Cần coi nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu
Ðó là thông điệp được các tổ chức chuyên trách về vấn đề kinh tế nông nghiệp của Liên hợp quốc và nhiều nhà kinh tế đưa ra đối với các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển cũng như phát triển trên thế giới. Ðó cũng là bài học thực tiễn rút ra từ cuộc khủng hoảng lương thực và thực phẩm đang diễn ra trong bối cảnh loài người đang phải gánh chịu những hậu họa nặng nề do biến đổi khí hậu.
Tờ báo Kinh tế của Thụy Sĩ ra đầu tháng 12 nhận định, thế giới đã bị rung chuyển bởi đợt giá lương thực và thực phẩm leo thang. Nạn đói và những căng thẳng xã hội cho thấy tình trạng thiếu hụt lương thực cũng là nguồn gốc của sự bất ổn định về an ninh. Ước tính, đến năm 2050, số dân thế giới lên đến 9 tỉ người, nhu cầu về lương thực sẽ nhiều hơn gấp hai lần hiện nay. Vấn đề cấp bách đặt ra là mỗi quốc gia phải lo có đủ nguồn lương thực cho người dân của mình. Ðối với những nước nghèo, có sự bảo đảm an ninh lương thực là điều rất quan trọng... Tự do hóa thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ không thể bảo đảm được vấn đề an ninh lương thực hiện nay. Thực tế cho thấy, các nước Việt Nam, Ấn Ðộ đã thành công trong việc giảm nghèo tại nông thôn là do có quyết sách bảo vệ ngành nông nghiệp của mình trước những biến động bất ngờ của thị trường lương thực và thực phẩm.
Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, sự tăng giá của lương thực kéo theo nguy cơ làm tăng các cuộc xung đột và bạo loạn trên thế giới. Diễn đàn Kinh tế thế giới Ða-vốt coi sự mất an ninh lương thực đang là một hiểm họa chính trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) vạch rõ, sản xuất nông nghiệp giúp khởi động lại sự tăng trưởng kinh tế và phá bỏ vòng luẩn quẩn của tình trạng nghèo đói. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã thành lập một nhóm làm việc để vạch kế hoạch hành động chung về nông nghiệp. Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Ni-cô-lát Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy), Chủ tịch EU trong nửa cuối năm 2008, đã đề xuất "Kế hoạch đối tác toàn cầu về lương thực và nông nghiệp". Kế hoạch này gồm ba trụ cột chính là: Thành lập nhóm công tác quốc tế phụ trách xác định chiến lược quốc tế về an ninh lương thực. Thành lập nhóm các nhà khoa học quốc tế để đánh giá tình hình nông nghiệp, cảnh báo nguy cơ và cố vấn cho các chính phủ những biện pháp đối phó khủng hoảng lương thực. Huy động cộng đồng tài chính quốc tế giúp phát triển nông nghiệp.
Tổng Giám đốc FAO Giắc-quét Đi-ao (Jacques Diouf) và Tổng giám đốc Quỹ Phát triển của Pháp Giăng Mi-sen Sê-ve-ri-nô viết bài trên báo Giải phóng của Pháp, kêu gọi các nước cũng như cộng đồng quốc tế cần có chiến lược lâu dài về nông nghiệp để tránh xảy ra khủng hoảng lương thực. Hai ông này đều cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực và thực phẩm vừa rồi là hậu quả của việc con người dành quá ít sự ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp trong những thập niên gần đây. Thí dụ, thị phần của nông nghiệp trong viện trợ phát triển (ODA) đã ít lại giảm mạnh từ 17% trong năm 1980 xuống còn 3% năm 2006. Ðiều này là trái với vai trò của nông nghiệp, lĩnh vực đóng vai trò vừa là động lực của tăng trưởng kinh tế, vừa là hàng rào bảo vệ loài người trong cuộc đấu tranh chống nghèo đói... Những cuộc nổi dậy, bạo loạn và bất ổn định xã hội vừa qua ở một số nước cho thấy phải đầu tư nhiều hơn nữa, bền vững hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp. Hai ông cho rằng, tình trạng mất cân đối về cơ cấu và chính sách nông nghiệp tồn tại từ lâu. Nếu không có sự điều chỉnh và quan tâm giải quyết thì sẽ có thể tái diễn nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực mới.
Theo Tổng giám đốc FAO, giá lương thực nay đã giảm do tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế, song vẫn tiềm ẩn những nguyên nhân sâu xa, trong đó là những thảm họa do biến đổi khí hậu toàn cầu. Môi trường bị hủy hoại. Ðất đai canh tác bị thu hẹp do sa mạc hóa, ngập lụt và xói lở. Sâu bệnh phát triển. Người ta sử dụng ngày càng nhiều nông sản để chế biến nhiên liệu. Trong khi nhu cầu về lương thực ngày một nhiều do số dân tăng. Nếu cung không đủ cầu thì giá lương thực ắt tăng lên. Hiện nay, số người sống trong tình trạng đói nghèo trên thế giới vẫn còn khoảng 900 triệu. Riêng cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 đã làm có thêm 40 triệu người lâm vào cảnh đói nghèo trở lại./.
Để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long  (18/12/2008)
Du lịch mùa cao điểm vẫn khó khăn  (18/12/2008)
Để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long  (18/12/2008)
Để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long  (18/12/2008)
Diễn đàn du lịch ASEAN 2009 (ATF 09): Cơ hội quảng bá tiềm năng du lịch, nâng cao vị thế Việt Nam  (18/12/2008)
Quyền con người và thực hiện quyền con người trong điều kiện hiện nay  (18/12/2008)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay