Sáng 08-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015. Phiên họp được truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội

Tại phiên họp, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng tình cao với Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ.

Các đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), Nguyễn Thái Học (Phú Yên) và nhiều ý kiến khác thể hiện sự phấn khởi với kết quả sau bốn tháng đầu năm thực hiện kế hoạch, kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP quý 1 có mức phục hồi rõ rệt, đạt 6,03%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ những năm gần đây, số thu ngân sách đạt khá; tỷ lệ lạm phát kiểm soát ở mức thấp; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm.

Hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, việc tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) được các nhà lãnh đạo nghị viện các nước trên thế giới đánh giá thành công mọi mặt, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, điểm nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam từ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đến nay là sự phục hồi kinh tế đáng kể, môi trường đầu tư có những chuyển biến tích cực. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của nhân dân, của hệ thống chính trị, đặc biệt là sự điều hành năng động, linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương; của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự giám sát đầy trách nhiệm của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Tán đồng với nhiều nội dung Báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá bảy nhóm khó khăn, hạn chế về kinh tế - xã hội chủ yếu nêu trong Báo cáo còn cô đọng, mới phản ánh tình hình mà chưa phân tích nguyên nhân. Giải pháp nêu mang nặng tầm vĩ mô và nặng ý chí quyết tâm mà chưa thấy giải pháp mang tính đột phá để khắc phục, từng bước giải quyết những hạn chế đó.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đề xuất “đối với từng hạn chế, khó khăn của từng lĩnh vực, Báo cáo cần phải nêu rõ để đại biểu cùng phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, góp phần cùng Chính phủ đề ra các giải pháp cụ thể, nhất là những giải pháp phát triển tiềm năng lợi thế của chúng ta về kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp”.

Kiên trì nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã góp ý cụ thể vào nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo điều hành trong những tháng còn lại của năm 2015.

Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) đánh giá những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở Việt Nam đã có những đóng góp lớn cho việc phát triển đất nước nhưng vẫn còn khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng.

Để phát triển doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng môi trường đầu tư cạnh tranh lành mạnh và phân tầng doanh nghiệp; có cơ chế phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp.

Trước yêu cầu hội nhập kinh tế, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận đầy đủ thông tin về các hiệp định, thị trường và khuyến khích lực lượng này bằng hình thức lấy một năm là Năm doanh nghiệp, doanh nhân, đại biểu Phan Văn Quý đề xuất.

Theo đại biểu Phan Văn Quý, cần hoàn thiện hệ thống giá theo cơ chế giá trị trường có sự điều tiết của nhà nước. Giá cả phù hợp sẽ tạo điều kiện phát triển, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Để nền kinh tế đất nước phát triển một cách cân bằng, đại biểu Phan Văn Quý đề xuất kiên trì các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế, tiếp cận với thông lệ quốc tế, hình thành hệ thống giá trị trường. Ngoài ra, cần rà soát các luật liên quan để sửa đổi và có cơ chế đồng bộ nhằm tháo gỡ nút thắt tín dụng về cho vay thế chấp.

Đẩy nhanh tái cơ cấu nền nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, nhưng sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, tăng trưởng nhiều năm liên tục suy giảm; tiêu thụ nông sản một số mặt hàng gặp nhiều khó khăn như gạo, cao su, trái cây. “Đây là điệp khúc của nhiều năm nhưng không có giải pháp khắc phục”, đại biểu đánh giá.

Phân tích những ảnh hưởng và tình hình trong giai đoạn tới, đại biểu Nguyễn Cao Phúc đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó tập trung giải quyết những vướng mắc hiện nay là công tác quy hoạch sản xuất. Cần xác định rõ lợi thế, thế mạnh, các sản phẩm của vùng, địa phương, quốc gia để chuyển dịch cơ cấu một cách hợp lý, bền vững; mở rộng quy mô và vận dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, giống, để nâng cao giá thành sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, làm bà đỡ cho nông dân trong việc mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

“Chính phủ cần có những chính sách đủ mạnh để bảo đảm cho việc đầu tư và bảo quản sản phẩm, nhất là các sản phẩm có tính thời vụ cao, thời gian bảo quản ngắn nhằm đa dạng sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cao và kéo dài thời gian tiêu thụ, tránh tình trạng bị ép giá”, đại biểu Nguyễn Cao Phúc đề xuất.

Quan tâm tới tiêu thụ nông sản

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách lớn về tam nông, xây dựng nông thôn mới, nhưng theo đại biểu Trần Dương Tuấn, bên cạnh những thành tựu nổi bật vẫn còn tồn tại một số vấn đề cơ bản chưa được giải quyết như quy hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa nông nghiệp, mất cân đối trong sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực như lúa, gạo, thủy sản, cao su, trái cây... Đại biểu nêu rõ đây là những vấn đề cần được xem xét giải quyết, nếu không sẽ ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.

Đề nghị cần thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp của Chính phủ đã ban hành, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng cần tập trung vào phát triển nông nghiệp nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Chính sách cho nông nghiệp, nông thôn cần phải nghiên cứu và thực hiện tốt hơn, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cần phải phát triển thị trường trong nước, từ thu mua đến chế biến đến tiêu thụ phải xây dựng hệ thống thương mại trong nước, không để tình trạng bị ép giá như hiện nay.

Lo ngại trước thực tế nông dân làm theo phong trào, dẫn đến hàng hóa nông sản bị ế ẩm, đại biểu Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi: “Vậy vai trò định hướng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương để đâu mà lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm”.

Đại biểu Đương đề xuất tăng cường xuất khẩu hàng nông sản theo hướng mở rộng thị trường tiêu thụ, hợp tác mạnh mẽ với các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch. Trong sản xuất nông nghiệp, tìm nhu cầu thị trường để xác định địa chỉ tiêu thụ, từ đó ấn định quy mô sản xuất cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp.

Đại biểu Lê Thị Yến cho rằng cần thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân thông qua hợp tác xã nông nghiệp.

Theo đại biểu, như vậy sẽ giải quyết được những vấn đề liên quan, giảm chi phí đầu vào, tìm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của các thị trường nước ngoài và đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của người dân khi tham gia liên kết với doanh nghiệp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt chuỗi liên kết.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần ban hành chính sách và các giải pháp thúc đẩy liên kết các vùng trên cơ sở vừa khai thác lợi thế so sánh giữa các địa phương và tính liên kết phát triển bền vững lâu dài trong vùng; có biện pháp khai thác kết cấu hạ tầng đã được đầu tư, nhất là đường cao tốc, bến cảng... bảo đảm tính kết nối, lan tỏa và hiệu quả các công trình đối với toàn vùng./.