TCCSĐT - Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã đánh dấu một bước tiến mới về phát huy dân chủ ở Việt Nam, thông qua việc quy định rõ các hình thức nhân dân thực thi quyền lực nhà nước và đổi mới tổ chức chính quyền cơ sở. Nhằm góp phần phổ biến và nghiên cứu thực thi Hiến pháp mới, ngày 10-3-2013, tại Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Chính sách công và Pháp luật, Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở trên thế giới và ở Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu và một số nhà lãnh đạo, quản lý thực tiễn ở một số địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số vấn đề chính như: tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về dân chủ, dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp; Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và các vấn đề hoàn thiện dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở ở nước ta hiện nay; dân chủ trực tiếp - lịch sử hình thành, thành tựu và hạn chế; dân chủ trực tiếp trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam; các hình thức dân chủ trực tiếp ở nước ta hiện nay... Đa số các đại biểu và các tham luận đều khẳng định:

- Cùng với những bước tiến vững chắc của công cuộc đổi mới, quan điểm của Đảng về dân chủ và pháp quyền cũng không ngừng được phát triển và hoàn thiện. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một phạm trù chính trị biểu thị một hình thức chính trị - nhà nước mà ở đó quyền con người, các quyền tự do, bình đẳng của công dân được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ; trong chế độ đó, nhân dân phải là chủ thể đích thực và cao nhất của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Mọi thiết chế quyền lực đều được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát, trước hết là của nhân dân.

- Những năm qua, các hình thức dân chủ từng bước được củng cố và hoàn thiện. Các tiến bộ trong việc thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện đã có khả năng thâm nhập sâu rộng vào mọi tầng lớp nhân dân và mọi vùng của đất nước, đang tạo ra những mô hình, điển hình có sức lan tỏa. Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cũng đã có những chủ trương và bước đi cải cách, đổi mới trên nhiều hoạt động.

- "Dân chủ trực tiếp" đúng như tên gọi của nó, là hình thức nhân dân trực tiếp quyết định các vấn đề, các công việc quan trọng của quốc gia, của cộng đồng lãnh thổ; trực tiếp thông qua các đạo luật mà không qua một yếu tố trung gian nào. Đặc tính chủ yếu của các hình thức dân chủ trực tiếp là nhanh chóng. Vì vậy, chúng luôn bảo đảm tính nguyên vẹn ý chí chính trị của nhân dân; đồng thời, có tác dụng chuyển tải ý chí chính trị của nhân dân một cách trực tiếp các vấn đề quốc gia. Bên cạnh đó, nhân dân cũng có đủ cơ sở để kiểm soát con đường chính trị của các cơ quan quyền lực nhà nước. Những hình thức dân chủ trực tiếp phổ biến nhất bao gồm: bầu cử; bãi miễn đại biểu; trưng cầu ý dân; thực hiện quyền sáng kiến lập pháp; dân chủ ở cơ sở; quyền tham gia đóng góp ý kiến quản lý xã hội, quản lý nhà nước và các hình thức khác.

- Tuy nhiên, dân chủ trực tiếp không phải chỉ có ưu điểm, mà còn có những nhược điểm. Do đó, trong khi nó cần được thúc đẩy, việc lựa chọn hình thức và thời điểm thực hiện dân chủ trực tiếp cần phải được cân nhắc thận trọng. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, không có khuôn mẫu chung cho việc vận dụng các hình thức dân chủ trực tiếp ở mọi quốc gia, cũng như cho các giai đoạn lịch sử của mỗi nước.

- Mặc dù không có bề dày truyền thống, nhưng Việt Nam hiện nay đã có những điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy dân chủ trực tiếp. Điều đó, trước hết thể hiện ở việc các hình thức dân chủ trực tiếp từ lâu đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp trước đây và vừa được ghi nhận trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Tuy nhiên, để thúc đẩy dân chủ trực tiếp, Việt Nam hiện phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Đó là, sự bất cập của hệ thống pháp luật, trình độ dân trí còn hạn chế, văn hóa thực thi dân chủ chưa hình thành, năng lực lập pháp và tổ chức thực thi pháp luật về dân chủ còn hạn chế… Để giải quyết những thách thức trên, các đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải kiên trì áp dụng nhiều biện pháp trong một thời gian dài, trong đó những việc cần làm ngay là truyên truyền, giáo dục về dân chủ trực tiếp trong xã hội và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để cụ thể hóa và thực thi quy tắc hiến định về vấn đề này./.