TCCSĐT - Những năm gần đây, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) đã có những bước phát triển mạnh về cả diện tích, sản lượng và hiệu quả kinh tế trên cơ sở thực hiện đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Không chỉ giúp người dân tăng thêm thu nhập, phát triển cuộc sống, việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đã và đang mở ra những hướng sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội của Khoái Châu.

Đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở lợi thế của địa phương

Phát huy những lợi thế nổi bật như diện tích canh tác rộng, người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất thâm canh, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Khoái Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện, gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, hoạt động trồng trọt được đẩy mạnh theo hướng kết hợp sản xuất cây trồng truyền thống gắn với mở rộng sản xuất những giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao.

Trên cơ sở thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, cây lúa tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu cây lương thực của Khoái Châu. Vụ mùa năm 2014, diện tích lúa của các xã trong huyện đạt trên 3.600 ha với 30% diện tích sử dụng giống chất lượng cao. Sản xuất lúa được phát triển mạnh ở các xã như Phùng Hưng, Đại Hưng, Đại tập, Liên Khê… Điểm nổi bật trong sản xuất lúa ở Khoái Châu thời gian qua là công tác chuyển giao giống mới đã được thực hiện tốt trên cơ sở phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp. Nhờ đó, nhiều giống lúa mới có năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như Nếp thơm Hưng yên, Nếp 97, RVT, GS9,… đã được đưa vào sản xuất trên diện rộng. Đến đầu tháng 10, toàn huyện đã thu hoạch được trên 400 ha lúa với năng suất ước đạt 62 - 63 tạ/ha.

Cùng với thâm canh lúa, sản xuất cây màu ở Khoái Châu cũng được quan tâm phát triển khá mạnh với cơ cấu các loại cây trồng đa dạng. Hiện toàn huyện đang có 2.343 ha cây màu các loại (tăng 325 ha so với năm 2013). Trong đó, diện tích cây ngô và cây đậu tương tiếp tục được mở rộng với 600 ha ngô và 355 ha đậu tương. Đây là điều kiện thuận lợi để các xã trên địa bàn huyện bảo đảm nguồn thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm các loại. Các loại cây trồng khác cũng được chú trọng phát triển, như rau chất lượng cao (450 ha); cây dược liệu (250 ha); đỗ xanh (100 ha); hoa, cây cảnh (100 ha);…

Bên cạnh đó, với diện tích đất bãi bồi rộng và điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, trồng cây ăn quả đang trở thành một hướng đi hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở Khoái Châu. Nhiều loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, như nhãn chín muộn, bưởi diễn, chuối tiêu hồng,… được phát triển mạnh. Nông dân đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa và một số cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. So với năm 2013, diện tích cây ăn quả toàn huyện đã tăng trên 300 ha, đạt gần 2.220 ha. Trong đó, riêng cây nhãn, với 957 ha trồng tập trung, đến cuối tháng 10-2014, sản lượng nhãn toàn huyện ước đạt trên 6.000 tấn quả, mang lại nguồn thu ước khoảng 140 tỷ đồng. Song song với cây nhãn chín muộn, Khoái Châu cũng đẩy mạnh phát triển cây chuối với 681 ha. Hiệu quả phát triển cây chuối tiêu hồng đã được khẳng định rõ trong thực tiễn sản xuất với thu nhập cao gấp 4 - 6 lần so với trồng lúa. Các xã Đại Tập, Tứ Dân, Tân Châu,… ngày càng xuất hiện nhiều “tỷ phú nông dân” từ trồng chuối tiêu hồng.

Bám sát phương châm “khai thác lợi thế địa phương, phát triển nông nghiệp toàn diện”, cùng với trồng trọt, hoạt động chăn nuôi, thủy sản của huyện Khoái Châu cũng được phát triển trên cơ sở thực hiện có hiệu quả công tác vệ sinh phòng dịch.

Đến nay, tổng đàn trâu, bò của huyện là trên 1.800 con, trong đó 170 con trâu, hơn 1.630 con bò. Đàn lợn của huyện cũng đã tăng trưởng mạnh với trên 10 vạn con cùng hơn 80 vạn gia cầm các loại; bình quân mỗi năm Khoái Châu cung cấp cho thị trường khoảng 15.000 tấn thịt lợn. Thành công trong hoạt động chăn nuôi ở Khoái Châu là chăn nuôi đã có sự chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp; tại nhiều xã như Dạ Trạch, Bình Minh, Tân Dân,… đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn. Đặc biệt, Khoái Châu cũng đã bước đầu phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa với đàn bò đang cho sữa trên 300 con, sản lượng sữa ước tính khoảng 1.200 tấn/năm. Công tác vệ sinh phòng dịch luôn được địa phương thực hiện có hiệu quả nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất. Đến cuối tháng 9-2014, huyện đã tổ chức tiêm phòng cho 1.575 con trâu bò, gần 6 vạn con lợn…, đồng thời hỗ trợ các xã tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng ở những khu vực có nguy cơ cao như chợ buôn bán gia cầm, ổ dịch cũ,…

Huyện đã chú trọng khai thác 780 ha mặt nước để nuôi thủy sản với nhiều loại cá có giá trị như các trắm, chép, rô phi đơn tính,… Hoạt động nuôi cá lồng, cá bè cũng được mở rộng. Theo kỹ sư Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu, đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi, cây trồng đã giúp huyện khai thác tốt hơn những lợi thế vốn có, đồng thời cũng là “đòn bảy” thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống của người nông dân; là cơ sở để huyện phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân 33,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,2 % vào cuối năm 2014.

Phương hướng đẩy mạnh đa dạng cơ cấu vật nuôi, cây trồng

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới huyện Khoái Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên cơ sở tập trung thực hiện tốt một số phương hướng chính:

Một là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục để các lực lượng, các cấp, các ngành, nhất là người nông dân thấy rõ ý nghĩa, hiệu quả thiết thực của việc thực hiện đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất để nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và đẩy nhanh việc đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi, cây trồng nói riêng.

Hai là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp trên cơ sở điều kiện tình hình và khả năng thực tế của địa phương. Không chỉ đóng vai trò là “hành lang thuận lợi”, những cơ chế, chính sách hỗ trợ còn thực sự là động lực quan trọng, kích thích các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Ba là, đẩy mạnh công tác phổ biến, ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng quy hoạch vùng nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Với những lợi thế nổi bật về diện tích đất bãi, diện tích ao, hồ, mặt nước…, xây dựng quy hoạch vùng nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao là hướng đi chiến lược của ngành nông nghiệp Khoái Châu. Đồng thời, việc tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là “chìa khóa” để huyện nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp trên cùng một đơn vị sản xuất.

Bốn là, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và tỉnh, chủ động liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản. Thực tế cho thấy, thị trường tiêu thụ luôn là “bài toán khó” đặt ra với các nhà sản xuất. Và việc liên kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chính là giải pháp hàng đầu trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hiện nay./.

Phát thêm Mục Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn