Sau cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a (ngày 8-8-2008), nhiều chính khách và chuyên gia phân tích chính trị ở phương Tây cho rằng, trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ kỳ vọng đã kết thúc. Một trật tự thế giới mới - trật tự thế giới đa cực đang bắt đầu. Trong đó, các quốc gia và các dân tộc được quyền có vị thế, được tôn trọng trong các quan hệ quốc tế. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Thủ tướng Nga V.Pu-tin cũng đã từng tuyên bố như vậy.

Một quốc gia có thể trở thành một cực trong trật tự thế giới, nếu quốc gia - cực đó có sức thu hút các nước khác về phía mình và đương nhiên phải có khả năng bảo vệ mình, một khi an ninh quốc gia bị các cực khác đe dọa. Nước Nga đang trở thành một cực như vậy trong trật tự thế giới mới, nghĩa là Nga không chỉ có sức thu hút mà còn có khả năng bảo vệ các quốc gia khác. Với cách tư duy như vậy mà gần đây, Nga bắt đầu hiện diện sức mạnh quân sự ở một số khu vực trên thế giới. Sự hiện diện này không chỉ vì nước Nga có lợi ích quan trọng sống còn ở Trung Đông, Mỹ La-tinh hay trong không gian hậu Xô-viết v.v.. mà còn vì ở những nơi đó, các “bạn bè cùng chí hướng” rất cần Nga sử dụng sức mạnh quân sự khi cần thiết, để bảo vệ lợi ích của họ. Chính vì thế, cuộc hành quân của đoàn chiến hạm Nga thuộc Hạm đội Phương Bắc xuất phát vào ngày 24-9-2008 từ căn cứ hải quân Xe-ve-rô-mô-xcơ, vượt qua ngàn dặm biển đầy sóng gió tới Mỹ La-tinh, là một sự kiện quân sự và chính trị, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Nga cũng như thế giới. 
 
Dẫn đầu đoàn chiến hạm này là tàu tuần dương nguyên tử hạng nặng mang tên “Pi-e Đại Đế”. Cùng đi, có chiến hạm chống tàu ngầm mang tên “Đô Đốc Chu-ba-nen-cô” và 2 tàu yểm trợ tác chiến khác. Cuộc hành quân của đoàn tàu chiến này thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia quân sự ở Lầu Năm góc, bởi sau nhiều năm hải quân Nga gần như “án binh bất động” tại các căn cứ đóng quân thường xuyên. Điều khiến các chuyên gia phân tích chính trị - quân sự quốc tế quan tâm hàng đầu là điểm đến trong cuộc hành quân chưa từng có này. Đó là vùng biển Ca-ri-bê, nơi các tàu chiến của Nga sẽ thực hiện cuộc diễn tập trên biển với hải quân Vê-nê-xu-ê-la. Không chỉ có vậy, trên đường hành quân, đoàn chiến hạm của Nga còn ghé thăm một địa điểm có ý nghĩa chiến lược không kém là cảng Tác-tút (Tartus) của Xy-ri - nơi mà trong tương lai không xa, sẽ trở thành căn cứ hải quân quan trọng của Nga.

Ngoài ra, các chiến hạm thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga còn đi qua vịnh Gi-bran-ta ở Địa Trung Hải, nơi có căn cứ quân sự của Hạm đội 6 hải quân Mỹ. Chính các tàu chiến của Hạm đội 6 trong tháng 8-2008 vừa qua, đã từng đến biển Đen để thực hiện các hoạt động “viện trợ nhân đạo” cho Gru-di-a sau cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a. Eo biển Gi-bran-ta ở Địa Trung Hải là một địa điểm có ý nghĩa chiến lược đặc biệt nhạy cảm đối với hải quân các cường quốc quân sự trên thế giới. Trong những năm “Chiến tranh lạnh”, các tàu chở dầu và tàu nổi của Liên Xô đã từng đi qua eo biển này làm phông che chắn cho các tàu ngầm hạt nhân qua lại mà các thiết bị do thám hiện đại nhất của Hạm đội 6 Mỹ không thể phát hiện ra tung tích. Bí mật công nghệ được ẩn giấu ở chỗ tiếng ồn từ chân vịt và từ trường của các thân tàu nổi là một tấm che chắn lý tưởng, làm cho các tàu ngầm của Nga trở thành “tàng hình” trước “con mắt cú vọ” dõi bám của các trạm trinh sát Mỹ và NATO được bố trí ở eo biển có ý nghĩa chiến lược quan trọng này.

Theo thông báo gần đây của ông An-đrây Ba-ra-nốp, Phó Đô đốc Nga, Trưởng ban tác chiến hạm đội hải quân Nga, các đội kỹ sư và kỹ thuật viên công binh của Nga đã đến khảo sát và làm việc ở cảng Tác-tút (Xy-ri) nhằm mở rộng khả năng tiếp nhận các tàu chiến mới của Nga. Một đội kỹ sư khác của Nga cũng đã đến làm việc ở La-ta-ki-a - một quân cảng khác của Xy-ri, để nghiên cứu khả năng mở rộng và nâng cấp kết cấu hạ tầng nhằm tiếp nhận các tàu của hải quân Nga. Theo tin từ Bộ tham mưu hạm đội biển Đen, Nga dự kiến xây dựng căn cứ cho tàu sân bay và tàu tuần dương mang tên lửa tại những quân cảng này trong tương lai gần. Theo các chuyên gia quân sự Nga, Mát-xcơ-va rất cần sự hiện diện chính trị, không chỉ dưới dạng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và sửa chữa cho hạm đội biển Đen mà còn tạo kết cấu hạ tầng để Nga hiện diện như là một cường quốc hải quân. Tàu tuần dương hạt nhân “Pi-e Đại Đế” rất thích hợp cho mục tiêu này.

Theo kế hoạch đã được soạn thảo và phê duyệt từ đầu năm 2008, trong cuộc hành quân lần này, các chiến hạm của hải quân Nga lần đầu tiên sẽ thực hiện cuộc diễn tập quân sự phối hợp với hải quân Vê-nê-xu-ê-la, nhằm hoàn thiện kỹ năng hợp đồng tác chiến trong các chiến dịch cứu hộ trên biển và chống khủng bố. Đây cũng là lần đầu tiên, tàu tuần dương nguyên tử hạng nặng của Nga tham gia các cuộc diễn tập quân sự quốc tế tương tự.
 
Cuộc hành quân của đoàn tàu chiến thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga đến Vê-nê-xu-ê-la diễn ra trong bối cảnh các hạm đội hải quân Nga vừa phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “Bu-la-va”, từ tàu ngầm lặn sâu dưới đáy đại dương ở biển Bắc và biển Thái Bình Dương, trong các cuộc diễn tập quân sự trong tháng 9-2008. Tên lửa “Bu-la-va” sẽ được trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới mang tên “Bô-rây” sắp được đưa vào trang bị cho hải quân Nga. Tên lửa “Bu-la-va” thuộc loại tên lửa mang nhiều đầu đạn (có thể mang được 10 đầu đạn hạt nhân) có khả năng độc lập, cơ động tiến công các mục tiêu bố trí cách xa nhau tới hàng trăm km trên lãnh thổ đối phương. Theo nhận xét của các chuyên gia quân sự, bất kỳ một quốc gia nào muốn bảo vệ lợi ích của mình trên toàn cầu, cũng đều phải có phương tiện thể hiện sức mạnh. Nước Nga không phải là một ngoại lệ và hạm đội hải quân là phương tiện đầu tiên thực hiện chức năng này.

Với cuộc hành quân của Hạm đội Phương Bắc sang Mỹ La-tinh, ngày 22-9-2008, các lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành cuộc diễn tập chỉ huy tham mưu chiến lược mang tên “Sự ổn định - 2008”, với nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thiện kỹ năng hoạt động, nhằm bảo đảm an ninh cho Nhà nước liên bang giữa Nga và Bê-la-rút. Kế hoạch cuộc diễn tập chỉ huy tham mưu chiến lược “Sự ổn định - 2008” đã được Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép phê chuẩn. Ngày 20-9-2008, Tổng thống Nga gặp Bộ trưởng quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Nga để nghe báo cáo về kế hoạch chuẩn bị cuộc diễn tập. Từ ngày 22-9-2008 đến ngày 21-10-2008, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, cuộc diễn tập được thực hiện với sự tham gia của những người đứng đầu các cơ quan lập pháp của Nga như Bộ Nội vụ, Bộ Tình trạng khẩn cấp, Cục An ninh liên bang Nga, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải v.v.. Mục đích của diễn tập là hoàn thiện việc triển khai các lực lượng vũ trang Nga nhằm giải quyết các cuộc xung đột vũ trang, đối phó với hoạt động khủng bố, khắc phục thảm hoạ môi trường, kỹ thuật, răn đe chiến lược và bảo đảm an ninh cho Nhà nước liên bang Nga cũng như Bê-la-rút. Quân đội Bê-la-rút cũng thực hiện cuộc diễn tập quân sự mang tên “Mùa Thu - 2008” từ ngày 22-9 đến ngày 27-9-2008 để kiểm tra khả năng hợp đồng tác chiến với quân đội Nga. Tham gia cuộc diễn tập “Sự ổn định - 2008” có chỉ huy và lực lượng của các Quân khu Mát-xcơ-va, Quân khu Viễn Đông, Hạm đội Ban-tích, Hạm đội Phương Bắc, Hạm đội Thái Bình Dương, Tập đoàn không quân số 11, Tập đoàn không quân số 16, Tập đoàn không quân số số 37, Quân đoàn phòng không số 32, Lực lượng tên lửa chiến lược, Binh chủng vũ trụ và các lực lượng hậu cần của quân đội Nga. Về phía Bê-la-rút có các cơ quan của Bộ Quốc phòng, các binh đoàn và đơn vị, các lực lượng thuộc cơ quan hành pháp liên bang. Tham gia khối diễn tập này còn có các lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy đặc biệt tinh nhuệ của Nga. Ngoài ra, Quân khu Ngoại U-ran cũng tiến hành cuộc diễn tập tác chiến chiến lược mang tên “Trung tâm - 2008”.

Có thể nói, chưa bao giờ kể từ khi kết thúc “Chiến tranh lạnh”, các lực lượng vũ trang Nga tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn như trong tháng 9-2008. Sắp tới, Nga sẽ tiến hành các cuộc diễn tập chỉ huy tham mưu chiến lược và triển khai sự hợp tác quân sự giữa Nga với nhiều nước bạn bè ở Đông và Tây bán cầu. Theo đánh giá của các quan chức trong Bộ Quốc phòng Nga, triển vọng hợp tác là khá tốt đẹp. Đáng chú ý là “những nước bạn bè” của Nga đều phản đối trật tự thế giới đơn cực và sẽ cùng với Nga xây dựng một thế giới đa cực, trong đó nhiều nước và nhiều dân tộc sẽ giành được vị trí xứng đáng của họ trong trật tự thế giới đó./.