Nhà văn Tô Hoài - người ra đi, chữ mãi còn ở lại
TCCSĐT - Một đời cần cù đi và viết như chưa lúc nào ngơi nghỉ, nhà văn Tô Hoài đã từ giã cõi trần tại Hà Nội lúc 11 giờ 35 phút ngày 06-7-2014, thọ 95 tuổi. Nhưng, bạn đọc sẽ còn nhớ mãi nhà văn trong hình bóng “Dế mèn phiêu lưu ký”, trong câu chuyện của “Vợ chồng A Phủ” hay "Chuyện cũ Hà Nội"... ngay cả khi tác giả đã hóa thân thành “Cát bụi chân ai”...
Cuộc đời và những tác phẩm
Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27-9-1920, trong một gia đình làm nghề dệt lụa ở huyện Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội. Ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Chính vì thế mà, ông lấy bút danh là Tô Hoài, gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.
Học hết bậc tiểu học, Tô Hoài vừa tự học, vừa làm đủ các nghề để kiếm sống như dạy học, bán hàng, kế toán hiệu buôn... Sự nghiệp văn chương của Tô Hoài bắt đầu từ những tác phẩm in trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX.
Năm 1938, Tô Hoài tham gia tổ chức Ái hữu thợ dệt Hà Đông; năm 1943, gia nhập Văn hóa cứu quốc; đã từng bị thực dân Pháp bắt giam. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông làm Báo Cứu quốc, tham gia các chiến dịch ở Việt Bắc, Tây Bắc. Năm 1950, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, từng làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ. Ông là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (1957-1958); Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (1958-1980); Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội (1986-1996). Sự nghiệp văn chương của Tô Hoài gắn liền và trưởng thành cùng với bước đi của cách mạng Việt Nam.
Với các bút danh khác nhau, như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Duy Phương, Hồng Hoa... khi đến với văn chương, nhà văn Tô Hoài nhanh chóng gặt hái thành công và được nhiều người yêu mến. Qua hơn 75 năm lao động nghệ thuật không mệt mỏi, nhà văn Tô Hoài đã để lại khối di sản khổng lồ với hơn 170 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: Truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác... cho đối tượng bạn đọc là người lớn và thiếu nhi.
Các tác phẩm chính nhà văn Tô Hoài sáng tác trước cách mạng: Dế mèn phiêu lưu ký (truyện, năm 1941); Quê người (tiểu thuyết, 1941); O Chuột (truyện ngắn, năm 1942); Giăng thề (truyện, năm 1943); Nhà nghèo (truyện, 1944); Xóm Giếng ngày xưa (truyện, năm 1944); Cỏ dại (hồi ký, năm 1944). Các tác phẩm nổi tiếng sau 1945:
Vợ chồng A Phủ (truyện, năm 1952, chuyển thể kịch bản phim, năm 1960); Mười năm (truyện, 1957); Vỡ tỉnh (truyện, năm 1962); Kim Đồng (kịch bản phim, năm 1963); Miền Tây (truyện, năm 1967); Người ven thành (truyện, năm 1972); Chuyện cũ Hà Nội (truyện ngắn và ký sự, năm 1980); Những gương mặt (hồi ký, năm 1980); Quê nhà (truyện, năm 1981); Cát bụi chân ai (hồi ký, năm 1992); Chiều chiều (hồi ký văn học, năm 2000); Ba người khác (tiểu thuyết, năm 2006)…
Trong số những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nhà văn Tô Hoài, phải kể đến “Dế mèn phiêu lưu ký” - cuốn sách của tuổi thơ mà ông sáng tác năm 1942 - khi đó, ông mới 22 tuổi. Cuốn sách được tái bản nhiều lần, được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm đã trở thành truyện “gối đầu giường” của biết bao thế hệ độc giả Việt Nam.
Có lần, nhà văn Tô Hoài đã kể về tác phẩm để đời của mình như thế này: Khi tôi vừa bước khỏi tuổi thiếu niên, tất cả những trò chơi ở bãi sông đầu làng của tuổi thơ đã vào thẳng tác phẩm của tôi. Khi cầm bút, những nhân vật trong truyện không cần phải nghĩ mãi mới ra mà nó đã nằm giữa những say mê của mình.
Ra đời từ chính những ký ức một thời niên thiếu, “Dế mèn phiêu lưu ký” lập tức trở thành tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Với cách quan sát, cái nhìn tinh tế về loài vật, kết hợp với những nhận xét thông minh, hóm hỉnh, nhà văn đã đưa trẻ nhỏ đến với thế giới loài vật sinh động và cũng đầy yêu thương. Ai đã từng đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” chắc chắn sẽ không thể quên tình bạn gắn bó của Dế Mèn, Dế Trũi, Xiến Tóc trầm lặng, chị Cào Cào ồn ào duyên dáng, Bọ Ngựa kiêu căng hay Cóc huênh hoang... Mỗi một loài vật, nhà văn lại dùng ngòi bút của mình để lột tả rõ nét tính cách và đời sống riêng của chúng, để từ đó, bày tỏ quan niệm của chính tác giả về nhân sinh, về khát vọng của người lao động, về một cuộc sống hòa bình, yên vui và sự đoàn kết.
Truyện ngắn xuất sắc “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài viết về đề tài miền núi Tây Bắc được in trong tập “Truyện Tây Bắc” (năm 1953) là một tác phẩm nổi tiếng khác mà mỗi khi nhắc đến nhà văn, người đọc không thể không nhắc tới. Tác phẩm được giải Nhất về truyện, ký (đồng hạng với tác phẩm “Đất Nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc) - giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955. “Vợ chồng A Phủ” cũng được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh.
Cùng với “Những ngõ phố”, “Mẹ Mìn bố Mìn”,… đọc “Chuyện cũ Hà Nội” - cuốn từ điển sống về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội, độc giả có thể thấy được tình yêu đối với Hà Nội của nhà văn Tô Hoài. Đây là tập ký sự của ông kể về những câu chuyện gắn liền với con người, cảnh vật, phố phường Hà Nội của ngày xưa. Một điều khiến tập ký sự này hấp dẫn là vì những câu chuyện, con người trong cuốn sách đều hoàn toàn có thật, tạo cảm giác thân thuộc, đầy sức sống cho Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử. Qua tác phẩm này, người đọc dù đến từ miền đất nào hay được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, đều cảm được cái tinh khôi, dịu dàng của một Hà thành xưa cũ, cổ điển. Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: “Cuộc đời này, tôi sống vắt mình suốt từ những thập niên đầu của thế kỷ XX cho đến tận bây giờ. Mọi ngã rẽ, bước ngoặt trong câu chuyện đời tôi đều gắn với những bước thăng trầm của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến này”. Có lẽ vì thế mà những ký ức về Hà Nội luôn đong đầy trong những trang văn và câu chuyện của nhà văn Tô Hoài.
Cả cuộc đời cầm bút, với những nỗ lực không mệt mỏi, nhà văn Tô Hoài đã được trao nhiều giải thưởng văn học: Năm 1956, Giải Nhất tiểu thuyết Hội Văn nghệ Việt Nam với “Truyện Tây Bắc”. Năm 1967, Giải A Hội Văn nghệ Hà Nội với tiểu thuyết “Quê nhà”. Năm 1970, Giải thưởng Hoa Sen Hội Nhà văn Á - Phi 1970 với tiểu thuyết “Miền Tây”. Năm 1980, Giải thưởng Thăng Long (Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) với tập hồi ký “Chuyện cũ Hà Nội”. Năm 1996, Giải thưởng Hồ Chí Minh của Nhà nước về văn học nghệ thuật, đợt I. Năm 2010, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.
Nhà văn Tô Hoài - cây đại thụ trong giới văn chương
Có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự cho chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng với Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… làm vinh dự cho chữ Quốc ngữ. Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng - đó là nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về nhà văn Tô Hoài.
Còn theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Tô Hoài là một nhà văn lớn, một ông khổng lồ với số lượng tác phẩm thật đồ sộ. Ông viết đủ các thể loại: từ tiểu thuyết, truyện vừa, bút ký, ký sự, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện, tiểu luận phê bình, truyện viết cho thiếu nhi, cho đến cả các bài báo ngắn, các bài điểm sách chỉ bằng một... bàn tay trẻ con. Tô Hoài thực sự là nhà văn chuyên nghiệp. Nghĩa là ông hoàn toàn sống được bằng nghề văn. Ngồi đâu, ông cũng viết được văn, kể cả trong những lúc hội họp.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội thì cho rằng, những người cùng thời và thời sau đều đánh giá Tô Hoài là nhà văn sống để viết và viết để sống. Ông là người lao động chữ nghĩa bền bỉ, chuyên nghiệp cho đến tận cuối đời...
Khi đề cập những đóng góp của nhà văn Tô Hoài cho nền văn học nước nhà, nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng, có thể ví Tô Hoài như một pho từ điển sống, trong làng văn chương Việt. Ông có thói quen nhận định về một ai hay một tác phẩm nào đấy mà không cần dẫn chứng nhưng người nghe phải tâm phục khẩu phục vì sự tinh tế và sắc sảo của ông.
Việc viết lách đối với nhà văn Tô Hoài là một thứ lao động hàng ngày. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đánh giá, so với các cây bút đương thời, nhà văn Tô Hoài có lẽ là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất. Sống đến đâu viết đến đấy. Một nét đặc biệt cũng thấy rõ trong đời viết văn của Tô Hoài là ngoài nghề viết, ở ông luôn có một cuộc sống khác, cuộc sống người cán bộ chính trị, hoặc nhìn rộng ra, cuộc sống nhà hoạt động xã hội.
Với nhà văn Lê Phương Liên, nhà văn Tô Hoài không chỉ chăm lo sáng tác, ông còn như một người anh cả, một người cha, người ông dẫn dắt đàn em, đàn cháu… Hình ảnh của ông xuất hiện như là “linh hồn” của những sự kiện trong phong trào văn học nghệ thuật nói chung, phong trào Văn học thiếu nhi nói riêng và phong trào Văn học nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội nói chung. Ông là người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ Hà Nội sau này là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Ông cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam...
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhớ lại những kỷ niệm gắn bó cùng nhà văn Tô Hoài: Cách đây mấy năm, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức hội thảo, khi ra cổng chờ xe đón, bác nhẹ nhàng nhắc tôi: Bây giờ còn trẻ, chưa thấy tiếc thời gian và trí nhớ, nghĩ ra cái gì chưa viết tưởng vẫn còn trong đầu. Không phải thế đâu. Quên hết đấy nếu không ghi chép hay là viết luôn ra. Phải viết hằng ngày, không phải viết cái gì cũng hay cũng vừa ý, nhưng phải viết hằng ngày...
Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội nói trong nghẹn ngào: Sự ra đi của Cụ gây nhiều bất ngờ cho anh em văn nghệ sĩ. Tôi nghe thông tin từ gia đình thì biết Cụ vẫn đi về giữa nhà và bệnh viện chứ không muốn ở hẳn trong ấy. Vậy mà, giờ một người đã nằm xuống.
Nói trong nghẹn nghào, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn chia buồn cùng gia đình và vĩnh biệt một người anh cả của nền văn học nước nhà: Dù tôi hiểu tuổi bác đã cao, thế nhưng sự ra đi này là nỗi mất mát lớn của nền văn học trong nước. Nhà văn Tô Hoài thực sự là một nhân chứng lớn của lịch sử, viết trực diện về con nguời xã hội, con nguời văn học, tôi cảm thấy ông như một cây cổ thụ văn học, phủ bóng rợp lên thế hệ nhà văn chúng tôi.
Lễ viếng nhà văn Tô Hoài diễn ra từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ sáng ngày 17-7. Lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào hồi 10 giờ ngày 17-7 (tức ngày 21 tháng Sáu năm Giáp Ngọ) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Linh cữu nhà văn Tô Hoài được đưa về an táng tại Nghĩa trang Thanh Tước, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Vĩnh biệt ông - nhà văn Tô Hoài - cây đại thụ trong giới văn chương, người “sống vắt mình suốt từ những thập niên đầu của thế kỷ XX cho đến tận bây giờ” để viết hàng ngàn trang sách, với nhiều cung bậc tình cảm cho nhiều thế hệ độc giả. Ông ra đi trong niềm nhớ, niềm thương của nhiều người. Tên tuổi và tác phẩm của ông sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ độc giả./.
Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức ở nông thôn: Trường hợp của nông hộ nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh  (17/07/2014)
Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức ở nông thôn: Trường hợp của nông hộ nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh  (17/07/2014)
Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954: một thắng lợi trên con đường cứu nước của nhân dân ta  (17/07/2014)
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan trở lại  (17/07/2014)
Mãi mãi học tập và làm theo tấm gương ngời sáng của Người  (17/07/2014)
Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ, Tổng Lãnh sự  (17/07/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển