Từ ngày 01-6 đến ngày 04-6, theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), Đoàn cán bộ liên ngành do Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã sang Brussels (Bỉ) làm việc với các cơ quan của EU nhằm tìm hiểu về cơ cấu, thể chế của EU, trao đổi về thực trạng và phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - EU.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng có cuộc gặp riêng với Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại châu Âu, ông David O’Sullivan để trao đổi về việc triển khai cụ thể các hoạt động hợp tác song phương, một số vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn có cuộc gặp Bộ trưởng Hợp tác phát triển Bỉ, ông Jean Pascal Labille, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bỉ, ông Dirk Achten, để trao đổi về quan hệ hợp tác song phương và tham dự Hội thảo “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và những hệ lụy đối với luật pháp và thương mại” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Bỉ - Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ tổ chức.

Tại các cuộc gặp với phía EU, Thứ trưởng đã đề nghị Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU, dành cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường trước khi hai bên kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và đẩy nhanh tiến trình đàm phán để hai bên có thể hoàn tất EVFTA trước Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM10) vào tháng 10-2014, tiếp tục dành chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU.

Thứ trưởng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng và tài sản cũng như quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu làm ăn tại Việt Nam và khuyến khích doanh nghiệp hai bên tận dụng cơ hội của EVFTA và TPP… mang lại.

Về tình hình gần đây tại biển Đông, Thứ trưởng đã thông báo về việc ngày 02-5-2014, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 và hơn 100 tàu, trong đó có cả tàu quân sự và tàu hộ vệ tên lửa vào hoạt động tại khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa ổn định, an toàn, an ninh hàng hải của khu vực và quốc tế, gây ảnh hưởng tới kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục.

Thứ trưởng đề nghị các quan chức EU, Bỉ, các học giả và doanh nghiệp châu Âu góp tiếng nói chung kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, rút giàn khoan và tàu hộ tống khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, sớm đi vào đàm phán với Việt Nam để giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông./.