Chính phủ Mỹ sẽ trở thành cổ đông của 9 ngân hàng lớn nhất nước này và sẽ chi tổng cộng 250 tỉ USD để mua cổ phiếu của tất cả những ngân hàng và định chế tài chính khác muốn bán cổ phiếu với giá ưu đãi cho Oa-sinh-tơn.

Biện pháp chưa từng thấy kể từ đầu thập niên 30 của thế kỷ trước này là nhân tố quyết định trong kế hoạch Pao-xơn (tức kế hoạch giải cứu tài chính trị giá 700 tỷ USD) bổ sung mà Tổng thống G.Bu-sơ và Bộ trưởng Tài chính Hen-ri Pao-xơn công bố ngày 14-10.

Diễn biến mới cho thấy ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn tại Phố Uôn đang gia tăng. Các giám đốc điều hành9 tập đoàn tài chính lớn nhất nước Mỹ dường như không có sự lựa chọn nào khác khi Bộ trưởng Pao-xơn công bố kế hoạch quốc hữu hóa một phần hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng biện pháp can thiệp này của Chính phủ là cần thiết để giúp khôi phục lòng tin trên thị trường và ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế kéo dài.

Giải pháp "mới" của Nhà Trắng được đánh giá là táo bạo, mô phỏng theo những biện pháp mà các nước thành viên khu vực đồng euro đã thông qua ba ngày trước đó nhằm phục hồi thị trường tín dụng.

Theo kế hoạch này, Chính phủ Mỹ có thể bỏ ra gần 2.000 tỉ USD để bảo lãnh cho các khoản nợ xấu và tài khoản tiền gửi của các ngân hàng Mỹ trong vòng hơn 3 năm, một nỗ lực đáng kể nhằm phá vỡ bế tắc trong hoạt động cho vay liên ngân hàng. Số tiền này tương đương với khoảng 20% nợ quốc gia (hiện đã vượt mốc 10 nghìn tỷ USD) và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ.

Kế hoạch mua trực tiếp cổ phiếu ngân hàng trị giá 250 tỉ USD cũng bao gồm cả những khoản bảo lãnh tạm thời mà Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) hỗ trợ các ngân hàng. Trong số các ngân hàng đầu tiên tham gia kế hoạch trên có tất cả các định chế tài chính lớn nhất như Citigroup Inc., Wells Fargo & Co., JPMorgan Chase & Co., Ngân hàng Mỹ và Morgan Stanley.

Dự kiến hơn một nửa trong số gần 8.500 ngân hàng ở Mỹ cùng với các khoản cho vay và tiết kiệm sẽ nằm dưới sự bảo lãnh của FDIC. Cơ quan này sẽ tạm thời bảo lãnh cho các khoản vay liên ngân hàng, các khoản nợ mới phát sinh trong trường hợp ngân hàng sắp sụp đổ hoặc các công ty đã nộp hồ sơ xin phá sản.

Ngay sau khi có thông báo của Chính phủ, thị trường đã phản ứng tích cực với việc cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ đồng loạt tăng giá trong phiên giao dịch chiều 14/10.

Chỉ số KBW (chỉ số trung bình của nhóm 24 ngân hàng) đã tăng 12,2% sau khi chín nhà cho vay lớn đạt được thỏa thuận chấp nhận thanh toán các khoản đầu tư chứng khoán ưu đãi. Như vậy, chỉ số này đã tăng 17,9% trong hai ngày qua, lấy lại gần một nửa mức sụt giảm trong nửa đầu tháng 10./.