TCCSĐT - Quốc hội khóa VIII tiếp tục Kỳ họp thứ sáu với nội dung nổi bật về vấn đề đất đai; Việt Nam nỗ lực phòng chống, tránh siêu bão Haiyan,… là những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần vừa qua.
1. Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa VIII

Ngày 04-11, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, đã nghe và thảo luận Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội làm việc ở tổ để thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 03-12-2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và dự án Luật Hải quan (sửa đổi).

Ngày 05-11, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Ngày 06-11, Quốc hội họp phiên toàn thể, buổi sáng, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); buổi chiều, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về các dự án: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Các ý kiến thảo luận tập trung vào: Quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai; Giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Giá đất, cơ chế, cơ quan định giá đất;…

Ngày 07-11, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Ngày 08-11, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012.

Ngày 09-11, đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu tài liệu.

2. Việt Nam yêu cầu Ô-xtrây-li-a và Mỹ giải thích về vụ do thám


Ngày 7-11, tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Ô-xtrây-li-a bí mật thu thập thông tin tình báo ở Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định Việt Nam “rất quan ngại về những thông tin trên”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Ô-xtrây-li-a và Mỹ giải thích và “đề nghị các bên liên quan xác minh, xử lý vấn đề, đảm bảo quan hệ giữa Việt Nam với các nước tiếp tục phát triển tốt đẹp”.

3. Công bố Ngày Pháp luật Việt Nam 09-11

Ngày 08-11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Lễ Công bố Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09-11. Tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức công bố Ngày 09-11 là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nhằm động viên toàn dân nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật, tự giác chấp hành, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp và pháp luật. Ngày Pháp luật được tổ chức tốt sẽ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng và củng cố văn hóa lập hiến, văn hóa pháp luật dựa trên các nền tảng “đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do, dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” như Hiến pháp 1946 quy định. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào ta ở nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật

4. Khai mạc Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai - 2013

Ngày 09-11, tại Khu Du lịch Hồ Núi Cốc, Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai - 2013 đã khai mạc, mang đậm âm hưởng văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng của “Thủ đô gió ngàn” - An toàn khu kháng chiến năm xưa trong không gian văn hóa Trà với sự tham dự của hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh trà và hàng nghìn người yêu trà trong và ngoài nước.

Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai là hoạt động văn hóa thiết thực nhằm tôn vinh cây chè, người trồng, chế biến chè và xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm Trà; bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, Trà Việt Nam. Trong lễ khai mạc đã diễn ra phần trao Kỷ lục “Sản phẩm Trà Thái Nguyên thuộc Tốp các đặc sản quà tặng có giá trị của châu Á”.

5. Trao giải cuộc thi Sáng chế năm 2013


Ngày 09-11, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ trao giải cuộc thi Sáng chế năm 2013. Đây là cuộc thi do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) tổ chức, nhằm khuyến khích các hoạt động sáng chế, sáng tạo những công nghệ có tính ứng dụng rộng rãi, dễ dàng và tiết kiệm chi phí, đáp ứng các nhu cầu thiết thực của cuộc sống.

Qua đánh giá, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất trị giá 100 triệu đồng cho sáng chế Máy gặt đập lúa, của tác giả Phạm Hoàng Thắng thuộc Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Thắng (Cần Thơ); giải Nhì trị giá 50 triệu đồng cho sáng chế Hệ thống xử lý phân tán nước thải sinh hoạt tại Việt Nam của công ty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); và giải Ba trị giá 30 triệu đồng cho sáng chế Vòng bi cổ xe máy - Upsidedown, của tác giả Nguyễn Vĩnh Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh). Đồng thời vinh danh 15 giải pháp tiêu biểu nhất, có khả năng ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả kinh tế xã hội cao.

6. Việt Nam nỗ lực phòng, chống cơn bão số 14 - Siêu bão HaiYan

Vào khoảng 22 giờ ngày 10-11, cơn bão số 14 đã đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ninh. Thời điểm gió giật mạnh vào khoảng 0h đến 2h ngày 11-11; gió giật mạnh xuất hiện tại thành phố Hạ Long và huyện đảo Cô Tô, giật cấp 13; các địa phương còn lại gió giật cấp 10 đến cấp 12, tuy nhiên không có thiệt hại về người ở Quảng Ninh.

Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, quyết sách kịp thời trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phòng, chống cơn bão số 14. Việc sơ tán hàng triệu người đến nơi an toàn và lo đầy đủ chỗ ăn, ở, thuốc men đã cho thấy ý thức trách nhiệm rất cao của các cấp chính quyền trước dân. Các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin kịp thời và đầy đủ, đúng mực về diễn biến về sự tàn phá của cơn bão số 14, góp phần tạo nên ý thức và trách nhiệm của người dân trong phòng, chống bão./.