Rác thải - Mối nguy nghiêm trọng với đời sống hải dương
Các nhà khoa học nhận định rằng, khu vực Thái Bình Dương được xem là bãi rác lớn nhất so với các khu vực đại dương khác trên thế giới. Ông Ni-cô-lai Ma-xi-men-cô (Nikolai Maximenko), nhà hải dương học thuộc Trung tâm Nghiên cứu vùng biển Thái Bình Dương, cho biết: “Theo ước tính, có từ 100 nghìn cho đến một triệu vật thể gỗ lớn hiện vẫn trôi nổi trong khu vực Thái Bình Dương”.
Đánh giá về tình trạng rác thải trên Thái Bình Dương, Tiến sĩ Oen-đi Oát-xơn-Rai (Wendy Watson-Wright), Thư ký điều hành của Ủy ban hải dương học liên chính phủ (IOC), kiêm Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho rằng vấn đề hiện nay rất nghiêm trọng nhưng không như những đồ họa mà chúng ta vẫn thường thấy. Có thể do cái tên “Bãi rác Thái Bình Dương” (Pacific Garbage Patch) khiến nhiều người hiểu lầm rằng bãi rác trên Thái Bình Dương giống như một hòn đảo rác mà ta chụp được trên vệ tinh.
Sự thật thì bãi rác ở khu vực này như một bát súp thập cẩm gồm những mảnh vật thể trôi nổi trên biển. Chúng tích tụ trong đại dương và liên tục bị gió và lực sóng khuấy trộn, làm phân tán trên các bề mặt rộng lớn và ở phần trên cùng của cột nước. Theo Tiến sĩ Oen-đi Oát-xơn-Rai, khó mà xác định được kích cỡ của những bãi rác này vì đường ranh và số lượng rác ở mỗi bãi lại phụ thuộc vào gió và các dòng hải lưu. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta có thể chắc chắn, đó là khối lượng rác thải ra đại dương càng lớn thì hậu quả trong tương lai càng khó lường.
Tiến sĩ Oen-đi Oát-xơn-Rai cho rằng, nếu có bất kỳ điều gì tích cực từ tai nạn máy bay MH370 thì đó chính là đã thu hút được sự chú ý từ dư luận, báo chí và các nhà lập pháp về tình trạng rác thải trầm trọng mà con người thải ra đại dương mỗi ngày.
Trong các loại rác được tìm thấy trên Thái Bình Dương, chiếm số lượng lớn nhất phải kể đến những mảnh vụn làm từ chất dẻo. Đây cũng chính là loại rác được thấy nhiều nhất khi ta đi dọc các bãi biển. Khi xã hội hiện đại làm cho chất dẻo có nhiều công năng hơn thì các sản phẩm làm từ chất dẻo càng được tìm thấy nhiều về số lượng và đa dạng về chủng loại trong môi trường đại dương. Từ những vật dụng thường ngày trong gia đình cho đến các sản phẩm công nghiệp, dụng cụ đánh bắt cá, tất cả những vật liệu này đều đang tìm cách đi ra đại dương và góp phần làm cho bãi rác tại đây ngày một phình to.
Một lý do khác khiến cho rác thải dẻo phổ biến trên đại dương là do tốc độ phân hủy của chúng. Chất dẻo phân hủy trong môi trường đại dương nhưng có rất nhiều loại và mỗi loại lại có thành phần hóa học và tỷ lệ phân hủy khác nhau. Theo các nhà khoa học, các loại chất dẻo phổ biến nhất hiện nay có tốc độ phân hủy chậm đến mức chúng sẽ không bao giờ biến mất mà chỉ vỡ thành các mảnh nhỏ hơn. Ông Ma-cớt E-ríc-xen (Marcus Eriksen) thuộc Quỹ Nghiên cứu biển Algalita (có trụ sở tại Mỹ) từng nhấn mạnh mối đe dọa của các loại chất thải dẻo đối với đời sống con người. “Chất thải dẻo dễ dàng hút các hóa chất như hy-đrô các-bon hay thuốc trừ sâu DDT. Ban đầu nó đi vào hệ tiêu hóa của sinh vật, sau đó sẽ có mặt trong bữa ăn của chúng ta”.
Không phải chỉ có bãi rác trên Thái Bình Dương có kích cỡ khổng lồ mà nhiều khu vực quan trọng khác như Bắc Thái Bình Dương, Vùng hội tụ cận nhiệt đới (STCZ) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Khu vực này, nằm gần phía Bắc đảo Ha-oai, có đời sống hải dương vô cùng phong phú song đồng thời cũng được biết đến là một kho rác vô cùng “dồi dào”.
Những bãi rác này tác động nghiêm trọng đến môi trường hải dương cũng như đời sống con người. Những tấm lưới bị bỏ quên, những tấm vải nhựa, dụng cụ đánh bắt cá và nhiều loại mảnh vụn khác có thể che phủ các hệ sinh thái biển. Dây câu, lưới đánh cá, dây thừng có thể bị mắc vào và kéo theo các động vật hoang dã. Không chỉ vậy, các loài động vật biển có thể ăn phải các mảnh vụn dẫn đến chết vì ngạt thở hoặc không tiêu hóa được.
Các mảnh vụn từ thiết bị y tế hay đồ vệ sinh cá nhân của con người đặc biệt đe dọa đến hệ sinh học đại dương vì chúng chứa nhiều hại khuẩn có khả năng sinh sôi trong nước.
Nghiêm trọng hơn, những chất độc tích tụ trong các loại rác còn có thể gây ô nhiễm môi trường hải dương, như hợp chất PCB (polychlorinated biphenyl). Mặc dù đã bị cấm sử dụng tại Mỹ nhưng hợp chất PCB vẫn có thể quay lại đời sống con người thông qua các động vật biển đã ăn phải những rác nhựa chứa hàm lượng PCB cao. PCB đã được chứng minh là có thể gây ra một số ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống miễn dịch, hệ thống sinh sản, hệ thống thần kinh, hệ nội tiết, đặc biệt có thể gây ra ung thư ở cả động vật và con người.
Giải quyết vấn đề rác thải trên các đại dương, theo Tiến sĩ Oen-đi Oát-xơn-Rai, không phải là chuyện đơn giản vì đòi hỏi chi phí rất lớn.
Ngoài ra, khu vực tập trung rác thải liên tục chuyển động và thay đổi, làm cho diện tích của chúng ngày một lớn và các phần tử rác không phân bố đồng đều. Đó là chưa kể đến việc khu vực tập trung rác thải có thể cũng là nơi trú ngụ của các loài động vật biển. Việc dọn dẹp các khu vực này sẽ gây nguy hiểm cho hệ sinh vật nơi đây.
Giải pháp duy nhất là thực hiện các chính sách xử lý rác thải một cách thông minh ngay từ khi chúng còn trên đất liền để bảo đảm rằng các vật liệu dẻo và nguy hại khác đều đi qua các hệ thống quản lý chất thải hợp lý và sẽ nằm xa đại dương.
Đây được xem là nhiệm vụ nặng nề đối với các chính phủ nhưng mỗi công dân cũng có thể đóng góp bằng việc xả rác đúng quy định, tham gia dọn sạch nơi mình sinh sống, giảm lượng rác xả ra mỗi ngày. Tiến sĩ Oen-đi Oát-xơn-Rai khuyến nghị mỗi người cần ghi nhớ 3 chữ R: đó là Giảm xả rác (Reduce), Tái sử dụng rác (Reuse) và Tái chế rác (Recycle)./.
Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư  (05/06/2014)
Duy trì, phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan  (05/06/2014)
Quan chức Việt Nam - EU trao đổi phương hướng thúc đẩy quan hệ  (05/06/2014)
Chung tay bảo vệ môi trường, ngăn nước biển dâng  (05/06/2014)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên