Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước
22:15, ngày 07-06-2015
TCCSĐT - Ngày 07-6-2015, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Ban Kinh tế Trung ương và Nhóm Sáng kiến Việt Nam (Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”.
GS, TS. Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam; GS, TS. Trần Ngọc Anh, Giám đốc Nhóm Sáng kiến Việt Nam, đồng chủ trì Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước.Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho trí thức kiều bào đóng góp ý kiến, tư vấn trên tinh thần xây dựng tích cực vào những vấn đề thiết thực đối với phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời, giúp các học giả nắm bắt được yêu cầu trong nước, giao lưu, kết nối với trí thức và các nhà quản lý trong nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, GS, TS. Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức Diễn đàn để có cơ hội lắng nghe ý kiến đóng góp của những người con xa quê hương đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực quan trọng; các chuyên gia kinh tế có những nghiên cứu chuyên sâu trong từng lĩnh vực và có tâm huyết muốn Việt Nam phát triển. Đảng và Nhà nước luôn trân trọng, tạo điều kiện và đánh giá cao những đóng góp quý báu đó. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị, với tinh thần tích cực, cởi mở và xây dựng, các đại biểu tập trung thảo luận những chủ đề mà Diễn đàn đã nêu; các cơ quan chức năng lắng nghe, tổng hợp đầy đủ ý kiến, nghiên cứu, phân tích trong quá trình thực hiện cải cách chính sách để có những đề xuất kịp thời, thiết thực với Đảng và Nhà nước.
Trong phát biểu đề dẫn, GS, TS, Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đề nghị các đại biểu tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn, đó là, thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế bao gồm nhận diện mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Thứ hai, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam, kinh nghiệm của các nước và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam. Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Diễn đàn được chia thành 4 phiên gồm:
- Tái cơ cấu nền kinh tế - tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng
Các tham luận và ý kiến phân tích bình luận trong phiên này phân tích và đưa ra những giải pháp ổn định và phát triển hệ thống tài chính ở Việt Nam; cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại; nêu các khuyến nghị chính sách bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ Việt Nam.
GS. Nguyễn Đức Khương (Giám đốc nghiên cứu IPAG Đại học Pa-ri, Pháp) cho rằng, để có một thị trường tài chính ổn định, hấp dẫn đối với các chủ thế kinh tế và có khả năng “đề kháng” trước những cú sốc đối với nền kinh tế và đến từ bên ngoài trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta phải biết cách quản lý các rủi ro. Các giải pháp đối phó với rủi ro có thể chia thành 3 nhóm: tạo dựng, củng cố lòng tin “lâu dài” của các nhà đầu tư; xây dựng công cụ quản lý môi trường tài chính vĩ mô; văn hóa đầu tư, quản trị doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Minh Hà (Ngân hàng Thế giới) từ phân tích nền kinh tế toàn cầu và những rủi ro trong hệ thống tài chính thế giới, đưa ra khả năng của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tác động của nó đối các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đóng góp ý kiến đối với ngành ngân hàng Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu (Ngân hàng VB) đề xuất, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, theo đó số lượng ngân hàng thương mại cần rút xuống còn 15 ngân hàng; cải tổ quản trị điều hành, quản lý rủi ro phù hợp với các công ước quốc tế; nâng vốn chủ sở hữu của những ngân hàng đầu tàu lên 5 tỷ USD; nhanh chóng xử lý vấn đề nợ xấu; các ngân hàng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh liên quan đến hội nhập quốc tế.
- Phát triển công nghiệp, nông nghiệp
Các đại biểu thảo luận về chính sách phát triển công nghiệp, nông nghiệp của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của các nước và nêu khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
GS. Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT - Ô-xtrây-li-a) phân tích kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Ô-xtrây-li-a và đề xuất: để nông nghiệp Việt Nam phát triển đột phá chỉ có một con đường là sản xuất theo chuỗi ngành hàng và gia tăng giá trị để nông sản luôn có chất lượng cao.
Giáo sư Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản), trong tham luận với chủ đề cách tiếp cận bẫy thu nhập trung bình và chất lượng chính sách công nghiệp Việt Nam cho rằng, chính sách công nghiệp yếu kém là nguyên nhân chính gây ra bẫy thu nhập trung bình.
- Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và vấn đề thuế
Trong phiên thảo luận này, GS, TS. Trần Ngọc Anh (Đại học Havard, Hoa Kỳ), GS. Trần Nam Bình (Đại hoc New South Wales, Ô-xtrây-li-a) phân tích và đánh giá quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, những vấn đề nảy sinh trong quá trình cổ phần hóa; chính sách thuế của Việt Nam: thành quả, thách thức và cải tổ.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày khái quát 30 năm đổi mới của Việt Nam và con đường phía trước, trong đó nêu 6 đột phá để thực hiện tầm nhìn Việt Nam 2035.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh
Các đại biểu nêu kinh nghiệm đào tạo nhân lực để phát triển khoa học công nghệ ở các nước; phân tích vấn đề đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị chính sách; hỗ trợ quốc tế với hệ thống y tế...
GS. Lê Văn Cường (Đại học Pa-ri 1), cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh chưa tốt là do chất lượng của nhiều giảng viên không tốt, giáo trình chưa được cập nhật để truyền đạt kiến thức cho học sinh theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời đề xuất giải pháp là hình thành những đại học kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính chất lượng cao, huy động đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước có lý lịch khoa học ngang tầm quốc tế.
Phân tích kinh nghiệm giáo dục đại học, đào tạo nhân lực để phát triển khoa học công nghệ tại Hàn Quốc, những nét đột phá trong cải cách chất lượng giáo dục đại học tại Hàn quốc, chẳng hạn như Chương trình Brain Korea 21 - một bước đột phá về đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao của Hàn Quốc, TS. Trần Hải Linh (Đại học Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc) nhận định, giáo dục đại học được cho là động lực đằng sau sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc. Trong tình hình hiện tại của Việt Nam, trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể được coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học.
Diễn đàn khép lại sau 1 ngày làm việc với 14 tham luận của các diễn giả và 14 ý kiến phát biểu bình luận. Các đại biểu đều bày tỏ mong muốn diễn đàn được tổ chức thường niên hoặc định kỳ theo các chủ đề cụ thể, để các nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi đóng góp những ý kiến thiết thực hơn, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Diễn đàn “Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” là một hoạt động thiết thực để thực hiện Nghị quyết số 36 - NQ/TW và Chỉ thị số 45 - CT/TW của Bộ Chính trị; lắng nghe, tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận, hoàn thiện Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng. Những ý kiến của các chuyên gia quốc tế, trí thức người Việt Nam tại nước ngoài cùng các trao đổi, thảo luận trong Diễn đàn này là những căn cứ góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới./. |
Tôn vinh 145 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu  (07/06/2015)
Các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam  (07/06/2015)
Mở ra chân trời hợp tác mới với các nước châu Âu, Bắc Phi  (07/06/2015)
Ngành Y tế chủ động, tích cực phòng chống MERS-CoV tại Việt Nam  (07/06/2015)
Xây Bộ luật Dân sự thành luật chung của hệ thống pháp luật  (07/06/2015)
Xây Bộ luật Dân sự thành luật chung của hệ thống pháp luật  (07/06/2015)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay