Kỷ niệm Ngày quốc tế giảm nhẹ thiên tai

Tin, ảnh Lan Hương
20:53, ngày 13-10-2015
TCCSĐT - Ngày 13-10-2015, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế giảm nhẹ thiên tai và hội thảo chuyên đề Phòng, chống thiên tai - kinh nghiệm truyền thống.
Việt Nam là một trong 20 quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường cả về quy mô và cường độ. Trung bình hằng năm thiên tai cướp đi 500 sinh mạng và hơn 1,5% GDP của Việt Nam; dự báo đến năm 2030, tổn thất do thiên tai gây ra có thể lên đến 3% - 5% GDP.

Theo Báo cáo tình hình thiên tai 10 tháng đầu năm 2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chứng kiến sự bất thường và cực đoan của thiên tai, như mưa lũ lớn trái mùa tại ba tỉnh miền Trung; rét hại bất thường ở Sa Pa; nắng nóng gay gắt xảy ra trên diện rộng và kéo dài ở Bắc Bộ và Trung Bộ; hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh Nam Trung Bộ… gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sản xuất của người dân.

Để giảm thiểu đến mức thấp nhất về thiệt hại, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cần tập trung vào những vấn đề:

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn: xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quốc gia, kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai, đặc biệt là triển khai, hành động quyết liệt đến cấp cơ sở (xã, huyện). Tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp cho các cơ quan thường trực làm công tác phòng, chống thiên tai tại các bộ, ngành và địa phương; ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Rà soát, đánh giá công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, dân cư, đô thị bảo đảm an toàn với các tình huống thiên tai, lồng ghép phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nghành, xây dựng kết cấu hạ tầng.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là hạn hán, mưa lớn cực đoan, lũ quét, sạt lở đất, làm cơ sở để các bộ ngành, địa phương thực hiện.

- Rà soát phương án và tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn, trong đó chú trọng việc phối hợp và bố trí các lực lượng, phương tiện để huy động kịp thời khi có yêu cầu; khẩn trương hoàn thành Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020. Sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trong mùa mưa lũ năm 2015 và các năm tiếp theo.

- Tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các nước trong khu vực và trên thế giới về phòng, chống thiên tai. Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế. Hợp tác chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ và vật liệu mới phục vụ xây dựng công trình phòng, chống thiên tai, công nghệ phục vụ cảnh báo sớm thiên tai…

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Hoàng Văn Thắng nêu bật tầm quan trọng của việc sử dụng thích hợp các tri thức và kinh nghiệm truyền thống, bản địa để bổ sung cho kiến thức khoa học trong việc đánh giá rủi ro thiên tai, xây dựng và thực hiện các chính sách, chiến lược, kế hoạch và chương trình của các cấp, các ngành.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, chủ đề của năm nay đề cao các cách tiếp cận đa ngành, phù hợp với bối cảnh địa phương để nâng cao khả năng chống chịu đối với thiên tai của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Thứ trưởng kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và cộng đồng dân cư tăng cường nhận thức về thiên tai và biến đổi khí hậu, đề cao vai trò của tri thức, kinh nghiệm truyền thống, bản địa để có những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực trong việc xây dựng một xã hội chủ động và an toàn trước thiên tai.

Tiến sĩ P. Mê-ta (Pratibha Mehta), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, hoan nghênh những nỗ lực phòng, chống thiên tai của Việt Nam, đặc biệt trong việc huy động 1.700 cộng đồng tham gia tích cực vào công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong 5 năm qua thông qua Chương trình quốc gia về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng.

Theo bà P. Mê-ta, tri thức về những dấu hiệu cảnh báo sớm trong thiên nhiên giúp chúng ta kịp thời hành động giảm thiểu tác động của thiên tai, như hạn hán, lụt bão…Bà P. Mê-ta đưa ra một số khuyến nghị trong việc tiếp tục nỗ lực nâng cao khả năng chống chịu của Việt Nam đối với thiên tai, nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách và cơ chế đổi mới phù hợp với tình hình thời tiết cực đoan, ngày càng có những diễn biến khó lường.

Nhân dịp này, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tuyên dương sự đóng góp của 05 xã và 03 cá nhân đi đầu trong công tác phát huy kiến thức về phòng, chống thiên tai để xây dựng cộng đồng làng xã an toàn tại Việt Nam./.