Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và các giải pháp phát triển năm 2016
Kinh tế-xã hội ổn định, tăng trưởng
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 trình Quốc hội. Việt Nam đã ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những biến động kinh tế, chính trị khó lường trong năm 2015 và đạt được những kết quả đáng khích lệ về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp đã khắc phục khó khăn về thiên tai, thị trường, phát triển tương đối ổn định. Tổng cầu và sức mua được tăng lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao... Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao được quan tâm, đặc biệt là thông tin tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02-9, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước... An sinh xã hội được bảo đảm; phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%... Việt Nam đã chủ động thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Các hiệp định thương mại tự do được ký kết đã mở ra cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: Trong khó khăn, chúng ta đã vững vàng vượt qua, rút ra nhiều bài học quý giá về sự điều hành, quản lý kinh tế-xã hội, giữ vững chủ quyền, trật tự an toàn xã hội, tạo ra một môi trường xã hội đoàn kết để xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Bằng những giải pháp linh hoạt và phù hợp, vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, ở mức 6,5%, đảm bảo thu ngân sách, đây là một thành công lớn.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cũng phân tích những mặt còn hạn chế, yếu kém. Kinh tế vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn đang là vấn đề xã hội bức xúc; chất lượng nguồn nhân lực thấp...
Điều chỉnh kịp thời các chính sách để hội nhập thành công
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, điều chỉnh kịp thời các chính sách, giải pháp để chủ động hội nhập có hiệu quả khi đàm phán xong các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho rằng đây là một trong những giải pháp cần chú trọng trong năm 2016.
Để hội nhập TPP thành công, cần có thể chế và con người hội nhập. Cụ thể, phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật hơn nữa và sự đồng lòng từ trên xuống dưới. Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đề nghị trong nhóm các giải pháp đã nêu, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận thông tin đầy đủ về Hiệp định; chuẩn bị các điều kiện và cơ chế, chính sách phù hợp giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập bền vững. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu đề xuất cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng, hiện đại hóa quy trình sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, tạo thế vững chắc trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Tiếp tục đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực
Đánh giá nguồn nhân lực là điểm mấu chốt, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị công tác này cần được tiếp tục quan tâm, đầu tư trong năm tiếp theo.
Có đại biểu nêu thực trạng nhiều bạn trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, cha mẹ và các cháu có mong muốn học xong trở về Việt Nam, nhưng chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác và phát huy. Vì vậy, thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng và phát huy nhân tài, trong đó chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản, không chỉ dựa vào nguồn nhân lực do Nhà nước đầu tư đào tạo.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng chú trọng việc thông tin, tuyên truyền trực tiếp cho lao động nông thôn. Trong quá trình đào tạo, nghề đào tạo phải đa dạng, cụ thể, sát yêu cầu của người dân và thực tiễn sản xuất tại địa phương; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động và tập trung kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu nhập của lao động nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tái cơ cấu nền kinh tế còn hết sức cam go
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đã phân tích quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn ngổn ngang; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn cần tiếp tục quan tâm, giải quyết tận gốc; tái cơ cấu đầu tư công, thành tích lớn nhất đạt được dừng lại ở việc thiết lập một khung khổ thể chế mới cho hoạt động đầu tư trong tương lai. Theo đại biểu, về 3 đột phá chiến lược, ngoại trừ kết cấu hạ tầng giao thông có những tiến triển nhất định, hai vấn đề là thể chế và con người vẫn còn rất trì trệ, nan giải, song nội dung này vẫn chưa được đề cập đầy đủ trong các báo cáo. Điều đáng lưu ý hơn nữa là kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 nêu trong báo cáo thay vì cần hoạch định lại để thực thi thành công đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, báo cáo đã đưa ra 6 lĩnh vực tái cơ cấu mới về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, các vùng và khu kinh tế, doanh nghiệp... Điều này phản ánh một sự thật là tiến trình tái cơ cấu hết sức cam go, va đập với những vấn đề nhạy cảm nhất của thể chế và sự lúng túng khi chưa tìm được hướng đi và giải pháp một cách hiệu quả, vững chắc.
Một số ý kiến tỏ ý lo ngại về tỷ lệ nợ công cao và có xu hướng tăng nhanh, năm 2015 là 61,3% sắp chạm đến mức trần 65%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, tạo ra áp lực trả nợ ngày càng lớn, nếu không kịp thời giải quyết thì nền kinh tế sẽ bất ổn. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế trong năm 2016 và cách năm tiếp theo.
Tỏ ý băn khoăn về các số liệu trong báo cáo kinh tế-xã hội năm 2015, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng nhận định nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là ổn định, tăng trưởng và phát triển chưa thực sự chính xác. Nợ công của Việt Nam trong năm 2011 chỉ chiếm 46%, dự kiến đến đến hết 2015 là 61,3%, trong khi đó, tốc độ tăng tưởng kinh tế 5 năm bình quân chiếm khoảng 5,9%. Trong khi đó, đối với Indonesia, nợ công năm 2001 là 26,09%, đến 2014 vẫn giữ ở 26,11% nhưng tốc độ tăng trưởng GDP là 4,5%. Quy mô nền kinh tế của Indonesia lớn gấp hơn 5 lần quy mô nền kinh tế Việt Nam. Nếu chỉ lấy con số tỷ lệ % rất dễ xác định là tốc độ tăng trưởng khá nhưng so với cả quy mô GDP, sẽ thấy khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng rông ra so với các nước trong khu vực. Chỉ số ICOR năm 2011 của Việt Nam là 5,3%, đến năm 2014 là 5,18. Như vậy, trong vòng 4 năm thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, giảm 0,12% và Việt Nam tiếp tục đứng thứ 12 trong danh sách các nước có khả năng dễ vỡ nợ công nhất. Vì vậy cần nhìn rõ trách nhiệm và những tồn tại của nền kinh tế để có các biện pháp cụ thể trong năm 2016, đại biểu Nguyễn Đức Kiêm nêu quan điểm.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) tỏ ý lo ngại vấn đề thâm hụt ngân sách và áp lực nợ công ngày càng nặng nề hơn dù Chính phủ đã nỗ lực tận thu, tiết kiệm chi, thu gọn giảm chi đầu tư công, tăng cường kỷ luật tài chính, sức ép trả nợ đến hạn lớn trong khi nguồn huy động để cân đối ngân sách đang bế tắc. Đại biểu nêu rõ mặc dù tư tưởng và quan điểm trong Nghị quyết 7 8/2014/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 rất chiến lược, rất đúng đắn nhưng vướng mắc trong triển khai hiện nay khả năng tái thâm hụt ngân sách, để cơ cấu lại nợ ngân sách. Đại biểu cho rằng giải pháp khả thi nhất hiện nay là đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán bớt tài sản, thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước để có nguồn tiền trang trải một phần nợ đến hạn.
Thúc đẩy nông nghiệp phát triển đủ sức cạnh tranh trong hội nhập
Về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều đại biểu Quốc hội đã đi sâu phân tích, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển tương xứng với vị trí, tầm quan trọng của nó trong nền kinh tế đất nước.
Tán thành với mục tiêu tái cơ cấu nền nông nghiệp như trong Báo cáo Chính phủ đã nêu, trong đó tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp với thị trường... các đại biểu nhấn mạnh, để cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập hiện nay, thì sản xuất quy mô lớn phải định hướng được thị trường đầu ra; phải đảm bảo năng lực quản lý, năng lực tài chính để có thể vượt qua những rủi ro của thị trường. Việc này nông dân không thể tự làm được mà cần phải có doanh nghiệp kết hợp cùng. Và để đảm bảo liên kết này chặt chẽ, cần có bên thứ ba đứng ra bảo lãnh cho cả hai bên. Nhà tài chính có đủ năng lực để bảo lãnh doanh nghiệp thực hiện cam kết thu mua sản phẩm của nông dân khi giá tăng và cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi có những ràng buộc bảo đảm nông dân cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp không phụ thuộc vào sự biến động giá cả của thị trường, thông qua các hợp đồng cấp vốn để đảm bảo đầu vào cho nông dân.
Theo đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình), thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhưng còn dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ; đặc biệt đầu tư cho nông dân trồng lúa còn rất thấp. Do đó, để thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ cần có sự đầu tư, hỗ trợ cho những xã khó khăn về các công trình công cộng (trường học, trạm y tế, nhà văn hóa...). Đại biểu cũng băn khoăn về chỉ tiêu phấn đấu thực hiện đến năm 2020 có 50% xã đạt nông thôn mới, 65-70% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp được đào tạo, 70% số xã đạt tiêu chí về môi trường. Theo đại biểu, Chính phủ phải có chính sách để nông dân tích tụ ruộng đất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách để phát triển công nghiệp trong nông nghiệp; đầu tư cho doanh nghiệp và có chính sách hỗ trợ để họ tạo nhiều việc làm cho người lao động; quan tâm phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn; đào tạo nghề cho nông dân...
Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt để hàng nông, thủy sản của Việt Nam hội nhập sâu vào thị trường thế giới, góp phần thay đổi diện mạo của nông nghiệp, nông thôn là ý kiến của đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh). Theo đại biểu, nên bắt đầu từ việc thiết kế xây dựng một khung chính sách hoàn chỉnh và thông thoáng phù hợp để tạo động lực phát triển tốt cho nền kinh tế. Cần nhìn lại những bất cập trong kết quả xây dựng chính sách thời gian qua để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa hoặc ban hành mới những chính sách mang tính đột phá để chắp cánh cho hàng hóa nông sản, thủy sản của Việt Nam ra thị trường thế giới. Chính sách phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam khá đầy đủ nhưng chưa tạo động lực phát triển đúng mức. Một trong những dẫn chứng được đại biểu đưa ra là Luật hợp tác xã. Các hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam đang đi những bước đi chậm chạp. Nhiều bất cập của chính sách đã làm kéo thấp hiệu quả của mục tiêu giảm tổn thất cho nông nghiệp mà Chính phủ đã đặt ra. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng chiến lược cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ thực trạng hàng hóa nông nghiệp ứ đọng, khó tiêu thụ, sức cạnh tranh thấp, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo ngành nông nghiệp có giải pháp đột phá trong thực hiện tái cơ cấu trước những thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế và giải quyết những yếu kém bất cập nội tại của nền kinh tế nông nghiệp từ nhiều năm nay như liên kết 4 nhà tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu giống, quy trình tổ chức sản xuất, chế biến, đảm bảo an toàn chất lượng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững hơn.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đưa ra giải pháp đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, tái cơ cấu nông nghiệp, triển khai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ tận dụng tối đa các ưu đãi, hỗ trợ khi đầu tư nghiên cứu, tham gia liên kết quy mô lớn... Để thu hút tốt hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cần ưu tiên phát triển nhóm doanh nghiệp làm chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phụ phẩm; áp dụng công nghệ cao đối với các ngành hàng có lợi thế tại các vùng nông thôn; chú trọng hình thành từng bước các tổ hợp nông-công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với nông dân theo mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng và phát triển bền vững.
Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), cơ chế pháp lý, đòn bẩy đúng để nông nghiệp Việt Nam phát triển là cơ chế sử dụng đất đai. Phải khuyến khích mạnh mẽ như thời kỳ làm Khoán 10, phải tích tụ đất đai nông nghiệp mới phát triển được. Chính phủ và Quốc hội cần xem xét vì sao Đảng đã có chủ trương khuyến khích tích tụ đất đai nhưng hiện nay chưa làm được nhiều. Người nông dân hiện không muốn sản xuất, việc chuyển nhượng đất sản xuất cho người khác cần có cơ chế phù hợp để đảm bảo lợi ích của cả doanh nghiệp và nông dân./.
Đổi mới nhận thức và nâng cao trình độ cho nông dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế  (03/11/2015)
Đổi mới nhận thức và nâng cao trình độ cho nông dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế  (03/11/2015)
Đồng chí Phạm Quang Nghị phụ trách Đảng bộ thành phố Hà Nội  (02/11/2015)
Iran bắt đầu vô hiệu hóa các máy ly tâm hạt nhân  (02/11/2015)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên