộc Lào đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại, giành được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Những kết quả nổi bật của 40 năm xây dựng và phát triển
Thứ nhất, kinh tế tăng trưởng khá ổn định. Sau khi giải phóng hoàn toàn đất nước, Đảng Nhân dân cách mạng Lào (1) đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm khóa II (tháng 02-1978) Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhấn mạnh: “… Ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng; đồng thời tranh thủ viện trợ quốc tế, nhằm đáp ứng những yêu cầu cần thiết của nhà nước và nhân dân, làm cho tình hình kinh tế tài chính và đời sống nhân dân ổn định…” (2). Thực hiện chủ trương đó, nhân dân các bộ tộc Lào đã phát huy tinh thần trách nhiệm, khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có vào phát triển sản xuất, từng bước vượt qua những khó khăn do chiến tranh để lại.
Với quyết tâm đưa đất nước phát triển nhanh hơn nữa, dần hội nhập với dòng chảy chung của khu vực và thế giới, Đại hội IV (năm 1986) của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đi đến một quyết định lịch sử là tiến hành đổi mới đất nước một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống, mà trước hết là điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Nghị quyết Đại hội chỉ rõ: “… Từng bước tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng thành công cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội…”(3). Trên cơ sở của đường lối đổi mới, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ một nước kém phát triển, đã từng bước xây dựng nền kinh tế ngày càng phát triển, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tổng kết 20 năm đổi mới, Nghị quyết Đại hội VIII (năm 2006) của Đảng Nhân dân cách mạng Lào chỉ rõ: Trong 20 năm qua, Lào đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,2%/năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người tăng hơn 2 lần, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao rõ rệt. Những năm tiếp theo, với chủ trương phát triển nông - lâm nghiệp gắn chặt với công nghiệp, dịch vụ một cách mạnh mẽ và có trọng điểm, kinh tế Lào luôn đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2007, tăng trưởng GDP của Lào đạt 8%, năm 2008: 7,9%, năm 2009: 7,6% (4), năm 2010: 7,7% (5). Trong năm tài khóa 2011 - 2012, GDP của Lào tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (6). Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.700 USD. Chính phủ Lào xác định mục tiêu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển vào năm 2020, với GDP bình quân đầu người tăng khoảng 7,5% - 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.700 - 1.800 USD (7), tạo tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều chính sách đã được triển khai tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế, trong đó nổi bật là các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng các đặc khu kinh tế, thúc đẩy toàn diện 6 chiến lược phát triển giao dịch thương mại, bao gồm: ngoại thương, sản xuất và quản lý xuất - nhập khẩu; dịch vụ thương mại quá cảnh; phát triển thị trường và quản lý hàng hóa; phát triển nguồn nhân lực và quản lý hành chính; tăng cường hợp tác kinh tế khu vực; tích cực phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện là một trong những động lực chính đối với nền kinh tế Lào. Kể từ khi thông qua Luật Đầu tư nước ngoài năm 1988 đến nay, Lào đã thu hút được trên 22 tỷ USD với hơn 4.500 dự án của các nhà đầu tư đến từ 54 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, khoáng sản vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất với giá trị lên đến 5,7 tỷ USD, tiếp đến là điện lực (5,1 tỷ USD), nông nghiệp (2,7 tỷ USD) và dịch vụ (2,3 tỷ USD)...(8) Đặc biệt, việc chính thức trở thành thành viên thứ 158 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày 02-02-2013 sau 15 năm đàm phán đem đến cho Lào nhiều cơ hội để thu hút đầu tư quốc tế và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Tính đến tháng 6-2015, Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của Lào với 259 dự án được cấp phép và tổng số vốn đăng ký là 3,9 tỷ USD. Lào cũng là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 (9). Dự kiến, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào sẽ tăng lên 7 tỷ USD trong năm 2015 (10).
Thứ hai, các hoạt động văn hóa - xã hội được triển khai hiệu quả, tạo sự hài hòa trong phát triển. Với chủ trương coi giáo dục là điểm mấu chốt trong việc xây dựng xã hội Lào văn minh hiện đại, ngành giáo dục Lào đã có những bước tiến đáng kể. Hằng năm, hệ thống giáo dục của Lào đã đào tạo ra một số lượng lớn cán bộ có chuyên môn phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngoài việc tự đào tạo, Lào còn gửi hàng nghìn học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập. Riêng với Việt Nam, hợp tác giáo dục - đào tạo phát triển nguồn nhân lực được ưu tiên và mở rộng với nhiều hình thức, được thực hiện từ Trung ương tới các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.
Nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm sự hài hòa và bền vững xứng tầm với sự phát triển kinh tế, việc chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, xây dựng môi trường, không gian văn hóa mang đậm tính dân tộc trên cơ sở tiếp nhận những tinh hoa của các nền văn hóa thế giới, luôn được Đảng và Nhà nước Lào chú trọng. Hằng năm, Lào tập trung xây dựng, nâng cấp các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, tiến hành cải tạo, nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến dưới... Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa - xã hội, thể dục, thể thao, xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan cũng được đẩy mạnh, góp phần xây dựng một môi trường sống hài hòa, lành mạnh.
Thứ ba, hoạt động đối ngoại ngày càng được mở rộng, nâng cao vị thế của Lào trên trường quốc tế và khu vực. Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác, phát triển quan hệ hợp tác đa dạng, đa phương hóa, đa hình thức trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi; tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó tiếp tục bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống của mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện với Việt Nam, phát huy mối quan hệ truyền thống với Trung Quốc trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và lâu dài, thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các nước láng giềng có chung đường biên giới, tích cực tham gia vào các hoạt động của ASEAN vì lợi ích chung, phát triển quan hệ với các nước trên thế giới,... Lào đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều nước trên thế giới, tranh thủ được vốn, kỹ thuật vào phát triển đất nước, từ đó tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội, phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Những thành tựu về đối ngoại không chỉ giúp cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, cũng như trong hoạt động thực tiễn, mà còn góp phần tích cực vào các công việc quốc tế và khu vực của Lào. Nhiều hội nghị quốc tế đã được tổ chức thành công tại Lào, như: Hội nghị Bộ trưởng khu vực sông Mê Công - sông Hằng về hợp tác du lịch, Hội nghị bàn tròn về tài trợ cho nước Lào lần thứ 7, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Liên minh châu Âu, Hội nghị cấp cao ASEAN-10, Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9), Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECS)... Ngoài ra, Lào còn tham gia tích cực vào các tổ chức hợp tác khu vực như: ASEAN, Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLVDT),... Hiện nay, Lào đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 138 nước, đặt đại sứ quán ở 26 nước, 08 tổng lãnh sự quán, hai cơ quan đại diện ở Niu Oóc (Mỹ), Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) và có quan hệ với 124 chính đảng ở các nước; là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế.
Thứ tư, quốc phòng - an ninh không ngừng được tăng cường, củng cố và phát triển về mọi mặt. Sau khi đất nước được giải phóng, Đảng Nhân dân cách mạng và Nhà nước Lào luôn chú trọng chăm lo, củng cố, xây dựng và phát triển khả năng quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, sẵn sàng ứng phó và đập tan các cuộc bạo loạn, gây rối của các lực lượng phản động, đánh trả các hành động vũ trang khiêu khích,...giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Quán triệt đường lối lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, Quân đội nhân dân Lào được tăng cường xây dựng, củng cố về mọi mặt, không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn là đội quân công tác, sản xuất giỏi.
Đi đôi với việc xây dựng lực lượng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, Đảng, Nhà nước Lào đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng an ninh nhân dân trong tình hình mới. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào (năm 1981), công tác xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng nhân dân, xây dựng mạng lưới an ninh cơ sở được triển khai đều khắp. Được sự giúp đỡ của quần chúng, lực lượng vũ trang an ninh nhân dân phối hợp với chính quyền đoàn thể các cấp đã lần lượt phát hiện, truy quét nhiều cơ sở phản động ngầm, kịp thời phát hiện và đập tan các âm mưu gây bạo loạn của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh cho các hội nghị quốc gia, quốc tế tổ chức ở Lào.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại. Cũng như Việt Nam, điểm xuất phát của Lào khi bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là rất thấp. Thực tế cho thấy, quy mô sản xuất của Lào còn nhỏ bé; thu nhập và tiêu dùng của người dân chưa đủ để tạo sức bật mới đối với sản xuất và phát triển thị trường; hệ thống tài chính, tiền tệ còn yếu kém, bất cập; kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội chưa đáp ứng như cầu phát triển. Trình độ khoa học - công nghệ nhìn chung còn lạc hậu khá xa so với các nước trong khu vực. Khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của các doanh nghiệp Lào còn thấp so với yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới... Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến mọi quốc gia trên thế giới như hiện nay, những khó khăn của Lào càng nhân lên gấp bội.
