TCCSĐT - Ngày 14-01 tại Hà Nội, Học viện Hành chính quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: Hòa nhập xã hội của các nhóm xã hội bị thiệt thòi: Thực trạng ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế. PGS, TS. Lưu Kiếm Thanh, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo.

Hội thảo nằm trong chương trình nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp nhà nước KX 02.17/11-15. Tham dự Hội thảo có GS. Youngsoon Kim và đoàn giảng viên đến từ Đại học INHA Hàn Quốc; đại diện Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước; các nhà giáo, nhà khoa học, nghiên cứu Học viện Hành chính quốc gia và các ban, ngành trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Lưu Kiếm Thanh nêu rõ, các nhóm xã hội bị thiệt thòi luôn là đối tượng quan tâm của Đảng và Nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự quan tâm đó thể hiện bằng cơ chế, chính sách và các hình thức hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để các nhóm xã hội bị thiệt thòi hòa nhập xã hội. Trong nghiên cứu về vấn đề này, kinh nghiệm quốc tế có giá trị tham khảo quan trọng.

GS. Youngsoon Kim, diễn giả chính tại hội thảo trình bày kinh nghiệm Hàn Quốc trong giải quyết vấn đề hòa nhập xã hội của các nhóm xã hội bị thiệt thòi. Theo GS. Youngsoon Kim, Hàn Quốc là quốc gia chỉ có một dân tộc thuần nhất. Trong quá trình phát triển, Hàn Quốc cũng rất quan tâm giải quyết vấn đề hòa nhập xã hội của các nhóm xã hội bị thiệt thòi, tuy nhiên, quan niệm về nhóm xã hội bị thiệt thòi cũng như cách tiếp cận vấn đề này của Hàn Quốc có những điểm khác với Việt Nam. Ở Hàn Quốc, quan niệm đối tượng bị thiệt thòi là các nhóm thiểu số trong xã hội, đó có thể là người lao động nước ngoài, người dân tộc thiểu số, người đơn thân, người khuyết tật,… Đối tượng thiểu số có thể bao gồm cả về giới, tôn giáo,…

Từ năm 2000 trở đi, cùng với quá trình phát triển kinh tế, Hàn Quốc bước vào thời kỳ xã hội đa văn hóa. Trong thời kỳ này, sự phát triển công nghiệp đặt ra yêu cầu về nguồn lực lao động đến từ các nước khác. Có những khu vực công nghiệp, người nước ngoài chiếm số đông so với người Hàn Quốc. Bên cạnh đó, cũng có một số lượng lớn các cô dâu đến từ các nước khác, trong đó cho đến nay đã có gần 130 nghìn cô dâu đến từ Việt Nam. Các gia đình Hàn - Việt, bên cạnh rất nhiều gia đình sống hạnh phúc thì cũng có những gia đình gặp khó khăn. Đã có một số trường hợp cô dâu bị sát hại hay tự sát. Đây là những vấn đề cần nghiên cứu, tìm giải đáp để có các biện pháp hỗ trợ thích hợp.

Theo GS. Youngsoon Kim, gốc rễ của vấn đề là do không hiểu văn hóa của nhau trong các gia đình đa văn hóa. Từ thực tiễn, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành những chính sách cụ thể để hỗ trợ các gia đình đa văn hóa, ví dụ như quy định con cái trong các gia đình đa văn hóa có thể chọn ngôn ngữ học ở trong các trường; đưa tiếng Việt vào các môn thi nhập học đại học ở Hàn Quốc; thành lập các trường đa văn hóa cho trẻ em theo học, và một trường như thế đã được thành lập năm 2014 tại Incheon; thành lập các cơ sở hỗ trợ cho các gia đình đa văn hóa tại các địa phương;…

Tiếp đó, các đại biểu tham dự hội thảo cùng trao đổi về vấn đề hòa nhập xã hội của các nhóm xã hội bị thiệt thòi ở Việt Nam và Hàn Quốc. Nhìn chung, các đại biểu đều cho rằng quan tâm đến các đối tượng xã hội bị thiệt thòi từ phương diện chính sách đòi hỏi những nghiên cứu sâu sát, sự phối hợp liên ngành. Ngoài ra, cần huy động sự tham gia của xã hội trong việc huy động nguồn lực, tạo điều kiện để các nhóm xã hội này hòa nhập xã hội thành công./.