Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013
TCCSĐT - Sáng 08-3-2014, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã long trọng tổ chức Kỷ niệm 104 năm ngày Quốc Tế Phụ nữ 8-3; 1974 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013.
Đây là dịp để phụ nữ cả nước thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với hai vị nữ vương anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị đã mạnh mẽ đứng lên dựng cờ dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm, là khởi nguồn oai hùng của phong trào phụ nữ, làm rạng danh truyền thống phụ nữ Việt Nam. Đồng thời cũng là dịp cùng nhau tôn vinh những đóng góp to lớn của phụ nữ trên toàn thế giới vì mục tiêu bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ.
Đến dự Lễ kỷ niệm và trao giải thưởng có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Là giải thưởng mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ XIX - Sophia Kovalevskaia, Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia được thành lập từ sáng kiến và sự đóng góp về tài chính của vợ chồng tiến sỹ Kobitz - người Mỹ. Sau 29 năm, Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành một giải thưởng có uy tín lớn trong giới khoa học Việt Nam và đã được trao cho 41 cá nhân và 16 tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng. Nhiều công trình khoa học của các chị đã được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại những lợi ích đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ nữ trí thức trong sự phát triển đi lên của đất nước.
Năm 2013, Giải thưởng Kovalevskaia được trao cho 02 nhà khoa học nữ là PGS,TS, bác sỹ Lê Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế và PGS,TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyên Giám đốc Viện chuyên ngành Vật liệu xây dựng và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải.
Trong suốt quá trình 24 năm công tác tại trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế, đảm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ (sản xuất, kiểm định vắc-xin, nghiên cứu khoa học, đào tạo đại học và trên đại học), PGS, TS, bác sỹ Lê Thị Luân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Với nỗ lực không ngừng, chị đã nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm trong lĩnh vực vắc-xin và sinh phẩm, trong đó có 3 sản phẩm như: chủng sản xuất vắc-xin phòng tiêu chảy cho trẻ em, vắc-xin Rota phòng tiêu chảy cho trẻ em và các kháng huyết thanh sử dụng kiểm định vắc-xin thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp nhà nước.
Trong 16 năm nghiên cứu bệnh Viêm dạ dày ruột cấp tính do virut Rota, PGS, TS, bác sỹ Lê Thị Luân cùng đồng nghiệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, nghiên cứu thành công vắc xin phòng bệnh tiêu chảy tại Việt Nam công nghệ cập nhật quốc tế. Đây là thành công lớn của PGS, TS, bác sỹ Lê Thị Luân và cộng sự đồng thời cũng là thành tựu to lớn của ngành y học dự phòng nói riêng và ngành y tế nói chung. Thành công này đã khẳng định một lần nữa Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc-xin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế. Công trình này đã đem lại hiệu quả xã hội và kinh tế rất cao, tại nước ta sẽ giảm 5.300 - 6.800 ca tử vong hằng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ, và giảm 122.000 - 140.000 lần trẻ phải nhập viện do vi-rút Rota, như vậy sẽ tiết kiệm được 5,3 triệu đô la Mỹ, trong đó 3,1 triệu cho chí phí trực tiếp, 685.000 cho chi phí không thuộc lĩnh vực y tế và 1,5 triệu đô la cho chi phí gián tiếp để điều trị bệnh tiêu chảy do vi-rút Rota ở nước ta.
Qua 33 năm công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, vừa nghiên cứu khoa học vừa đào tạo sau đại học trong lĩnh vực Vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình, PGS, TS. Nguyễn Thị Bích Thủy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị đã chủ trì 29 và tham gia 40 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Sở Khoa học; nghiên cứu thành công nhiều quy trình công nghệ như: các quy trình sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 10 năm, sơn bảo vệ kết cấu thép thân thiện môi trường, sơn men tuổi thọ lớn hơn 15 năm, quy trình chế tạo sơn giàu kẽm vô cơ để bảo vệ thép chờ trong xây dựng và đang nghiên cứu chế tạo sơn có sử dụng nano với tuổi thọ lớn hơn 15 năm; quy trình chế tạo phụ gia tăng bám dính đá nhựa để nâng cao chất lượng bê tông nhựa đường trong điều kiện khai thác ở Việt Nam,... tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ phát triển bền vững trong Giao thông Vận tải.
Với những cố gắng nỗ lực của bản thân, chị đã được ghi nhận bằng nhiều Giải thưởng khoa học và Bằng khen có giá trị như: giải Nhì - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC (2013); cúp vàng Techmart Việt Nam (2005, 2009); Danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Giao thông vận tải (giai đoạn 1995 - 2000, giai đoạn 2001 - 2003, giai đoạn 2009 - 2011 và Chiến sỹ thi đua ngành Giao thông vận tải năm 2012); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo trong giai đoạn 1999 - 2004 và 2005 - 2010 và nhiều giải thưởng khác.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm và trao giải, đồng chí Lê Hồng Anh đánh giá cao những cống hiến to lớn của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước và cho sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ; đóng góp của các nhà khoa học nữ trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào thực tiễn. Đồng chí nhấn mạnh: Trong sự nghiệp phát triển của đất nước, không thể không thể kể đến đóng góp của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam. Những thành quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn của các nhà nữ khoa học có giá trị kinh tế cao và có tính nhân văn sâu sắc, đồng thời góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Các chị không chỉ tiêu biểu cho trí tuệ và niềm đam mê khoa học mà còn tiêu biểu cho phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang".
Với truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và tinh thần quật khởi của Hai Bà Trưng anh hùng, đồng chí Lê Hồng Anh tin tưởng các nhà khoa học nữ tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới; chủ động tự tin vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các chị phát huy hơn nữa tiềm năng, sức sáng tạo để có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường, truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học tới thế hệ trẻ. Các nhà khoa học nữ cần tích cực học tập, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao thể lực, trí tuệ cho con người Việt Nam.
Từ thông điệp toàn cầu của ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay “Bình đẳng cho phụ nữ là sự tiến bộ cho mọi người”, đồng chí Lê Hồng Anh khẳng định: Đảng, Nhà nước ta sẽ tiếp tục chăm lo, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo nhiều hơn nữa của phụ nữ Việt Nam; quân tâm đào tạo, bồi dưỡng để tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để Hội Liên hiệp Phụ nữ hoạt động ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn.
Nhân dịp này, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng tặng bằng khen và quà cho 16 nữ tiến sĩ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong năm 2013 và giao lưu với một số nữ sinh viên khối ngành khoa học tự nhiên có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học./.
Đối thoại ASEAN - Ấn Độ tập trung cụ thể hóa Tuyên bố Tầm nhìn  (07/03/2014)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp họp phiên thứ 26  (07/03/2014)
Việt Nam dự phiên thảo luận về nhân quyền thế giới  (07/03/2014)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam