“Di sản hòa bình” nghèo nàn của Tổng thống G.W. Bu-sơ
Ngày 19-9-2008, đại diện chính thức Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đi theo con đường của mình”. Với tuyên bố này, CHDCND Triều Tiên chính thức thông báo trước toàn thế về quyết định tạm ngừng quá trình phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên; tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Dông Piên và trục xuất các chuyên gia thanh sát của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử quốc tế ra khỏi tổ hợp nguyên tử này. Quyết định này được đưa ra đồng thời với tuyên bố từ chối đề nghị Mỹ loại bỏ CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách “các quốc gia tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố” mà Chính phủ Mỹ đơn phương lập ra, bất chấp ý kiến của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Đại diện Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cho hay: “CHDCND Triều Tiên không những không muốn được Mỹ đưa ra khỏi danh sách “các quốc gia tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố” mà còn không hề hy vọng điều này sẽ được thực hiện trong tương lai”. Đại diện chính thức của Bình Nhưỡng cho rằng, các cuộc đàm phán sáu bên chỉ là tấm bình phong che đậy ý đồ Mỹ chuẩn bị cuộc tiến công quân sự nhằm vào CHDCND Triều Tiên.
Trước tuyên bố khá cứng rắn từ phía CHDCND Triều Tiên, ông Xôn Mác-cô-mác, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ đưa ra được mấy lời tuyên bố “ngắn ngủi và yếu ớt” rằng, Mỹ vẫn hy vọng sẽ đạt được việc chấm dứt chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Theo bình luận của các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, đây thực sự là một vấn đề cực kỳ khó khăn, bởi lẽ khác với chương trình hạt nhân của I-ran, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã tiến đến giai đoạn phát triển cao. Nước này đã từng tiến hành thử nghiệm thành công vụ nổ hạt nhân và ông Mác Hây-đen, Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ, gần đây cũng đã từng xác nhận rằng, CHDCND Triều Tiên đã tích góp được nguyên liệu plu-tô-ni đủ để chế tạo ít nhất 6 quả bom hạt nhân. Như vậy, nếu muốn đạt được một sự tiến bộ nào đó trong tiến trình phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ phải có những động thái thực sự “biết điều” trước Triều Tiên chứ không chỉ dừng lại ở những lời hứa suông.
Nếu nói đến “thành tựu ngoại giao” trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ, thì các thoả thuận đã từng đạt được nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên dường như được xếp đầu bảng. Nhưng đến lúc này, “thành tựu ngoại giao” hiếm có đó xem ra đang đứng trước nguy cơ tan vỡ như bong bóng xà phòng. Xét về tất cả các động thái, nếu Bình Nhưỡng không hoàn toàn từ bỏ các thỏa thuận đã từng đạt được trong khuôn khổ các cuộc đàm phán sáu bên, thì việc thực thi những thỏa thuận đó khó có thể thành hiện thực trước khi Tổng thống G.Bu-sơ rời Nhà Trắng.
Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đâu phải là thất bại ngoại giao duy nhất của Tổng thống G.W.Bu-sơ. Nhìn về Trung Đông, dư luận chỉ thấy tương lai mờ mịt. Một trong những “cam kết đầy triển vọng” của Tổng thống G.W. Bu-sơ về “sự nghiệp thế kỷ” là dàn xếp vấn đề hoà bình Trung Đông trước khi ông rời khỏi Nhà Trắng. Tại hội nghị A-na-pô-lít (Mỹ), Tổng thống G.W. Bu-sơ kỳ vọng Thủ tướng I-xra-en và Tổng thống Pa-le-xtin thoả thuận đến cuối năm 2008 sẽ thành lập nhà nước Pa-le-xtin. Đến thời điểm này, ông Ê-hút Ôn-mớt, Thủ tướng I-xra-en, đã từ bỏ “sự nghiệp dang dở” vì phải tử chức, còn bà Tờ-di-pi Li-vơ-ni (Tzipi Livnin), người có khả năng kế nhiệm ông Ê-hút Ôn-mớt, nếu chấp nhận đạt được một thoả thuận nào đó với phía Pa-le-xtin, thì chắc chắn đó cũng chỉ là thoả thuận mang tính chất “nửa vời” và chỉ dừng lại ở những cương lĩnh chung chung hơn là hành động thực tế. Sẽ không có một quốc gia Pa-le-xtin nào được khai sinh từ thoả thuận “nửa chừng xuân” này. Tình hình ở I-rắc cũng chưa có triển vọng tái lập hoà bình. Lực lượng quân sự của Mỹ hiện diện ở I-rắc không có khả năng tạo dựng một cơ chế an ninh do lực lượng của I-rắc kiểm soát. Nếu quân Mỹ rút đi, nội chiến ở đây có thể lại xảy ra.
Ngoài hai tiến trình hoà bình mờ mịt trên đây, nước Mỹ dưới sự chèo lái của Tổng thống G.W.Bu-sơ đang đứng trước nguy cơ không thể hợp tác được với các nước trong những hướng quan trọng khác mà trước hết là trong quan hệ với Nga và quan hệ đối tác Nga - NATO. Sau các sự kiện “động trời” ở Cáp-ca-dơ, NATO gần như đã đưa ra tối hậu thư đòi Nga phải rút hết các lực lượng quân sự ra khỏi Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a, nếu không Nga sẽ không thể trông cậy vào bất kỳ một sự hợp tác nào với NATO. Một thực tế rất khó xử đối với Mỹ, là có rất nhiều nước cùng tham gia NATO và EU. Trong NATO chỉ có Mỹ và Ca-na-đa không phải là các nước châu Âu. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt trong cách tiếp cận của hai tổ chức này xung quanh vấn đề quan hệ với Nga. Hiện nay, Mỹ đề nghị NATO thành lập “lực lượng phản ứng nhanh” mà theo Mỹ là để bảo vệ các nước láng giềng của Nga, khỏi các đòn “tiến công xâm lược bất ngờ” của Mát-xcơ-va. Ý tưởng này đã từng được đưa ra xem xét vào ngày 19-9-2008, trong cuộc gặp của bộ trưởng quốc phòng các nước NATO ở Luân-đôn. Lực lượng phản ứng nhanh, theo đánh giá của các chuyên gia phân tích chính trị quân sự quốc tế, cần phải sẵn sàng điều động đến “những nước lo ngại bị tiến công từ phía Nga”. Trong khi Mỹ muốn tạo dựng “nguy cơ chiến tranh” từ phía Nga như họ đã từng “sáng tạo” ra “nguy cơ đe doạ hoà bình” từ phía Liên Xô trước đây để tập hợp các nước châu Âu dưới “cái ô bảo vệ” của Oa-sinh-tơn, thì không phải tất cả các nước EU đều nghĩ như vậy. Điều mà các nước này cần là mối quan hệ hoà bình, thân thiện và hợp tác với Nga trong “ngôi nhà chung châu Âu”.
Trở lại Nam Á, tình hình ở Áp-ga-ni-xtan cũng không mấy sáng sủa. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết trong tuần qua đã đưa ra tuyên bố không mấy lạc quan, và cũng chẳng có gì bất ngờ rằng, hiện nay “Mỹ không còn đủ quân để điều động đến Áp-ga-ni-xtan”. Trong số các nước thành viên NATO ở châu Âu, không một nước nào đồng ý điều thêm quân đến Áp-ga-ni-xtan. Một trong những lý do là quân đội của họ thường “được” điều động tới những khu vực nhạy cảm nhất, dễ bị lực lượng Ta-li-ban tiến công, mà theo nhận xét của nhiều chuyên gia phân tích quân sự thì những khu vực đó gần giống như “những chiếc cối xay thịt”.
Quan hệ giữa Mỹ với Pa-ki-xtan, một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng đang rất đáng lo ngại. Để có thể tạo lập được một “chiến công” nào đó trong cuộc chiến chống khủng bố, gần đây chính quyền của Tổng thống G.W. Bu-sơ quyết định tổ chức các mũi tiến công nhằm vào các lực lượng của Ta-li-ban và tổ chức khủng bố An kê-đa đang ẩn náu trên lãnh thổ Pa-ki-xtan. Nhưng chính phủ Pa-ki-xtan của Thủ tướng En-sa-ri mới được bầu đã tuyên bố thẳng thừng rằng, sẽ không cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ của họ để chống khủng bố. Nếu phía Mỹ vi phạm, Pa-ki-xtan sẵn sàng nổ súng vào lực lượng của Mỹ. Bằng chứng là trong những ngày vừa qua, các lực lượng của Pa-ki-xtan thông báo đã bắn rơi một chiếc máy bay do thám không người lái của Mỹ đột nhập vào vùng trời Pa-ki-xtan. Như vậy, Pa-ki-xtan với vai trò là một quốc gia đã từng tích cực ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố ở Nam Á, đang trở thành một vật cản nghiêm trọng trên con đường Mỹ thực hiện “sự nghiệp thiêng liêng” này.
Xem ra, di sản đối ngoại của Tổng thống G.W.Bu-sơ sau hai nhiệm kỳ cầm quyền chẳng có gì đáng kể và dư luận chỉ còn lại một niềm hy vọng rằng ông chủ mới ở Nhà Trắng sẽ không bị sa cơ vào “mớ bòng bong” mà người tiền nhiệm để lại./.
Kỷ niệm 59 năm Quốc khánh Trung Quốc  (28/09/2008)
Tổng Bí thư Trường Chinh - nhà thiết kế đường lối đổi mới của Đảng ta  (28/09/2008)
Việt Nam sẽ thúc đẩy giải quyết những thách thức toàn cầu  (28/09/2008)
Đoàn Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước thăm Đức  (28/09/2008)
Kết quả phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (27/09/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên