Chương trình xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh của tỉnh Hà Giang được thực hiện từ năm 2000 là "cú hích" mạnh cho các địa bàn của tỉnh, trong việc kiện toàn bộ máy, củng cố đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị. Tuy còn nhiều khó khăn về mọi mặt, nhưng với quyết tâm thực hiện Chương trình, bước đầu Đồng Văn đã có những chuyển biến về tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.

1 - Cán bộ vì phong trào

"Cán bộ nào, phong trào ấy". Với Đồng Văn, từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi nhận thấy rằng, bên cạnh những phẩm chất chung, cơ bản, cán bộ trực tiếp công tác ở địa bàn còn phải thích ứng với trình độ chung của địa phương, có cách làm phù hợp với sự tiếp nhận của đồng bào.

Đồng Văn có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó đa số là đồng bào Mông, cư trú rải rác trên các địa bàn, rất khó khăn trong sản xuất và điều kiện sinh hoạt. Tỉnh đã tiến hành vận động, hướng dẫn, giúp đỡ bà con về sinh sống và sản xuất tập trung tại vùng thấp, nơi có điều kiện thuận lợi hơn về mọi mặt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, kết quả đạt được chưa khả quan. Phần đông bà con vẫn tiếp tục sinh sống nơi đất cũ.

Phải nói là trình độ dân trí mọi mặt ở Đồng Văn còn nhiều hạn chế. Do điều kiện sống khó khăn nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc học hành của bà con. Đảng, Nhà nước, trực tiếp là tỉnh Hà Giang đã tạo mọi điều kiện về chế độ, chính sách để nâng dần đời sống người dân, trong đó có việc học tập. Nhưng phải có thời gian, cùng rất nhiều nỗ lực, thì những mong muốn và quyết tâm ấy mới biến thành kết quả cụ thể.

Những khó khăn chung đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc của đội ngũ cán bộ cơ sở. Có nơi, bí thư điều hành cuộc họp chưa đúng theo quy trình, không ra được nghị quyết. Thậm chí, bí thư, trưởng thôn nghe, đọc, viết tiếng Kinh rất hạn chế. Sinh hoạt đảng không thường kỳ, cuộc họp diễn ra tẻ nhạt vì không xây dựng được nội dung phù hợp. Điều đó gây ra khó khăn gấp đôi cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị: vừa không bắt nhịp được yêu cầu chung, lại vừa không thúc đẩy được phong trào ở địa phương.

Do đó, điểm đột phá trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở Đồng Văn, trước hết là lựa chọn, bố trí những người hiểu việc, thạo việc, làm được việc trong điều kiện còn khó khăn ở địa phương mình. Cấp ủy và chính quyền các cấp kiên trì, bồi dưỡng lâu dài những hạt nhân từ chính địa phương. Những người này có thể về trình độ học vấn chưa cao so với yêu cầu chung, thậm chí chỉ cần đọc thông viết thạo, tiếp tục được bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động, đồng thời dành sự quan tâm tạo điều kiện một cách tương đối trong điều kiện của tỉnh và huyện.

Thời gian qua, công tác phát triển đảng ở Đồng Văn đã tiến hành theo hướng mềm hóa các quy định về tiêu chuẩn đảng viên chính là theo tinh thần xây dựng cán bộ đặt trên nền tảng phong trào ở cơ sở. Cụ thể, những người cảm tình đảng có thể trình độ văn hóa cấp hai, thậm chí thấp hơn, vẫn có thể đưa vào diện xét kết nạp. Sau khi được kết nạp, trong thời kỳ dự bị, nhiệm vụ chính của đảng viên là nâng dần và hoàn thiện trình độ văn hóa, để trước tiên là đáp ứng yêu cầu công việc, sau nữa là để đáp ứng đòi hỏi về trình độ học vấn của người đảng viên theo Điều lệ Đảng. Cùng với đó, nguồn phát triển đảng trước kia chủ yếu ở trong đội ngũ giáo viên, y tế, công an, bộ đội..., nay đã được mở rộng hơn nữa trong các đoàn thể quần chúng.

Từ những biện pháp sát thực tế như vậy, năm 2006, Đồng Văn đã xóa được tình trạng các thôn, bản không có tổ chức đảng, thực hiện 150% kế hoạch phát triển đảng. Bên cạnh đó, việc xây dựng, mở rộng diện bồi dưỡng, đào tạo các nhân tố trong các tổ chức của hệ thống chính trị như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ..., cũng được quan tâm làm tốt. Vì vậy, sức mạnh của hệ thống chính trị địa phương được nâng lên rõ rệt.

Nguyên nhân quyết định đưa đến những thành công vừa qua trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ của huyện chính là việc thực hiện đồng bộ Chương trình Xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh của tỉnh Hà Giang. Chương trình này được tiến hành bắt đầu từ năm 2000, với một loạt biện pháp như quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng cán bộ..., nhằm xây dựng bộ máy cán bộ đủ về số lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Trong tiến trình chung đó, Đồng Văn đã tham gia tích cực, và bước đầu có những chuyển biến trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ.

2 - Cán bộ "2 trong 1"

Đây là mô hình chung cho cán bộ cơ sở, nhất là các địabàn miền núi, vùng sâu, có nhiều khó khăn, như ĐồngVăn. Mục tiêu chính là có được những cán bộ biết việc, có khả năng đảm nhận một cách tương đối hiệu quả nhiều công việc, phù hợp với yêu cầu đa dạng của nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Xuất phát từ thực tế địa phương, chúng tôi thấy rằng, cán bộ cơ sở phải là người có thể làm mẫu về một số công việc, trực tiếp chuyển giao kiến thức cho nhân dân các dân tộc.

Trưởng thôn, trưởng bản vừa cần có uy tín trong cộng đồng dân tộc (vì thế nếu là già làng thì càng tốt), vừa cần có tri thức cao hơn mức trung bình của đa số đồng bào. Thêm vào đó, do vị trí công tác mà những chủ trương chung, kiến thức cần thiết được trang bị sẽ giúp đội ngũ cán bộ cơ sở có thể đảm nhận công việc. Đồng Văn lựa chọn, bố trí cán bộ theo hướng này.

Muốn có được đội ngũ cán bộ như vậy, cùng với sự giúp đỡ của tỉnh, địa phương phải linh hoạt sử dụng các điều kiện hiện có, để từng bước xây dựng đội ngũ. Để trang bị kỹ năng làm việc, không thể chỉ trông chờ vào các lớp học tập trung, chính quy, Huyện ủy tổ chức các lớp ngắn hạn hướng dẫn về nghiệp vụ sinh hoạt đảng, bao gồm: các bước tiến hành, cách ghi biên bản, các bước trong quy trình kết nạp đảng ... Đối tượng tham gia học là các bí thư chi bộ. Đây là mô hình được Tỉnh ủy tổ chức thí điểm, rút kinh nghiệm, sau đó phổ biến rộng rãi trên toàn tỉnh. Đồng Văn làm theo cách đó, thấy hiệu quả rất đáng ghi nhận. Được chuẩn hóa về cách thức tiến hành, bồi dưỡng về những kiến thức cơ bản, theo đó việc quán triệt nghị quyết, tổng kết hoạt động, kỹ năng làm báo cáo cũng như tổ chức hoạt động đảng vụ của các bí thư chi bộ đều đi vào quy củ, chất lượng được nâng lên.

Về công tác phát triển Đảng, huyện hỗ trợ kinh phí (từ 5.000 đến 7.000 đồng/đợt) cho đối tượng cảm tình đảng không phải là cán bộ, học ngay tại trụ sở xã. Số tiền này tuy không lớn nhưng vẫn đòi hỏi chúng tôi phải cân đối kinh phí, nhằm giúp cho các đối tượng học cảm tình đảng có thể yên tâm học tập. Cũng vì lý do đó, lớp bồi dưỡng đảng viên luôn được tổ chức theo cụm, nhằm rút ngắn thời gian đi lại và chờ đợi học tập.

Để thống nhất và tập trung đối với công tác lãnh đạo thôn bản và khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, kinh phí cho hoạt động với điều kiện vùng sâu còn khó khăn, chúng tôi khuyến khích mô hình "bí thư kiêm trưởng thôn", vừa tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, vừa để nâng cao chế độ theo trách nhiệm cho cán bộ cơ sở; gắn công tác đảng với công tác ở địa bàn thôn, bản và việc sản xuất, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào. Việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước được trực tiếp gắn với cuộc sống hằng ngày. Độingũ bí thư kiêm trưởng thônđều đã hoàn thành tốt nhiệmvụ.

Một nét đặc thù trong kiện toàn đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị của Đồng Văn là thực hiện tốt phương châm Quân dân gắn bó khăng khít. Những nơi hiểm trở nhất, khó khăn nhất về điều kiện sinh hoạt cũng chính là địa bàn đóng quân của bộ đội, mà trực tiếp là Bộ đội Biên phòng. Các xã biên giới của Đồng Văn, các đồng chí Đồn phó đồn biên phòng được tăng cường, kiêm chức thường trực cấp ủy. Được đào tạo bài bản, có tinh thần phấn đấu, cùng khả năng tổ chức, vận động quần chúng, đội ngũ các cán bộ quân đội tăng cường cho địa phương thực sự đã là nòng cốt cho hệ thống chính trị của chúng tôi.

3 - Lý luận là cơ bản, kinh nghiệm là cần thiết

Có một kinh nghiệm mà chúng tôi tâm đắc rút ra qua những lớp phát triển đảng cũng như bồi dưỡng đảng viên mới, là khả năng liên hệ giải quyết nhiệm vụ thực tế ở địa phương của các học viên lại tốt hơn việc tiếp thu kiến thức về lý luận. Điều này có hai mặt: một mặt phản ánh trình độ văn hóa chung của cán bộ còn hạn chế; nhưng mặt khác cũng cho thấy, một số nội dung chưa thực sự gần với cuộc sống thường nhật, với đặc thù địa phương. Căn cứ vào thực tế đó, chương trình nội dung ở các lớp này đã được điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hoàn toàn hài lòng với cái mình có. Được sự giúp đỡ của các ban, ngành của tỉnh, với nỗ lực liên tục của mình, Đồng Văn đang dần từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị có thể đảm nhận công việc trên địa bàn.

Trước tiên, yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ là cần biết việc. Đối với cán bộ địa bàn cơ sở, biết việc là điều kiện để triển khai các nhiệm vụ của cơ sở. Mức độ này có thể nói, cấp cơ sở của Đồng Văn đã đạt được. Tiếp đó, cần phải hiểu việc. Đây chính là những kết quả chúng tôi đã nhận thấy phần nào qua việc liên hệ thực tế của học viên ở các lớp phát triển đảng cũng như đảng viên mới. Đạt được kết quả này là do sự phấn đấu của các cấp, các ngành, từ giáo dục, đào tạo, tuyên giáo, dân vận..., của huyện cũng như của tỉnh. Cuối cùng, chúng tôi đề ra cán bộ cần phải thạo việc. Đạt được điều này là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đồng Văn đã thành công đáng ghi nhận. Nhưng đây cũng chính là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, không chỉ với một địa phương, mà với cả hệ thống chính trị của chúng ta. Nhận thức được điều đó nên Đồng Văn kiên trì từng bước, trong điều kiện của mình, với thời gian, cùng nỗ lực không ngừng của tổ chức đảng, bộ máy chính quyền cũng như mỗi cán bộ, đảng viên để xây dựng đội ngũ cán bộ.

Để tiếp tục thực hiện yêu cầu đó, đội ngũ cán bộ huyện, xã đều được quan tâm, tạo điều kiện đi đào tạo. Đồng thời, tỉnh cũng có chủ trương luân chuyển cán bộ các ban, ngành về địa phương. Cụ thể là cán bộ ban, ngành cấp tỉnh về tăng cường cho huyện. Cán bộ huyện tăng cường cho xã, giữ các nhiệm vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch. Đặc biệt, trong năm 2007 Đồng Văn đã thực hiện việc rút các đồng chí đứng đầu về Đảng, chính quyền, quân sự, công an của các xã lên tổ chức ngành dọc cấp huyện để học hỏi, bổ sung kiến thức. Tuy vậy, các xã vùng sâu, vùng xacủa Đồng Văn vẫn thiếu cán bộ.

Nhìn lại thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng bộ Đồng Văn đã từ hoàn cảnh của mình, nhận thức rõ về nhiệm vụ, nỗ lực liên tục, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, từ đó mở rộng ảnh hưởng tác động của các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội địa phương./.