Già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam. Quá trình này kéo theo một loạt các hệ luỵ về sức khỏe, tài chính, phúc lợi xã hội… Xây dựng thành phố/cộng đồng thân thiện với người cao tuổi là một nhu cầu thiết yếu nhằm đáp ứng xu hướng già hóa dân số và đô thị hóa.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cộng đồng thân thiện với người cao tuổi (Age - Friendly Community) là tạo điều kiện cho người cao tuổi dễ dàng tiếp cận được 8 lĩnh vực nhằm thúc đẩy sự già hóa chủ động của họ, bao gồm: không gian ngoài trời và cơ sở hạ tầng; giao thông công cộng; nhà ở; tham gia xã hội; tôn trọng và hòa nhập xã hội; cơ hội việc làm; truyền thông và thông tin; các dịch vụ y tế và hỗ trợ cộng đồng. 

Qua phân tích 33 địa điểm của 22 nước thành viên tham gia mạng lưới toàn cầu về thành phố/cộng đồng thân thiện với người cao tuổi nhằm xác định các yếu tố có tác động tích cực đối với người cao tuổi, WHO khẳng định việc tiếp cận giao thông công cộng và không gian ngoài trời, cũng như thiết kế nhà ở phù hợp, sự hỗ trợ của cộng đồng và các dịch vụ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người cao tuổi.

Theo Hội Y tế Công cộng Việt Nam: Những mô hình này không hoàn toàn giống nhau ở tất cả các nước mà thích hợp và khả thi trong điều kiện thực tế ở mỗi quốc gia. Ví dụ, người cao tuổi ở Cuba được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí. Tại New York, đèn xanh để chậm lại thêm 8 giây giúp rất nhiều người cao tuổi qua đường an toàn. Tại các bể bơi, bố trí giờ bơi phù hợp cho người cao tuổi để họ tự tin hơn khi phải bơi cùng với các nhóm trẻ hoạt động nhanh, mạnh. Tuy nhiên, ở bất kỳ đất nước nào, khía cạnh cốt lõi của mô hình này là phải có sự tham gia tích cực của người cao tuổi trong quá trình lập kế hoạch, triển khai xây dựng.

Tại Việt Nam, mô hình “Nâng cao sức khỏe người cao tuổi tại Tiền Hải, Thái Bình” do Hội Y tế Công cộng Việt Nam đã và đang góp phần xây dựng mô hình cộng đồng thân thiện cho người cao tuổi. Các hội viên tham gia chương trình được tạo điều kiện để tiếp cận, học tập và thực hành kiến thức chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và luyện tập cho người cao tuổi, phòng chống bệnh tật cho bản thân và gia đình. Ông Vũ Đức Hoành, khu 3, thị trấn Tiền Hải, Thái Bình, một hội viên tham gia chương trình từ những ngày đầu cho biết: “Tôi giữ được sức khỏe tốt và qua truyền đạt từ chương trình tôi đã truyền đạt lại cho anh em người cao tuổi trong khu”.

Thông qua việc tham gia vào nhiều chương trình can thiệp y tế công cộng tại địa phương như: tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá, sử dụng rượu bia an toàn, phòng chống bệnh chân tay miệng, phòng chống bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, người cao tuổi đã khẳng định vai trò của mình đối với các hoạt động cộng đồng, xã hội; được chính quyền ghi nhận và cộng đồng tôn trọng… Họ được chính quyền địa phương, cộng đồng tạo điều kiện về cơ sở vật chất để tự tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng, luyện tập, sinh hoạt nhóm, văn nghệ. Đại diện hội viên được bầu vào Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với những đóng góp tích cực của người cao tuổi trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các hội viên được thăm khám sức khỏe định kỳ miễn phí 2 lần/năm, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được miễn giảm viện phí khi khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa huyện…

Hội Y tế Công cộng Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai mô hình Nâng cao sức khỏe người cao tuổi tại tỉnh Khánh Hòa, Đồng Tháp và các tỉnh, thành khác nhằm cung cấp một mô hình phát triển bền vững, chủ động ứng phó với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh tại Việt Nam.

Nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10-2013, Hội Y tế Công cộng Việt Nam chia sẻ và kêu gọi các tổ chức xã hội hãy quan tâm cùng xây dựng cộng đồng thân thiện cho người cao tuổi./.