Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng đang diễn ra trên toàn cầu, ngân hàng trung ương nhiều nước đã liên tục bơm thêm các khoản tiền lớn thông qua nhiều hình thức, nhằm gia tăng tính thanh khoản trên thị trường.

Ngày 13-10, ngân hàng trung ương Ốt-xtrây-li-a đã bơm thêm 2,85 tỉ AUD (1,9 tỉ USD) vào hệ thống tài chính nước này nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng tính thanh khoản đang ngày càng nghiêm trọng.

Quyết định này được đưa ra sau khi Chính phủ Ốt-xtrây-li-a tuyên bố bảo hiểm tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng trong vòng 3 năm, nhằm duy trì lòng tin trên thị trường và phục hồi thị trường tín dụng, bất chấp việc giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch cùng ngày với mức tăng mạnh, sau khi trải qua đợt mất điểm nặng nề nhất kể từ năm 1987.

Hồi tuần trước, ngân hàng trung ương Ốt-xtrây-li-a cũng đã bơm nhiều tỉ AUD vào hệ thống tài chính trong nước, sau khi cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu trở thành cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái những năm 1930.

Trong khi đó, Anh quyết định bơm hơn 40 tỉ bảng (69 tỉ USD) cho 4 ngân hàng lớn đang trong cơn nguy khốn của nước này là Royal Bank of Scotland, HBOS, Lloyds TSB và Barclays, nhằm tăng nguồn vốn và giúp các định chế tài chính này chuẩn bị cho những thời điểm khó khăn phía trước.

Trước đó ngày 10-10, Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã phê chuẩn việc thành lập một quỹ khẩn cấp trị giá 30 tỉ euro, để mua lại các khoản nợ thế chấp của các ngân hàng nhằm bình ổn hoạt động cho vay và làm tan băng trên thị trường tín dụng.

Theo Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Mai-ri-a Tê-rê-xa đờ la Vê-ga (Maria Teresa de la Vega), việc quỹ này, dự kiến sẽ được mở rộng lên thành 50 tỉ euro (68 tỉ USD) nếu cần thiết, được thành lập là một biện pháp nhằm tái lập chức năng của hệ thống tài chính, và kích thích tăng trưởng kinh tế, cũng như tạo thêm việc làm.

Ngày 12-10, Bộ trưởng Tài chính Na Uy, Crít-tin Han-vốt-xen (Kristin Halvorsen), cũng thông báo nước này có kế hoạch phát hành đợt trái phiếu chính phủ trị giá tới 350 tỉ kroner (55 tỉ USD), nhằm giúp các ngân hàng, hiện đang bị điêu đứng do tình trạng khan hiếm tín dụng, có thể vay mượn được các chứng khoán tốt nhất và những trái phiếu an toàn nhất.

Bộ này sẽ đệ trình đề xuất lên Quốc hội vào ngày 17-10 và hy vọng sẽ nhận được sự thông qua vào ngày 1-11. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng sẽ tung ra các khoản cho vay mới với lãi suất cố định trong vòng 2 năm để gia tăng tính thanh khoản trên thị trường.

Một số ngân hàng Trung ương châu Âu như Ngân hàng Anh, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ ngày 13-10 cũng đã thông báo về việc sẽ cung cấp các khoản cho vay không giới hạn bằng USD, với lãi suất cố định.

Quyết định trên là một phần trong những nỗ lực mới nhất của các ngân hàng Trung ương châu Âu cùng với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) nhằm bổ sung nguồn cung USD cho các ngân hàng thương mại, đối tác của các ngân hàng này, nhằm tăng cường khả năng thanh khoản cho các thị trường cho vay USD ngắn hạn.

Các khoản cho vay này được áp dụng với 3 thời hạn thanh toán là 1 tuần, 28 ngày và 84 ngày.

Tuần trước, các ngân hàng châu Âu nói trên cùng với Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc (PBoC), BoJ và Ngân hàng Bắc Mỹ đã hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng. Do đó, một lượng lớn tiền mặt đã được huy động cho các thị trường liên ngân hàng đang bị đóng băng trong cuộc khủng hoảng tài chính do lo ngại người vay không có khả năng trả nợ.

Theo một số nhà quan sát, sự hỗn loạn xảy ra gần đây trên thị trường khu vực chủ yếu là do thiếu sự phối hợp hành động giữa các nước châu Âu./.