Công tác cán bộ ở thị xã Hồng Lĩnh

Nguyễn Quang Vinh
00:26, ngày 01-07-2010

TCCS - Cán bộ bán chuyên trách công tác ở thôn, xóm, khối, phố là người gần dân nhất, giống như cánh tay nối dài của hệ thống chính trị. Cùng với đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, đây là lực lượng có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn tại Hồng Lĩnh cho thấy, bản thân đội ngũ cán bộ cơ sở và chính sách đối với họ vẫn còn không ít bất cập.

Cán bộ, công chức cơ sở gánh vác nhiệm vụ ngày càng nặng nề

Với mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị loại III trước năm 2015 và là trung tâm văn hóa - xã hội phía bắc Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Cùng với sự phát triển của Hồng Lĩnh, yêu cầu và nhiệm vụ đặt lên vai đối với đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở - người chèo lái con thuyền phát triển của địa phương -ngày càng nặng nề. Đặc biệt trong thời gian tiến hành Đại hội Đảng các cấp, công tác chuẩn bị đội ngũ cán bộ càng có ý nghĩa quan trọng. Chọn được những người tài, dám đứng mũi chịu sào, chèo lái tốt các công việc, có vai trò góp phần quyết định tới sự phát triển của địa phương.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của thị xã có 86 người, trong đó 80% có trình độ đại học, 20% trên đại học, trình độ chính trị từ trung cấp trở lên; đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách cấp xã, phường có 107 người, cán bộ bán chuyên trách 63 người, mới có 10% có trình độ đại học.

Thị xã đã xây dựng chính sách thu hút nhân tài để mời gọi sinh viên giỏi từ các trường đại học về công tác. Đây là chủ trương đúng đắn, song rất khó thực hiện. Bởi trên thực tế, những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi rất ít người sẵn lòng về địa phương để công tác. Phần lớn họ vẫn muốn tìm việc làm và lập thân, lập nghiệp ở các thành phố lớn. Dù môi trường làm việc tại thị xã hiện nay đã cải thiện nhiều, nhưng vẫn chưa phải là “mảnh đất” hấp dẫn trong quan niệm và cách nhìn của đại đa số sinh viên. Do đó, chính sách thu hút cán bộ trẻ trên cần có những đổi mới mang tính đột phá hơn nữa mới có thể đạt được mục tiêu đưa sinh viên giỏi về công tác tại xã, phường.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại chỗ. Phương án này khả quan và thuận lợi hơn. Đây là công việc chính của thị xã đang chú trọng làm tốt để chuẩn bị cho tương lai. Trong thời gian qua, đã cử 55 cán bộ chủ chốt của cơ sở đi học lý luận chính trị; phối hợp với Trường Chính trị Trần Phú của tỉnh mở 3 lớp trung cấp cho 234 người; liên kết với Trường Đại học Kinh tế quốc dân mở lớp đại học tại chức chuyên ngành kinh tế thương mại cho 70 cán bộ, công chức...

Với áp lực phải chuẩn hóa và áp lực từ chính thực tiễn công việc, đội ngũ cán bộ của Thị xã hiện nay đang được đặt vào tình thế phải không ngừng nâng cao trình độ, nếu không sẽ tự đào thải mình. Hiện nay, đội ngũ này cơ bản đáp ứng được yêu cầu, song để cống hiến nhiều và hiệu quả hơn nữa, thì không ít hạn chế từ chính sách và chính bản thân cán bộ phải tiếp tục được khắc phục.

Những trăn trở đối với cán bộ cấp xã, phường, thôn, xóm

Cán bộ bán chuyên trách công tác ở thôn, xóm, khối, phố là người gần dân nhất, giống như cánh tay nối dài của hệ thống chính trị. Cùng với đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, đây là lực lượng thường xuyên tiếp xúc và giải quyết những công việc gắn với lợi ích hằng ngày của nhân dân, là đầu mối tập hợp, hướng dẫn người dân, nên đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn tại Hồng Lĩnh cho thấy, bản thân đội ngũ cán bộ cơ sở và chính sách đối với họ vẫn còn nhiều bất cập.

Đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu việc đẩy nhanh tốc độ phát triển của thị xã trong giai đoạn mới. Cán bộ có trình độ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ số lượng còn mỏng, chất lượng chưa cao, thiếu năng lực thực tiễn. Các xã, phường chưa có những chuyên gia, công nhân kỹ thuật giỏi trên các lĩnh vực như: quản lý kinh tế, quản lý đô thị, xây dựng cơ bản, chuyển giao công nghệ, y tế... Tư tưởng bảo thủ, thiếu năng động, với sức ỳ lớn vẫn phổ biến. Tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo còn thấp. Cán bộ phường, xã, thôn xóm, khối phố trình độ chuyên môn rất hạn chế, nhiều đồng chí mới học xong trung học cơ sở.

Điều nan giải nhất hiện nay là cán bộ thôn, xóm, khối, phố đang phải đối mặt với sự "già hóa", công việc trông chờ phần lớn vào các cán bộ về hưu. Đội ngũ này có thuận lợi là kinh nghiệm thực tiễn, nhưng do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên một số hiện nay cũng không còn mặn mà với hoạt động. Trước đây, công việc trên thu hút được một số thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, song hiện nay, lực lượng này cũng ngày càng mỏng. Có những chi đoàn tại thôn, xóm, chỉ có vài ba thanh niên.

Nguyên nhân không tạo lực hút cán bộ cơ sở tham gia công tác tại cơ sở trước hết bởi chế độ phụ cấp còn quá thấp. Theo quy định, bí thư chi bộ và khối trưởng, xóm trưởng được hưởng 50% mức lương cơ bản. Cấp phó và cán bộ đoàn thể được hưởng 50% mức lương của bí thư, khối, xóm trưởng, nhưng cũng phải tùy thuộc vào điều kiện ngân sách của từng đơn vị; một phần nữa là dựa vào sự vận động đóng góp của nhân dân, mang tính chất bồi dưỡng. Do đó, phụ cấp của đối tượng trên là không đáng kể. Trong khi đó, công việc của họ phải giải quyết lại quá nhiều, muôn hình vạn trạng, nảy sinh từ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày tại cộng đồng dân cư. Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có triển khai được và phát huy tác dụng trong cuộc sống hay không có một phần đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ thôn, xóm, phố. Nếu không cải thiện được chính sách với đội ngũ cán bộ này thì vẫn đẩy họ vào tình thế "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", và sẽ khó đòi hỏi hiệu quả xử lý công việc tại cơ sở được

nâng cao.

Tuy nhiên, bộ máy chính quyền cơ sở cũng không thể quá cồng kềnh. Nhưng, trong khi năng lực cán bộ còn hạn chế, giải quyết công việc thiếu hiệu quả, đang thật sự là độ chênh lớn với nhu cầu muốn hưởng chế độ độ đãi ngộ cao. Nói cụ thể, mâu thuẫn giữa chế độ đãi ngộ và năng lực cán bộ đang là bài toán khó về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay. Mấu chốt chính là giải quyết hài hòa được mối quan hệ này.

Chuẩn bị cán bộ cho lâu dài

Hồng Lĩnh chuyển mình ngày càng mạnh mẽ với vị thế là trung tâm phía Bắc Hà Tĩnh. Tầm vóc của thị xã nâng lên, đòi hỏi tầm vóc của cán bộ cũng phải tương xứng. Chuẩn bị căn cơ một đội ngũ cán bộ có tâm, có tài, dám đứng mũi chịu sào, có khả năng gánh vác công việc là nhiệm vụ hàng đầu của thị xã hiện nay.

Theo đó, Hồng Lĩnh tập trung đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, với việc ban hành Quy chế thi tuyển công chức, viên chức công khai, minh bạch. Việc tuyển dụng cán bộ phải đáp ứng yêu cầu trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức phù hợp với chức danh đang thiếu. Quy chuẩn hóa việc tuyển dụng cán bộ mới đạt từ trình độ đại học chính quy trở lên.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ phù hợp với hiện tại và bảo đảm tính chiến lược lâu dài. Chú ý đến khả năng phát triển đội ngũ kế tiếp và kế cận các chức danh chủ chốt trong tương lai, với tầm nhìn đến năm 2020. Định kỳ tổ chức đánh giá, nhận xét công tác quy hoạch và đội ngũ cán bộ dự nguồn; bổ sung, sàng lọc và xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện cho phù hợp. Chú trọng việc đào tạo và đào tạo lại cán bộ, có mục tiêu, có kế hoạch, phù hợp với yêu cầu công tác.

Đồng thời, thị xã cũng kiến nghị với cấp trên tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ cơ sở để bảo đảm cuộc sống ở mức trung bình khá so với mặt bằng chung xã hội. Quy định cụ thể về chính sách phụ cấp đi học của cán bộ cấp xã, phường. Khuyến khích việc luân chuyên cán bộ, theo đó, cán bộ luân chuyển xuống cấp dưới, về cơ sở phải được quy hoạch rõ ràng, ưu tiên chế độ đãi ngộ, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ cần sớm được xem xét bố trí ở vị trí tương xứng. Đồng thời luân chuyển cán bộ xã, phường có năng lực lên cấp cao hơn hoặc được bố trí ở những vị trí công tác phát huy được năng lực hơn.

Trong triển khai thực hiện Nghị định mới nhất về cán bộ, công chức xã, phường - Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009, của Chính phủ - Hồng Lĩnh cũng gặp phải một số khó khăn. Theo Nghị định, xã thuộc đô thị loại 1, 2, 3, số cán bộ chuyên trách và công chức tương đương không vượt quá 21, 23, 25 người. Việc quy định khung cứng trên, nhiều khi chưa sát với thực tiễn, nên chăng có độ “mở” và linh hoạt hơn. Bởi vậy, theo khung quy định này, tùy theo đặc thù của địa phương, mỗi xã, phường nên linh động bố trí số lượng công chức. Chẳng hạn, phường đô thị có thể bố trí 2, 3 công chức địa chính - xây dựng – đô thị và môi trường; với xã nông nghiệp có thể chỉ bố trí 1 công chức địa chính – nông nghiệp, xây dựng và môi trường.

Nghị định trên của Chính phủ đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về chế dộ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách và công chức cơ sở. Tuy nhiên, với cán bộ bán chuyên trách, dù một số có công việc nhiều không kém gì cán bộ chuyên trách, song với việc quy định chế độ phụ cấp không vượt quá 1,0 mức lương tối thiểu, sẽ khó bảo đảm những điều kiện sống tối thiểu với đội ngũ này. Hơn nữa, hiện nay, cũng chưa quy định cụ thể các chức danh bán chuyên trách. Thiết nghĩ, về lâu dài, những công việc có thể tận dụng được các dịch vụ từ xã hội, thì nên xã hội hóa tối đa, hạn chế các chức danh bán chuyên trách, vừa giảm gánh nặng ngân sách vừa tăng hiệu quả của công việc./.