Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 03 đến ngày 09-3-2014

Hồng Ngọc tổng hợp
23:47, ngày 10-03-2014
TCCSĐT - Người dân và doanh nghiệp quan tâm đến cải cách hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Vì vậy, các cơ quan phải lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo cải cách hành chính.

Đó là những yêu cầu tại Hội nghị triển khai năm tăng cường và đổi mới công tác dân vận do Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối yêu cầu “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại, chất vấn trong Đảng, thực hiện tốt công tác dân vận; nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hành đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự là công bộc của dân,…”. Cụ thể, các cấp ủy phối hợp với lãnh đạo các cơ quan thực hiện quy định về tiếp dân, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và đảng viên về những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan định kỳ tổ chức đối thoại với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nắm tâm tư, nguyện vọng và tiếp thu các ý kiến góp ý để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh. Đẩy mạnh công tác dân vận của các cơ quan nhà nước mà trọng tâm là thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng tham mưu chủ trương, chính sách hợp lòng dân, lấy lợi ích nhân dân là trên hết.

Mức độ hài lòng của người dân về thủ tục hành chính chưa cao

Tại Hội nghị quán triệt triển khai công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Bộ Tư pháp diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đánh giá mức độ hài lòng của người dân về thủ tục hành chính hiện nay chưa cao.

Người dân còn có phàn nàn về mặt thể chế, tính khả thi của các quy định đưa ra. Vì vậy, năm 2014, mục tiêu của Bộ Tư pháp là đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã giao. Đảm bảo sự quản lý, điều hành thông suốt, chuyên nghiệp, minh bạch, từng bước hiện đại hóa công tác hành chính, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp...

Hà Nội đứng top đầu về cải cách hành chính

Sáng 07-3, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức hội nghị thông báo kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2012 và triển khai kế hoạch tự đánh giá, chấm điểm chỉ số cải cách hành chính năm 2013. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh chủ trì hội nghị.

Năm 2012, Bộ Nội vụ đưa ra cách xác định chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh. Kết quả Nhóm tốt nhất năm 2012 có 19/63 tỉnh, thành phố đạt chỉ số trên 80%..., trong đó có TP. Hà Nội đạt 82,77%, xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố. Theo điểm Bộ Nội vụ đánh giá và điểm điều tra xã hội học, Hà Nội đều đạt ở mức điểm cao nhất trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu. Về thực hiện cơ chế một cửa - một cửa liên thông, chất lượng tiếp nhận và trả kết quả, điểm tối đa được tính là 13,5 điểm, Hà Nội đạt 12,87 điểm (bằng 95,33%), đứng thứ 4 trong 10 tỉnh, thành phố hàng đầu về chỉ số này.

Mặc dù vậy, việc giải quyết thủ tục hành chính có nơi chưa làm người dân, tổ chức hài lòng. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, chỉ số đánh giá cao về cải cách hành chính chỉ là con số ước lệ. "Qua kiểm tra, tôi thấy tại bộ phận một cửa liên thông nhiều sở, ngành thì việc liên thông chậm hơn, bởi vậy công tác phối hợp giữa các đơn vị cần tăng cường, nêu cao trách nhiệm, hiệu quả…" và yêu cầu, các sở, ngành, địa phương rà soát lại các khâu còn yếu kém, đề xuất giải pháp khắc phục, nhất là những nội dung đã có kết luận từ thanh tra, kiểm tra, như khắc phục tình trạng "nợ" văn bản quy phạm pháp luật.

98% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia hải quan điện tử

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15-02, cả nước có 30.217 doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử, chiếm 98,1% số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan cả nước.

Tổng lượng tờ khai qua thủ tục hải quan điện tử đạt 651.589 tờ khai (chiếm 97,9% tổng số tờ khai trên toàn quốc. Đa số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tham gia thủ tục hải quan điện tử là điều kiện thuận lợi để thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS sẽ được ngành Hải quan áp dụng chính thức từ ngày 01-4-2014.

Theo Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS, đến ngày 04-3, cả nước có 14.108 DN đăng ký tham gia Hệ thống. Các đơn vị có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều là Hải quan Hà Nội (2.531 doanh nghiệp), Hải quan TP. Hồ Chí Minh (2.576 doanh nghiệp), Hải quan Hải Phòng (1.766 doanh nghiệp), Hải quan Bình Dương (1.631 doanh nghiệp)...

TP. Hồ Chí Minh chính thức triển khai đăng ký doanh nghiệp tại nhà

TP. Hồ Chí Minh đã chính thức khai trương phục vụ đăng ký doanh nghiệp tại nhà vào cuối tuần qua, sau gần hai tháng triển khai thử nghiệm. Việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện soạn thảo hồ sơ đăng ký mà không cần đến trụ sở cơ quan đăng ký kinh doanh được xem là bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính tại TP. Hồ Chí Minh.

Tiện ích này gồm hai công đoạn: doanh nghiệp soạn hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng internet ở trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư; sau đó nộp hồ sơ và nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà do Bưu điện thực hiện. Giá cước dịch vụ nhận và phát trả hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại nhà là 40 ngàn đồng cho mỗi bộ hồ sơ.

Trong năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng đạt được 10% doanh nghiệp đăng ký thành lập được phục vụ tại nhà, và tiến tới mở rộng việc cấp đăng ký hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh tại nhà cho tất cả loại hình doanh nghiệp.

Đồng Tháp hướng đến một “chính quyền tương tác cao"

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết trong năm 2014, Đồng Tháp phấn đấu giữ chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), giữ vững thứ hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR) ở mức cao, cải thiện chỉ số quản trị điều hành và hành chính công (PAPI), tuy nhiên, tỉnh không xem kết quả xếp hạng các chỉ số trên là mục tiêu cuối cùng mà hướng đến xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của xã hội làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các ngành, các cấp.

Xác định cải cách hành chính là việc khó, tỉnh chủ trương phải thật kiên trì, bắt đầu từ thay đổi lề lối làm việc, từ những “việc nhỏ”, những việc gì địa phương làm được thì mạnh dạn làm, bắt đầu từ nếp nghĩ “chúng ta có thể làm được” thay cho “chúng ta không thể làm được”, tạo ra sự hứng khởi trong bộ máy, cổ vũ cách làm sáng tạo, năng động của cơ sở. Những mô hình “Nụ cười công sở”, “Ba trong một”, “Ngày thứ sáu nghe dân nói” đều xuất phát từ sự năng động của cơ sở. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng tạo ra chất xúc tác, làm “nền” cho cải cách hành chính và cải tiến lề lối làm việc. Chỉ một việc sử dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến, nối cầu từ tỉnh đến cấp xã, có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân đã rút ngắn thời gian, thu hẹp không gian trong công tác chỉ đạo điều hành.

Sau chủ trương xây dựng “chính quyền đồng hành với nhân dân”, Đồng Tháp hướng đến một “chính quyền tương tác cao, nhanh nhạy với yêu cầu của xã hội”./.