Người nuôi bò sữa đang ... kiệt sức
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 67.000 con bò sữa, cung cấp hơn 120.000 tấn sữa cho các nhà máy chế biến, đạt tốc độ phát triển đàn bò sữa gần 40%/năm trong 4 năm qua. Theo Đề án phát triển đàn bò sữa của Thành phố, đến năm 2010, tổng đàn bò sữa đạt 80.000 con, trong đó có 40.000 con vắt sữa. Sản lượng sữa hàng hoá sẽ đạt 240.000 tấn, sản lượng thịt đạt 34.000 tấn. Giữa tháng 8-2008 vừa qua, Thành phố cũng có kế hoạch phát triển thêm 1000 con bò sữa vào năm 2009. Tuy nhiên, hiện nay, người nuôi bò sữa đang bị thua lỗ nặng nề...
Lao đao vì thua lỗ
Năm 2004, Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích tăng nhanh quy mô nuôi bò sữa lên trên 20 con/hộ, giảm hộ nhỏ lẻ, thúc đẩy phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá. Theo đó, Thành phố đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao quy mô tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi”. Đây là mô hình chăn nuôi áp dụng đồng bộ các công nghệ: quản lý giống bò sữa, phối tinh cao sản và sử dụng thức ăn TMR, cải tạo chuồng trại, xử lý ô nhiễm, phòng trị bệnh, vệ sinh khai thác sữa... Dự án này nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho 500 hộ nuôi bò sữa trên địa bàn xã. Thành phố cũng đồng thời vận động và có chính sách ưu đãi đặc biệt để tối thiểu 70% người nuôi bò sữa tham gia vào các tổ chức liên kết hợp tác như làng nghề chăn nuôi bò sữa, tổ liên kết, hợp tác xã, hội nghề nghiệp bò sữa... Tuy nhiên, hiện nay, do việc chăn nuôi bò sữa đang bị thua lỗ, một số hộ nông dân ở ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh đang bán bò sữa bằng giá bò thịt. Xét cả về thu nhập, nợ vay ngân hàng cũng như công sức bỏ ra, có thể nói, người nuôi bò sữa ở đây đang… kiệt sức.
Xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) có 1.265 hộ chăn nuôi bò với 10.871 con bò sữa, mỗi ngày sản xuất trên 55 tấn sữa thành phẩm, nhưng từ đầu năm 2008 đến nay, người dân chăn nuôi bò sữa gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều hộ đã phải bán tháo bò sữa để tránh cảnh gánh nợ do phải trả lãi ngân hàng. Ông Ngô Văn La, một hộ chăn nuôi nhỏ ở xã này than thở: “Dạo trước, gia đình tôi vay ngân hàng và mượn thêm bà con được 41 triệu đồng mua 3 con bò. Nay cầm cự không nổi, kêu người bán tháo bò thì họ trả giá thấp hơn lúc mua”. Các hộ nuôi bò sữa quy mô lớn gặp nan giải hơn nhiều. Ông Huỳnh Hiệp Sĩ, ở tổ 9, ấp 3, xã Tân Thạnh Đông cho biết: “Gia đình tôi nuôi 30 con bò sữa, cầm cự đựợc đến giờ là nhờ làm đại lý bán cám. Mỗi ngày vắt trên 150 kg sữa, tính chi phí thức ăn và công chăm sóc, so với giá như hiện nay xem như lỗ, lúc may mắn thì hòa vốn. Giờ đây chỉ đủ điều kiện chăm chút cho 8 con đang vắt sữa, số còn lại chỉ nuôi... để mà nuôi bằng cách hàng ngày phải lên tận Bình Dương mua cỏ”. Còn theo ông Võ Văn Nuôi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thạnh Đông thì: “Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn tăng cao từ 20 đến 30%, trong khi trung bình giá mỗi kg sữa chỉ có giá 5.500 đồng, so với trước đây là trên 7.000 đồng. Vì thế, người ta không thể không giải phóng đàn bò để khỏi phải gánh thêm nợ. Tình trạng này kéo dài, chắc chắn không ai có thể nuôi bò nữa".
Theo số liệu thống kê, tính trung bình 4 năm qua (từ năm 2004 đến nay), tốc độ phát triển đàn bò sữa ở Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 40%/năm. Tuy nhiên, với mức giá 5.500 đến 6.000 đồng/kg sữa tươi, người chăn nuôi bò hầu như không thu được lợi nhuận gì. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn cho bò sữa liên tục tăng cao, cụ thể là hèm bia tăng 20,6%, thức ăn hỗn hợp tăng 23,8%, xác mì tăng 37%... đã ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi và là “cú sốc” đối với người nông dân nuôi bò sữa.
Dự báo thời gian tới, nếu giá bán sữa không thay đổi trong khi giá đầu vào của ngành chăn nuôi vẫn tăng thì người nông dân không thể có lãi dù chỉ “lấy công làm lời” hoặc tận dụng cả nguồn thu từ việc bán phân bò. Ông Đinh Văn Cải - Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam tính toán: Mua 1 con bò đang có chửa lần đầu với giá 20 triệu, trung bình khai thác được 4 lứa cộng với năng suất sữa 4.000 lít/lứa, tổng cộng là 16 tấn sữa. Khi bò đã được thải loại chỉ bán được 4 triệu đồng, 16 triệu đồng còn lại phải tính khấu hao vào giá bán sữa. Như vậy cứ 1 lít sữa sẽ phải bù thêm 1.000 đồng nữa mới đủ vốn. Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng: đang có cuộc khủng hoảng thật sự về chăn nuôi bò sữa do lợi nhuận giảm mạnh, bởi giá bán sữa lâu nay tăng rất chậm so với giá “đầu vào” của ngành chăn nuôi (gồm giá thức ăn, thuốc thú y, dịch vụ vắt sữa, chi phí mua cỏ và nhiều thứ khác), khiến không ít nông dân chăn nuôi bò sữa nản lòng.
Một sự đào thải hợp lý?
Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng người nuôi bò sữa bị lỗ vốn như hiện nay là sự đào thải hợp lý để phát triển đàn bò sữa đi vào chiều sâu. Trước mắt là tăng quy mô đàn bò trên mỗi trang trại, thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay. Cũng theo các nhà chuyên môn, sự đào thải hợp lý trong quá trình phát triển bò sữa gồm hai dạng. Dạng thứ nhất là trong quá trình phát triển, người chăn nuôi loại dần những con bò sữa cho năng suất thấp hoặc giống bò sữa hay thế hệ bò sữa không phù hợp với điều kiện chăn nuôi hiện hữu. Dạng thứ hai là tự đào thải, do những người chăn nuôi không đủ điều kiện về vốn, kinh nghiệm dần dần phải từ bỏ nghề nuôi bò sữa nếu không muốn bị thua lỗ liên tục. Cùng với sự biến động từ cuối năm 2007 đến nay (lợi nhuận từ nghề chăn nuôi bò sữa đã giảm, thậm chí đến mức lỗ), các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để các hộ chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp, có quy mô lớn cơ cấu lại đàn bò hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào.
Giữa năm ngoái, trong một hội nghị toàn quốc về phát triển bò sữa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cảnh báo về khả năng chăn nuôi bò sữa bị thua lỗ đã được đưa ra. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do giá cả đầu vào cho chăn nuôi như chi phí chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y… đều tăng, trong khi giá bán sữa tươi tăng không đáng kể trong bối cảnh Việt Nam giảm thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu. Tính ra, sữa bột nhập khẩu rẻ hơn sữa tươi (nguyên liệu) trong nước. Cũng theo ông Đinh Văn Cải, thời gian qua, hoạt động chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Thành phố phát triển mạnh là do bà con bán bò giống được giá, nên ít quan tâm tới chi phí cho thức ăn và giá sữa. Khi cơn sốt con giống hạ, trở về với giá trị đích thực thì việc nuôi bò sữa không còn hấp dẫn người nông dân như trước. Đây cũng là một biểu hiện cụ thể về quy luật đào thải đã được đề cập ở trên./.
Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ - bước đột phá của sự phát triển  (06/10/2008)
Tình hình kinh tế Việt Nam đã tốt hơn so với giữa năm  (06/10/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 29-9 đến 5-10-2008)  (06/10/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 29-9 đến 5-10-2008)  (06/10/2008)
Mục lục chuyên đề cơ sở số 19 (7-2008)  (06/10/2008)
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 29-9 đến 5-10-2008)  (06/10/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên