Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến ngày 29-9-2013
Sau khi Đề án ban đầu được đưa ra, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 7 hội nghị lấy ý kiến và đã nhận được 1.150 ý kiến góp ý cho đề án. Từ những ý kiến đóng góp đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉnh sửa, bổ sung để Đề án được hoàn chỉnh hơn. Các đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) đã đóng góp các ý kiến xung quanh Đề án này, chủ yếu ở hai vấn đề chính: việc phân cấp của đề án, nhất là cấp cơ sở; tăng tỷ lệ cán bộ chuyên trách của HĐND thành phố trong chính quyền đô thị.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp các ý kiến về các thuật ngữ trong Đề án; việc phối hợp trong bổ nhiệm cán bộ chuyên môn ở các phòng của thành phố trực thuộc thành phố; về tự chủ ngân sách; về tổ chức của các tổ chức Đảng, Mặt trận, đoàn thể; đánh giá những tác động tích cực và hạn chế của Đề án khi thực hiện; về vấn đề quản lý, giám sát trong tự chủ tài chính…
Chủ trì kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc thành phố tổ chức theo hai cấp là phù hợp với tình hình phát triển. Mô hình Chính quyền đô thị được đề xuất cần mang tính giai đoạn để có bước đi hợp lý.
Đề án cần quan tâm đến cơ chế, mối quan hệ giữa chính quyền thành phố và đơn vị trực thuộc; tránh làm xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khi triển khai. Về vấn đề tăng đại biểu chuyên trách, cơ cấu lại các ban… chưa nên đề cập cụ thể.
Sau khi đóng góp ý kiến và thảo luận, các đại biểu HĐND thành phố đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về “Đề án thí điểm Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.”
Hội nghị giao ban trực tuyến về cải cách hành chính và đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành kiểm sát nhân dân
Sáng ngày 25-9-2013, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về cải cách hành chính và đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành kiểm sát nhân dân (KSND). Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách chế độ công vụ, công chức ngành KSND; đồng chí Trần Phước Tới, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương…
Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Mạnh Cường, đã trình bày một số nội dung cơ bản Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức ngày 26-7-2013 và Báo cáo kết quả thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành KSND.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, sau một buổi làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị giao ban trực tuyến về cải cách hành chính và đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành KSND đã hoàn thành những nội dung cơ bản và mang lại hiệu quả thiết thực; các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã được chuẩn bị một cách chu đáo, có chất lượng, nêu được những kinh nghiệm hay và những vấn đề mang tính gợi mở đồng thời thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quyết tâm của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức.
Đồng chí Viện trưởng nhấn mạnh, mục đích của Hội nghị không chỉ nhằm phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, quyết định và chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức từ nay đến hết năm 2015 và giai đoạn 2015-2020; triển khai Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về việc cải cách hành chính và đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành KSND mà còn thông qua Hội nghị nhằm thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ công chức của Nhà nước nói chung và của ngành KSND nói riêng. Đồng chí Viện trưởng cho rằng, đây là một chủ trương quan trọng nhưng cũng là một công việc khó khăn và ngành Kiểm sát cần xem đây là một cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng nền hành chính và xây dựng ngành KSND ngày càng phát triển.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Viện trưởng cho biết, khoảng đầu năm 2014 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tổ chức một hội nghị chuyên sâu về tổ chức cán bộ và xây dựng Ngành. Theo đó, tại hội nghị này nhiều đề án liên quan đến cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức sẽ được đưa ra bàn thảo như đề án xác định vị trí việc làm; đề án tiêu chuẩn chức danh; đề án về đổi mới công tác tiếp công dân; đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển; đề án về thanh tra công vụ… Đồng chí Viện trưởng đề nghị Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trên cơ sở Hội nghị lần này lựa chọn một số nội dung mang tính đột phá về cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức đưa vào Chỉ thị công tác của ngành KSND năm 2014; các địa phương căn cứ vào Kế hoạch đã có để chủ động tổ chức triển khai thực hiện những nội dung về cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức.
Bộ Y tế: Đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ người dân
Ngày 26-9, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 9 tháng đầu năm 2013 nhằm đánh giá, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch và các giải pháp ưu tiên công tác CCHC nhà nước 3 tháng cuối năm…
Tập trung vào 8 nội dung
Thời gian qua công tác CCHC của Bộ Y tế đã được lãnh đạo Bộ quan tâm và chỉ đạo sát sao, qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các vụ, cục, thanh tra, văn phòng Bộ đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý trình Thủ tướng Chính Phủ triển khai nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho nhân dân, các cơ quan đơn vị có quan hệ công tác với Bộ Y tế.
Trong 9 tháng đầu năm 2013, Bộ Y tế đã chi tiết hóa và triển khai các hoạt động nằm trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2013 theo Quyết định số 4615/QĐ-BYT ngày 23-11-2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế bao gồm các lĩnh vực như: Cải cách thể chế, cải cách các thủ tục hành chính; Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 0991:2008; Cải cách tổ chức bộ máy; Đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; CCHC công; Hiện đại hóa nền hành chính nhà nước; Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; Công tác tuyên truyền CCHC nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá; Xây dựng đề án Xác định phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế công và công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ hằng năm của chương trình CCHC y tế.
Phục vụ dân tốt hơn
Chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Cải cách hành chính rất quan trọng vì chức năng của Bộ là quản lý ngành, quản lý nhà nước. Nhiệm vụ quan trọng là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dưới luật, các chính sách; Thứ hai là chỉ đạo điều hành thực hiện, mang lại hiệu quả cuối cùng là để phục vụ người dân.
Chính phủ cũng chủ trương tập trung vào cải cách thủ tục hành chính. Các nước phát triển họ cũng rất chú trọng vào cải cách thể chế trong đó có cải cách thủ tục hành chính. Ở Việt Nam, đi khám ngồi chờ lâu cũng do các thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa được cải cách thỏa đáng. Trong thời gian qua việc cấp giấy phép hành nghề y, dược quá chậm trễ, cấp giấy phép lưu hành thuốc, các trang thiết bị…còn chậm trễ. Vì vậy thời gian tới, Bộ Y tế phải đẩy mạnh vấn đề này để phục vụ người dân tốt hơn. Các chính sách đi vào cuộc sống mới phục vụ tốt cho dân được”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo các vụ, cục liên quan thực hiện 8 nội dung CCHC đã nêu; công tác thanh tra, kiểm tra cần được đôn đốc thường xuyên; khắc phục các kế hoạch còn chậm trễ, đổi mới cách xây dựng kế hoạch, triển khai cho phù hợp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện Đề án Xác định phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với dịch vụ y tế công…
TP. Hồ Chí Minh thành lập Phòng Cải cách hành chính
Ngày 27-9, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Quân đã ký quyết định thành lập Phòng Cải cách hành chính thuộc Văn phòng UBND Thành phố.
Theo đó, Phòng CCHC có chức năng tham mưu tổng hợp, giúp UBND thành phố, Chủ tịch và Chánh Văn phòng UBND Thành phố trong việc chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước theo quy định pháp luật trong lĩnh vực CCHC và công tác kiểm tra CCHC; tham gia xây dựng và triển khai đề án Chính quyền đô thị; giúp UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố, Chánh Văn phòng UBND Thành phố trong việc kiểm tra các sở, ban, ngành, quận, huyện, các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các chỉ đạo của UBND Thành phố, không để xảy ra tình trạng buông lỏng kỷ cương, quản lý và việc “trên bảo dưới không nghe” như vừa qua trong vụ lương “khủng” của 4 giám đốc công ty công ích…
Mới có 30% văn bản của cơ quan nhà nước được trao đổi dưới dạng điện tử
Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg về tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 24-9, ông Phạm Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin cho biết: Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức; 96,7% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hệ thống này; một số bộ, ngành, địa phương điển hình có 100% cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử phục vụ công việc.
Tuy nhiên, ở cấp bộ, ngành, mới có khoảng 30% văn bản được các cơ quan nhà nước trao đổi dưới dạng điện tử hoàn toàn (không sử dụng văn bản giấy), còn ở cấp tỉnh, thành phố, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 20%, chưa hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động cải cách hành chính.
Ngành Thuế Cà Mau đẩy mạnh thực hiện kê khai thuế qua mạng
Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, ngăn ngừa những tiêu cực nảy sinh trong thực thi pháp luật thuế, từ năm 2012, chương trình kê khai thuế qua mạng đã được ngành Thuế tỉnh Cà Mau quyết liệt triển khai. Ban đầu, Chi cục Thuế thành phố Cà Mau và Văn phòng Cục Thuế Tỉnh được lựa chọn áp dụng với sự hỗ trợ kỹ thuật và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Cục Thuế.
Việc tuyên truyền tiện ích của kê khai thuế qua mạng được ngành Thuế Cà Mau đẩy mạnh. Bởi vậy, đến hết năm 2012, đã có hơn 200 doanh nghiệp do Văn phòng Cục Thuế và Chi cục Thuế thành phố Cà Mau quản lý thực hiện kê khai nộp tờ khai qua mạng.
Qua 1 năm ứng dụng kê khai thuế qua mạng, các doanh nghiệp thực hiện đều nhận thấy những tiện ích như: không mất thời gian chờ đợi để nộp tờ khai, không phải đến cơ quan thuế để nộp tờ khai, thời gian kê khai thuế lên đến 16 giờ/ngày và có thể gửi tờ khai vào thứ 7, chủ nhật hoặc ban đêm, công tác in ấn lưu trữ thuận tiện hơn, tiết kiệm được chi phí văn phòng phẩm, chi phí đi lại. Đây là những tiện ích quan trọng, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý không chỉ của ngành Thuế mà của cả cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó mà số doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng ở Cà Mau không ngừng tăng lên…
Tính đến 30-8-2013, toàn tỉnh Cà Mau đã có 695 công ty, doanh nghiệp đăng ký khai thuế qua mạng. Cục Thuế Tỉnh đã tiếp nhận khoảng 7.000 tờ khai thuế các loại được gửi qua mạng. Để giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong việc thực hiện kê khai thuế, Cục Thuế Tỉnh đã phối hợp với các công ty cung cấp dịch vụ chữ ký số, mở 4 đợt tập huấn triển khai chữ ký số cho các doanh nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn trực tiếp hoặc hướng dẫn cài đặt thông qua mạng internet. Cục cũng cử bộ phận tiếp nhận, giải quyết các ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện.
Với những thành công trên, trong thời gian tới đây Cục Thuế tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh triển khai kê khai thuế qua mạng, phấn đấu đến hết năm 2013 tất cả các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Cà Mau đều thực hiện khai thuế qua mạng theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Hơn 2 năm thực hiện Chương trình 08-CTr/TU: Chuyển biến chưa đáp ứng yêu cầu
Hai đoàn kiểm tra Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội vừa kết thúc đợt kiểm tra tại 10 đơn vị. Kết quả cho thấy, qua hơn 2 năm triển khai đã có sự chuyển biến rõ nét trong công tác CCHC và công tác cán bộ. Song, kết quả đó chưa đủ để yên tâm bởi tình trạng nhận thức chưa đúng mức về CCHC còn phổ biến và chất lượng cán bộ ở một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.
Những thay đổi bước đầu
Để triển khai Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015", các đơn vị đã ban hành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, quán triệt tới các cán bộ, đảng viên. Qua đó, mỗi tập thể, cá nhân nâng cao tinh thần trách nhiệm. Tại các đơn vị, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn tăng và đạt khá cao; nhiều đơn vị không thấy có kiến nghị, phản ánh của người dân về việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa".
Mê Linh là một đơn vị có xuất phát điểm công tác CCHC không tốt, song thời gian qua, Huyện ủy, Ban chỉ đạo, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có những đổi mới trong cách làm và đạt được những kết quả quan trọng, giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc. Huyện đã ban hành Đề án "Tăng cường công tác cấp đổi sổ hộ khẩu, CMND trên địa bàn toàn huyện Mê Linh giai đoạn 2011-2012", trong đó, tập trung rút ngắn thời gian và đổi mới quy trình thực hiện cho nhân dân. Nhờ đó, trong 2 năm 2011-2012, cơ quan chức năng đã đổi được 40.200 sổ hộ khẩu, tăng 200% so với 2 năm 2009-2010 (trong đó, tổ thường trực đã tiếp nhận, cấp, đổi lại 14.324 sổ; tổ lưu động tiếp nhận sao chép, đổi 25.876 sổ); cấp được 152.852 CMND, vượt 28% so mục tiêu đề án (trong đó, tổ lưu động đã cấp 97.624 CMND, tổ thường trực đã cấp 55.200 CMND; tổ cấp tại nhà, tại bệnh viện được 28 CMND). Tương tự, huyện Sóc Sơn triển khai các tổ công tác cấp CMND tại các thôn, xóm, nhà và giường bệnh. Trong 2 năm đã cấp được 37.334 CMND, vượt chỉ tiêu 27%. Đáng chú ý, các đơn vị đều coi công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, quan tâm tới quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chăm lo chế độ. Dù trong điều kiện khó khăn, nhưng hằng năm, huyện Sóc Sơn đều dành 2 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hai năm qua, huyện Sóc Sơn đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại được 126 cán bộ quản lý, từng bước khắc phục những vấn đề tồn tại đối với đội ngũ cán bộ ở một số xã. Huyện Ba Vì đã phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội và Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị tổ chức mở lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng cho 43 công chức địa chính - xây dựng xã, thị trấn. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch chỉ tiêu đào tạo sau đại học đến năm 2020 với 87 chỉ tiêu…
Chưa chỉ rõ thiếu sót
Bên cạnh những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại phổ biến ở các đơn vị là công tác tuyển dụng chưa thu hút được đội ngũ trí thức có năng lực; việc hiện đại hóa nền hành chính chưa đạt yêu cầu; việc liên thông giải quyết thủ tục hành chính chưa có quy trình dẫn tới nhiều thủ tục hành chính bị chậm muộn. Đặc biệt, một số cán bộ chấp hành "Năm kỷ cương hành chính - 2013" chưa nghiêm túc đã bị công dân phản ánh. Nguyên nhân chủ quan được hầu hết các đơn vị tự chỉ ra một cách chung chung như nhận thức của một bộ phận cán bộ chủ chốt, cán bộ, công chức, viên chức về công tác CCHC còn chưa sâu sắc, chưa thấy được tầm quan trọng của công tác CCHC. Một số lãnh đạo các đơn vị chưa thực sự quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác CCHC, việc chỉ đạo còn mang tính hình thức, bị động... Khi đoàn kiểm tra hỏi thì hầu hết các đơn vị không chỉ rõ được cơ sở nào, cá nhân nào chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác CCHC. Chỉ có lãnh đạo huyện Sóc Sơn thừa nhận, còn 8 xã yếu kém mang tính... “bền vững”. Tất cả những gì bức xúc, tồn tại đều nằm ở những xã này. Ở khối sở, ngành, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch Tô Văn Động thẳng thắn: "Sở chậm chuyển biến trong cải cách. Có biểu hiện "dễ làm, khó bỏ" nên hiệu quả công việc không cao. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Các phòng, ban không phối hợp với nhau nên công việc chậm trễ...".
Trong đợt kiểm tra vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 08/CTr-TU của Thành ủy đã chỉ đạo các đơn vị phải kiên trì coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, nếu các đơn vị không chỉ rõ tập thể, cá nhân có thiếu sót, khuyết điểm để chấn chỉnh, xử lý thì e rằng những nguyên nhân chủ quan vẫn tiếp tục tồn tại, làm chậm tiến trình CCHC, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của Chương trình 08./.
Website Hà Nội - cầu nối chính quyền và người dân  (02/10/2013)
800.000 viên chức "ngồi chơi" khi Chính phủ Mỹ đóng cửa  (02/10/2013)
Việt Nam chứng tỏ đang trên đường hội nhập quốc tế  (02/10/2013)
Nguyễn Sơn - “Lưỡng quốc tướng quân văn võ toàn tài”  (02/10/2013)
Nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10: Xây dựng mô hình cộng đồng thân thiện cho người cao tuổi  (02/10/2013)
Nhà nước sẽ công nhận danh hiệu dòng họ, cộng đồng học tập  (02/10/2013)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay