Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, sáng 17-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Bình để bàn các biện pháp ứng phó.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.

Sau khi được nghe về diễn biến mới nhất của cơn bão số 2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương phải tập trung hoàn thành công tác sơ tán dân tại những vùng nguy hiểm trước 16 giờ ngày mai (18-7), thường xuyên theo dõi diễn biến của cơn bão số 2 và không được chủ quan trong thực hiện công tác ứng phó với bão. Đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa - được xác định là những địa phương nằm trong vùng nguy hiểm của cơn bão này.

Các địa phương cần tập trung kêu gọi tàu, thuyền về neo đậu tại bờ; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu, thuyền ở ven biển, cửa sông bảo đảm an toàn. Đối với 17 tàu đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mặc dù vẫn giữ liên lạc nhưng cần khẩn trương kêu gọi di chuyển, trú tránh an toàn.

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phải tăng cường thông tin tuyên truyền về cơn bão số 2 đến người dân; tổ chức chặt, tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng, chống nhà cửa; có biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Đặc biệt, phải có phương án sơ tán người dân ở các lồng bè, chòi canh ven bờ.

Các tỉnh, thành phố hoãn những cuộc họp chưa cần thiết để tập trung phòng, chống bão số 2, đồng thời thành lập các tổ công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão tại những địa bàn trọng yếu. Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão số 2 tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.

Bộ Giao thông - Vận tải cần nắm chắc và thông báo cho các tàu vận tải đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão số 2 để chủ động phòng, tránh. Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm thông tin liên lạc, nhất là những mạng thông tin di động. Các bộ, ngành, địa phương duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường, bão số 2 tiếp tục hướng về đảo Hải Nam (Trung Quốc) với cường độ bão mạnh nhất đến cấp 13, cấp 14, trước khi đổ bộ vào Đông Bắc Hải Nam. Sau đó suy yếu khoảng 2 cấp khi di chuyển vào vịnh Bắc Bộ.

Nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh - Thái Bình với cường độ bão cấp 10, cấp 11, gió giật cấp 12, cấp 13. Sau khi đổ bộ, bão suy yếu tương đối nhanh khi đi sâu vào đất liền và thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng thấp và tan ở khu vực trung du, vùng núi phía Nam Hoàng Liên Sơn (Yên Bái). Nếu sớm thì khoảng 8 giờ đến 10 giờ sáng 19-7 và muộn là 15 giờ đến 16 giờ chiều 19-7, tâm bão số 2 sẽ cập bờ.

Theo Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương Nguyễn Xuân Diệu, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã có báo cáo công tác tổ chức triển khai các phương án chuẩn bị đối phó ở địa phương. Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 17-7, lực lượng Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.685 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với trên 205.000 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, tỉnh đã cử 3 đoàn công tác tới các địa phương trọng yếu để trực tiếp chỉ đạo đối phó với bão, đồng thời thực hiện lệnh dừng hoạt động du lịch trên biển từ trưa 17-7. Tỉnh đã đưa 324 hộ dân sống trên các lồng bè lên bờ và có phương án tiếp tục yêu cầu các hộ còn lại lên bờ. Tỉnh cũng đã yêu cầu ngành than tại địa phương cần đặc biệt quan tâm đến việc gia cố hầm lò, chuẩn bị các phương án ứng phó với bão.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại, thành phố đã dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung thực hiện công tác phòng, chống bão số 2. Thành phố kêu gọi những phương tiện đang hoạt động ven bờ khẩn trương về nơi trú tránh, neo đậu an toàn, đồng thời đã chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân khi cần thiết.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, Hà Nội cũng đã tổ chức thường trực phòng, chống lụt bão; rà soát các công trình xây dựng, những nhà xuống cấp nhưng chưa di chuyển. Hà Nội đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên thoát nước tổ chức thường trực 24/24h để bảo đảm công tác phòng, chống ngập úng./.