Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức ở nông thôn: Trường hợp của nông hộ nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh
TCCSĐT - Nghiên cứu các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thì thấy khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức của các hộ nuôi tôm phụ thuộc vào 6 yếu tố chính. Trong đó, 5 yếu tố có mối tương quan thuận và 1 yếu tố tương quan nghịch. Trên cơ sở kết quả phân tích, chúng tôi xin đề xuất các giải pháp giúp nông hộ nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh có khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức ngày càng tốt hơn.
Tình hình tín dụng nuôi tôm ở Trà Vinh
Trà Vinh là một tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 62.000 ha, chiếm 27,5% diện tích đất tự nhiên (trong đó diện tích nuôi tôm sú 25.000 ha)(1). Trong những năm gần đây, điều kiện nuôi tôm có nhiều khó khăn, thách thức. Thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường nước không ổn định, dịch bệnh thủy sản (tôm sú, cá tra) phát sinh, chưa được khống chế, giá vật tư đầu vào tăng, ngược lại giá sản phẩm đầu ra (tôm sú, cá tra,…) có xu hướng xuống thấp. Thực tế, những năm qua tình hình nuôi tôm gặp nhiều bất lợi, sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả không cao, có một số hộ thua lỗ nặng, đa số các hộ nuôi thu hẹp sản xuất do nguồn vốn hạn hẹp. Chính thực trạng thiếu vốn đầu tư làm nhiều nông hộ không thể đi vào sản xuất. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức của nông hộ nuôi tôm nói riêng và cả ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh Trà Vinh nói chung đang gặp trở ngại lớn.
Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tín dụng hộ nuôi tôm
Qua khảo sát thực tế 242 nông hộ nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh ở 10 xã thuộc 3 huyện có diện tích nuôi tôm lớn của tỉnh Trà Vinh, trong đó có 206 nông hộ tham gia tín dụng, chiếm 85,12%, 36 hộ không vay, chiếm 14,88%. Trong số nông hộ tiếp cận được nguồn tín dụng thì chỉ có 53,72% nông hộ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính thức, số nông hộ nuôi tôm còn lại phải tiếp cận từ nguồn tín dụng phi chính thức với hình thức biểu hiện là mua chịu vật tư sản xuất. Như vậy, không phải nông hộ nào trên địa bàn cũng có khả năng tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức để có vốn nuôi tôm. Lượng vốn tín dụng trung bình mỗi nông hộ nuôi tôm từ các tổ chức tín dụng chính thức là 41,17 triệu đồng với mức lãi suất trung bình/năm là 13,59%. Nhưng vay được từ tín dụng phi chính thức trung bình tới 73,73 triệu đồng/hộ với lãi suất quá cao (56,32%/năm). Trong đó, số hộ tham gia tín dụng phi chính thức nhiều nhất là với hình thức mua chịu vật tư.
Qua kết quả phân tích cho thấy, trong 10 biến độc lập đưa vào mô hình nghiên cứu thì 6 biến có mối tương quan với biến phụ thuộc. Trong đó, có 5 biến tác động cùng chiều với biến phụ thuộc là các biến: thu nhập bình quân năm của hộ, thời gian làm nghề của chủ nông hộ (kinh nghiệm sản xuất), lãi suất tiền vay, số lần vay tiền của nông hộ và số tổ chức tín dụng chính thức tại địa phương có tương quan thuận với khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức của nông hộ nuôi tôm. Hay nói khác hơn là thu nhập bình quân năm, lãi suất tiền vay, thời gian làm nghề của chủ hộ (kinh nghiệm sản xuất), số lần vay được tiền và số tổ chức tín dụng tại địa phương là những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của nông hộ nuôi tôm. Ngược lại, biến khoảng cách từ nơi nông hộ sinh sống đến trung tâm huyện tương quan nghịch với biến phụ thuộc.
Những vấn đề đặt ra
Sau khi xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nuôi tôm, chúng ta thấy có một số vấn đề đặt ra cần giải quyết để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các hộ nuôi tôm như sau:
Vấn đề thứ nhất, thu nhập cho hộ nuôi tôm chưa cao và bấp bênh: Nhiều hộ nuôi tôm quy mô nhỏ lẻ nên thu nhập chưa cao, khả năng tích lũy yếu. Số hộ nuôi tôm công nghiệp chưa nhiều, còn nhiều rủi ro như: “trúng mùa rớt giá”, dịch bệnh nên có khi tôm bị chết hàng loạt, thu nhập không ổn định, sản xuất thua lỗ, không có khả năng tăng quy mô, tăng doanh thu.
