Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19-8 đến 25-8-2013)
TCCSĐT - Ngày 25-8-2013, Đảng Xa-la-phít Nua (Salafist Nour) - lực lượng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập và là nhóm Hồi giáo duy nhất công khai ủng hộ việc phế truất Tổng thống Mô-ha-mét Mo-xi (Mohamed Morsi) - tuyên bố sẽ tham gia Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Quyết định này là một động thái đáng chú ý giúp khai thông thế bế tắc chính trị hiện nay ở Ai Cập.
1. Liên hợp quốc kỷ niệm Ngày Nhân đạo quốc tế
Ngày 19-8-2013, tại trụ sở chính ở thành phố Niu Oóc (Mỹ), Liên hợp quốc đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhân đạo quốc tế để tưởng nhớ những người đã có những đóng góp to lớn, thậm chí hy sinh thân mình cho sứ mệnh giúp đỡ nhân đạo đối với đồng loại đang gặp hoạn nạn do bạo lực, chiến tranh, thiên tai,... Trong thông điệp gửi cộng đồng quốc tế nhân sự kiện này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đã nhắc lại vụ việc đau lòng, xảy ra vào ngày 19-8-2003, khi văn phòng Liên hợp quốc tại Thủ đô Bát-đa của I-rắc bị tấn công, làm 22 người bị thiệt mạng, trong đó có ông Xếch-hi-ô Vi-ây-ra đề Mê-giô (Sergio Vieira de Mello), Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại đây. Ông Ban Ki-mun nhấn mạnh tất cả những nạn nhân của vụ tấn công dã man này đều đang mang trên mình sứ mệnh cao cả, giúp đỡ người dân địa phương thoát khỏi hoạn nạn trong chiến tranh; sự hy sinh của họ là nỗi đau và thiệt hại to lớn không thể bù đắp được của Liên hợp quốc. Theo ông, những chiến sĩ nhân đạo ấy cũng như tất cả những ai làm việc vì mục tiêu nhân đạo là những người luôn sẵn sàng nhận về mình những công việc khó khăn, gian khổ, thậm chí rất nguy hiểm, mà không phải ai cũng dám làm. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết chủ đề của Ngày Nhân đạo quốc tế năm nay là “Theo bạn, thế giới đang cần gì hơn tất cả?”, đồng thời đề nghị các công dân cùng đóng góp câu trả lời trên trang mạng www.worldhumanitarianday.org, do Liên hợp quốc mở cùng ngày để tưởng nhớ và vinh danh những người đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp nhân đạo toàn cầu. Ông Ban Ki-mun cũng là người đầu tiên đưa ra câu trả lời “Cùng hành động”, bởi theo ông, hơn bao giờ hết, thế giới đang rất cần sự đoàn kết, thống nhất, chung tay hành động vì mục tiêu chung là hòa bình, công lý, thịnh vượng và phát triển.
2. Công ước Lao động hàng hải chính thức có hiệu lực
Ngày 20-8-2013, Ban Thư ký Liên hợp quốc cho biết Công ước Lao động hàng hải (MLC) mới của Liên hợp quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20-8-2013, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các thủy thủ làm việc trên biển cũng như việc bảo vệ các tuyến vận tải biển và cuộc cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các tập đoàn vận tải biển. Người phát ngôn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Ma-tin Ne-xơ-cai (Martin Nesirky) nêu rõ Công ước mới của Liên hợp quốc về Lao động hàng hải, được thông qua năm 2006, đã trở thành luật quốc tế mang tính ràng buộc. Trước nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng và việc nâng cao chất lượng, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của thuyền viên làm việc trên biển cũng như các vấn đề liên quan tới vận tải biển, Hội nghị lần thứ 54 của ILO diễn ra hồi tháng 02-2006 đã thông qua MLC trong bối cảnh lúc bấy giờ có khoảng 1,2 triệu thuyền viên làm việc trên các tàu biển, vận chuyển khoảng 90% hàng hóa thương mại toàn cầu. MLC được xây dựng trên cơ sở tập hợp 68 công ước về lao động hàng hải đã được ILO thông qua từ năm 1919, khi tổ chức này ra đời, và hợp nhất thành một công ước nhằm điều chỉnh thống nhất các tiêu chuẩn, hướng dẫn phù hợp với hoạt động hàng hải hiện nay và loại bỏ những quy định không còn phù hợp. MLC quy định tiêu chuẩn về quyền và lợi ích của thủy thủ, phù hợp với Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển ký năm 1974 và sửa đổi bổ sung (SOLAS), cũng như Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca của thuyền viên, ký năm 1978, sửa đổi bổ sung (STCW), và Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm dầu từ tàu biển (MARPOL),...
3. Diễn đàn Đông Á lần thứ 11
Trong 2 ngày 21 và 22-8-2013 đã diễn ra Diễn đàn Đông Á (EAF) lần thứ 11 với chủ đề “Tăng cường kết nối con người” tại cố đô Ki-ô-tô của Nhật Bản với chủ đề chính là hợp tác du lịch nhiều hơn giữa 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), về tầm quan trọng của du lịch trong khu vực, khuyến khích con người tương tác với nhau, trao đổi văn hóa, lực lượng lao động, dịch vụ và các yếu tố sản xuất khác. Trong bài phát biểu chủ trì phiên khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Sư-ni-chi Xư-dư-ki (Shunichi Suzuki) cho biết, mặc dù in-tơ-nét mang lại nhiều sự tiện lợi, nhưng một trải nghiệm cá nhân về những nền văn hóa đa dạng bằng cách đi du lịch nước khác là phương thức hiệu quả và quan trọng nhất để thiết lập sự hiểu biết chung và thúc đẩy lòng tin. Trong khi đó, đại sứ Mi-an-ma tại Nhật Bản Khin Ma-ung Tin (Khin Maung Tin) nhấn mạnh đến thế mạnh tiềm năng du lịch của châu Á - vốn dựa vào các di sản văn hóa và các thắng cảnh tự nhiên - đòi hỏi cần có các dự án hạ tầng cơ sở công cộng tốt hơn. Ông nói thêm rằng các giải pháp thực tiễn đối với khách du lịch như tạo thuận lợi cho việc làm thị thực, sự phối hợp giữa các đại lý du lịch và tăng cường tính kết nối của hàng không... là những yếu tố quan trọng để phát triển ngành công nghiệp này.
4. Thế giới yêu cầu điều tra khách quan vấn đề sử dụng vũ khí hóa học tại Xy-ri
Người thân khóc thương nạn nhân bị nghi sát hại bởi vũ khí hóa học ở ngoại ô Đa-mát. Ảnh: Erbin News/TTXVN
Trong một phản ứng công khai đầu tiên về cáo buộc vũ khí hóa học được sử dụng ở Xy-ri, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22-8-2013 tuyên bố dù chưa xác định bên nào ở Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học nhưng Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động sử dụng vũ khí này và kêu gọi các chuyên gia về vũ khí hóa học của Liên hợp quốc cần phải khách quan và “tham vấn đầy đủ” với Chính phủ Xy-ri để xác minh cáo buộc của phe đối lập nói rằng các lực lượng chính phủ sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công nhằm vào dân thường. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga A-lếch-xan-đơ Lu-ca-sê-vích (Alexander Lukashevich) tuyên bố Nga sẽ đưa ra lập trường của mình về khả năng sử dụng vũ khí hóa học ở Xy-ri dựa trên kết quả điều tra khách quan và độc lập của phái bộ Liên hợp quốc tại Đa-mát. Ông A. Lu-ca-sê-vích cho biết thêm hiện Liên hợp quốc đã xác định ba địa điểm bị nghi ngờ là nơi sử dụng vũ khí hóa học. Cùng ngày, bình luận về tình hình Xy-ri, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố cần phải kiểm tra kỹ và trực tiếp tại thực địa thông tin về khả năng sử dụng vũ khí hóa học tại nước này. Bộ Ngoại giao Anh cũng khẳng định thêm Luân Đôn sẽ không loại trừ bất kỳ một phương án hành động nào để cứu sinh mạng thường dân tại Xy-ri. Trong khi đó, tại một cuộc gặp ở Béc-lin (Đức) ngày 22-8, Ngoại trưởng Đức Gui-đô Vét-xtơ-ve-lơ (Guido Westerwelle) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ A-mét Đa-vu-tô-glu (Ahmet Davutoglu) đã cùng yêu cầu làm rõ tình hình xung quanh vụ sử dụng vũ khí hóa học tại Xy-ri. Cùng ngày 22-8, Pháp cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ phải sử dụng vũ lực nếu chứng thực được những cáo buộc các lực lượng của Chính phủ Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.
5. Hội nghị Bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán TPP thứ 19
Ngày 23-8-2013, Hội nghị Bộ trưởng 12 nước tham gia vòng đàm phán thứ 19 nhằm xây dựng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khép lại tại thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bandar Seri Begawan) của Bru-nây với tuyên bố chung, trong đó tái nhấn mạnh cam kết hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do khu vực trong năm nay, song cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại vướng mắc trên nhiều lĩnh vực. Các bộ trưởng nhất trí tiếp tục “can dự tích cực” trong thời gian từ nay tới hội nghị các nhà lãnh đạo tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a) vào tháng 10 tới, đồng thời cho biết các nhà lãnh đạo TPP dự kiến có cuộc gặp bên lề hội nghị trên. Trong khi các cuộc đàm phán về TPP nhằm đạt được một thỏa thuận tự do thương mại toàn diện thường đề cập tới 21 lĩnh vực, tuy nhiên, vòng đàm phán mới nhất này chỉ tập trung vào 10 lĩnh vực trong đó có đề cập tới cách thức xử lý vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp quốc doanh và thuế quan. Bên cạnh cuộc họp chính thức của toàn khối, các bộ trưởng và quan chức cấp bộ trưởng của Mỹ và các nước thành viên TPP khác cũng tổ chức các phiên họp song phương. Dự kiến, các nước thành viên sẽ đưa ra những yêu cầu và đề nghị của mình liên quan đến vấn đề thuế quan trong các phiên họp này. Nếu được thành lập, TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người, đóng góp gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.
6. “Ngày Gia đình ASEAN” tại Mê-hi-cô
Ngày 24-8-2013, tại trang trại La Mác-kê-xa (La Marquesa) thuộc bang Mê-hi-cô, Đại sứ quán năm nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Mê-hi-cô gồm Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan đã phối hợp tổ chức “Ngày Gia đình ASEAN 2013” với sự tham gia đông đảo của cán bộ ngoại giao, nhân viên, gia đình và bạn bè Mê-hi-cô nhằm thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác giữa các nước trong khối, đồng thời tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với nước sở tại. Phát biểu khai mạc, Đại sứ Thái Lan, nước đăng cai tổ chức năm nay, ông Chi-ra-chai Pun-cra-xin (Chirachai Punkrasin) nhấn mạnh ý nghĩa ngày truyền thống của khối, cho rằng đây là hoạt động thiết thực để gắn kết các cơ quan đại diện các nước thành viên ASEAN tại Mê-hi-cô. Ông kêu gọi mọi thành viên tiếp tục đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong các hoạt động đối ngoại tại nước sở tại và khu vực để giương cao lá cờ ASEAN tại Tây bán cầu. Sau lễ khai mạc, đại diện các nước thành viên có Đại sứ quán tại Mê-hi-cô đã tiến hành thi đấu các trò chơi dân gian do Đại sứ quán Thái Lan tổ chức, trong đó có môn thi đấu trí và tính nhanh nhẹn (giống trò chơi Cướp cờ của Việt Nam ta), và tấn công phá bóng bay của đối phương... đuợc đông đảo thanh thiếu niên là con em cán bộ ngọai giao 5 nước tham dự. Sau đó, toàn thể cán bộ, nhân viên và gia đình cùng bạn bè Mê-hi-cô đã chia sẻ những món ăn dân tộc đại diện cho từng nước.
7. Bế tắc chính trị ở Ai Cập được khai thông
Một cuộc biểu tình ở Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 25-8-2013, Đảng Xa-la-phít Nua (Salafist Nour) - lực lượng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập và là nhóm Hồi giáo duy nhất công khai ủng hộ việc phế truất Tổng thống Mô-ha-mét Mo-xi (Mohamed Morsi) - tuyên bố sẽ tham gia Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Quyết định này là một động thái đáng chú ý giúp khai thông thế bế tắc chính trị hiện nay ở Ai Cập và tiếp tục lộ trình chuyển tiếp do quân đội vạch ra ngày 03-7, trong đó bao gồm sửa đổi bản Hiến pháp năm 2012 hiện đang bị đình chỉ, tổ chức bầu cử Quốc hội và bầu cử tổng thống. Trong một tuyên bố, đảng này cho biết một trong những mục đích tham gia Ủy ban này - với thành phần gồm 50 người đại diện cho tất cả các thành phần xã hội - là nhằm “bảo vệ bản sắc Hồi giáo”. Cũng trong ngày 25-8, Ủy ban pháp lý gồm 10 thẩm phán và giáo sư luật đến từ các trường đại học Ai Cập đã đệ trình Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lên Tổng thống lâm thời Ai Cập Át-li Man-xua (Adly Mansour), trước khi chuyển cho Ủy ban 50 thành viên nói trên để xem xét. Bản Hiến pháp năm 2012 của Ai Cập được một hội đồng lập pháp do phe Hồi giáo chi phối soạn thảo và được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào tháng 12-2012 bất chấp sự tẩy chay và phản đối kịch liệt của các lực lượng tự do, cánh tả và phi Hồi giáo. Cùng ngày, ông A-mét En Me-xlê-ma-ni (Ahmed El-Meslemani), Cố vấn truyền thông của Tổng thống lâm thời Ai Cập, khẳng định quốc gia Bắc Phi này đã vượt qua “âm mưu” lật đổ Nhà nước và hiện đang tiến hành chiến dịch chống lại các phần tử quá khích trong tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và các lực lượng Hồi giáo đồng minh./.
Liên hợp quốc ủng hộ xây công viên trên biên giới liên Triều  (26/08/2013)
Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam  (26/08/2013)
Khoảng lặng để suy ngẫm  (26/08/2013)
Hà Nội tuyên dương thủ khoa xuất sắc năm 2013  (26/08/2013)
Tổng Bí thư tới chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (25/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay