Liên minh đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào trong kháng chiến chống Pháp
TCCSĐT - Trong lịch sử quan hệ quốc tế, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc trong suốt quá trình đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.
Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng. Chính Người cùng đồng chí Xu-pha-nu-vông, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, đã trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới nhiều thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Đối với nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, quan hệ đặc biệt được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian nan, nguy hiểm cũng không thể chia tách được.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia luôn kề vai sát cánh bên nhau, đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, vì lợi ích cách mạng chung của ba nước và của riêng từng quốc gia, dân tộc. Liên minh đó được hình thành ngay từ đầu, được phát triển trong suốt cuộc kháng chiến và đã thu được nhiều thành quả rất quan trọng, mà đỉnh cao là Đông Xuân 1953 - 1954.
Vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-1953, khi quân Pháp triển khai thực hiện Kế hoạch Na-va, trên cơ sở nắm vững diễn biến mới trên chiến trường, nắm chắc thế và lực giữa ta và địch, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã đề ra phương châm tác chiến chung là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và xác định chủ trương tác chiến tổng quát trong Đông Xuân 1953 - 1954 như sau: sử dụng một bộ phận bộ đội chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để bộ đội chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ. Theo đó, Bộ Tổng Tham mưu xác định kế hoạch sử dụng bộ đội chủ lực và phối hợp tác chiến trên các chiến trường trong cả nước, toàn Đông Dương.
Về phía Lào, Trung ương Mặt trận Lào Ít-xa-la và Chính phủ kháng chiến Lào chủ trương tăng cường lực lượng, củng cố vùng giải phóng. Ngay từ tháng 11-1953, Chính phủ kháng chiến Lào ban hành nghị định về việc động viên nhân dân đóng góp lương thực cho cuộc kháng chiến. Về quân sự, Bộ Chỉ huy tối cao quân đội cách mạng Lào chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương theo yêu cầu mỗi tỉnh phải có một đại đội chủ lực, mỗi huyện có một đến hai trung đội, đồng thời kiện toàn cơ quan lãnh đạo, chỉ huy các cấp, có kế hoạch phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực Việt Nam bảo vệ và mở rộng các vùng giải phóng của Lào.
Nhằm tạo thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra lệnh cho các đơn vị chủ lực vừa phối hợp lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, vừa phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, Cam-pu-chia mở các chiến dịch tiến công địch ở những địa bàn quan trọng của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, từng bước hình thành các đòn tiến công chiến lược ở Tây Bắc, Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia, Tây Nguyên, Thượng Lào.
Mở đầu là chiến dịch tiến công địch ở Trung Lào. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng đối với bán đảo Đông Dương tạo thế chia cắt chiến trường rất lợi hại. Cơ sở cách mạng của Lào khá mạnh, lực lượng vũ trang Lào ở Trung Lào có 1 đại đội và 5 trung đội, ở Hạ Lào có 7 trung đội. Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Trung Lào có 2 tiểu đoàn (556 và 558), 4 đại đội vũ trang tuyên truyền. Lực lượng bộ đội chủ lực Việt Nam tham gia chiến dịch gồm Trung đoàn 66 Đại đoàn 304, Trung đoàn 101 và Tiểu đoàn 274 của Trung đoàn 18, Đại đoàn 325, một tiểu đoàn phòng không 12ly7, một đại đội công binh, một đại đội vận tải (tổng quân số 7.263 người). Bộ chỉ huy chiến dịch gồm: phía Việt Nam có các đồng chí Hoàng Sâm - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Trần Quý Hai - Chính ủy kiêm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 325, Võ Thúc Đồng - Bí thư Ban cán sự Trung Lào; phía Lào có đồng chí Khăm Tày Xi-phăn-đon - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trung Lào.
Cuối tháng 11-1953, lực lượng chủ yếu của chiến dịch bắt đầu hành quân sang phía Bắc Trung Lào. Cùng với lực lượng trên, còn có gần 2.000 dân công các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến dịch. Phát hiện thấy chủ lực Việt Nam tiến quân sang Trung Lào, địch vội điều các binh đoàn cơ động số 2 và 3 từ Bắc Bộ sang tăng cường cho Trung Lào, bố trí chủ yếu trên trục đường số 8 và 12.
Mở màn chiến dịch, đêm 21-12, Trung đoàn 101 nổ súng tiêu diệt cứ điểm Khăm He (trên đường số 12), tiếp đó diệt một đại đội địch đến ứng cứu rồi phát triển tiến công đánh chiếm vị trí Kha Ma. Địch ở Mụ Giạ, Ba-na-phào rút chạy; Trung đoàn 66 truy kích tiến công Pa-cuội. Địch buộc phải rút khỏi nhiều vị trí quan trọng. Ngày 25-12 địch rút khỏi thị xã Thà Khẹt. Tỉnh Khăm Muộn rộng chừng 4 vạn km2, cùng hàng chục vạn dân cơ bản được giải phóng.
Trước tình thế đó, Na-va vội vã điều thêm Binh đoàn cơ động số 1 (GM1), 1 tiểu đoàn pháo ở Bắc Việt Nam và Binh đoàn cơ động số 51 ngụy (GM51) từ Nam Bộ sang, cùng với lực lượng từ đường số 8, số 12 chạy về, tổ chức Xê-nô thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Đến đầu tháng 1-1954, lực lượng địch ở Trung Lào đã lên đến 26 tiểu đoàn, trở thành nơi tập trung quân lớn trên cả Đông Dương.
Khi ta đang gấp rút chuẩn bị cho đợt 2, thì từ Xê-nô địch tung 3 tiểu đoàn chiếm một số vị trí ở bắc sông Sê-băng-phai và đưa 1 tiểu đoàn cơ động chiếm lại vị trí Hìn Xìu. Trước tình hình đó, đêm 08-01, Trung đoàn 66 tập kích Hìn Xìu, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn nguỵ. Từ ngày 7 đến ngày 12-01, Trung đoàn 101, đánh địch ở bắc sông Sê-băng-phai, buộc quân địch ở đây phải rút về Xê-nô. Giữa tháng 1-1954, địch lập cứ điểm mới ở Po-ung, Na-xoi và đưa quân đánh lên hướng Ma-ha-xay, Thà Khẹt, Nhom-ma-rát.
Để bảo vệ vùng giải phóng, Trung đoàn 101 kết hợp cùng lực lượng vũ trang Lào liên tục chặn đánh, bẻ gãy nhiều cuộc tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 600 tên địch, đánh bại một bước quan trọng âm mưu chiếm lại Khăm Muộn của địch. Trên hướng đường 9, Trung đoàn 66 tiến công tiêu diệt các cứ điểm Pha-lan, Ha-xa-lai, Xê-ta-mốc, tiếp đó tổ chức phục kích trên đường số 9 đoạn từ Đồng Hến đến Pha-lan, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội địch, buộc số còn lại phải quay về Đồng Hến. Một tiểu đoàn khác của Trung đoàn 66 tiến công diệt cứ điểm Mường Phìn.
Trong đợt 2 chiến dịch, bội đội Việt Nam và lực lượng vũ trang Lào đã phá tan âm mưu nối lại đường 9, đánh thiệt hại 6 tiểu đoàn địch, vô hiệu hóa hoàn toàn quân địch ở đường 9. Cùng với thắng lợi của Trung đoàn 18 (Đại đoàn 325) trên đường số 9 phía đông biên giới, kết quả chiến đấu của Trung đoàn 101 và Trung đoàn 66, trong đợt 2 đã góp phần mở rộng vùng giải phóng ở Trung Lào, từ Nam, Bắc đường 9 xuống đến Đông Xa-van-na-khét. Đường số 12 bị vô hiệu hóa, đường số 9 bị cắt đứt, thế trận trên chiến trường Trung Lào đã trở nên bất lợi đối với địch. Các đơn vị của Đại đoàn 325 và 304 tiếp tục tiến công, bao vây địch ở Trung Lào, đồng thời đưa lực lượng xuống đánh địch ở Hạ Lào.
Ở hướng Hạ Lào, ngay từ giữa tháng 11-1953, khi giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 325 phối hợp với lực lượng vũ trang Lào mở cuộc tiến công ở Trung Lào, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ thị cho Đại đoàn 235 tổ chức một mũi thọc sâu xuống Hạ Lào gây bất ngờ cho địch về chiến dịch, phối hợp với các cuộc tiến công ở Tây Nguyên, Trung Lào, tạo bàn đạp cho chủ lực ta phát triển xuống phía Nam, mở rộng vùng giải phóng, đánh thông hành lang chiến lược Bắc - Nam Đông Dương. Lực lượng chiến đấu trên hướng thọc sâu Hạ Lào gồm có Tiểu đoàn 436 của Đại đoàn 235 và 1 đại đội bộ đội Liên khu 5 cùng tiểu đoàn chủ lực của Lào. Tiểu đoàn 436 của Đại đoàn 235, được bổ sung quân số lên tới 760 người, biên chế thành 5 đại đội bộ binh, 2 đại đội hỏa lực, sau 2 tháng hành quân từ Nghệ An vào đến căn cứ du kích của bạn ở tỉnh At-ta-pư. Vào đến mặt trận, Tiểu đoàn 436, cùng các lực lượng vũ trang tại chỗ tiến công tiêu diệt vị trí Pui. Đòn tiến công này cùng với sự tan vỡ trong thế trận phòng thủ ở Hạ Lào làm cho quân địch ở thị xã At-ta-pư chưa bị đánh đã rối loạn, vội rút chạy về thị xã Pắc Xế. Từ ngày 1 đến ngày 3-02, Tiểu đoàn 436 cùng với lực lượng vũ trang Hạ Lào tiến hành truy kích, diệt địch ở Nha Hỏn, Keng Xay, Huội Coòng. Tiếp đó, Tiểu đoàn 436 tiến lên vùng Xa-ra-van, đánh vào các cứ điểm Bung Kma, Lào Ngam, rồi đánh sang thị trấn Thà Teng, buộc quân địch phải rút về thị xã Xa-ra-van. Lo sợ Xa-ra-van bị tiến công, địch điều 2 binh đoàn từ Xê-nô xuống, lập thêm hai cụm cứ điểm mới ở thị xã Xa-ra-van và Pắc-xế. Với việc lập các cứ điểm này, khối quân cơ động Pháp vì thế lại càng bị phân tán hơn nữa.
Trung tuần tháng 02-1954, các tiểu đoàn 329 và 328 của Trung đoàn 101, được lệnh xuống Hạ Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, cùng Tiểu đoàn 436, tiếp tục tiến công địch để phối hợp với chiến trường Điên Biên phủ.
Trong tháng 3 và 4-1954, khi các tiểu đoàn 329, 328 của Trung đoàn 101 chuyển xuống hoạt động ở Hạ Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, thì ở Trung Lào, địch huy động binh đoàn cơ động số 1 (GM1) và GM 2 mở các cuộc tiến công âm mưu chiếm lại các vùng đã mất. Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 274 của Trung đoàn 18 cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Trung Lào liên tục vây hãm, chặn đánh làm 2 binh đoàn này bị tổn thất nặng. Trước khi Chiến dịch Điên Biên Phủ bước vào đợt cuối, cuộc tiến công của ta và bạn ở Trung Lào kết thúc.
Tính chung lại, trong Đông Xuân 1953 - 1954, trên chiến trường Trung Lào địch bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 9.500 tên, trong đó hơn 4.700 tên bị giết, hơn 3.700 tên bị thương, hơn 1.000 tên bị bắt, hơn 16.000 km2 đất đai và 600 nghìn dân được giải phóng; ở Hạ Lào, địch bị loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 tên; hàng trăm nghìn dân và hơn 2.000km2 đất đai được giải phóng, nối liền vùng giải phóng Trung Lào với Hạ Lào.
Sự phối hợp chiến đấu giữa ta và bạn trên chiến trường Trung, Hạ Lào đã thực hiện được yêu cầu chiến lược hàng đầu là buộc Na-va phải tiếp tục phân tán khối lực lượng cơ động chiến lược, góp phần giảm khối lực lượng chủ lực cơ động của địch trên chiến trường chính Bắc Bộ, nhất là đối với hướng chính Điện Biên Phủ.
Phối hợp với các chiến trường trên cả nước và với cuộc tiến công của bộ đội chủ lực Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Lào ở Trung, Hạ Lào, từ ngày 26-01 đến 17-02-1954, quân và dân Việt Nam mở chiến dịch tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên, trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum, Gia Lai. Với đòn tiến công này, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.300 tên địch, giải phóng thị xã Kon Tum và vùng đất đai chiến lược rộng chừng 16.000km2 nối thông với vùng giải phóng của Lào, góp phần phân tán lực lượng cơ động chiến lược của Pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường khác, nhất là mặt trận Điện Biên Phủ.
Ở Thượng Lào, cuối tháng 12-1954, địch điều 6 tiểu đoàn lên chiếm đóng dọc theo lưu vực sông Nậm U đến Mường Khoa, âm mưu phối hợp với binh đoàn tác chiến Tây Bắc mở đường giao thông nối liền Điện Biên Phủ với Thượng Lào. Để đánh lạc hướng địch, tiêu diệt thêm sinh lực của chúng, buộc địch phải tiếp tục phân tán lực lượng, tạo điều kiện tốt cho việc tiếp tục tiến hành mọi công tác chuẩn bị tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, hai bên Lào - Việt thống nhất mở Chiến dịch Thượng Lào, tiến công địch ở phòng tuyến sông Nậm U. Phía Việt Nam có Đại đoàn 308, Đoàn 82 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, phía Lào có 2 đại đội và 4 trung đội bộ đội địa phương tham gia.
Tranh thủ thời gian và gây bất ngờ cho địch, Đại đoàn 308, khẩn trương hành quân, vừa đi vừa nắm tình hình địch và dựa vào dân mà chuẩn bị hậu cần. Các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Ít-xa-la phân chia thành nhiều tổ, nhóm dẫn đường cho các đơn vị bộ đội chủ lực Việt Nam, đồng thời cùng với cán bộ dân - chính xuống từng làng bản vận động nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội.
Ngày 29-01, sau khi vượt 80km đường rừng núi, các lực lượng của Đại đoàn 308 đã áp sát phòng tuyến sông Nậm U. Phát hiện bộ đội ta tiến sang Thượng Lào, quân địch vội vã bỏ cả phòng tuyến sông Nậm U rút chạy về hướng Mường Sài, Luông Pha-băng. Không bỏ lỡ cơ hội diệt địch và vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm đuổi đánh địch đường dài trong Chiến dịch Thượng Lào lần trước (tháng 4 và 5-1953), cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 đã khắc phục khó khăn rất lớn về tiếp tế hậu cần để thực hiện nhiệm vụ. Đại đoàn 308 chia thành 2 cánh truy kích địch. Hướng Mường Khoa - Mường Sài, ngày 31-01, Trung đoàn 102 và đại đội It-xa-la phối hợp đánh địch, diệt gọn một tiểu đoàn, đánh thiệt hại một tiểu đoàn khác. Hướng Nậm Bạc - Luông Pha-băng, từ ngày 01 đến ngày 02-02, các trung đoàn 36 và 88 đuổi đánh địch ở Mường Ngòi, Nậm Bạc, Nậm Ngà, sau đó vượt sông Mê Công, áp sát kinh đô Luông Pha-băng. Lo sợ bị đánh vào kinh đô Luông Pha-băng, Na-va vội lập cầu hàng không, tăng cường 8 tiểu đoàn thuộc lực lượng cơ động chiến lược cho Mường Sài, Luông Pha-băng, biến 2 nơi này thành 2 tập đoàn cứ điểm.
Qua hơn 10 ngày liên tục tiến công truy kích địch trên chặng đường dài hơn 200km, bộ đội chủ lực Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân Thượng Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu 17 đại đội địch, gồm 2.000 tên, thu hàng chục tấn vũ khí, quân trang, quân dụng. Căn cứ kháng chiến của Lào được mở rộng thêm gần một vạn kilômét vuông, nối liền khu giải phóng Thượng Lào với Khu Tây Bắc Việt Nam. Phòng tuyến sông Nậm U “con đường liên lạc chiến lược” của địch nối với Điện Biên phủ bị phá vỡ, đẩy tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ vào thế hoàn toàn bị cô lập. Chiến thắng Thượng Lào còn tạo điều kiện cho Trung đoàn 148 cùng bộ đội Lào giải phóng Bun Tầy, Bun Nừa, khu vực tỉnh lỵ và một vùng rộng lớn tỉnh Phong Xa-lỳ.
Các chiến dịch tiến công địch ở Trung, Hạ và Thượng Lào cùng với các chiến dịch tiến công địch ở Lai Châu, Bắc Tây Nguyên tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam thực hiện trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Trong 56 ngày đêm (từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954), quân và dân Việt Nam thực hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Lào tiếp tục thực hiện sự phối hợp, đẩy mạnh hoạt động quân sự ở khắp nơi, đồng thời chi viện cho mặt trận Điện Biên phủ 300 tấn gạo chiến lợi phẩm thu được trong chiến dịch Thượng Lào và 400 viên đạn pháo 105 ly thu được của địch ở Ba-na-phào.
Được sự phối hợp của cả nước và toàn Đông Dương, trên chiến trường Tây Bắc, quân và dân Việt Nam đã làm nên kỳ tích - chiến thắng Điện Biên phủ. Đây là đòn tiến công tiêu diệt quy mô lớn nhất của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, cùng với chiến thắng trên các chiến trường khác, trong đó có Thượng, Trung và Hạ Lào đã đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên phủ là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia.
Liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, mà đỉnh cao là Đông Xuân 1953 - 1954, đã góp phần đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Những chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), đặc biệt là trong Đông Xuân 1953 - 1954 mà quân đội và nhân dân hai nước lập nên là biểu tượng cao đẹp của liên minh đoàn kết Việt Nam - Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc, vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi bền vững và ngày càng phát triển toàn diện hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước./.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với giai cấp, dân tộc và xã hội  (30/04/2014)
Huyện Lang Chánh triển khai nhiều giải pháp cụ thể làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (30/04/2014)
Huyện Lang Chánh triển khai nhiều giải pháp cụ thể làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (30/04/2014)
Đẩy mạnh giải ngân dự án đầu tư gắn với đảm bảo chất lượng  (29/04/2014)
Bộ trưởng Bộ Y tế: Bài học lớn nhất là phát huy vai trò của truyền thông  (29/04/2014)
Bị cáo Dương Chí Dũng: "Xin được khoan hồng"  (29/04/2014)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay