Nâng cao khả năng tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng chính thức: Trường hợp hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
TCCSĐT - Kết quả phân tích, đề xuất các giải pháp giúp hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có khả năng tốt hơn trong tiếp cận vốn và tiếp cận được nhiều vốn hơn từ các tổ chức tín dụng chính thức chứng tỏ khả năng tiếp cận vốn vay của hộ nghèo phụ thuộc vào các yếu tố: dân tộc, diện tích, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỷ lệ phụ thuộc, tài sản, chi tiêu.
Một vài kết quả khảo sát
Quán triệt tinh thần Nghị định 78/2002/NĐ-CP, ngày 04-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Sóc Trăng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình tín dụng này trên cơ sở có xem xét đến đặc điểm đối tượng phù hợp với từng huyện thị, ngành nghề, dân tộc.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 220 hộ nghèo, trong đó có 200 phiếu khảo sát hợp lệ. Kết quả khảo sát điều tra cho thấy, trong 200 hộ nghèo được điều tra thì có 174 nông hộ tham gia tín dụng, chiếm 87%, đây là tỷ lệ khá cao; còn lại 26 hộ không vay dưới bất cứ hình thức nào, chiếm 13%, những hộ không vay được là do tâm lý sợ mắc nợ ngân hàng hoặc do không có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức. Điều này, một phần là do nguồn vốn của ngân hàng còn hạn chế, không thể đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, một phần là do các hộ nghèo không đủ điều kiện cho vay vốn theo như quy định của các tổ chức tín dụng.
Cũng qua kết quả phân tích cho thấy, các hộ nghèo có nộp đơn xin vay nhưng bị các tổ chức tín dụng từ chối với tỷ lệ khá cao (26,9%), ngược lại hộ nghèo không có nhu cầu vay vốn tín dụng đạt 26,9% với lý do của họ là “không biết làm gì để có tiền trả nợ vay”. Khoảng 11,5% các hộ nghèo không biết có chính sách các tổ chức cho hộ nghèo vay. Các hộ không nộp đơn xin vay vì không đủ điều kiện vay chiếm 15,4% và các hộ cho rằng để vay được vốn sẽ phải đi lại khó khăn, có nhiều thủ tục phức tạp chiếm 19,2% các hộ không vay vốn tín dụng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay của hộ nghèo
Để xác định yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay của hộ nghèo, chúng tôi lược khảo một số nghiên cứu có liên quan và đưa số liệu phỏng vấn trực tiếp từ các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vào hàm (mô hình) Logit, thì có kết quả phân tích như sau:
- Kết quả phân tích số liệu điều tra có 6 biến trong mô hình (dân tộc, diện tích canh tác, giấy đỏ, tỷ lệ nhân khẩu phụ thuộc, tài sản và chi tiêu của hộ) có ý nghĩa thống kê ở mức từ 1% đến 10%, các biến còn lại không có ý nghĩa thống kê trong mô hình.
- Trong mô hình phân tích cho thấy rằng hộ là dân tộc Khmer có khả năng tiếp cận tín dụng cao hơn hộ dân tộc Kinh gần 79% nếu các yếu tố khác không đổi. Điều đó chứng tỏ Sóc Trăng luôn quan tâm đến đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc Khmer.
- Những hộ có nhiều đất nông nghiệp thường dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn những hộ ít hoặc không có đất. Những hộ nghèo có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khả năng tiếp cận với các nguồn tín dụng sẽ cao hơn gần 0,9 lần so với các hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là quan điểm của các tổ chức tín dụng xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như là tài sản bảo đảm vay nên hộ nào có ít đất hoặc không có giấy quyền sử dụng đất sẽ rất khó tiếp cận đồng vốn.
- Tỷ lệ người phụ thuộc của hộ nghèo tăng lên một đơn vị thì khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ sẽ giảm khoảng 97%. Như vậy, hộ càng nhiều nhân khẩu thì các tổ chức tín dụng sẽ đánh giá khó có khả năng thanh toán nên rủi ro nhiều, vì vậy các hộ này sẽ khó tiếp cận vốn vay hơn.
- Những hộ nghèo nào có nhiều tài sản khá hơn thì tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Khi các yếu tố khác không đổi, nếu chi tiêu của hộ tăng thêm một đơn vị thì khả năng tiếp cận tín dụng của hộ tăng lên 1,000628 lần.
Giải pháp giúp hộ nghèo có khả năng tốt hơn trong tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng chính thức
Từ nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nghèo thời gian qua, để hộ nghèo có cơ hội thụ hưởng chính sách tín dụng tốt hơn, tức là có khả năng hơn trong việc tiếp cận vốn và vay tín dụng chính thức tốt hơn thì phải thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, nhóm giải pháp chung về khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức của hộ nghèo
Bảo đảm hộ nghèo đều có quyền lợi ngang nhau trong việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thức thì đòi hỏi các tổ chức tín dụng cần công bằng hơn trong việc xét duyệt hồ sơ vay vốn, cho vay phải xem xét tới mục đích vay vốn, khả năng trả nợ và phối hợp với chương trình phát triển nông thôn nhằm tăng cường khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vật tư đầu vào như cây giống, phân bón,...
Các hộ nghèo cần có tinh thần tương thân, tương trợ, gắn kết với nhau thông qua các tổ chức như: hội phụ nữ, hội nông dân để nắm bắt thông tin cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thức.
Một trong những yếu tố giúp hộ nghèo vay vốn dễ dàng là họ phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm tài sản bảo đảm vay khi vay vốn ngân hàng. Vì vậy, chính quyền địa phương cần giúp đỡ các hộ nghèo trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để họ có thể tự mình đi vay khi có nhu cầu.
Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của hộ nghèo, cũng cần nâng cao trình độ học vấn của hộ nghèo bởi vì sự thiếu hiểu biết và tâm lý sợ mắc nợ ngân hàng kèm theo một số hộ nghèo cần vốn nhưng không dám tiếp cận nguồn tín dụng chính thức để nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất của mình. Thêm vào đó, nếu hiểu biết thủ tục vay vốn ngân hàng thì họ sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng này.
Chính quyền cần giúp đỡ hộ nghèo trong việc xác nhận hồ sơ và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất giúp hộ nghèo sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của hộ nghèo cũng như phát triển kinh tế địa phương.
Đối với những hộ nghèo có nhiều đất đai thì việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thức tương đối dễ dàng do họ có tài sản thế chấp. Những đối tượng này nên vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì họ có thể vay được nhiều hơn để sử dụng số tiền vay vào việc sản xuất để gia tăng thu nhập. Ngược lại đối với những hộ nghèo không có tài sản thế chấp nhưng có khả năng sản xuất thì họ có thể tiếp cận nguồn tín dụng chính thức thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thứ hai, nhóm giải pháp về đất đai: Kết quả nghiên cứu cho thấy, hộ nghèo nào có diện tích đất nông nghiệp nhiều hơn thì dễ tiếp cận vốn và vay được vốn tín dụng chính thức cao hơn. Xuất phát từ kết quả nghiên cứu này, nên có giải pháp cụ thể là phải bằng mọi cách thực hiện tốt chính sách ruộng đất làm cho đất nông nghiệp bình quân trên hộ ngày càng có quy mô lớn hơn.
Thứ ba, nhóm giải pháp về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Nghiên cứu đã tìm ra được, hộ nghèo nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khả năng tiếp cận với các nguồn tín dụng sẽ cao hơn và lượng vốn vay được cũng nhiều hơn. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét, xác định và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kịp thời. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện vấn đề khó khăn thì các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất biện pháp để thực hiện vấn đề này tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất.
Thứ tư, nhóm giải pháp về vấn đề tỷ lệ nhân khẩu phụ thuộc: Các hộ nghèo có tỷ lệ nhân khẩu cao thì khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của họ giảm. Nhân khẩu phụ thuộc là những người chưa đến tuổi lao động, hoặc quá tuổi lao động. Trong nghiên cứu này, nhân khẩu phụ thuộc là con của chủ hộ. Như vậy giải pháp là phải thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Thứ năm, nhóm giải pháp về tài sản của hộ: Nghiên cứu đã chỉ hộ nghèo nào có nhiều tài sản hơn thì tiếp cận tín dụng dễ dàng và lượng vốn vay từ các tổ chức tín dụng cũng được nhiều hơn (tài sản mà nghiên cứu này đề cập không bao gồm quyền sử dụng đất). Như vậy, để người nghèo có được nhiều tài sản, chúng ta phải hướng dẫn cho mỗi hộ nghèo hoặc tổ chức thảo luận, tọa đàm về cách chi tiêu cho các hộ nghèo để mỗi hộ nghèo biết chi tiêu hợp lý, đúng cách, biết tích lũy sao cho tài sản của mình ngày càng tăng lên.
Thứ sáu, nhóm giải pháp về thu nhập của hộ nghèo: Kết quả nghiên cứu chỉ ra nguồn thu nhập của hộ nghèo càng ổn định và càng lớn, thì khả năng trả nợ tốt nên lượng vốn họ vay được từ các tổ chức tín dụng càng lớn. Vậy, để có thu nhập cao thì bản thân hộ nghèo nên học hỏi kinh nghiệm làm ăn, học tập để tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn… Bên cạnh đó, hệ thống chính trị các cấp triển khai thực hiện chính sách tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho các nông hộ để họ sản xuất hiệu quả hơn, tăng thu nhập cho từng đối tượng hộ nghèo.
Thứ bảy, nhóm giải pháp về chi tiêu của hộ nghèo: Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu chi tiêu của hộ tăng thì khả năng tiếp cận tín dụng và lượng vốn họ vay được đều tăng. Kết quả này cho thấy, các tổ chức tín dụng ngại cho người nghèo vay, vì sợ họ không biết vay để chi vào việc gì và sử dụng đồng vốn có đúng mục đích vay hay không. Trường hợp người nghèo sử dụng vốn vay sai mục đích, nguy cơ tăng. Vì vậy, muốn các hộ nghèo sử dụng vốn vay có hiệu quả, hạn chế nợ quá hạn thì các tổ chức tín dụng có biện pháp giám sát và hướng dẫn các nông hộ chi tiêu đúng mục đích. Nên phối hợp tốt hơn giám sát chi tiêu qua hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội mà hộ nghèo là thành viên.
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy: Đối với khả năng tiếp cận vốn thì 4 yếu tố: diện tích đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản và chi tiêu có mối tương quan thuận; 2 yếu tố: dân tộc và tỷ lệ nhân khẩu phụ thuộc có mối tương quan nghịch. Như vậy, nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ hơn những kết quả của chính sách mà Đảng và Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực nhằm mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong đó, các chương trình tín dụng đối với đối tượng nghèo có vai trò lớn cho việc chuyển tải và đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đến các đối tượng thụ hưởng của cả nước nói chung, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã thu được những kết quả hết sức to lớn. Kết quả nghiên cứu được lý giải từ số liệu thực tế, khách quan là cơ sở đề xuất nhóm giải pháp chung và các nhóm giải pháp cụ thể để người nghèo có cơ hội thụ hưởng chính sách tín dụng tốt hơn./.
Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ tám  (19/11/2014)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng  (19/11/2014)
U-crai-na sau bầu cử vẫn ở thế “kẹt”?  (19/11/2014)
Khởi động chiến dịch truyền thông: “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”  (19/11/2014)
Chính sách ngoại giao phòng ngừa trong vấn đề Biển Đông  (19/11/2014)
Khai mạc Hội thảo không chính thức Diễn đàn Á - Âu về quyền con người  (19/11/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên