Đánh giá hiệu quả đổi mới thể chế phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế
TCCSĐT - Sáng 01-10, tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giám sát về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
Triển khai công tác giám sát, đánh giá toàn diện tình hình tái cơ cấu nền kinh tế sau 3 năm thực hiện, Đoàn giám sát đã tập hợp được bản báo cáo hết sức công phu lên tới 6.000 trang; đánh giá tổng thể kết quả đã đạt được và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tiếp theo đối với công tác tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát, thời gian qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, nhiều chính sách, văn bản về tái cơ cấu đầu tư công đã được ban hành, bước đầu góp phần khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, thất thoát, lãng phí trong phân bổ, bố trí nguồn vốn và nâng cao hiệu quả công tác đầu tư.
Cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước đang tiếp tục được hoàn thiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước. Sau hơn 2 năm triển khai, số lượng các ngân hàng thương mại yếu kém đã giảm, nợ xấu cơ bản được kiềm chế và bước đầu được xử lý. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng đã được nâng lên. An toàn hệ thống ngân hàng dần được cải thiện.
Tuy nhiên, hiện nay, quy định về đầu tư công tại một số văn bản, chính sách còn chồng chéo, gây khó khăn trong triển khai thi hành; việc triển khai có nơi còn thực hiện chưa nghiêm, chưa chấp hành đầy đủ về bố trí vốn. Tình trạng điều chỉnh quyết định đầu tư dự án còn diễn ra phổ biến, chưa khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản...
Báo cáo thêm tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đề nghị: qua kết quả giám sát, cần tiếp tục đề cao vai trò của lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty đối với nhiệm vụ triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn; trong đó, cần thực hiện đúng quy định doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán đúng thời gian niêm yết.
Giải trình thêm tại buổi làm việc liên quan đến công tác tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay tương đối khó khăn do các yếu tố hội nhập quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Theo bà Hồng, trong nhiều năm trước, hệ thống các tổ chức tín dụng đã phát triển mạnh mẽ với nhiều ngân hàng được thành lập mới, kèm theo tăng trưởng tín dụng tăng mạnh, có thời điểm lên đến trên 30% trong thời gian dài dẫn đến nợ xấu ở mức cao.
Do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định công việc này cần làm thường xuyên, lâu dài và phải tuyệt đối bảo đảm an toàn hệ thống. Song song với tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước tích cực xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp khác nhau, kiên quyết không dùng ngân sách.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phân tích, tái cơ cấu là đổi mới thể chế, vì vậy báo cáo giám sát cần đánh giá kỹ hiệu quả hoàn thiện về chính sách, đổi mới mô hình như việc thành lập VAMC, tái cơ cấu Vinalines, Vinashin.
Ngoài ra, Báo cáo giám sát cần đánh giá trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành, cơ quan, các bộ, ngành, Chính phủ và cả Quốc hội để rút kinh nghiệm, hoàn thiện những mô hình đem lại hiệu quả thực chất hơn.
Đánh giá cao kết quả giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước góp ý: Báo cáo cần phân tích sâu thêm về nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư công, trong đó có việc tập trung đầu tư vào các chương trình mục tiêu quốc gia bằng các nguồn ngân sách, trái phiếu và cả nguồn vốn xã hội. Cần đặt trọng điểm công tác tái cơ cấu trong vòng 5-10 năm tới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là Báo cáo Giám sát tối cao của Quốc hội vì vậy phải phân tích đầy đủ kết quả đạt được về tình hình tái cơ cấu, những mặt hạn chế và chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các hạn chế này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Báo cáo cần đặt ra mục tiêu tái cơ cấu đến 2015 và những năm tiếp theo. Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế tổng thể gắn với xây dựng mô hình phát triển kinh tế thị trường bền vững, hiệu quả cao, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường.
Phiên họp buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tham dự phiên họp.
Tờ trình dự thảo Luật nêu rõ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12-6-1999. Luật ra đời là cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện có hiệu quả hơn trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của mình.
Với vị trí là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc tham gia xây dựng Nhà nước, thông qua việc góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia tổ chức các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước...
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Văn kiện Đại hội X, XI của Đảng và các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bộc lộ một số hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) gồm Phần mở đầu, 9 chương, 42 điều, tăng thêm 5 chương, 24 điều. So với Luật hiện hành, Dự thảo luật đã được sửa đổi, bổ sung hầu hết các điều, chỉ giữ lại hai điều (Điều 5, nay là Điều 5 mới; Điều 8, nay là Điều 20 mới).
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm cụ thể hoá quy định mới của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho hoạt động của Mặt trận trong thời gian tới.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn các cơ chế để Mặt trận thực hiện các nhiệm vụ; làm rõ hơn cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia hoạt động góp ý với Nhà nước, thực hiện giám sát, phản biện xã hội; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thành viên của Mặt trận; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật chuyên ngành có liên quan; xác định rõ những nội dung cần quy định trong Luật, những nội dung quy định trong Điều lệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Bàn về Lời nói đầu, theo Tờ trình, dự thảo Luật kế thừa đoạn Mở đầu của Luật hiện hành nhằm khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong mối quan hệ với Đảng, với nhân dân; sự kế tục truyền thống vẻ vang qua các thời kỳ lịch sử và trách nhiệm của Mặt trận trong giai đoạn cách mạng hiện nay; đồng thời, có sửa đổi, bổ sung nhằm thể hiện rõ hơn vai trò của Mặt trận.
Quan điểm của cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc không nên có đoạn Mở đầu để bảo đảm thống nhất về hình thức, kỹ thuật trình bày văn bản luật; trường hợp cần nhấn mạnh vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì nên được thể hiện thành các nội dung điều khoản trong Luật.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng với vai trò, vị trí đặc biệt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị thì nên có Lời nói đầu.
Trên cơ sở tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, quy định về tổ chức, hoạt động, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước; điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bổ sung, thể chế hóa sự phối hợp hành động và quan hệ giữa các tổ chức thành viên với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thảo luận về nội dung giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị quy định nội dung này trong dự thảo Luật cần bám sát Quyết định về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; cách thể hiện cần bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về: Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; hệ thống tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cơ quan của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…/.
Đưa Trung tâm ứng phó thảm họa vào hoạt động cuối năm 2015  (01/10/2014)
ASEAN xác định ưu tiên hợp tác dịch vụ dân sự cho sau năm 2015  (01/10/2014)
Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 32.500 người cao tuổi  (01/10/2014)
Campuchia sửa đổi Hiến pháp liên quan tới Ủy ban Bầu cử quốc gia  (01/10/2014)
Tổng Bí thư bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc  (01/10/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay