TCCSĐT - Ngày 12-01-2015, theo đánh giá chung của các nhà kinh tế, kinh tế Mỹ ở thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đã trở lại vị trí “đầu tàu” của nền kinh tế toàn cầu.

Miền Đông U-crai-na trước nguy cơ khủng hoảng nhân đạo

Ngày 12-01-2015, báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) cho biết, tính từ trung tuần tháng 4-2014 tới ngày 06-01-2015, cuộc xung đột tại miền Đông U-crai-na đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.808 người (bao gồm cả 298 người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay Ma-lai-xi-a) và khiến 10.468 người bị thương. Số người U-crai-na phải di tản vượt quá 1 triệu người, trong đó 634.000 người buộc phải di chuyển trong nước, còn 594.000 người phải tị nạn sang các nước láng giềng, chủ yếu là Nga. Ngoài ra, gần 5,2 triệu người vẫn đang ở trong khu vực chiến sự, trong đó có 1,4 triệu người thuộc diện “dễ bị tổn thương” và cần được hỗ trợ nhân đạo. Nhiều người trong số này sống trong tình trạng thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ bản thân, đặc biệt không thể mua thực phẩm, thuốc men và phải chống chọi với điều kiện mùa đông giá lạnh.

Báo cáo nêu rõ, chiến sự ở miền Đông đã cản trở hoạt động viện trợ nhân đạo cho người dân. Một trong những vấn đề hết sức nan giải là việc bảo đảm các chế phẩm và thiết bị y tế cho khu vực này. Đặc biệt, vẫn tồn tại tình trạng khan hiếm thực phẩm trong các bệnh viện, cũng như thiếu nhiên liệu cho xe cứu thương.

Mỹ giành lại vị trí “đầu tàu” kinh tế thế giới

 

 Kinh tế Mỹ ở thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đã trở lại vị trí “đầu tàu” của nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: theguardian.com

Ngày 12-01-2015, theo đánh giá chung của các nhà kinh tế thuộc ba tập đoàn tài chính - ngân hàng gồm JPMorgan Chase & Co. của Mỹ, Deutsche Bank AG của Đức và BNP Paribas SA của Pháp, kinh tế Mỹ ở thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đã trở lại vị trí “đầu tàu” của nền kinh tế toàn cầu sau 15 năm chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc và các nền kinh tế lớn mới nổi. Với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến đạt 3,2% trong cả năm, sự phát triển của nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong năm 2014 là ngoạn mục nhất trong vòng gần 10 năm qua, cụ thể là từ năm 2005.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 2014 là năm đầu tiên kể từ năm 1999, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ không bị xếp sau tốc độ phát triển chung của kinh tế toàn cầu. Thậm chí, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 4,6% trong quý II và 5% trong quý III, kinh tế Mỹ trong năm 2014 được nhìn nhận là điểm sáng nhất trong bức tranh toàn cảnh u ám hơn của nền kinh tế toàn cầu, trong khi kinh tế khu vực 18 nước sử dụng đồng ơ-rô và hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản hoặc tăng trưởng chậm lại hoặc rơi vào suy thoái.

WEF công bố những rủi ro toàn cầu trong năm 2015

Theo báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2015 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 15-01, xét theo khía cạnh khả năng có thể xảy ra, các chuyên gia đã xếp 10 nguy cơ hàng đầu thế giới trong vòng 10 năm tới lần lượt là: Nguy cơ xung đột quốc tế; thời tiết cực đoan; thất bại của hệ thống quản trị quốc gia; khủng hoảng hay sự sụp đổ nhà nước; thất nghiệp hay bán thất nghiệp; thảm họa thiên tai; thất bại trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu; khủng hoảng nguồn nước; gian lận hay đánh cắp dữ liệu; các vụ tấn công mạng. Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh tác động tiềm tàng trong thập kỷ tới, các chuyên gia đã đưa nguy cơ khủng hoảng nguồn nước lên vị trí hàng đầu và có một số thay đổi về xếp hạng thứ tự cùng với một số rủi ro khác.

Có thể xếp 28 rủi ro toàn cầu được đánh giá trong năm 2015 thành năm loại: kinh tế, môi trường, địa chính trị, xã hội và công nghệ. Vai trò của địa chính trị ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2015 khi chiếm tới ba trong tốp 10 rủi ro hàng đầu có thể xảy ra, và hai trong số 10 rủi ro hàng đầu xét theo khía cạnh tác động tiềm tàng. Bên cạnh những rủi ro về xã hội, điểm đáng chú ý trong tốp những rủi ro hàng đầu trong năm nay là sự hiện diện nhiều hơn của những rủi ro về môi trường, thậm chí còn nhiều hơn so với các rủi ro kinh tế. Trong khi đó, những lo ngại về rủi ro kinh tế kinh niên như tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc các cuộc khủng hoảng tài chính vẫn tương tự như năm ngoái mà không hề suy giảm.

Ngoài việc đánh giá khả năng và tác động tiềm tàng của những rủi ro trên thế giới, báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2015 còn xem xét các mối liên kết giữa những rủi ro, cũng như cách tương tác với xu hướng hình thành các nguy cơ ngắn hạn và trung hạn. Báo cáo còn đưa ra các phân tích của ba khía cạnh cụ thể nổi lên từ các mối quan hệ liên kết bao gồm: Sự tương tác giữa các yếu tố địa chính trị và kinh tế; các rủi ro liên quan đến quá trình đô thị hóa nhanh chóng mà không có kế hoạch ở các nước đang phát triển; sự xuất hiện của các công nghệ mới nổi.

Châu Âu trước mối đe dọa an ninh khó dự đoán và nguy hiểm

Trong cuộc phỏng vấn ngày 18-01-2015 dành cho hãng tin BBC của Anh, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) Rốp Oan-rai (Rob Wainwright) cho rằng bối cảnh an ninh hiện nay khó dự đoán và nguy hiểm hơn bao giờ hết kể từ sau cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11-9-2001. Ông cho biết cảnh sát đã phát hiện nhiều đối tượng độc lập và bán độc lập tự giác ngộ thành những phần tử cấp tiến qua in-tơ-nét hoặc qua thời gian tham chiến ở I-rắc và Xy-ri. Điều này khiến an ninh ở châu Âu giờ đây nguy hiểm hơn sau cuộc tấn công ở Mỹ năm 2001, thời điểm châu Âu duy trì được cơ cấu chỉ huy và kiểm soát đồng bộ.

Trả lời hãng tin CBS, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn (David Cameron) thừa nhận đây là thời kỳ vô cùng nguy hiểm khi châu Âu đối mặt với nguy cơ cao bị tấn công, đồng thời nhấn mạnh việc đối phó với các phần tử cực đoan là công việc lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và cần sự tham gia của cả quân đội. Theo nhà lãnh đạo này, châu Âu cần thể hiện rõ những giá trị cần được bảo vệ và coi trọng.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNN của Mỹ, Thượng nghị sĩ Ri-sớt Bơ (Richard Burr) cho rằng các vụ tấn công ở Pa-ri đầu tháng này chứng tỏ thế giới cần đánh giá lại khả năng kiểm soát những mối đe dọa có thể xảy ra./.