TCCSĐT - Ngày 01-4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời chất vấn tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Đây là hoạt động chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội, nhằm tiếp tục đưa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ thành hoạt động thường xuyên và ngày càng đi vào chiều sâu.

* Sáng 01-4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ đã được các đại biểu Quốc hội đề cập tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua.Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp, trực tuyến đến các đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước.

Dự phiên chất vấn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Chủ tịch Quốc hội và đại diện các bộ, ngành liên quan.

Những nội dung được các đại biểu Quốc hội đề nghị người đứng đầu ngành Công Thương giải đáp trong phiên chất vấn liên quan đến các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường (xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh trong nước; tình trạng xuất khẩu lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, làm thất thu ngân sách nhà nước...); trách nhiệm quản lý nhà nước về điện, xăng, dầu và việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, với tư cách là người đứng đầu, xác định trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc để xảy ra tình trạng yếu kém trong quản lý thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận trong những năm vừa qua có thực trạng thương lái nước ngoài thu gom một số hàng hóa nông sản. Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã nắm bắt được tình hình, tổ chức rà soát lại khung pháp lý thực hiện Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh.

Theo quy định của pháp luật, thương lái nước ngoài nếu không có đại diện chính thức tại Việt Nam thì phải thông qua pháp nhân của Việt Nam mới được tổ chức thu mua. Nhưng trên thực tế, có tình trạng một số thương lái nước ngoài vẫn vi phạm quy định này.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước xử lý, ngăn chặn. Nhờ đó, từ đầu năm 2014, theo thông tin tổng hợp tại nhiều địa phương, không còn hiện tượng này xảy ra.

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết một phần do cơ quan quản lý nhà nước chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ, nắm bắt, tránh bị các đối tượng trục lợi. Bộ cũng chưa làm tốt công tác phối hợp liên ngành để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Thời gian tới, Bộ sẽ khắc phục và tiếp tục nâng cao năng lực thực thi công vụ của lực lượng chức năng, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý thị trường để ngăn chặn kịp thời, triệt để hơn.

Đối với vấn đề quản lý nhà nước về khoáng sản, nhận trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, để xảy ra tình trạng xuất lậu khoáng sản gây thất thu ngân sách, thiếu hụt tài nguyên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nhất là các địa phương miền núi thực hiện quyết liệt hơn việc quản lý các doanh nghiệp khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, kiên quyết không để xảy ra xuất lậu khoáng sản.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Thạch Dư, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh và Lê Đắc Lâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận về tình trạng thiếu điện cung cấp cho sản xuất nông, thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết vấn đề cung cấp điện liên quan mật thiết đến quy hoạch. Đối với khu vực đã có quy hoạch phát triển điện thì ngành điện sẽ tập trung bố trí vốn theo lộ trình đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, diện tích nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng lên quá nhanh, khiến mất cân đối nguồn cung về điện, ngành điện không thể tăng trưởng kịp thời để đáp ứng nhu cầu.

Cảm ơn một số địa phương đã ứng trước việc xây dựng đường dây tải điện cho ngành điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh ngành điện sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng kịp thời nhu cầu điện cho sản xuất nông nghiệp bằng nhiều biện pháp huy động vốn, trong đó chú trọng việc tranh thủ tài trợ của nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương làm tốt hơn công tác quy hoạch điện để bảo đảm lộ trình cung cấp đủ điện cho sản xuất. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị Quốc hội xem xét phân bổ ngân sách đáp ứng chương trình đưa điện về nông thôn tại những vùng chưa có điện.

Liên quan đến việc dưa hấu ứ đọng ở các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, chủ yếu tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Do địa hình mặt bằng hẹp, năng lực thông quan của các cửa khẩu khu vực này rất hạn chế, mỗi ngày chỉ thông quan được 300 xe tại Tân Thanh, còn đối với cửa khẩu Cốc Nam là 200 xe. Trong những ngày qua có lúc tập trung đến 1.800 xe nên dẫn đến ứ đọng mặt hàng dưa hấu tại các cửa khẩu.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, do việc cấp phép nhập khẩu dưa hấu qua cửa khẩu thuộc thẩm quyền của phía bạn Trung Quốc (từ trước đến nay, chủ yếu phía bạn cho nhập qua cửa khẩu Tân Thanh) nên việc thông quan loại hàng hóa này rất bị động, hạn chế.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng phân tích thêm, nguyên nhân chính do tập quán kinh doanh của các thương nhân theo kiểu cứ đưa hàng lên biên giới trong khi chưa ký được hợp đồng bán hàng qua biên giới đã góp phần dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng tại cửa khẩu.

Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan kéo dài thời gian làm việc tại cửa khẩu đến 21 giờ, làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật. Ngoài ra, lực lượng liên ngành cũng tích cực vận động phía bạn mở thêm cửa khẩu thông quan loại mặt hàng này, tạo điều kiện tối đa cho việc giải quyết hàng tồn.

Bộ Công Thương và tỉnh Lạng Sơn cũng đã đề nghị các địa phương điều tiết việc đưa hàng lên cửa khẩu, tránh tình trạng dồn dập trong cùng một thời điểm, gây ứ đọng hàng hóa. Các thương nhân trong nước cần chủ động ký kết hợp đồng mua bán hàng trước khi đưa hàng lên biên giới, để giải phóng hàng nhanh chóng.

Trả lời đại biểu Quốc hội xung quanh việc hình thành, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tham gia giải trình thêm tại phiên chất vấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định Quỹ Bình ổn giá xăng dầu luôn được sử dụng và quản lý đúng mục đích. Liên bộ Tài chính - Công Thương thường xuyên giám sát, quản lý việc sử dụng Quỹ, bảo đảm công khai, minh bạch.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, năm 2013 đã có 21 lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó 10 lần không tăng giá. Quỹ Bình ổn có vai trò hết sức quan trọng, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Cũng trong phiên chất vấn sáng 01-4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

* Chiều 01-4, trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ mất phẩm chất, thiếu y đức.

Trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về vấn đề y đức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận trên thực tế, vẫn còn một số cán bộ y tế không giữ vững được phẩm chất và đạo đức của người thầy thuốc, vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, có thái độ không đúng mực và gây phiền hà cho người bệnh, gây bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ chính những cán bộ trong ngành còn chạy theo lối sống thực dụng, xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp, cố ý làm trái quy chế, quy trình chuyên môn và quy định hành nghề. Nguyên nhân khách quan là do sự quá tải ở các bệnh viện khiến người bệnh, gia đình người bệnh và cả nhân viên y tế luôn trong tình trạng căng thẳng nên dễ xảy ra tình trạng thực hiện chưa đúng các quy định về giao tiếp, ứng xử.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) về những giải pháp trọng tâm để y đức chuyển biến tích cực hơn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến cho biết: Bộ đã ban hành Thông tư quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kiểm tra, giám sát ở tất cả các đơn vị trong ngành; xử lý kiên quyết, nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đồng thời khen thưởng, khuyến khích các tập thể, cá nhân làm tốt… Một cách làm mà Bộ thấy rất hiệu quả đó là việc tổ chức tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân trên toàn quốc thông qua đường dây nóng 24/24h . Đường dây nóng của ngành được tổ chức theo 3 cấp: tại các bệnh viện, tại Sở Y tế và tại Bộ Y tế. Các số điện thoại đường dây nóng được công khai tại các cơ sở khám, chữa bệnh để tiếp nhận những ý kiến liên quan tới y đức, thái độ ứng xử, thăm, khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sĩ.

Trong 5 tháng qua, tổng đài đã nhận được hơn 2.000 cuộc gọi có liên quan, trong đó 40% cuộc gọi phản ánh thái độ ứng xử, 12% phản ánh về việc thanh toán viện phí, 22% cuộc gọi phản ánh làm sai quy trình và 25% cuộc gọi phản ánh cơ sở chật chội. Qua đường dây nóng, Bộ Y tế đã kịp thời nắm bắt thực trạng khám, chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện xử phạt cán bộ có thái độ làm sai quy định. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân và kết quả xác minh, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ và các Sở Y tế kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Điển hình là Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu đã buộc thôi việc đối với một hộ lý nhận phong bì của người nhà bệnh nhân; Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) xử lý nghiêm bác sĩ có thái độ cáu gắt trong giao tiếp, thiếu giải thích một số thắc mắc về bệnh lý của bệnh nhân; Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã cách chức Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hưng Nhân…

Cùng với những tiêu cực trong ngành, tai biến y khoa cũng là vấn đề gây nhiều bức xúc trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhiều tai biến là lỗi của y khoa mà nền y học vẫn bất lực. Có những nguyên nhân xảy ra tai biến y khoa rất đặc thù, người thầy thuốc khó có thể tránh được sai sót. Có nguyên nhân do sơ ý, do sự vô trách nhiệm của người thầy thuốc. Bộ trưởng cho biết chỉ có thể hạn chế bằng việc tăng cường thanh, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với người bệnh, gia đình người bệnh, xử lý nghiêm tất cả các sai sót, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ mất phẩm chất đạo đức.

Về những băn khoăn của đại biểu xung quanh việc đầu tư cho y tế cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở còn rất lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách, trái phiếu Chính phủ, các dự án ODA, không xã hội hóa hoặc thu hút được các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào khu vực này. Bộ đã đưa ra các giải pháp phân loại các trạm y tế xã để có đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực cho phù hợp với 3 loại hình.

Theo đó các trạm y tế phường, thị trấn, gần bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện chỉ làm nhiệm vụ dự phòng là chính, sẽ đầu tư ở mức thấp; các trạm y tế xã ở vùng đồng bằng, có khoảng cách đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện không xa, chủ yếu làm nhiệm vụ y tế dự phòng, sơ cứu, cấp cứu ban đầu nên sẽ đầu tư ở mức vừa phải; các trạm y tế xã ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, có khoảng cách đến bệnh viện, trung tâm y tế huyện xa phải đầu tư tương đối về kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực. Cùng với đó, phát triển mô hình bác sĩ gia đình để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở trạm y tế xã và mở rộng ở các cơ sở hành nghề tư nhân nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân tại cơ sở. Từ nay đến 2016, Bộ sẽ làm thí điểm sáp nhập một số trung tâm y tế huyện với bệnh viện huyện tại một số địa phương để tổng kết, đánh giá, sau năm 2016 sẽ thiết lập mô hình mới.

Trước ý kiến của các đại biểu về những tồn tại của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân, như hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, lạm dụng cận lâm sàng nhằm thu lợi nhuận cao, quá coi trọng lợi nhuận, coi thường pháp luật, lợi dụng lòng tin của người dân, quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, không niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết,… Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ sẽ quản lý chặt đồng thời vẫn tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển. Bộ đã chỉ đạo và cùng các địa phương tổ chức thanh tra toàn diện các cơ sở hành nghề y tế tư nhân, y tế nước ngoài, thẩm mỹ viện, các tỉnh đều tiến hành thanh kiểm tra đồng loạt và có giải pháp xử lý từ cảnh cáo đến rút giấy phép hành nghề. Bộ đã đề nghị các cơ quan liên quan phải đưa vào kiểm duyệt đối với hoạt động quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến thu gọn đầu mối y tế tuyến huyện, xã; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thuốc chữa bệnh và đấu thầu thuốc. Đại diện các Bộ Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư cũng đã giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức và biên chế cán bộ, công chức, viên chức ngành y, nguồn vốn đầu tư cho y tế cơ sở, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…/.