Thấu triệt quan điểm"lấy học sinh làm trung tâm" là nhân tố quyết định sự thành công của quá trình dạy và học
Quảng Nam là một trong những tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy vậy những năm qua, nhân dân trong tỉnh đã tích cực phát huy truyền thống hiếu học, làm tốt công tác dạy và học: quy mô, số lượng, chất lượng dạy và học đều tăng, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học đạt cao, tỷ lệ bỏ học giữa chừng thấp so với các địa phương khác trong khu vực và cả nước... Nhân khai giảng năm học mới 2008 - 2009, phóng viên (PV) Tạp chí Cộng sản có cuộc trao đổi với tiến sĩ (TS) Nguyễn Tấn Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam về một số vấn đề về công tác dạy và học của địa phương.
PV: Quảng Nam vốn là vùng đất nổi tiếng về truyền thống hiếu học, vậy ông có thể cho biết, tỉnh đã phát huy truyền thống đó như thế nào?
TS Nguyễn Tấn Thắng: Quảng Nam vốn là vùng đất vừa hiếu học vừa có nhiều người chính bằng sở học của mình đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của địa phương và đất nước. Truyền thống hiếu học đó đã được tiếp nối, phát huy nhờ những chỉ đạo đầy hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền cũng như sự phối hợp hoạt động đồng bộ của nhiều tổ chức đoàn thể, lực lượng xã hội chăm lo phát triển giáo dục Quảng Nam.
Mạng lưới trường lớp từng bước được sắp xếp phù hợp với khung hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục, có đủ các cấp học, bậc học từ mầm non đến đại học. Hiện tại, toàn tỉnh có 211 trường mầm non, mẫu giáo; 268 trường tiểu học, 18 trường cấp 1,2; 192 trường trung học cơ sở (THCS), trong đó có 7 trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú huyện; 43 trường phổ thông trung học (THPT), trong đó có 1 trường chuyên, 1 trường PTDT nội trú tỉnh, 12 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp; 143/233 xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng và 12 trường đào tạo các bậc học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) (trong đó có 02 trường đại học và 5 trường cao đẳng).
Tổng số học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông hiện có 353.439 em. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 98,9%; tỷ lệ học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 97%; THCS đạt 92%; THPT đạt 85%; và tỷ lệ học TCCN của học sinh đạt 10% so với dân số độ tuổi từ 15 đến 17. Công tác phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học đã hoàn thành vào năm 1997; 88,2% huyện, thành phố và 97,4% xã, phường hoàn thành PCGD tiểu học đúng độ tuổi; 13/17 huyện, thành phố và 212/233 xã, phường hoàn thành công tác PCGD THCS.
Cuộc vận động "Hai không" được triển khai nghiêm túc trong toàn ngành, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Quảng Nam vẫn giữ ổn định. Số lượng học sinh thi đỗ đại học, cao đằng hằng năm tăng dần; năm 2000 có 3.092 học sinh thi đỗ, đạt tỷ lệ 11,1%, đến năm 2007 có trên 8.700 học sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, đạt tỷ lệ 26,4%. Quảng Nam là một trong những địa phương trong cả nước liên tục duy trì mức độ cao về tỷ lệ này.
Tổng số cán bộ, giáo viên, công nhân viên toàn ngành là 21.049 người; trong đó có 2 tiến sĩ, 61 thạc sĩ. Số giáo viên đạt trên chuẩn tăng cao: mầm non đạt tỷ lệ 49,11%; tiểu học 62%; THCS 23%; THPT trên2,5%.
Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã khuyến khích, huy động được các cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển giáo dục, đa dạng hóa các loại hình giáo dục và các hình thức giáo dục; qua đó mở rộng quy mô các bậc học, cấp học. Nếu đầu năm 2000 chưa có trường đạt chuẩn quốc gia, thì đến nay số trường đạt chuẩn quốc gia là 204/732 trường (chiếm 29%). Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được những mô hình gia đình hiếu học, tộc họ hiếu học. Một số nơi đang có những chuyển biến tích cực để hình thành các cộng đồng hiếu học trong từng đơn vị làng, xã...
PV: Hiện nay, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng khá phổ biến ở nhiều địa phương, ở Quảng Nam thì sao?
TS Nguyễn Tấn Thắng: Theo thống kê, năm học 2005 - 2006 tỷ lệ học sinh trong tỉnh bỏ học chiếm 2,58%; năm học 2006 - 2007: 2,76%; và năm học 2007 - 2008: 1,4%. Tỷ lệ học sinh các trường ngoài công lập bỏ học cao gấp 4 lần học sinh trường công lập; cấp học càng cao, tỷ lệ bỏ học càng lớn: tiểu học 0,14%, THCS 1,6% và THPT 3,3%; đặc biệt là tỷ lệ học sinh bỏ học chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền: ở đồng bằng 0,68%, nhưng ở miền núi tỷ lệ này lên đến 2,21%. So với những năm học trước và so với một vài địa phương khác, tình trạng học sinh bỏ học tại Quảng Nam có giảm nhẹ, nhưng những con số nói trên luôn làm đau lòng những ai vẫn thường quan tâm đến tuổi trẻ học đường, quan tâm đến một nền giáo dục thật sự vì người yếu thế, thiệt thòi và dân nghèo.
Qua khảo sát cho thấy, thực trạng trên bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu sau:
Về phía nhà trường, công tác quản lý còn nhiều hạn chế, chưa nắm bắt cụ thể hoàn cảnh gia đình và trình độ của từng học sinh; công tác giảng dạy còn nhiều bất cập, chậm đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, chưa có những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế học sinh yếu kém, môi trường giáo dục chưa tạo sự hứng thú cho học sinh học tập.
Về phía gia đình, nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học của con em; chưa kết hợp chặt chẽ với nhà trường, còn ỷ lại, phó mặc cho nhà trường trong công tác giáo dục con em.Trong hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều bậc cha mẹ lo làm ăn, ít quan tâm đến việc học hành của con cái.
Về phía xã hội, một số lãnh đạo địa phương, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở thiếu quan tâm và chưa chỉ đạo quyết liệt việc vận động học sinh bỏ học ra lớp.Việc chăm lo cái ăn, cái ở cho học sinh vùng khó khăn chưa đầy đủ; có nơi, công tác xã hội hóa giáo dục chưa thực hiện tốt,sự phối hợp giữa các lực lượng giáo dục chưa đồng bộ.
Về phía bản thân học sinh, nhu cầu, động cơ học tập chưa được xác định rõ ràng. Trình độ tiếng Việt chưa vững, hổng kiến thức từ cấp học dưới nhưng vẫn được xét tuyển thẳng vào các lớp đầu cấp do yêu cầu phổ cập giáo dục nên học sinh chán học vì khả năng tiếp thu hạn chế, kết quả học tập kém hoặc không theo kịp lớp học; hoặc học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải tham gia lao động sớm để phụ giúp gia đình.
PV: Tỉnh đã có biện pháp gì nhằm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, thưa ông?
TS Nguyễn Tấn Thắng: Nhằm khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Nam đã và đang triển khai một số giải pháp sau:
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập trong học sinh, các bậc phụ huynh và toàn xã hội thông qua các cam kết ra lớp của học sinh, duy trì sĩ số của nhà trường và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo các cấp ở địa phương.
- Phân loại từng trường hợp bỏ học cụ thể để có giải pháp tương ứng, để có phương pháp giảng dạy thích hợp, đổi mới công tác đánh giá, kiểm tra; mở các lớp phụ đạo cho học sinh yếu, kém; dạy dãn tiết, tăng việc dạy 2 buổi/ngày hoặc trên 5 buổi/tuần; bố trí giáo viên giỏi dạy các lớp yếu; tăng cường vốn tiếng Việt cho học sinh và tạo điều kiện cho giáo viên học tiếng dân tộc để thuận lợi trong giao tiếp.
- Phát động các phong trào thi đua hạn chế học sinh bỏ học, thông qua việc xây dựng các “đôi bạn cùng tiến”; phân công giáo viên phụ trách từng thôn, bản, gắn trách nhiệm giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm với chất lượng học tập của học sinh và duy trì sĩ số; tăng cường các hoạt động kết nghĩa thiết thực và toàn diện giữa các trường, các địa phương.
- Xã hội hóa công tác chống học sinh bỏ học bằng việc duy trì các buổi họp giao ban định kỳ để nắm bắt kịp thời và có giải pháp hữu hiệu hạn chế học sinh bỏ học trong cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể với nhà trường; miễn, giảm các khoản đóng góp đối với học sinh nghèo; tăng cường đầu tư việc ăn - ở cho học sinh; phối hợp với các lực lượng giáo dục, các nhà doanh nghiệp cấp phát học bổng cho học sinh nghèo; định kỳ mở các hội nghị giáo dục ở cơ sở, huy động những người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản bàn biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.
PV: Quảng Nam rút được kinh nghiệm gì trong dạy và học?
TS Nguyễn Tấn Thắng: Thứ nhất, điều cần thiết và tiên quyết nhất là phải xác định, phải thấu triệt trong tâm hồn và lương tâm nghề nghiệp của những cán bộ quản lý giáo dục và trong từng người thầy trực tiếp đứng lớp quan điểm dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Chính từ việc nhận thức sự chuyển đổi trọng tâm của quá trình dạy học từ người dạy sang người học sẽ góp phần quyết định sự thành công của cả một quá trình còn lại của việc dạy học: sử dụng phương pháp gì, mức độ kiến thức cần đạt như thế nào, mục tiêu giáo dục ra sao...
Thứ hai, người dạy không chỉ là người hướng dẫn kiến thức mà còn là người đánh thức và kích thích khả năng tự học ở học sinh. Người dạy phải thật sự là người truyền lửa, truyền nhiệt tình yêu nước, ý thức công dân, tình yêu lẽ phải, tình yêu khoa học... Những người thầy có lửa trong tâm hồn, những người thầy biết cách khơi xới khả năng tự học của học sinh luôn có những tiết dạy thành công, luôn được học trò tôn vinh.
Thứ ba, việc sắp xếp đội ngũ những người đứng lớp cần được cân nhắc và bố trí một cách hợp lý trong từng đơn vị, bảo đảm sự hài hòa giữa thầy cô có thâm niên, có kinh nghiệm và những thầy cô giáo trẻ, và xây dựng được kế hoạch bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy định kỳ ở mỗi cơ sở giáo dục.
Thứ tư, bảo đảm những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tạo thuận lợi ban đầu cho công việc dạy và học; đồng thời phát động rộng rãi phong trào tự làm đồ dùng dạy học và nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý.
Thứ năm, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ. Chú trọng việc phản hồi thông tin về kết quả giảng dạy của từng trường, từng giáo viên trong từng năm học. Riêng về việc tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh về học tập, cần quan tâm đến việc xây dựng ngân hàng đề để tham khảo, vận dụng theo điều kiện của từng trường và tạo mặt bằng chung về chuẩn kiến thức tối thiểu trong đánh giá.
PV: Theo ông, phải làm gì để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay?
TS. Nguyễn Tấn Thắng: trước hết, phải đổi mới quản lý giáo dục về tư duy, phương thức lẫn cơ chế. Chuyển từ tư tưởng quản lý mệnh lệnh, hành chính sang quản lý chủ yếu bằng pháp luật, điều lệ nhà trường; chuyển từ một chiều, từ trên xuống sang tương tác, lấy đơn vị cơ sở làm trung tâm; chuyển từ tập trung sang phân cấp, dân chủ, tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
Thứ hai, đào tạo, đào tạo lại và tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của người hiệu trưởng, bồi dưỡng khả năng tuyên truyền vận động, mở rộng các mối quan hệ; rèn luyện kỹ năng tập hợp mọi người, tư duy luôn mở với những ý tưởng mới, có khả năng thích ứng với những môi trường mới, có hiểu biết đa lĩnh vực và có khả năng hình thành và liên kết các tập thể, đội, nhóm, luôn nhạy bén nhận thức được tính cấp bách của sự thay đổi và luôn xem xét để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp với những vấn đề thực tiễn đang diễn ra.
Thứ ba, lấy học sinh làm trung tâm cho sự phát triển của nhà trường và thúc đẩy việc học tập của học sinh. Mọi nỗ lực hoạt động của nhà trường đều hướng đến việc phục vụ và giáo dục toàn diện cho tất cả học sinh, tạo ra những cơ cấu hỗ trợ để giúp học sinh, lôi cuốn học sinh vào các công việc của nhà trường. Giáo viên luôn truyền những ước vọng và giáo dục kỹ năng sống đến từng học sinh, tổ chức việc dạy học phù hợp với những nhu cầu của học sinh và sử dụng nhiều chiến lược dạy học đa dạng.
Thứ tư, tạo bầu không khí nhà trường tích cực, môi trường học tập cởi mở, thân thiện, lý thú, mang tính văn hóa; trong đó, học sinh được khuyến khích, biểu dương và tôn trọng; tạo môi trường lấy công việc làm trung tâm, với đội ngũ giáo viên có năng lực làm việc tập thể, có năng lực đóng góp và tham gia vào công tác quản lý, hoạch định kế hoạch phát triển và giải quyết những vấn đề do thực tiễn nhà trường đặt ra.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về chính trị, tư tưởng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể, phát triển đảng viên mới. Thu hút phụ huynh và cộng đồng tham gia vào các hoạt động của nhà trường; duy trì mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng; xây dựng những phương pháp đa dạng đối với việc tuyên truyền, vận động cũng như làm việc với phụ huynh và cộng đồng; lôi cuốn họ vào tất cả các khía cạnh của việc học tập của con em.
PV: Cảm ơn ông!
Hướng tới một nền giáo dục đổi mới vì chất lượng và hiệu quả  (17/10/2008)
Bạch Thông tăng cường hướng về cơ sở  (17/10/2008)
Tổng thống Hy Lạp kết thúc chuyến thăm Việt Nam  (17/10/2008)
Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh mùa Thu của EU Ngày 15-10  (17/10/2008)
Cuộc chiến chống đói nghèo còn nhiều gian nan  (16/10/2008)
Cuộc chiến chống đói nghèo còn nhiều gian nan  (16/10/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên