Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ 21 đến 27-9-2015)

Nhân Hòa (tổng hợp từ TTXVN)
15:21, ngày 29-09-2015
TCCSĐT - Ngành thanh tra cần quyết liệt hơn trong phòng chống tham nhũng; Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế tập thể; Phản đối Trung Quốc quy hoạch hai quần đảo của Việt Nam; Bộ Chính trị cho ý kiến về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Hà Nội; Tổng kết Chương trình Sáng kiến Phòng, chống tham nhũng Việt Nam;… là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Ngành thanh tra cần quyết liệt hơn trong phòng, chống tham nhũng

Ngày 21-9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23-11-1945 - 23-11-2015), đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 4.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương những kết quả đạt được của toàn ngành, và nêu rõ, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi toàn ngành Thanh tra phát huy cao nhất truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

Chủ tịch đề nghị cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc tình hình hiện nay của đất nước, tập trung làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng là một lĩnh vực hết sức quan trọng nhưng rất phức tạp, đòi hỏi ngành thanh tra phải có bản lĩnh vững vàng, có giải pháp đồng bộ, tiến hành quyết liệt hơn, để tạo được chuyển biến rõ rệt; phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc hướng dẫn, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa...

Phát biểu tại buổi Lễ, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra sẽ không ngừng phấn đấu, giữ gìn, phát huy và bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của ngành; nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, toàn ngành đều trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước, làm việc với tinh thần tận tụy, sáng tạo, khách quan, công tâm, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự tín nhiệm của nhân dân... Cùng dịp này, ngành thanh tra đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng.

Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế tập thể

Tại Hà Nội, ngày 22-9-2015, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56- KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Sau 3 năm triển khai thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị, khu vực kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên được xác định rõ hơn. Nhiều tỉnh, thành ủy đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền nội dung Kết luận số 56 và xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đến các tổ chức đảng cơ sở. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã được phân công, phân cấp rõ ràng hơn, hệ thống cơ chế, chính sách đã được hình thành.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã đã dần phục hồi và tiếp tục phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đến cuối năm 2014, cả nước có gần 143 nghìn tổ hợp tác, với trên 1,5 triệu thành viên, trong đó thành lập mới trên 10.000 tổ hợp tác, gần 19 nghìn hợp tác xã, với trên 7 triệu thành viên. Vốn điều lệ bình quân là 1.354 triệu đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân ước đạt 261 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Kết luận số 56 của Bộ Chính trị còn có những tồn tại, kinh tế tập thể còn nhiều yếu kém: Một số nội dung của Kết luận số 56 và Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tập thể chưa được thể chế đầy đủ, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật hợp tác xã 2012 chưa được các bộ, ngành ban hành.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố, các hợp tác xã điển hình tiên tiến đã tham luận đã đánh giá khá đầy đủ, toàn diện tình hình kinh tế tập thể hiện nay, phân tích những tồn tại yếu kém và những nguyên nhân của nó cả khách quan và chủ quan, Hội nghị làm rõ hơn bản chất và nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhận thức rõ vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Qua đó, các đại biểu đã thống nhất xác định nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác trong giai đoạn tới.

Kết luận Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị để tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả cao Kết luận số 56 của Bộ Chính trị, ngay sau Hội nghị này, Ban cán sự đảng, đảng đoàn các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần khẩn trương, tập trung tiếp tục đổi mới phương thức, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền việc thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị , để nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí vai trò kinh tế tập thể trong nền kinh tế.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh cần xác định rõ nhiệm vụ triển khai thực hiện Kết luận số 56 của các ngành, các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, nhằm phát triển kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cấp, các ngành tích cực triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24-7-2015 của Thủ Tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã 2012 và xây dựng chương trình, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thuộc phạm vi đơn vị mình quản lý.

Phản đối Trung Quốc quy hoạch hai quần đảo của Việt Nam

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua “Quy hoạch khu chức năng chính về biển trên toàn quốc” trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên nước ngoài ở khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị".

"Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nói trên của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ ngay hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông” - Ông Lê Hải Bình nói.

Bộ Chính trị cho ý kiến về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Hà Nội

Thực hiện Chương trình công tác, ngày 25-9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về Dự thảo Văn kiện và công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc.

Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XV (nhiệm kỳ 2010-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới, dự thảo Báo cáo của Thành ủy Hà Nội khẳng định: Năm năm qua, Đảng bộ Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và của Thành ủy, trọng tâm là nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV, lãnh đạo thực hiện tốt 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá, tạo ra bước chuyển biến mới, toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ.

Diện mạo thành phố thay đổi nhanh chóng và khởi sắc. Phát huy vai trò Thủ đô của cả nước, Đảng bộ thành phố Hà Nội không ngừng vững mạnh, trưởng thành và đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước: kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước.

Quy mô GRDP năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Các ngành kinh tế được phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mục tiêu: Tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 54%, công nghiệp-xây dựng chiếm 41,5% và nông nghiệp chiếm 4,5%. Các nhóm ngành đều có mức tăng trưởng khá.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí Bộ Chính trị và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Tổng Bí thư kết luận: Các văn kiện trình Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố và công tác nhân sự được chuẩn bị đúng nội dung, quy trình, theo tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cấp ủy.

Dự thảo Báo cáo Chính trị đã phản ánh khá đầy đủ, đánh giá, tổng kết được một số quan điểm, chủ trương lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XI và các Nghị quyết của Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và Luật Thủ đô, làm cơ sở giúp Trung ương tiếp tục hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XII và ban hành các cơ chế, chính sách trong thời gian tới.

Về chủ đề Đại hội, Tổng Bí thư lưu ý: cần thể hiện được bản sắc riêng, tính đặc thù của Hà Nội; đồng thời, nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, trung tâm kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, đất nước, là địa danh tiêu biểu cho truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của dân tộc Việt Nam.

Hà Nội cần xác định rõ chủ đề của Đại hội là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và huy động mọi nguồn lực xã hội (nội lực và ngoại lực, trung ương và địa phương), đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Trên cơ sở phân tích sâu sắc những tồn tại, hạn chế, bối cảnh tình hình, cần đánh giá đúng thực tế đã làm được gì và chưa làm được gì. Hà Nội cần tiếp tục quán triệt tinh thần các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các quy hoạch, chiến lược của Chính phủ để xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tiếp theo. Cơ bản nhất trí với mục tiêu tổng quát, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và 16 chỉ tiêu của Đảng bộ Hà Nội, Bộ Chính trị nhấn mạnh cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.

Bộ Chính trị cơ bản nhất trí với phương án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa mới, đã được chuẩn bị công phu, dân chủ, nghiêm túc, đúng quy trình; bảo đảm về tiêu chuẩn, số lượng, hợp lý về cơ cấu, địa bàn, ngành, lĩnh vực…; đội ngũ cán bộ tham gia cấp ủy trình độ khá cao cả về chuyên môn và lý luận chính trị; tuy nhiên cần chú ý tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đại diện đồng bào dân tộc thiểu số...

Tổng kết Chương trình Sáng kiến Phòng, chống tham nhũng Việt Nam

Sáng 25-9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình Sáng kiến Phòng, chống tham nhũng Việt Nam (gọi tắt là VACI).

Hội nghị đánh giá các kết quả đã đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm và tác động của toàn bộ chương trình đối với công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời đánh giá một cách tổng quan, tác động của chương trình đối với công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 6 năm qua, với 4 lần triển khai, Chương trình ghi nhận nhiều đề án hoàn thành xuất sắc những mục tiêu đã định, mở rộng thêm phạm vi triển khai bởi tính sáng tạo trong quá trình thực hiện để thực sự đáp ứng tình hình địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng và phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy chương trình là kết quả của một quá trình hợp tác lâu dài giữa Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh và một số đối tác phát triển khác, với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật phòng, chống tham nhũng; tạo cơ hội để người dân có thể hiến kế, đóng góp những ý tưởng sáng tạo từ cơ sở, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, nhằm làm cho các nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng trở nên thiết thực, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Từ năm 2009 đến 2015, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã phối hợp đồng tổ chức Chương trình Ngày Sáng tạo Việt Nam (VID 2009) với chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng” và tiếp nối bằng 3 Chương trình VACI 2011, VACI 2013, VACI 2014. Đây là chuỗi chương trình tìm kiếm và hỗ trợ thực hiện các ý tưởng sáng tạo, thiết thực và khả thi về phòng, chống tham nhũng trong cộng đồng.

Sau 6 năm triển khai với những nỗ lực, Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cả nước và đạt nhiều kết quả nổi bật. Các đề án được triển khai nghiêm túc, trên phạm vi rộng, với số lượng người hưởng lợi và tham gia đông đảo; nhiều sản phẩm sáng tạo, có giá trị giáo dục, truyền thống về minh bạch, liêm chính. Đặc biệt, nhiều đề án đã có tác động rõ rệt, tạo nên những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của cộng đồng về công tác phòng, chống tham nhũng./.