TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ chín, ngày 04-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật An toàn thông tin; Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và dự án Luật Thống kê (sửa đổi).

Bảo đảm an toàn thông tin đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội

Tờ trình của Chính phủ khẳng định xây dựng Luật An toàn thông tin nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Luật ra đời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin; đẩy mạnh công tác giám sát, phòng, chống nguy cơ mất an toàn thông tin, bảo đảm hiệu quả công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực này,…

Dự thảo Luật An toàn thông tin gồm 9 chương, 56 điều. Dự thảo Luật quy định về hoạt động an toàn thông tin, bao gồm bảo đảm an toàn thông tin trên mạng; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; quản lý nhà nước về an toàn thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật An toàn thông tin.

Việc ban hành Luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin, tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá trong 56 điều của dự thảo Luật vẫn có tới 11 điều khoản sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật”, 9 điều khoản giao Chính phủ quy định cụ thể, 5 điều khoản giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định hoặc chủ trì phối hợp với các cơ quan khác quy định.

Một số thuật ngữ, quy định còn chung chung, khó thực hiện hoặc có thể dẫn đến việc áp dụng, hướng dẫn tùy tiện.

Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi lại các quy định này cho rõ ràng, minh bạch hơn tạo thuận lợi khi thực hiện luật; loại bỏ một số quy định khung, bổ sung vào dự thảo Luật những quy định cụ thể trong các dự thảo Nghị định hướng dẫn và các văn bản dưới luật mà đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn (như vấn đề mật mã dân sự đã được quy định trong Nghị định số 73/NĐ-CP ngày 08-5-2007 của Chính phủ) để có thể áp dụng ngay, bảo đảm tính khả thi của Luật.

Đánh giá phạm vi thông tin cần được pháp luật bảo đảm an toàn là rất rộng, không chỉ là thông tin được số hóa, được trao đổi thông qua các phương tiện điện tử hay mạng internet, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng phần lớn nội dung của dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên mạng (bao gồm mạng viễn thông, internet và mạng máy tính).

Dự thảo Luật không điều chỉnh về nội dung thông tin mà chỉ chỉ tập trung về các vấn đề kỹ thuật nhằm bảo đảm quá trình truyền tải thông tin không bị sửa đổi, tiết lộ, gián đoạn, thông tin được bảo đảm nguyên vẹn. Do vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị đổi tên gọi của dự thảo Luật thành Luật An toàn thông tin mạng để bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Đồng thời, Ban soạn thảo cần làm rõ mối quan hệ giữa an toàn thông tin với an ninh thông tin; bổ sung một số nội dung liên quan giữa bảo đảm an toàn thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với an ninh thông tin trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng theo tinh thần của Nghị quyết IPU-132 về chiến tranh mạng.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong xét xử các vụ án hành chính

Góp ý về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), các đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên); Đào Văn Bình, Nguyễn Sơn (Hà Nội); Đỗ Văn Đương, Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh),... đồng tình với quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như dự án Luật.

Việc giao cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ bảo đảm tính khách quan, tạo niềm tin cho nhân dân. 

Nhiều đại biểu đánh giá quy định về “bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng hành chính” và “phương thức tranh tụng tại phiên tòa” là nội dung mới, rất quan trọng khi sửa đổi Luật lần này. Tuy nhiên, quy định về bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng hành chính còn ngắn gọn, khái quát, cô đọng, cần bổ sung thêm.

Các quy định về thu thập chứng cứ, cung cấp chứng cứ, giao nộp chứng cứ, quyền của đương sự, tổ chức đối thoại,... đều thể hiện quá trình tranh tụng. Tuy nhiên, quy định về bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng hành chính tại dự án Luật còn mang tính khái quát, chưa viện dẫn các quy định, điều luật liên quan, cần bổ sung cho đầy đủ hơn.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) nhưng nhiều đại biểu cũng để nghị ban soạn thảo cần quán triệt quan điểm chỉ những vấn đề nào bất cập trong thực tiễn, đã có sự tổng kết, đánh giá tác động cụ thể, rõ ràng thì mới sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các vụ án hành chính.

Bảo đảm tính chính xác, khách quan về thông tin thống kê quốc gia

Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật Thống kê nhằm khắc phục những bất cập của Luật Thống kê hiện hành; đồng thời, việc sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động thống kê nhà nước và hoạt động thống kê ngoài nhà nước.

Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định thống kê ngoài nhà nước, xác định quyền, nghĩa vụ, lĩnh vực thống kê ngoài nhà nước không được làm. Đối với trường hợp cần thiết, có thể giao Chính phủ quy định. 

Để bảo đảm tính độc lập, khách quan của các cơ quan thống kê nhà nước, các đại biểu đề xuất cần giao Chính phủ hoặc Quốc hội trực tiếp quản lý cơ quan này. Các đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Trần Thanh Hải (Bến Tre), Bùi Thị An, 

Để khắc phục tình trạng số liệu thống kê có sự chênh lệch lớn trong từng thời điểm (số liệu thống kê ước tính, số liệu thống kê sơ bộ, số liệu thống kê chính thức), các đại biểu đề nghị quy định rõ địa chỉ cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm nếu số liệu thống kê giữa các thời điểm khác xa nhau./.