TCCSĐT - Ngày 01-10, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ, thông báo kết quả phiên họp Chính phủ tháng 9-2015 và trả lời câu hỏi của các nhà báo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương chủ trì họp báo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trong hai ngày 30-9 và 01-10-2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2015. Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo kết quả 3 năm (2013-2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và một số nội dung quan trọng khác.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thực hiện quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai các đoàn công tác để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và băn khoăn của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản cơ quan báo chí để bàn cách thực hiện quy hoạch.

Về thông tin định hướng các nhà hàng ở Hà Tĩnh chỉ bán bia Sài gòn như báo chí phản ánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Cạnh tranh và bảo đảm môi trường cho cạnh tranh là yếu tố quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Việt Nam đã ban hành và từng bước hoàn thiện thể chế pháp lý bảo đảm cạnh tranh bình đẳng. Việc định hướng của cơ quan chính quyền trong việc dùng sản phẩm của một doanh nghiệp cụ thể là không hợp lý. Bộ Công thương đã yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về vụ việc này và sẽ xem xét cụ thể.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo một số bộ, ngành còn trả lời nhiều câu hỏi của nhà báo liên quan đến những sai phạm trong xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực; vụ việc bổ nhiệm nhiều người thân, họ hàng ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội; việc dừng thu phí đối với xe máy trên toàn quốc từ ngày 01-01-2016 cũng như về chủ trương huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng thương mại;…

Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm, thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ cho biết: Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, quý III đạt 6,81%, 9 tháng đạt 6,5%. Trong đó, công nghiệp tăng 9,57%, nông nghiệp ước tăng 2,08%, dịch vụ ước tăng 6,17%. Ước cả năm GDP tăng trên 6,5%, vượt kế hoạch đề ra (6,2%), cao nhất trong 8 năm qua. Khu vực công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng 9,57%, thực sự trở thành động lực chủ yếu tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 9,8%, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2015 giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 0,4% so với tháng 12-2014, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối diện một số khó khăn, thách thức như giá dầu thô, hàng hóa thế giới giảm mạnh, cùng với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam. Khu vực nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán, mưa, lũ và những khó khăn về thị trường, giá xuất khẩu giảm mạnh; sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản đạt thấp so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán còn nhiều khó khăn.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá kết quả đạt được rất đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế đối diện không ít khó khăn, thách thức; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát và chủ động ứng phó chính sách kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình trong nước và quốc tế; quyết liệt, sâu sát, tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong chỉ đạo điều hành, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết 01, Nghị quyết 19 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển năm 2015 và 5 năm 2011-2015./.