Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bảo đảm kinh doanh tốt, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao
Sau gần 50 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trước đây và nay là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, hình thành ngành công nghiệp dầu khí tương đối hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác tới vận chuyển, chế biến, kinh doanh và dịch vụ dầu khí, luôn có đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng và chủ quyền quốc gia. Phóng viên Tạp chí Cộng sản đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
PV: Là một trong những Tập đoàn thành lập đầu tiên ở Việt Nam, luôn có vai trò quan trọng trong khối các doanh nghiệp nhà nước, xin ông cho biết tình hình kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí trong thời gian gần đây.
Ông Đinh La Thăng: Ngày 19-01-2006, Bộ Chính trị có kết luận số 41-KL/TW và ngày 09-3-2006 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 386/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, ngày 29-8-2006 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg về thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn), đã đánh dấu bước phát triển mới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong giai đoạn 2006 - 2008, Tập đoàn đã thu được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách nhà nước. Việc mở rộng đầu tư phát triển, kinh doanh ở trong và ngoài nước được tích cực triển khai, với những kết quả đáng ghi nhận. Dự kiến giai đoạn 2006 - 2008, Tập đoàn sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu về tài chính đề ra cho cả kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 với doanh thu ước đạt 106%, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 138%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 143% kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Cụ thể: năm 2006, doanh thu đạt trên 180 nghìn tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2005; năm 2007, lần đầu tiên Tập đoàn đạt mức doanh thu trên 200 nghìn tỉ đồng, doanh thu dịch vụ năm 2007 tăng gấp đôi so với năm 2006; dự kiến năm 2008, khả năng sẽ đạt mức doanh thu trên 300 nghìn tỉ đồng. Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí được bảo đảm, các dự án lớn được đưa vào hoạt động, như: đường ống dẫn dầu khí PM3 - Cà Mau. Tập đoàn đã ký được hợp đồng liên doanh và khởi công đầu tư dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu miền Nam, thành lập Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn để thực hiện các công tác chuẩn bị khi nhà máy lọc dầu Dung Quất cho sản phẩm đầu tiên vào tháng 2-2009. Công tác tìm kiếm mở rộng đầu tư ra nước ngoài đã và đang được tích cực triển khai, Tập đoàn đã ký 15 hợp đồng dầu khí ở nước ngoài, các dự án dầu khí ở nước ngoài đang được triển khai đúng theo hợp đồng và năm 2007 là năm đầu tiên Tập đoàn có sản phẩm khai thác dầu khí ở nước ngoài (từ lô PM 304 - Ma-lai-xi-a). Triển khai đồng bộ với việc đầu tư ra nước ngoài trong thăm dò và khai thác dầu khí, các hoạt động khác như chế biến dầu khí, thương mại, tài chính, bảo hiểm... đang được Tập đoàn mở rộng ra các nước trong khu vực và quốc tế. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dầu khí đạt trên 20%/năm (kế hoạch đề ra là 20% - 25% tổng doanh thu của toàn ngành)... Việc triển khai các dự án đầu tư và thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ dầu khí đã được phát triển phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển của ngành. Hiện nay, Tập đoàn đang tích cực đầu tư nâng cao năng lực dịch vụ dầu khí (đầu tư phát triển cảng tổng hợp và lĩnh vực cơ khí/ chế tạo các công trình dầu khí (giàn khoan, tàu khoan, giàn khai thác...) để nâng tỷ trọng doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu của Tập đoàn...
PV: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đi đầu trong việc đầu tư ra nước ngoài, cụ thể trong việc liên doanh khai thác dầu với một số nước như Nga, Vê-nê-xu-ê-la. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các dự án này.
Ông Đinh La Thăng: Thực tế, Petrovietnam bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài về thăm dò và khai thác dầu khí từ năm 1997, bằng việc nghiên cứu đánh giá và đàm phán hợp đồng phát triển dầu mỏ tại I-rắc, hợp đồng đã được ký kết vào năm 2002. Đến nay, đã có 17 dự án dầu khí ở nước ngoài đang có hiệu lực và được triển khai theo đúng tiến độ hợp đồng ký kết. Hiện nay, Tập đoàn đang tiếp tục tìm cơ hội đầu tư trong tìm kiếm thăm dò ở nước ngoài, trong đó tập trung chủ yếu vào các khu vực có tiềm năng tại châu Phi, châu Mỹ, các nước SNG và khu vực Đông - Nam Á.
Về tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở Nga và Vê-nê-xu-ê-la, thời gian qua, trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Nga và Vê-nê-xu-ê-la, Tập đoàn đã tích cực làm việc với phía đối tác để triển khai hợp tác phát triển các đề án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở hai nước này. Kết quả, Tập đoàn đã đạt được những thỏa thuận quan trọng với phía đối tác PDVSA của Vê-nê-xu-ê-la, Zarubezhneft, OAO Gasprom của Nga, theo đó các bên dự kiến ký hợp đồng:
+ Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở Nga với Zarubezhneft và với OAO Gasprom vào tháng 10-2008;
+ Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại Vê-nê-xu-ê-la với PDVSA vào tháng 11-2008.
Ngoài ra, Tập đoàn đang xúc tiến để trong những tháng còn lại của năm 2008 ký thêm các hợp đồng dầu khí ở nước ngoài như lô M2 (Mi-an-ma), lô 162 (Pê-ru), lô South Siwa (Ai Cập).
PV: Những định hướng phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Đinh La Thăng: Ngày 19-1-2006, Bộ Chính trị đã có kết luận số 41/KL-TW và ngày 03-3-2006 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, theo đó nội dung chủ yếu của Chiến lược như sau:
1 - Mục tiêu tổng quát
Phát triển ngành dầu khí thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ, bao gồm: tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất, nhập khẩu. Xây dựng Tập đoàn Dầu khí mạnh, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế.
2 - Các mục tiêu cụ thể
Về tìm kiếm thăm dò dầu khí: Đẩy mạnh việc tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng có thể khai thác; ưu tiên phát triển những vùng nước sâu, xa bờ, những vùng chồng lấn, tranh chấp; tích cực triển khai đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài. Phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 35 triệu - 40 triệu tấn quy dầu/năm.
Về khai thác dầu khí: Khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên dầu khí trong nước để sử dụng lâu dài; đồng thời tích cực mở rộng hoạt động khai thác dầu khí ở nước ngoài để bổ sung phần thiếu hụt từ khai thác trong nước. Phấn đấu khai thác 25 triệu - 38 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó: khai thác dầu thô giữ ổn định ở mức từ 18 triệu - 20 triệu tấn/năm và khai thác khí 6 tỉ - 17 tỉ m3/năm.
Về phát triển công nghiệp khí: Tích cực phát triển thị trường tiêu thụ khí trong nước, sử dụng khí tiết kiệm, hiệu quả kinh tế cao thông qua sản xuất điện, phân bón, hóa chất, phục vụ các ngành công nghiệp khác, giao thông vận tải và tiêu dùng gia đình. Xây dựng và vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia, sẵn sàng kết nối với đường ống dẫn khí khu vực Đông - Nam á phục vụ cho nhu cầu xuất nhập khẩu khí. Riêng Tổng công ty Dầu khí Việt Nam sản xuất 10% - 15% tổng sản lượng điện của cả nước.
Về công nghiệp chế biến dầu khí: Tích cực thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài để phát triển nhanh công nghiệp chế biến dầu khí. Kết hợp có hiệu quả giữa các công trình lọc, hóa dầu, chế biến khí để tạo ra được các sản phẩm cần thiết phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước và làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp khác.
Về phát triển dịch vụ dầu khí: Thu hút tối đa các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ để tăng tỷ trọng doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu của cả ngành. Phấn đấu đến năm 2010, doanh thu dịch vụ kỹ thuật dầu khí đạt 20% - 25%, đến năm 2015 đạt 25% - 30% tổng doanh thu của ngành và ổn định đến năm 2025.
Về phát triển khoa học - công nghệ: Tăng cường phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại để hiện đại hóa nhanh ngành dầu khí; xây dựng lực lượng cán bộ, công nhân dầu khí mạnh cả về chất và lượng để có thể tự điều hành được các hoạt động dầu khí cả ở trong và ngoài nước.
Trong giai đoạn vừa qua và hiện nay, Tập đoàn đang triển khai phát triển theo định hướng Chiến lược trên.
PV: Trong tình hình biến động phức tạp của kinh tế - xã hội, đặc biệt lạm phát gia tăng, Tập đoàn đã có những chính sách gì để cùng Chính phủ đối phó với tình hình trên?
Ông Đinh La Thăng: Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các giải pháp kiềm chế lạm phát tại Kết luận số 22-KL/TW ngày 04-4-2008 của Bộ Chính trị, một số vấn đề kinh tế - xã hội Quý I-2008, Công văn số 319/TTg-KTTH ngày 03-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008, Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17-4-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; với vai trò là tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, Tập đoàn đã triển khai xây dựng Chương trình hành động và tổ chức thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp, như bảo đảm tham gia cân đối cung cầu các sản phẩm thiết yếu (xăng dầu, phân đạm, khí hóa lỏng v.v..) cho nền kinh tế; triệt để thực hiện tiết kiệm, cắt giảm các chi phí không thực sự cần thiết trong hoạt động của doanh nghiệp; cơ cấu lại một số đơn vị thành viên để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; triển khai rà soát, cơ cấu lại các dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Trong 9 tháng đầu năm 2008, Tập đoàn đã thực hiện: tổ chức sản xuất đạt sản lượng tối ưu của Nhà máy đạm Phú Mỹ kết hợp với nhập khẩu phân bón để tham gia cân đối cung cầu phân U-rê cung cấp cho thị trường trong nước, tổ chức bán phân U-rê theo 1 giá niêm yết thống nhất chung trên toàn quốc (bắt đầu từ 01-8-2008); đồng thời, có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ Tập đoàn thực hiện chủ trương này nhằm vừa hạn chế tối đa mọi gian lận hay tư thương trục lợi, phân phối U-rê một cách hiệu quả tới tận tay người nông dân; thực hiện chính sách giá bán sản phẩm LPG Dinh Cố thấp hơn 1,5% - 2% so với giá nhập khẩu; thực hiện chính sách khuyến mãi giá bán LPG với tỷ lệ tối đa cho phép là 5% (giảm khoảng 20 USD/tấn, 3.000 đồng - 4.000 đồng/bình gas) góp phần bình ổn giá thị trường LPG trong nước thời gian qua; chỉ đạo Tổng Công ty dầu Việt Nam bảo đảm ổn định sản lượng xăng dầu nhập khẩu, tuyệt đối không được tích trữ, đầu cơ và thực hiện nghiêm túc việc bán theo giá niêm yết... Tập đoàn thực hiện nghiêm túc cắt giảm 10% chi phí thường xuyên theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; triển khai rà soát lại hoạt động của các đơn vị trong Tập đoàn, xây dựng và tổ chức thực hiện phương án chuyển đổi, sáp nhập các công ty nhỏ, hoạt động kém hiệu quả theo đúng các quy định của pháp luật; thực hiện chuyển phần vốn góp không chi phối của Tập đoàn ở các đơn vị về các tổng công ty để quản lý hiệu quả hơn; rà soát, cơ cấu lại các dự án đầu tư, thực hiện đình hoãn, tạm dừng, dãn tiến độ 112 dự án với vốn đầu tư giảm trong năm 2008 do tạm dừng/dãn tiến độ các dự án trên là 6.000 tỉ đồng.
Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch thực hiện tốt Nghị quyết số 20 ngày 29-8-2008 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm 2008 theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị và Kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Tập đoàn xác định việc tiếp tục cùng cả nước kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng tưởng bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2008 và phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên trong ban lãnh đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ được giao, thường xuyên có báo cáo kết quả thực hiện tại các cuộc họp giao ban thường kỳ của Hội đồng quản trị để kịp thời rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện.
PV: Với tư cách là nhà kinh doanh, ông nhận định như thế nào về kinh tế thế giới trong những năm tới (trước mắt là năm 2009) và những định hướng phát triển của Tập đoàn để bảo đảm vừa kinh doanh tốt, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao?
Ông Đinh La Thăng: Các dự báo của các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước về kinh tế thế giới trong những năm tới (nhất là năm 2009) tuy có khác nhau, nhưng đều có nhận định chung là kinh tế thế giới năm 2009 còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể còn khó khăn hơn năm 2008, khó có thể phục hồi vào cuối năm 2009 như một số dự báo trước đây. Kinh tế thế giới năm 2009 còn có nhiều rủi ro khó lường từ những xung đột khu vực, cạnh tranh ảnh hưởng và tranh giành lợi ích của các khối và các nước lớn... Các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm (cả trong nước và xuất khẩu)... Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, cơ cấu lại vốn sản xuất, kinh doanh... Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải chủ động nghiên cứu, liên tục cập nhật thông tin kinh tế thế giới qua các kênh truyền thông khác nhau để kịp thời đối phó các tác động tiêu cực và tận dụng các tác động tích cực để phát triển nền kinh tế đất nước.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, trong năm 2009 Tập đoàn sẽ tập trung:
- Tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp để cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong năm 2009, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi hoạt động của Tập đoàn. Tăng cường kỷ luật lao động, tập trung tìm các giải pháp và tháo gỡ tất cả các vướng mắc với mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch đề ra.
- Tích cực phối hợp với các nhà thầu dầu khí triển khai các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí ở nước ngoài. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các khu vực còn mở; tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tìm kiếm thăm dò ở nước ngoài, trong đó tập trung chủ yếu vào các khu vực có tiềm năng tại châu Phi, châu Mỹ, các nước SNG và khu vực Đông - Nam Á.
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai phát triển mỏ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai đề án nhằm sớm đưa các mỏ mới vào khai thác. Giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác của các nhà thầu dầu khí, bảo đảm an toàn, tuân thủ đúng sơ đồ công nghệ đã được phê duyệt, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái. Đôn đốc các đơn vị và các nhà thầu khai thác có giải pháp cụ thể (cơ chế, thủ tục, ngân sách...) để bảo đảm kế hoạch sản lượng khai thác năm 2009.
- Vận hành an toàn và hiệu quả các nhà máy: Đạm Phú Mỹ, Điện Cà Mau 1 và 2, Điện Nhơn Trạch 1, Lọc dầu Dung Quất.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, tổ chức kiểm tra các mặt hoạt động của các đơn vị thành viên, kịp thời có giải pháp xử lý để tạo điều kiện cho đơn vị thành viên phát triển.
- Bám sát tiến độ các dự án trọng điểm của Nhà nước và của Tập đoàn, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm các dự án được đầu tư xây dựng đúng tiến độ. Sử dụng hiệu quả vốn, lựa chọn thực hiện đầu tư theo trọng điểm, không đầu tư các dự án chưa cấp bách hoặc kém hiệu quả.
- Tập trung khai thác tối đa mọi nguồn lực (cơ sở vật chất, kho tàng, hệ thống cảng...) của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, có giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn lực này cho hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn.
- Đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các giải pháp khoa học - công nghệ, đào tạo, giám sát chặt chẽ hoạt động dầu khí, bảo đảm an toàn, bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đi đôi với triệt để thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; không ngừng nâng cao đời sống và thu nhập cho cán bộ công nhân viên trong tất cả các đơn vị thành viên của Tập đoàn./.
Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường sông Thị Vải  (14/12/2008)
Giữ rừng nguyên liệu giấy Kon Tum  (14/12/2008)
Giữ rừng nguyên liệu giấy Kon Tum  (14/12/2008)
Bảo vệ môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (14/12/2008)
Quy hoạch, đầu tư và vận hành kết cấu hạ tầng  (13/12/2008)
Cần nâng cao hiệu quả Luật Phòng chống tham nhũng trong thời gian tới  (13/12/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên