TCCSĐT- Kết quả huy động vốn và giải ngân nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành phố Hà Nội từ 2008 đến nay đã trực tiếp góp phần vào sự phát triển, tạo ra diện mạo mới của Thủ đô sau mở rộng địa giới hành chính. Tuy nhiên, khó khăn là không nhỏ và phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi nhiều nỗ lực và trách nhiệm chung tay tháo gỡ của tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và từng công dân Thủ đô, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Thành phố đã đặt ra cả trong trước mắt và lâu dài.

1. Nhiệm vụ và các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới

Hội nghị Trung ương 7 khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05-8-2008 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đề ra chủ trương, nhiệm vụ hết sức quan trọng là: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường” với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng được khoảng 50% số xã trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. 

Chính phủ có Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X; Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 8-6-2012 sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20-2-2013 sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21-3-2013 bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Căn cứ vào Nghị quyết, Quyết định của Nhà nước, các Bộ đã kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện Chương trình.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban nhân dân Thành phố và các sở, ban, ngành đã khẩn trương xây dựng, ban hành một số văn bản quan trọng làm căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X; gồm Chương trình hành động số 02/CTr-TU ngày 31-10-2008 của Thành ủy Hà Nội khóa XIV về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội đồng nhân dân Thành phố (kỳ họp thứ 20) có Nghị quyết số 03-2010-NQ-HĐND ngày 21-4-2010 phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030; Ủy ban nhân dân Thành phố có Quyết định số 2333/QĐ-UBND ngày 25-5-2010 phê duyệt đề án chung toàn thành phố; Quyết định số 3817/QĐ-UBND ngày 4-8-2010 ban hành quy chế huy động và hỗ trợ vốn cho xã thực hiện Đề án “Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;...

Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, trong đó trọng tâm là “Xây dựng nông thôn mới”. Giai đoạn 2010 - 2015 phấn đấu có từ 140 - 160 số xã (bằng 35% - 40%) đạt chuẩn nông thôn mới; Giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu có thêm từ 120-140 số xã (bằng 30-35%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, để đến hết năm 2020 thành phố có 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; định hướng đến năm 2030 là hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới ở 401 xã trên địa bàn thành phố (đạt 100%).

Để có kinh nghiệm triển khai xây dựng nông thôn mới, thành phố chỉ đạo thực hiện thí điểm tại 19 xã. Số còn lại 382 xã được Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện lập Đề án từ năm 2011; các huyện, thị xã đăng ký số lượng và tên xã phân kỳ giai đoạn thực hiện theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 21-4-2010 của Hội đồng nhân dân thành phố.

Các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được huy động từ các nguồn lực rất đa dạng, phong phú gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng.

Vốn ngân sách nhà nước thực hiện xây dựng nông thôn mới được phân cấp như sau:

- Ngân sách Trung ương bổ sung hỗ trợ cho các địa phương theo các Chương trình mục tiêu quốc gia, ví dụ: Chương trình việc làm và dạy nghề; giảm nghèo và bền vững; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Y tế; Dân số và kế hoạch hóa gia đình; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Văn hóa, giáo dục đào tạo; phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm; phòng, chống HIV/AIDS; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường... thực tế do ngân sách thành phố Hà Nội tự cân đối nên số kinh phí bổ sung từ ngân sách Trung ương cho địa phương hằng năm ít so với tổng nhu cầu thành phố đã bố trí thực hiện các Chương trình của Trung ương và thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Trung ương phân bổ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước (nếu có).

- Nguồn ngân sách của thành phố để hỗ trợ trực tiếp cho các xã theo cơ chế, chính sách quy định hiện hành của Trung ương và thành phố, ví dụ: Chương trình khuyến nông, khuyến công; hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn, đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực; xử lý chất thải, vệ sinh môi trường và các công trình hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông trục chính đến trung tâm xã; kiên cố hóa trường lớp học bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; xây dựng trụ sở xã; nhà văn hóa, trung tâm thể thao của xã, hỗ trợ các dự án, chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp như: chăn nuôi, trồng trọt; chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi; công trình đê, kè; kênh mương thủy lợi... Chương trình nước sạch nông thôn; hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Nguồn ngân sách huyện, thị xã để bảo đảm bố trí vốn đối ứng (phần trách nhiệm của ngân sách huyện) cho các dự án, công trình được ngân sách cấp thành phố hỗ trợ. Bố trí vốn thực hiện các dự án: đường giao thông liên xã, liên thôn; hạ tầng cơ sở (ngoài hàng rào) làng nghề; cụm điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; khu sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi) tập trung xa khu dân cư. Xây dựng nhà văn hóa, trung tâm thể thao xã; trung tâm giáo dục cộng đồng xã; công trình phụ trợ các trường học do huyện, thị xã quản lý; dự án xử lý chất thải; công trình phúc lợi: công viên, cây xanh; chiếu sáng công cộng; thoát nước thải khu dân cư; nghĩa trang liệt sĩ (theo phân cấp của thành phố). Hỗ trợ xã thực hiện các dự án đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn; hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất và dịch vụ và bố trí vốn cho dự án không nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia được thể hiện trong đề án của xã được phê duyệt. 

- Nguồn ngân sách xã sử dụng từ nguồn thu ngân sách xã được hưởng để bảo đảm bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án được ngân sách thành phố và huyện hỗ trợ. Bảo đảm nguồn vốn thực hiện các dự án đường giao thông nông thôn (trục thôn; đường làng, ngõ, xóm); đường trục chính nội đồng, đường nội đồng; đào đắp kênh mương, công trình thủy lợi; cầu, cống và hệ thống thoát nước thải khu dân cư; nghĩa trang nhân dân (theo phân cấp của Thành phố) và hỗ trợ các chương trình, dự án, nhiệm vụ khác trong đề án của xã.

Quán triệt những chủ truơng, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Tài chính Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp các ngành tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách, giải pháp cần thiết về huy động, quản lý và sử dụng vốn thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới của xã; đồng thời, phối hợp với các ngành trong việc thẩm định các dự án thành phần của Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn công tác phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách thành phố, ngân sách huyện, thị xã thực hiện Đề án của xã; kịp thời hướng dẫn, xử lý vướng mắc, khó khăn trong công tác giải ngân thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các công trình, dự án và quyết toán đề án của xã; phối hợp rà soát, điều chỉnh bổ sung nội dung đề án các xã điểm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt phù hợp với thực tiễn của xã trên địa bàn Thành phố; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Ban Chỉ đạo cấp huyện và xã thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

2. Kết quả huy động các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Nội

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, tổng kinh phí đã bố trí từ ngân sách Thành phố và ngân sách các huyện, thị xã trong dự toán hằng năm (2010 - 2013) khoảng 2.154 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Thành phố đã bố trí thực hiện 3 Chương trình, 9 Đề án và 9 Dự án, nhiệm vụ khác với số tiền chi ngân sách khoảng 1.670 tỷ đồng thứ tự tăng mạnh theo các năm 2010, 2011, 2012 và 2013 là 47 tỷ, 401 tỷ, 462 tỷ và 760 tỷ đồng.

Nguồn ngân sách của thành phố được đầu tư, thực hiện có sự giám sát chặt chẽ, giải ngân nhanh, tính khả thi cao như:

- Chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao: Ngân sách hỗ trợ từ nguồn chi sự nghiệp (2010 - 2015) là 184.863 triệu đồng thực hiện 6 nội dung, nhiệm vụ. Kết quả: đã bố trí kế hoạch vốn 87.918 triệu; đã giải ngân, thanh toán 75.775 triệu, đạt 86,1% so kế hoạch vốn giao. Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư (giai đoạn 2011 - 2015) với mức tổng vốn đầu tư 11.086 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 310 tỷ đồng (khoảng 28%). Đã bố trí kế hoạch vốn 125,1 tỷ/310 tỷ, đạt 40,3%, giải ngân, thanh toán 100.157 triệu đồng, đạt 80% kế hoạch. Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020 có tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (2009 - 2015) 851 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ (vốn sự nghiệp) là 103,5 tỷ đồng. Đã bố trí kế hoạch vốn 72 tỷ/103,5 tỷ đồng, đạt 69,5%. Kinh phí giải ngân, thanh toán được 62.158 triệu đồng, đạt 86,3% so kế hoạch vốn giao. Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh (giai đoạn 2012 - 2016): Tổng vốn đầu tư là 971 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 281,6 tỷ đồng (khoảng 29%). Đã bố trí kế hoạch vốn 58 tỷ/281,6 tỷ đồng, đạt 22,3%; giải ngân và thanh toán 45.632 triệu đồng đạt 78,6% so với kế hoạch. Đề án phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao giai đoạn 2012 - 2016 với tổng mức vốn đầu tư 729 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 211,4 tỷ đồng (khoảng 29%). Đã bố trí kế hoạch vốn 41,1 tỷ/211,4 tỷ đồng, đạt 19,4%. Kinh phí giải ngân, thanh toán được 35.264 triệu đồng (đạt 85,8% ) so với kế hoạch. Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2009 - 2015 mức vốn đầu tư là 7.463,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 813,8 tỷ đồng (đạt 10,9%). Bố trí kế hoạch vốn được 116 tỷ/813,8 tỷ đồng (đạt 14,2%), giải ngân được 92.478 triệu, đạt 79,7% so với kế hoạch. Ngoài ra, ngân sách thành phố còn bố trí 1.169,8 tỷ đồng để thực hiện các dự án, chương trình, nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (2010 - 2013) như: Công trình duy tu đê điều, thủy lợi 625,8 tỷ đồng; mô hình khuyến nông 88,2 tỷ; phát triển giống cây trồng vật nuôi 84,8 tỷ; cơ giới hóa nông nghiệp 79,5 tỷ; chính sách hỗ trợ theo QĐ 16/QĐ-UBND 78 tỷ; phát triển sản xuất cây vụ đông 39,5 tỷ; sản xuất tiêu thụ chè an toàn 10,2 tỷ đồng; ... 

Ngân sách đến từ 18 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây hỗ trợ thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến năm 2013 khoảng 485 tỷ đồng lần lượt qua các năm 2011, năm 2012, năm 2013 là 139.360 triệu; 182.363 triệu; 163.292 triệu đồng. Kinh phí giải ngân thanh toán khoảng 450.000 triệu đồng, đạt 92,7% so với kế hoạch vốn giao.

Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ ngân sách thành phố cho các huyện ngoại thành và thị xã được khoảng 1.925,8 tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế 298,3 tỷ đồng để hỗ trợ lập đề án, lập quy hoạch xã nông thôn mới cho 382 xã dành kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo huyện, xã cân đối trong dự toán giao 3 năm (2011 - 2013) là 86 tỷ đồng. Nguồn chi từ vốn đầu tư xây dựng cơ bản để bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thị xã khoảng 1.627,4 tỷ đồng, gồm có vốn hỗ trợ trực tiếp cho 19 xã điểm; kinh phí hỗ trợ việc dồn điền, đổi thửa, xây dựng đường giao thông thôn, xóm, thủy lợi nội đồng cấp lại từ nguồn thu đấu giá đất cho xã điểm Song Phượng, huyện Đan Phượng. Đến nay, kinh phí đã giải ngân, thanh toán được hơn 1.700 tỷ/1.925,8 tỷ đồng, đạt 88% so với kế hoạch.

Qua 3 năm thực hiện Chương trình, các huyện, thị xã và cấp xã đã chủ động cân đối bố trí vốn ngân sách đầu tư cho các dự án xây dựng nông thôn mới với tổng số vốn khoảng 5.407 tỷ đồng, trong đó ngân sách của các huyện là 4.892,6 tỷ đồng và ngân sách của các xã trong toàn thành phố là 514,5 tỷ đồng. 

Nguồn tài chính do các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã ủng hộ chương trình được 936.354 triệu đồng, trong đó vốn đóng góp của nhân dân bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm đường giao thông quy giá trị khoảng 340.761 triệu đồng; vốn doanh nghiệp đóng góp bằng tiền mặt, hiện vật và các công trình phúc lợi công cộng là 160.048 triệu đồng; vốn thực hiện xã hội hóa qua các chương trình, dự án là 435.545 triệu đồng. 

3. Một số tồn tại và bài học kinh nghiệm 

Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân 

Thực tế việc triển khai huy động và giải ngân các nguồn vốn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2008 đến nay cho thấy, bên cạnh những kết quả hết sức to lớn phản ánh những nỗ lực chung của các cấp, ngành, địa phương và đơn vị liên quan, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như chưa thể hiện được đầy đủ, cụ thể toàn bộ kinh phí ngân sách mà hằng năm thành phố dành riêng cho chương trình xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Trung ương. Một số huyện và xã chưa thật sự quan tâm tập trung ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thành phần thuộc trách nhiệm ngân sách huyện, xã theo phân cấp hoặc chưa được phản ánh đầy đủ kịp thời vào ngân sách xã. Khả năng cân đối bố trí vốn đầu tư từ ngân sách huyện, thị xã và ngân sách xã để thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế; thậm chí, có xã để phát sinh nợ xây dựng cơ bản mà không cân đối đuợc nguồn chi trả, gây dư luận bức xúc trong dân. Việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước chậm, hiệu quả thấp, chưa hạch toán đầy đủ vào ngân sách xã theo quy định; nhận thức của Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý từ huyện đến xã vẫn còn ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên. 

Ngoài ra, việc triển khai công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch ruộng đất theo hướng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất để đạt được hiệu quả cao ở một số huyện còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các quy hoạch và triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất, giao thông, thủy lợi nội đồng trên địa bàn…

Bài học kinh nghiệm rút ra

Trước hết các cấp, ngành và các địa phương phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng nông thôn mới là công việc lâu dài, là mong muốn và chủ yếu là “việc làm của người dân nông thôn”, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải tuân thủ theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đến năm 2030 và thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, cần đa dạng hóa nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương (huyện, xã), không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản, nợ xấu khi triển khai các Chương trình. Các địa phương khi đã phấn đấu đạt được mỗi tiêu chí thì cần duy trì, phát huy tác dụng của các tiêu chí phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở địa phương, không “đánh trống bỏ dùi” hoặc tự thỏa mãn và nóng vội…

Thứ hai, để tạo thuận lợi cho xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Chương trình và bộ, ngành liên quan ở Trung ương cần sớm sửa đổi bổ sung những điểm chưa phù hợp về huy động nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới tại Thông tư Liên tịch số 26/2011/TTLT-BNN&PTNT-BKHĐT-BTC ngày 13-4-2011 của liên bộ hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; đồng thời phải thống nhất hệ thống các văn bản quy định và hướng dẫn cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: Chương trình việc làm và dạy nghề; giảm nghèo bền vững; nước sạch nông thôn; Y tế; Dân số và kế hoạch hóa gia đình; Văn hóa, giáo dục đào tạo; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường... Ngoài ra, cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ nông dân để được tiếp cận vay vốn tín dụng đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Thứ ba, thành phố cần điều chỉnh tổng mức đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên thành phố từ 32.000 tỷ đồng lên khoảng 100.000 tỷ đồng; qua đó, điều chỉnh cơ cấu tổng mức vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước từ 56% lên khoảng 60%; tăng cuờng chỉ đạo để dành nguồn thu tiền sử dụng đất, tăng thu, thưởng thu vượt dự toán và kết dư ngân sách hằng năm của ngân sách cấp thành phố và huyện, thị xã tập trung ưu tiên hỗ trợ xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Cùng với đầu tư là đẩy mạnh công tác kiểm tra tiến độ và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Có kế hoạch để tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ huyện, xã và thôn về quản lý, tổ chức thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới…

Thứ tư, cần tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ủng hộ đóng góp vốn thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới và có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các huyện, thị xã và các xã cần chủ động bố trí vốn tập trung dứt điểm các dự án, tránh phát sinh nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đấu giá đất nhỏ lẻ, xen kẹt nhằm tạo thêm nguồn vốn để bổ sung cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; kịp thời hạch toán ghi thu - ghi chi các khoản ủng hộ đóng góp bằng tiền và hiện vật vào ngân sách nhà nước theo quy định; thực hiện tốt công tác quyết toán các dự án, công trình trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới sau khi hoàn thành; tổ chức xây dựng kế hoạch, phương án và giải pháp tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình (lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân) và triển khai phân công trách nhiệm cho từng thành viên Ban Chỉ đạo xã thực hiện. Thực hiện tốt công tác quyết toán các dự án, công trình thuộc Đề án xây dựng nông thôn mới của xã sau khi hoàn thành./.