Vấn đề thứ hai, kinh nghiệm sản xuất: hầu hết lao động của các hộ nuôi tôm là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, thiếu kinh nghiệm sản xuất.
Vấn đề thứ ba, vấn đề lãi suất và khả năng tiếp cận vốn, nhất là vốn ưu đãi: Nhiều năm lãi suất quá cao, dẫn đến chi phí quá lớn, sản xuất không đủ bù chi nên thua lỗ. Thời gian cho vay chưa thực sự phù hợp với chu kỳ sản xuất. Thủ tục vay vốn ưu đãi còn rườn rà, người nuôi tôm rất khó tiếp cận.
Vấn đề thứ tư, khoảng cách từ nơi hộ sinh sống đến trung tâm huyện: Tại một số địa phương người dân muốn vay vốn phải đi rất xa mới đến được trụ sở ngân hàng nhưng không biết chắc là có vay được vốn hay không.
Vấn đề thứ năm, số lần vay vốn của hộ nuôi ở các tổ chức tín dụng: Do kết quả nuôi tôm không bền vững nên, sau những vụ bị mất trắng thì các hộ nuôi không thể tiếp tục đầu tư và không thể tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Tình trạng này dẫn đến hộ nuôi không vay liên tục, không phải là khách hàng “truyền thống” thì khi vay vốn từ các tổ chức tín dụng sẽ gặp không ít khó khăn.
Vấn đề thứ sáu, số tổ chức tín dụng tại địa phương chưa nhiều: Các hộ nuôi tôm thường ở vùng ven biển, thuộc vùng sâu, vùng xa tại đó thường chỉ có 1 tổ chức tín dụng duy nhất, nên khi đi vay vốn phải chờ đợi khá lâu.
Một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức của hộ nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh
Đối với hộ nuôi tôm
Một là, quản lý tài chính và sử dụng vốn hiệu quả làm tăng thu nhập của hộ nuôi tôm: Hộ nuôi tôm phải biết tính toán chi phí sản xuất, phân bổ chí phí và sử dụng vốn hợp lý. Đồng thời, hộ có thể xác định được hình thức sản xuất thích hợp với năng lực và khả năng sản xuất, số lao động có thể tham gia trực tiếp sản xuất của hộ để từ đó xác định nhu cầu vốn cho phù hợp nhằm bảo đảm an toàn vốn và có lãi. Cần cải tiến mô hình sản xuất mở rộng với quy mô trang trại và theo định hướng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm được khả năng trả nợ của hộ nhằm nâng cao uy tín và tạo lập được lòng tin đối với các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, các tổ chức tín dụng chính thức ngoài việc cho vay nên có chủ trương hướng dẫn người vay sử dụng vốn hợp lý, xây dựng phương án phù hợp với chu kỳ sản xuất.
Hai là, nâng cao năng lực sản xuất và kinh nghiệm sản xuất của hộ: Hộ nuôi phải tự trang bị cho mình những kiến thức và kỹ thuật nuôi trồng thủy sản để nắm vững quy trình nuôi và học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản từ các chương trình hỗ trợ và tư vấn của trung tâm khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh. Thành lập các tổ, câu lạc bộ những người nuôi tôm, áp dụng hình thức nuôi tập trung như: hợp tác xã, tổ hợp tác,… để các thành viên có điều kiện tốt học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Ba là, khắc phục nhược điểm do điều kiện nơi sinh sống ở nông thôn vùng sâu, vùng xa: Để hạn chế cản trở do khoảng cách địa lý nơi hộ sinh sống làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng, hộ nuôi nên tự giác học tập, bồi dưỡng kiến thức bằng nhiều hình thức như: thường xuyên theo dõi các tin tức liên quan đến các chương trình khuyến nông, khuyến ngư để học tập kinh nghiệm, bổ sung kiến thức nghề tôm. Mặt khác, các hộ nuôi phải thường xuyên quan tâm đến các chính sách tín dụng của Nhà nước áp dụng cho ngành nuôi trồng thủy sản, tìm hiểu thông tin về quy trình và thủ tục cho vay, lãi suất, các khoản phải trả, quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi vay vốn của các tổ chức tín dụng.
Bốn là, tạo lập uy tín với các tổ chức tín dụng: Những hộ nuôi vay vốn từ các tổ chức tín dụng cần phải thực hiện đúng nghĩa vụ của người đi vay là luôn tuân thủ đúng các thủ tục và quy trình vay vốn, trả nợ đúng hạn nhằm tạo lập uy tín với người cho vay để lần sau được thuận tiện hơn. Những hộ đã từng vay vốn từ các tổ chức tín dụng sẽ thể hiện được uy tín thông qua việc trả đúng hạn nợ của những lần vay trước đó với các tổ chức tín dụng và trở thành khách hàng truyền thống.
Năm là, sử dụng thiết bị trong sản xuất: Hộ nuôi nên hạn chế sử dụng các máy móc, nông cụ ngoại nhập mà nên sử dụng các máy móc, thết bị nội địa do Việt Nam sản xuất. Trước tiên, các hộ nuôi nên chọn những sản phẩm chất lượng tốt trong nước để sử dụng, vì đây cũng là điều kiện để có thể tiếp cận vốn tín dụng chính thức theo chính sách ưu đãi của Chính phủ. Nông dân muốn được vay vốn, bắt buộc phải mua máy móc, nông cụ với tỷ lệ nội địa nhất định.
Đối với các tổ chức tín dụng
- Hoàn thiện chính sách tín dụng và lãi suất mềm dẻo: Cải cách Chính sách tín dụng chính là tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, hoàn thiện môi trường kinh tế và pháp luật nhằm tạo nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho hoạt động tín dụng chính thức cũng như phát triển thị trường tín dụng nông thôn. Trước mắt các tổ chức tín dụng cần tập trung xây dựng định chế tín dụng về lãi suất hợp lý mềm dẻo, thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất. Cần cải tiến thủ tục theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với trình độ người dân, tránh tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần và chờ đợi quá lâu.
- Cung cấp thông tin về hoạt động tín dụng: Ngoài việc cung cấp vốn cho người dân, các tổ chức tín dụng cần phải tìm mọi biện pháp để giúp người dân biết rõ thông tin về hoạt động cho vay thông qua các hình thức phổ biến, tuyên truyền, báo đài…
- Mở rộng mạng lưới các tổ chức tín dụng về nông thôn: Hiện nay, đa phần các tổ chức tín dụng thường đặt phòng giao dịch hay trụ sở tại thị trấn và các trung tâm. Các tổ chức tín dụng cần mở rộng mạng lưới phòng giao dịch về vùng nông thôn nhiều hơn nữa để các hộ sản xuất có điều kiện tiếp cận vốn khi có nhu cầu. Tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ các hoạt động tín dụng trên địa bàn, như tuyên truyền chính sách vay vốn tín dụng đến từng hộ dân và hỗ trợ cho hoạt động mở rộng dịch vụ các ngân hàng.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước
- Về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh cần tăng cường các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và quy trình nuôi đến tận người dân để hộ nuôi nắm bắt kỹ thuật, giảm thiểu chi phí, có thể tự kiểm soát điều kiện, môi trường nuôi cũng như dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi.
- Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp chế biến thủy sản và hộ nuôi: Cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản với hộ nuôi nhằm tăng tỷ lệ sản phẩm giá trị cao, kiểm soát chất lượng nguồn tôm nguyên liệu, tránh thiệt hại cho người nuôi; đồng thời, doanh nghiệp cũng tìm được nguồn nguyên liệu chất lượng.
- Ngoài ra, chính quyền ở từng địa phương cần hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các hộ nuôi tôm có thể tiếp cận với nguồn vốn nhằm trang bị máy móc phục vụ cho việc sản xuất./.
-----------------------------------------
(1) http://www.travinh.gov.vn
Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954: một thắng lợi trên con đường cứu nước của nhân dân ta  (17/07/2014)
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan trở lại  (17/07/2014)
Mãi mãi học tập và làm theo tấm gương ngời sáng của Người  (17/07/2014)
Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ, Tổng Lãnh sự  (17/07/2014)
Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp  (16/07/2014)
Việt Nam là đối tác quan trọng của Anh tại khu vực Đông Nam Á  (16/07/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển