Thêm tác nhân, thêm bế tắc

Phan Lang
10:17, ngày 15-05-2014
TCCSĐT - Cuộc khủng hoảng chính trị quyền lực ở Thái Lan đã có thêm bước ngoặt mới với phán quyết của Tòa án hiến pháp buộc Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra) phải từ chức và một số cộng sự của bà cũng bị buộc phải rời khỏi chính phủ. Gần như ngay sau đó, bà Dinh-lắc Xin-vắt còn bị cơ quan chống tham nhũng ở nước này khởi tố.
Bằng những quyết định ấy, hai cơ quan này ở Thái Lan đã làm được điều mà từ hơn nửa năm nay cả phe đối lập trong Quốc hội lẫn phe chống đối chính phủ trên đường phố đã không làm nổi. Cuộc đấu tranh quyền lực ở Thái Lan đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội trầm trọng nhất từ trước tới nay ở nước này. Những quyết định nói trên của Tòa án hiến pháp và Cơ quan chống tham nhũng là cú đòn nặng giáng vào đảng cầm quyền và cá nhân bà thủ tướng, trên danh nghĩa bề ngoài là thắng lợi của phía chống đối chính phủ. Nhưng điều đó không có nghĩa là đất nước này được đưa đến gần hơn các giải pháp chính trị giúp thoát khỏi khủng hoảng.

Nhiều khả năng diễn biến tình hình tới đây thậm chí còn ngược lại. Tòa án hiến pháp Thái Lan đã từ vị trí thiên vị phe chống đối chính phủ ngả hẳn thành đồng minh của phe này và như thế đồng thời trở thành tác nhân mới trong cuộc đấu tranh quyền lực đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Đây là lần thứ ba, tòa án này lật đổ quyền lực của Thủ tướng. Năm 2008, tòa này buộc cựu Thủ tướng Xạ-mặc Xun-đa-ra-vệt (Samak Sundaravej) từ chức và tiếp đó trong năm ấy, tòa cũng buộc người kế nhiệm là ông Xổm-chai Vông-xa-vắt (Somchai Wongsawat) chịu chung số phận. Tòa án hiến pháp Thái Lan đã đưa ra những lập luận khác nhau, nhưng thực chất lý do là cả hai vị này đều bị liệt vào diện thân cận của ông Thạc-xỉn Xin-vắt (Thaksin Shinawatra), cựu thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 đến khi bị giới quân sự đảo chính lật đổ vào năm 2006. Bà Dinh-lắc lại không phải là ai khác chính là em gái của ông Thạc-xỉn. Chừng nào còn không trung lập về chính trị nội bộ và còn bất lợi như thế đối với phe cánh của anh em nhà Xin-vắt thì chừng đó cơ quan tư pháp này còn sẵn sàng vô hiệu hóa mọi nỗ lực của phe chính phủ nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho Thái Lan.

Chính phủ tạm quyền ở nước này đã dự định tổ chức tổng tuyển cử lại vào ngày 20-6 tới sau khi kết quả cuộc tổng tuyển cử hồi đầu tháng 02 bị Tòa án hiến pháp bác bỏ với lý do có một số nơi không tổ chức được bầu cử trong ngày bầu cử mà tình trạng đó lại là kết quả của việc phe đối lập và phe chống đối tẩy chay bầu cử do phía chính phủ tổ chức. Phe chống đối này chỉ cần lặp lại sách lược tẩy chay trước đó thì mọi dự định tổ chức bầu cử mới của phía chính phủ lại sẽ thất bại trước khi diễn ra.

Tình hình chính trị nội bộ ở Thái Lan trở nên phức tạp và hỗn loạn thì giải pháp càng thêm bế tắc. Sự đối kháng giữa hai phe sẽ càng thêm quyết liệt và không khoan nhượng. Việc Tòa án hiến pháp phế truất Thủ tướng Dinh-lắc Xin-vắt đã khích lệ phe chống đối chính phủ kiên định, tiếp tục đấu tranh quyền lực và chẳng khác gì tạo ra thiên thời mới cho phe này.

Tình thế của đảng cầm quyền và anh em nhà Thủ tướng Xin-vắt ngày càng thêm khó khăn, thậm chí còn cả nguy hiểm, ở Thái Lan. Phe này hiện không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tận dụng những biện pháp chính sách hợp pháp hợp hiến còn có thể tận dụng được từ cương vị chính phủ tạm quyền để hợp pháp hoá vị thế cầm quyền thông qua tổng tuyển cử mới. Lần này, để mất vị thế cầm quyền, phe cánh của anh em nhà Xin-vắt rất khó còn có thể đóng nổi vai trò đáng kể gì nữa về chính trị quyền lực ở Thái Lan.

Hòa giải sẽ càng thêm khó khăn cả trên chính trường lẫn trong nội bộ xã hội trong khi không có hòa giải thì không thể có được giải pháp chính trị. Chỉ có giải pháp chính trị mới giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng chứ không phải sự can thiệp của giới tư pháp hay quân sự, càng không phải việc các bên liên quan tiếp tục sống mái với nhau như trong thời gian vừa qua./.