TCCSĐT - Ngày 01-4-2014, tại Hà Nội, Trung tâm Luật quốc tế Xin-ga-po và Học viện Ngoại giao đã phối hợp tổ chức Hội thảo: “Cộng đồng kinh tế ASEAN” thuộc dự án “Hội nhập ASEAN thông qua luật pháp”.

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn,; TS. Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao; về phía nước ngoài có GS. Joseph Weiler, Viện Đại học châu Âu, Florence; GS. Michael Ewing - Chow, Trung tâm Nghiên cứu luật pháp thuộc trường Đại học Quốc gia Xin-ga-po; GS. Imola Streho, Trung tâm Nghiên cứu châu Âu, Sciences Po, Paris… cùng hơn 100 đại biểu là các quan chức chính phủ của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, các nhà ngoại giao, học giả, giới chuyên gia nghiên cứu chính sách và thành viên của cộng đồng kinh doanh từ hơn 20 nước khác nhau.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn khẳng định: ASEAN luôn là một trọng tâm ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam coi việc xây dựng thành công “Cộng đồng ASEAN vững mạnh” là một nhân tố quan trọng, đóng góp cho việc bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, giúp nâng cao vị thế và tiếng nói của các nước ASEAN trên trường quốc tế. Vì vậy, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu là một thành viên “chủ động, tích cực, và có trách nhiệm” trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh. 

Chưa tới 02 năm nữa, Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành song trong kế hoạch hành động để xây dựng Cộng đồng ASEAN còn rất nhiều việc chưa được hoàn tất. Cộng đồng kinh tế mới thực thi được khoảng 80% các hành động theo kế hoạch; số mục tiêu đạt được còn thấp hơn. Việc thúc đẩy liên kết kinh tế ASEAN trở nên thách thức hơn khi ASEAN phải tiến hành liên kết nội khối song song với tiến trình liên kết Đông Á, thông qua sáng kiến Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một số thành viên còn tham gia cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN còn rất lớn, nguy cơ “phân cực” giữa nhóm các nước phát triển và nhóm các nước kém phát triển ngày càng hiện hữu.

Trên tinh thần thúc đẩy sự hoàn thiện pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến trình hội nhập hoàn tất việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, Hội thảo đã được chia làm 2 phiên chính về thương mại; hội nhập và đầu tư.

Tại phiên về thương mại, các diễn giả đã cho rằng hiện nay trong ASEAN còn thiếu một số thể chế và những thể chế đã có về thương mại lại chưa thực sự hiệu quả; cơ chế giải quyết các tranh chấp trong thương mại khá yếu; chưa có những chế tài áp dụng khi một nước không thực hiện cam kết. Trong khi đó, mục tiêu của các nước ASEAN là tiến tới thành lập một thị trường, một cơ sở sản xuất ASEAN rộng lớn và thống nhất. Để làm được điều này bắt buộc các nước phải có sự hoàn thiện thể chế, cơ chế giải quyết tranh chấp, trong đó phải tăng cường vai trò của Ban Thư ký ASEAN, tăng cường sự ràng buộc lẫn nhau giữa các nước thành viên và có chế tài cụ thể khi một nước không thực hiện cam kết. Các nước ASEAN cũng cần ký những hiệp định công nhận lẫn nhau; có những khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo nhằm tăng cường tính pháp lý của các cam kết; có cơ chế giảm hàng rào phi thuế quan; xây dựng hệ thống hải quan thống nhất; ký những hiệp định chung trong một số lĩnh vực, trong đó nên áp dụng quy chuẩn quốc tế, học tập kinh nghiệm của các nước Liên minh châu Âu, đồng thời xây dựng thể chế cho việc thực thi và giám sát việc thực hiện.

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, nhiều diễn giả cho rằng, có nhiều vấn đề rất phức tạp vì thế hành trình tự do hóa thương mại dịch vụ cần có thời gian. Song có nhiều lý do để các nước ASEAN phải nhanh chóng thực hiện quá trình này, như: Trung Quốc đã phát triển rất nhanh về dịch vụ đòi hỏi các nước ASEAN phải nỗ lực phối hợp cung cấp các dịch vụ ngày càng chất lượng hơn, tăng sức cạnh tranh của mình, nâng cấp hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu; sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trong xã hội cũng đòi hỏi phải phát triển các ngành dịch vụ ngày một tốt hơn… Các nước ASEAN đã làm tốt một số lĩnh vực dịch vụ như giao thông, chăm sóc y tế, du lịch, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, viễn thông, song một số quy định về dịch vụ của ASEAN đã lạc hậu. Khoảng cách về phát triển và thu nhập cũng là mối quan ngại sẽ gây khó khăn cho quá trình tự do hóa này. 

Trong phiên về hội nhập và đầu tư, các diễn giả đều nhất trí các nước ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong khâu đề ra các quy định pháp lý của đầu tư, nhưng việc này vẫn cần phải tiếp tục bởi các nước ASEAN còn cần nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất. Muốn thế các nước buộc phải xây dựng một môi trường đầu tư tốt, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, ký hiệp định đầu tư chung của cả khối ASEAN; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp tốt để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào khu vực này… 

Hội thảo đã thảo luận sâu về việc tăng cường áp dụng luật pháp trong liên kết kinh tế ASEAN, rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm quý từ thực tiễn cũng như lý thuyết, góp phần thiết thực trong việc hoạch định chính sách nhằm đẩy nhanh liên kết ASEAN thông qua tăng cường liên kết ASEAN về mặt pháp lý, vừa phù hợp với mục tiêu và kế hoạch hành động của ASEAN, vừa cân nhắc đầy đủ tới trình độ phát triển khác nhau và hoàn cảnh đặc thù của các nước thành viên. /.