Tại Berlin, nhiều báo lớn của Đức những ngày qua đã có các bài viết đánh giá triển vọng hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ nhân chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Báo điện tử Deutsche Welle (DW) đăng bài viết của tác giả Rodion Ebbighausen với tiêu đề "Việt Nam và Hoa Kỳ xích lại gần nhau", trong đó đánh giá hợp tác kinh tế đang được cả hai bên nhìn nhận là "nền tảng và động lực" cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên cơ sở thỏa thuận "Quan hệ đối tác toàn diện" ký kết năm 2013.

Bài viết nêu rõ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là trung tâm của sự hợp tác này và dẫn nhận định của nhà kinh tế Peter Petri, thuộc Đại học Brandeis ở Massachusetts, theo đó Hoa Kỳ ước tính xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 30%, lên đến khoảng 300 tỷ USD nếu TPP được ký kết, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng được dự báo tăng thêm 2% từ TPP.

Tác giả cũng dẫn đánh giá của chuyên gia Erwin Schweisshelm thuộc Quỹ Friedrich Ebert (FES) ở Hà Nội cho rằng mặc dù hai bên còn có sự khác biệt nhưng Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ đẩy mạnh chiến lược "xoay trục" sang châu Á.

Chuyên gia Ebbighausen cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn đề cao tính độc lập trong việc định hình chính sách đối ngoại và không có ý định tham gia liên minh quân sự với nước khác.

Bài viết khẳng định chuyến đi góp phần quan trọng vào việc tăng cường nền tảng của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Một báo lớn khác của Đức, nhật báo Die Tageszeitung (TAZ), đăng bài viết của tác giả Sven Hansen về chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tiêu đề "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Từ đường mòn Hồ Chí Minh tới cuộc gặp Tổng thống Obama".

Bài viết cho rằng quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đang có những bước chuyển tích cực với thỏa thuận "Quan hệ đối tác toàn diện" được ký kết năm 2013, theo đó Hoa Kỳ nới lỏng cấm vận vũ khí với Việt Nam năm 2014 và đặc biệt là chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của một lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài viết nhìn nhận quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ qua chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ tạo ra những đột phá về hợp tác kinh tế và chiến lược, trong đó đặc biệt là thúc đẩy triển vọng đàm phán TPP.

Tác giả Sven Hansen cũng đánh giá Việt Nam đang theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập với chủ trương "không liên minh quân sự, không thiết lập quan hệ đồng minh để chống bên thứ ba và không để nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự tại Việt Nam".

* Tại Bỉ, ngày 10-7, mạng tin châu Âu Euro Presse Image đã đăng bài bình luận về chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Bài báo nhấn mạnh chuyến thăm diễn ra đúng thời điểm quan trọng khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, 40 năm kết thúc chiến tranh và thống nhất Việt Nam.

Chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt bởi lần đầu tiên, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện một chuyến thăm chính thức đến Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Theo tác giả bài báo, nghi lễ đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng đã chứng tỏ Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong chính sách của Mỹ. Điều này cũng được thể hiện qua lời phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sau cuộc hội đàm kéo dài ngày 7-7 rằng “hai bên xây dựng một mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”, dù từng trải qua quá khứ khó khăn gắn liền với chiến tranh trước đây.

Bài báo dẫn lời của giáo sư Jonathan London thuộc trường Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đăng trên tờ Wall Street Journal nói rõ sự kiện người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tới Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam đang thực hiện chính sách cân bằng chiến lược.

Chuyến thăm không chỉ gói gọn trong các vấn đề chiến lược, mà còn bao hàm cả nội dung thương mại quan trọng. Đó là việc Việt Nam nằm trong số 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một sáng kiến do Hoa Kỳ khởi xướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh cả về kinh tế lẫn vai trò chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương../.