TCCSĐT - Qua mỗi kỳ đại hội, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đảng bộ tỉnh lại đề ra các mục tiêu, giải pháp thiết thực với quyết tâm xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tạo sự bứt phá trong xây dựng và phát triển.

Những nỗ lực đạt được đáng ghi nhận

Trước đây, khi nói đến Bình Thuận là đề cập đến rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi vì, xuất phát điểm của địa phương này là một tỉnh nghèo, quanh năm phải đối diện với thời tiết rất khắc nghiệt, nhất là nắng và gió luôn gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu, kinh tế - xã hội phát triển chậm; cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp; mức hưởng thụ của nhân dân đối với các dịch vụ xã hội, cũng như y tế, giáo dục, chất lượng cuộc sống của đa số người dân chưa cao.

Giờ đây, về Bình Thuận chúng ta thấy diện mạo của Bình Thuận ngày càng khởi sắc. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịnh Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết: Nhiều năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Bình Thuận đã không ngừng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi thách thức, biến khó khăn thành thuận lợi, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là, mặc dù trong điều kiện khó khăn, song kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng với tốc độ khá (bình quân 8,96%), tổng sản phẩm nội tỉnh ước đạt 35.079 tỷ đồng; hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đã, đang được tiếp tục đầu tư đúng mức, nhất là hệ thống thủy lợi được phát huy khá tốt.

Là một trong hai tỉnh khô hạn nhất Việt Nam (cùng với Ninh Thuận), nhưng Bình Thuận đang phấn đấu trở thành một tỉnh chủ động về nước. Thời điểm tái lập tỉnh, tỷ lệ tưới nước toàn tỉnh chỉ 8,4% thì đến nay đã đạt được 57%, dự kiến đến cuối năm 2015 tỷ lệ này sẽ đạt trên 80%. Những năm trước, khi chưa vào mùa mưa thì thành phố Phan Thiết luôn thiếu nước uống, các vùng lân cận phải ngưng sản xuất lúa để ưu tiên nước cho Phan Thiết, nhưng hiện nay tình trạng đó không còn nữa, đó là một nỗ lực lớn được Đảng bộ và nhân dân tỉnh ghi nhận. Nỗ lực thứ hai là, Bình Thuận đang từng bước biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi, bởi nhờ nắng nên cây thanh long và cây trôm (mủ trôm) rất phát triển, hai loại cây này lại rất phù hợp với vùng đất khô cằn nơi đây. Còn những nơi không trồng được thanh long, mủ trôm thì người dân nuôi con dông, vừa không tốn nhiều diện tích vừa đem lại lợi nhuận cao, nhờ đó nhiều hộ dân thoát nghèo, nhất là các gia đình chính sách.

Là tỉnh có lượng gió dồi dào quanh năm, Bình Thuận quyết biến yếu tố này thành lợi thế để trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có dự án điện gió. Với tiềm năng sẵn có, dự kiến đến năm 2020, công suất lắp đặt điện gió của tỉnh Bình Thuận đạt khoảng 2.000 MW, tạo ra giá trị sản xuất hơn 7.000 tỷ đồng. Cùng với hệ thống thủy điện, nhiệt điện, khi các dự án điện gió được khai thác cùng với chuỗi khí điện Sơn Mỹ - Hàm Tân ra đời, đây sẽ trở thành một trong những trung tâm điện năng lớn của cả nước. Bên cạnh đó, Bình Thuận có bờ biển dài, đẹp rất phù hợp để phát triển loại hình thể thao có sử dụng sức gió như lướt ván diều, lướt ván buồm thậm chí là thuyền buồm do đó đây là một lợi thế lớn để phát triển thành trung tâm thể thao biển.

Bình Thuận đã biến cái nắng và gió thành lợi thế, đó là những động lực quan trọng để tỉnh thúc đẩy khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của mình có được. Trước hết là nhờ công tác xây dựng Đảng có chuyển biến tiến bộ, từng bước đi vào chiều sâu; hệ thống chính trị ngày càng nâng dần hiệu lực, hiệu quả hoạt động; dân chủ được phát huy, phong trào thi đua yêu nước được duy trì khá tốt, xuất hiện nhiều tấm gương, mô hình tiêu biểu, năng động, sáng tạo. Trên lĩnh vực nông nghiệp, bộ mặt đô thị và nông thôn, cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục khởi sắc; nếu nông nghiệp ở thời điểm tái lập tỉnh chiếm tỷ lệ 69% trong cơ cấu kinh tế thì hiện tại chỉ còn 19%; công nghiệp - xây dựng trước đây là 16% nay đã tăng lên 34,7%; dịch vụ từ 13% nay đã tăng lên 46,3%. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; đời sống nhân dân được cải thiện, các chính sách đền ơn đáp nghĩa, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững… đó là tiền đề quan trọng để thúc đẩy tỉnh phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Nguyên nhân, hạn chế và những bài học kinh nghiệm

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, để đạt được những kết quả trên đây, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, còn có sự chủ động của các cấp ủy đảng trong nghiên cứu, quán triệt, vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể tương đối sát hợp với tình hình và đặc điểm cụ thể của tỉnh nhà; có sự nỗ lực, phối hợp đồng bộ của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện chủ trương của các cấp ủy kịp thời, hiệu quả; phong trào thi đua hành động cách mạng của quần chúng được duy trì khá tốt trên các lĩnh vực, các địa bàn, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên một số lĩnh vực của tỉnh phát triển còn chậm, chưa vững chắc; đáng chú ý có một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, như huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, nguồn thu ngân sách chưa ổn định, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế nhìn chung còn yếu. Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực còn bất cập so với yêu cầu. Đời sống một bộ phận nhân dân lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách còn khó khăn; mức độ thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa giữa các vùng còn chênh lệch. Một số điểm ô nhiễm môi trường và bức xúc về mặt xã hội chưa được giải quyết triệt để; an ninh nông thôn và trật tự xã hội đôi lúc còn diễn biến phức tạp. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng nhìn chung chưa đạt yêu cầu đề ra.

Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu là do: Năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhìn chung chưa đều, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trên lĩnh vực kinh tế chậm được tháo gỡ, đôi lúc còn lúng túng; các nguồn nội lực chưa được khai thác tối đa, các nguồn ngoại lực chưa được thu hút và phát huy có hiệu quả; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương chưa đủ mạnh; khả năng dự báo chưa cao, một số chỉ tiêu đề ra không phù hợp, thiếu tính khả thi. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ nhìn chung còn bất cập, một bộ phận chưa tự giác và thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, trách nhiệm chưa cao, phong cách làm việc chưa đổi mới.

Xuất phát từ thực tiễn, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã rút ra một số bài học kinh nghiệm:

- Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải luôn luôn nắm chắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng một cách sáng tạo, đề ra nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá thật cụ thể, sát hợp trên cơ sở phân tích đúng tiềm năng, lợi thế, đặc điểm tình hình của địa phương, không sao chép, rập khuôn, máy móc.

- Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, phải thực sự quyết liệt, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; đổi mới mạnh mẽ phong cách lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng vừa bao quát, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi lên trong đời sống xã hội; phát huy đúng mức vai trò lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng, nhất là phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp.

- Luôn chú trọng quan tâm công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ, cả về phẩm chất, năng lực, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt, lãnh đạo quản lý các cấp và phải giữ vững sự đoàn kết, nhất trí cao trong nội bộ.

- Phải xem trọng việc dựa vào dân, tạo được sự đồng thuận rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân; khơi dậy, phát huy sức mạnh của lòng dân trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi; thường xuyên coi trọng và không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên khắp các địa bàn, các lĩnh vực; chú trọng phát hiện, xây dựng, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực.

Quyết tâm thực hiện hiệu quả các mục tiêu quan trọng

Trong dịp về thăm và làm việc tại Bình Thuận vào trung tuần tháng 3-2015, sau khi nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lưu ý: “Để tạo sự đột phá, tỉnh Bình Thuận phải tập trung mạnh cho ba mục tiêu quan trọng đã đặt ra, đó là: đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính”. Trên tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, trong thời gian tới cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển mọi lĩnh vực, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các nội dung trên như sau:

Trước hết, để huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, tỉnh sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ quy hoạch tổng thể. Đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế. Đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn trong xây dựng cơ bản, ưu tiên trước hết cho các công trình trọng điểm, công trình đang thi công để hoàn thành đưa vào khai thác, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm lợi thế, có tiềm năng phát triển. Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình quan trọng, thiết yếu, trước hết là các công trình thủy lợi, giao thông,... với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh căn bản đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; giao thông thuận tiện, thông suốt (có cảng tổng hợp, sân bay, các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, các tuyến giao thông đối ngoại quan trọng, giao thông ven biển được cải tạo, nâng cấp và xây dựng hoàn chỉnh, 70% chiều dài đường giao thông nông thôn được bê tông và nhựa hóa). Các khu neo, đậu tránh trú bão cho tàu thuyền ở các địa phương được đầu tư hoàn chỉnh và phát huy hiệu quả. Có hệ thống hạ tầng thương mại phù hợp, từng bước hoàn chỉnh theo hướng văn minh, hiện đại. Thực hiện có hiệu quả đề án đầu tư nâng cấp chuẩn hoá cơ sở trường lớp, trạm y tế, cơ sở khám, điều trị bệnh và các thiết chế văn hoá và đầu tư hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng nông thôn.

Thứ hai, đối với việc tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, chú trọng đúng mức công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản; tạo điều kiện thuận lợi, tích cực đôn đốc triển khai các dự án năng lượng (nhiệt điện, phong điện, thủy điện, khí điện) để sớm trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư và hình thành trung tâm chế biến sâu quặng sa khoáng titan, gắn chặt với bảo vệ môi trường. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; phấn đấu giảm dần tỷ trọng và tiến tới chấm dứt xuất khẩu các sản phẩm thô, không qua chế biến, tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng một đội ngũ lao động lành nghề, làm việc có khoa học, có kỹ thuật, có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích xã hội hóa công tác dạy nghề; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, phương pháp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của đối tượng lao động và yêu cầu thực tiễn; bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nghề. Đào tạo phải bám sát nhu cầu của thị trường lao động, để khi tốt nghiệp ra trường, người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, hướng vào mục tiêu phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà. Gắn chặt giữa khoa học công nghệ với công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và các cơ quan chức năng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, góp phần tích cực không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và các nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của cấp trên và kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, có năng lực, trình độ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra./.