Tri thức Đông Nam Á

11:00, ngày 02-05-2008

Đông Nam Á bao gồm mười một quốc gia với nhiều nét tương đồng về tự nhiên, văn hóa và xã hội, là một trong những khu vực phát triển năng động trên thế giới hiện nay.

Khu vực này có vị trí chiến lược đặc biệt, nằm án ngữ tuyến giao thông trên biển giữa Đông và Tây, đã từng là điểm nút của “con đường tơ lụa”, phát triển nhất từ thế kỷ VIII sau Công nguyên, cho đến nay vẫn được coi là con đường thương mại quốc tế không thể thay thế.

Với diện tích 4,5 triệu km2 bao gồm bán đảo Trung Ấn và quần đảo Mã Lai, Đông Nam Á nằm trải dài trên một phạm vi không gian rộng lớn, biển và đất liền xen kẽ nhau. Đông Nam Á có khí hậu ẩm và mưa nhiều, cấu tạo địa chất và địa hình phức tạp, có hệ thiên nhiên hết sức đa dạng. Rừng của Đông Nam Á rất phong phú với các khu rừng nhiệt đới ẩm, rừng gió mùa, rừng thưa, rừng ngập mặn... trong đó có nhiều loại gỗ quý nổi tiếng như chò, lim, sao, sến, táu..., các loại cây hương liệu quý như trầm, long não, sa nhân, đậu khấu... Nơi đây có những loài động vật quý hiếm như trâu rừng, linh dương, bò tót, tê giác một sừng, voi, hổ, báo, khỉ, vượn, heo vòi... cùng rất nhiều loài chim và bò sát. Đông Nam Á còn là quê hương của cây lúa nước và loài động vật đặc trưng của nền nông nghiệp trồng lúa nước là con trâu nước. Đông Nam Á cũng là nơi có nhiều loài hải sản quý được sản sinh từ hệ thống sông ngòi dày đặc và những khu vực biển rộng lớn.

Người dân các nước trong khu vực có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng rất gần gũi nhau, hầu hết các nước đều đã trải qua thời kỳ là thuộc địa của các thế lực thực dân, đế quốc và đều giành được độc lập vào những thời điểm khác nhau sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính những điểm tương đồng này là yếu tố quan trọng thúc đẩy các quốc gia tăng cường quan hệ hợp tác với nhau, tập hợp trong một tổ chức thống nhất chặt chẽ: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN.

Qua 40 năm tồn tại và phát triển, trải qua biết bao thăng trầm, ASEAN được đánh giá là một tổ chức khu vực rất thành công, hợp tác chặt chẽ, có quan hệ đối tác mật thiết với nhiều quốc gia và tổ chức quan trọng hàng đầu trên thế giới. ASEAN đóng vai trò nòng cốt trong việc đẩy mạnh sự hợp tác ở Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình và phát triển thông qua các hoạt động của APEC, Diễn đàn Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN... Uy tín và vị thế của Hiệp hội ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, tạo tiền đề cho những bước phát triển mạnh mẽ tiếp theo.

Ngày nay, ASEAN đang đứng trước cục diện mới với nhiều cơ hội và thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen. Để đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới trong khu vực và trên thế giới, ASEAN đã nhất trí nâng quan hệ hợp tác và liên kết lên tầm cao mới với quyết định hình hành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên cả ba trụ cột an ninh, kinh tế và văn hóa, với mục tiêu xây dựng Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”.

Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc những thông tin và tư liệu cơ bản để nghiên cứu và tìm hiểu một cách hệ thống, toàn diện về khu vực và các nước trong khu vực, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia cho ra mắt cuốn sách Tri thức Đông Nam Á.

Cuốn sách là một công trình nghiên cứu, biên soạn công phu và tâm huyết của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á do Gáo sư sử học Lương Ninh và Nhà giáo nhân dân, GS sử học Vũ Dương Ninh chủ biên.

Nội dung cuốn sách gồm 2 phần chính:

Phần I: Đại cương Đông Nam Á

Phần II: Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á

Trong Phần I, cuốn sách trình bày khái quát về khu vực, phác họa bức tranh tổng thể về lịch sử hình thành và phát triển của Đông Nam Á. Phần II tập trung giới thiệu 11 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có 10 quốc gia là thành viên ASEAN./.