Một số bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn 40 năm xây dựng và phát triển nước Cộng hòa Dan chủ Nhân dân Lào, có thể rút ra một số bài học sau:
Một là, tăng cường sự đoàn kết và thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân là nhân tố cơ bản để bảo đảm ổn định về chính trị; giữ vững trật tự và ổn định xã hội là điều kiện cơ bản để thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng, bảo vệ đất nước) và hội nhập quốc tế.
Hai là, nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp quán triệt đường lối, phương hướng và nhiệm vụ chung của Đảng, cũng như cụ thể hóa những chủ trương, đường lối bằng việc lập kế hoạch, dự án cụ thể phù hợp với đặc điểm và thế mạnh từng nơi, từng địa phương; đồng thời, phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế và truyền thống của nhân dân trong việc tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Ba là, sự lãnh đạo thống nhất và sự chỉ đạo thiết thực đối với các cấp ủy Đảng và các ban, ngành trong cả nước cùng với việc quan tâm đào tạo, nâng cao kiến thức và năng lực của đội ngũ cán bộ; kiểm tra, động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, coi đó là nhân tố bảo đảm việc thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng.
Bốn là, kiên trì trước sau như một đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác đồng thời với việc củng cố nội bộ, tích cực thực hiện những nghĩa vụ và cam kết với quốc tế để tranh thủ sự tin cậy của bạn bè quốc tế. Đây là điều kiện cần thiết để thu hút sự đồng tình ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Năm là, kết hợp hài hòa công tác an ninh - quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ hợp tác quốc tế; kết hợp việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân với việc xây dựng thế trận an ninh - quốc phòng toàn dân ở các cơ sở ngày càng vững mạnh.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa đan xen những khó khăn, thách thức, việc Lào mở rộng quan hệ đối ngoại theo phương châm “Lào muốn làm bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, sẽ mang lại những cơ hội để Lào phát huy lợi thế của mình, vượt qua thách thức, đạt được nhiều thành tựu lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế./.
-------------------------------------------
(1) Đảng Nhân dân cách mạng Lào được thành lập vào ngày 22-3-1955, khi đó có tên là Đảng Nhân dân Lào. Năm 1972, Đảng Nhân dân Lào đổi tên thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào
(2), (3) Ban Chỉ đạo nghiên cứu lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 204 và 228
(4), (7) Lê Văn Phong: “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Thành tựu 35 năm xây dựng và phát triển”, Tạp chí Cộng sản, số 818, tháng 12-2010, tr 88
(5) Xem: http://vietstock.vn/PrintView.aspx?ArticleID=178739
(6), (10) Xem: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/chong-dien-bien-hoa-binh/38-nam-xay-dung-va-truong-thanh-cua-nuoc-chdcnd-lao-anh-em/275753.html
(8) Hạnh Vũ: “Kinh tế Lào tăng trưởng ổn định”, Nhân dân Điện tử, ngày 21-3-2015
(9) Xem: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-la-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-lon-thu-3-tai-thi-truong-lao/343196.vnp
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 23-11 đến ngày 29-11-2015)  (01/12/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ khai mạc hội nghị COP 21  (30/11/2015)
Chủ tịch nước trao thư khen cho 18 tổ chức, cá nhân tích cực thực hiện “Ngân hàng bò”  (30/11/2015)
Đổi mới hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội  (30/11/2015)
Hội nghị COP 21 - “Ràng buộc, toàn cầu và tham vọng”  (30/11/2015)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay