TCCS - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII về giáo dục và đào tạo, tỉnh Trà Vinh đã nỗ lực phấn đấu đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo từng bước đi vào ổn định và phát triển. Tuy nhiên, để bảo đảm có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Trà Vinh tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp nhằm đưa công tác này lên một bước phát triển mới.

Kết quả bước đầu và những hạn chế, yếu kém

Những năm gần đây, quy mô và hình thức giáo dục và đào tạo của tỉnh Trà Vinh không ngừng được mở rộng và đa dạng hóa. Hệ thống giáo dục phổ thông được xây dựng và từng bước phát triển khá vững chắc. Toàn tỉnh hiện đã có 440 trường học và trung tâm dạy nghề, với 5.223 phòng học; 28 trường tiểu học và 2 trường mẫu giáo được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 149 trường có lớp học 2 buổi/ngày. Đã có 101/104 xã, phường, thị trấn và 8/8 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. 100/104 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Việc nâng cấp và mở rộng Trường Cao đẳng Cộng đồng lên thành Trường Đại học Trà Vinh, Trường Trung học Y tế lên Trường Cao đẳng Y tế, Trường Dạy nghề lên thành Trường Trung cấp Nghề... góp phần nâng cao năng lực đào tạo và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tỉnh.

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng tăng về số lượng và nâng dần về chất lượng; nhờ đó, trình độ dân trí trong toàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh hằng năm, công tác thu hút, bồi dưỡng nhân tài được quan tâm. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt việc dạy và học tiếng Khmer tại 90 trường tiểu học vùng đồng bào Khmer và 6 trường dân tộc nội trú trong tỉnh, bình quân mỗi năm học có trên 14.000 học sinh được học tiếng Khmer. Tại nhiều chùa Khmer trong tỉnh, các nhà sư cũng tham gia dạy tiếng và chữ viết cho học sinh dân tộc. Việc tổ chức thi tiếng Khmer (trình độ cấp 1) được tổ chức thường xuyên hằng năm; kể cả cán bộ, công chức có nhu cầu cũng được khuyến khích tham gia.

Trà Vinh tổ chức tốt hệ thống mạng lưới hội khuyến học các cấp ở các cơ quan, ban, ngành và tất cả các trường học trong tỉnh. Hệ thống này ngày càng phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động khuyến học nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Phong trào xã hội học tập được triển khai thực hiện sâu rộng trong tỉnh. Phong trào xây dựng gia đình hiếu học cũng được chú trọng, qua bình chọn đã cấp giấy chứng nhận cho 24.954 gia đình hiếu học, đạt 11,65% số hộ trong tỉnh. Tỉnh vận động nhân dân đóng góp trên 119.477m2 đất để xây dựng trường, lớp. Quỹ khuyến học của tỉnh bình quân mỗi năm vận động được trên 5 tỉ đồng để cấp học bổng và hỗ trợ cho trên 12.000 học sinh, sinh viên nghèo hiếu học có đạo đức tốt, học giỏi...

Tuy nhiên, nhìn lại thực trạng giáo dục - đào tạo những năm qua, Trà Vinh vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Tỉnh chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể về giáo dục - đào tạo nhằm định hướng và bảo đảm cho việc đào tạo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ cấu đào tạo ngành nghề còn mất cân đối và thiếu đồng bộ; đào tạo chưa gắn với sử dụng. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và chất lượng tay nghề còn thấp; giáo dục nghề nghiệp và đào tạo đại học, cao đẳng chưa gắn với nhu cầu xã hội và giải quyết việc làm; chưa sử dụng hợp lý lực lượng sinh viên ra trường..

Phương hướng và các giải pháp chủ yếu

Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy Trà Vinh đã có Nghị quyết chuyên đề về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với nhận thức và quan điểm chỉ đạo cụ thể sau đây:

- Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

- Đào tạo những người lao động có kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, có ý thức công dân, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Bảo đảm sự hợp lý về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng sâu và vùng đồng bào dân tộc; mở rộng quy mô, trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng, học đi đôi với hành.

Từ nhận thức đúng và quán triệt quan điểm chỉ đạo nói trên, Trà Vinh xác định tiếp tục nỗ lực phấn đấu đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo từng bước đi vào ổn định và phát triển với những phương hướng và mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như sau:

Về phương hướng chung: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, tập trung đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo, bảo đảm tiến kịp và phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể:

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo gắn với phân cấp quản lý, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh. Ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo ở vùng sâu, vùng có đông đồng bào Khmer; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi, thực hiện phổ cập trung học phổ thông ở các xã, phường, thị trấn có điều kiện.

- Huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài tỉnh, chuẩn hóa và hiện đại hóa trường học, trang thiết bị giảng dạy và học tập. Ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực từ nghề đến trình độ cao học bằng ngân sách nhà nước; tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính trung ương và của các tổ chức quốc tế đầu tư cho đào tạo nhân lực. Tăng cường và tổ chức tốt nguồn tín dụng học tập cho sinh viên các trường trong tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động tốt các nguồn lực đầu tư, phục vụ các chương trình khuyến học, khuyến tài, chương trình học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học...

- Quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người dân, mọi cán bộ, công chức được học tập và học tập suốt đời; đi đôi với tiếp tục mở rộng mô hình trung tâm học tập cộng đồng và nhân rộng mô hình gia đình hiếu học. Tạo cơ hội cho 85% số người lao động ở các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp được học tập, đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và thường xuyên theo các chương trình giáo dục, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao hiểu biết nhằm nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Đa dạng hóa, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng các trường dạy nghề trong tỉnh. Phấn đấu xây dựng 80% đội ngũ công nhân lành nghề và các chuyên gia ở lĩnh vực công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ. Thu hút 20% - 30% số học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp nghề và các nghề theo nhu cầu cuộc sống; 30% số học sinh trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông vào học các chương trình đào tạo nghề bậc cao, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học: 17.000 người; trình độ sau đại học: trên 300 người; trên 80% số cán bộ xã, phường, thị trấn được học tập, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế, xã hội và đạt trình độ chuẩn hóa; trên 90% số cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh được đào tạo đại học chuyên ngành; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các kiến thức khác có liên quan.

- Không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Đại học Trà Vinh, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Y tế, Trung cấp Nghề... Hạn chế dần việc tuyển chọn học sinh phổ thông vào đại học, cao đẳng tại chức. Khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển cơ sở dạy nghề, tin học, ngoại ngữ ngoài công lập, các cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với các đối tác trong nước để đào tạo nguồn nhân lực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Để thực hiện các mục tiêu trên Trà Vinh tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Giáo dục (2005), Chiến lược phát triển giáo dục 2005 - 2010 và các văn bản liên quan đến dân trí, nhân lực, nhân tài trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc sinh hoạt đoàn thể... làm cho các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, vai trò của giáo dục và đào tạo đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Hai là, tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Quy mô trường học tối thiểu phải phù hợp với chuẩn quy định chung. Đa dạng hóa các hình thức giáo dục và đào tạo, phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các đoàn thể, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, hội khuyến học các cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng và thu hút nhân tài.

Ba là, chú trọng phát triển giáo dục không chính quy để xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ có thể học tập phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mỗi cá nhân. Hình thành và củng cố hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng tại các huyện, thị trong toàn tỉnh. Đổi mới chế độ học phí của các trường ngoài công lập theo hướng bảo đảm tương xứng với chất lượng các dịch vụ giáo dục mà nhà trường có thể cung cấp, bảo đảm phù hợp với khả năng của người học; thực hiện miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, gia đình có công và người nghèo.

Bốn là, ưu tiên chọn hoặc mời giảng viên, giáo viên, huấn luyện viên giỏi, đi đôi với mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện hiện đại tại chỗ để bồi dưỡng nhân tài. Ở tỉnh, sẽ có trường, lớp chọn, lớp năng khiếu, trường năng khiếu, trường chuyên để bồi dưỡng, đào tạo học sinh xuất sắc, có năng khiếu. Ban hành chính sách sử dụng, trọng dụng, tạo điều kiện và động lực phát triển nhân tài để lực lượng này phát huy hết khả năng sáng tạo và cống hiến. Trong đó, có các tiêu chí, chính sách cụ thể để phát hiện, tuyển chọn, thu hút nhân tài trên tinh thần khoa học, khách quan.

Năm là, tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để có kế hoạch củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phân công nhiệm vụ phù hợp với chuyên môn, năng lực. Phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đồng bộ về cơ cấu các bộ môn và các ngành, bậc học, bảo đảm chất lượng; đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp, quản lý sự nghiệp giáo dục và đào tạo đúng định hướng và có hiệu quả. Trong đào tạo đội ngũ giáo viên, phải khắc phục tình trạng mất cân đối, vừa thừa, vừa thiếu do chưa gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn những năm qua.

Sáu là, chú trọng huy động nguồn lực từ hợp tác quốc tế để tăng cường chất lượng phương pháp giảng dạy, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xuất khẩu lao động, đào tạo cao học theo chương trình và bằng cấp nước ngoài, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những người có điều kiện đi du học tự túc.

Bảy là, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các huyện, thị xã thường xuyên lãnh đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình về giáo dục - đào tạo; kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém đồng thời chú trọng nhân rộng các mô hình mới, các điển hình tiên tiến trong lĩnh vực này. Động viên, khuyến khích mọi gia đình, cộng đồng dân cư, cán bộ - công chức, lực lượng vũ trang, các đoàn thể xã hội tích cực hưởng ứng và nâng cao trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo theo tinh thần xã hội hóa giáo dục và phương châm “toàn dân làm công tác giáo dục”... Chỉ có như vậy, Trà Vinh mới có thể đạt được mục tiêu chung cao nhất là từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.