Đạo đức nghề nghiệp trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

Nguyễn Huy Phòng Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
18:27, ngày 13-07-2013
TCCSĐT - Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, cấp thiết, nhất là trong tình hình hiện nay bởi song song với những mặt tích cực, tiến bộ của quá trình mở cửa, hội nhập, giao lưu quốc tế, mặt trái của kinh tế thị trường, của đồng tiền, danh vị và lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đang tạo ra những hệ lụy, làm băng hoại và suy thoái đạo đức con người ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Những vụ việc tiêu cực xảy ra trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, xây dựng, kinh doanh,… trong thời gian qua gây nhức nhối dư luận, gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ tha hóa, biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức; đặt ra nhiều vấn đề về văn hóa ứng xử, về mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng…

Nhận định về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan công quyền - những “công bộc, đầy tớ” của dân, Đảng ta trong nhiều văn kiện, chỉ thị, nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, đã thẳng thắn thừa nhận và chỉ ra căn bệnh trầm kha, mang tính dây chuyền trong một bộ phận những người có chức, có quyền đang có những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đi ngược lại lợi ích cộng đồng, tập thể, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (1).

Trước những vấn đề về đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng với những tác động thuận chiều và trái chiều đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân, bài viết sẽ lý giải một phần những căn nguyên của sự suy thoái đạo đức, lối sống, đồng thời góp thêm những biện pháp để khắc phục tình trạng này, giúp các cấp, các ngành trong việc xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho từng lĩnh vực ngành nghề mà mình quản lý, tạo ra những tấm gương điển hình, tiên tiến, những con người có lối sống đẹp, có lý tưởng đạo đức.

1. Đạo đức nghề nghiệp - nhìn từ góc độ lý thuyết

Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người với nhau và đối với xã hội nhằm khắc phục các mâu thuẫn và làm cho xã hội ổn định, phát triển. Còn đạo đức nghề nghiệp là những phẩm chất cần có của mỗi người theo đúng những quy tắc chuẩn mực của một nghề nhất định được cộng đồng xã hội thừa nhận, nhằm điều chỉnh hành vi, thái độ của con người trong quan hệ với con người, tự nhiên và xã hội khi hành nghề.

Tuy nhiên vấn đề đạo đức và đạo đức nghề nghiệp không phải đến giờ mới được bàn bạc, định nghĩa mà từ thời cổ đại ở phương Tây lẫn phương Đông, các nhà tư tưởng, hiền triết, các nhà lập thuyết đều dành sự quan tâm đặc biệt nghiên cứu vấn đề đạo đức con người, đạo đức xã hội vì đó là mấu chốt, nền tảng tạo ra sự đồng thuận xã hội. Theo quan điểm của Nho giáo, đạo đức là sự kết hợp giữa “ngũ luân” với “ngũ thường” gọi là “luân thường”, và giữa “tam cương” với “ngũ thường” gọi là “cương thường”. Trên cơ sở của “tam cương” với “ngũ thường” mà đạo đức con người được giáo dục, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trực tiếp góp phần vào việc ổn định xã hội, điều chỉnh hành vi con người và hình thành nên nhân cách con người. Còn các nhà đạo đức học Tây Âu (thế kỷ XV - XVIII) như Ra-bê-lai (Rabelais), Xpi-nô-da (Spinoza), Hê-gen (Hegel), Phiu-ơ-bách (Feuerbach) cho rằng, con người không phải sinh ra đã có đạo đức mà đạo đức nảy sinh từ tác động của môi trường xã hội, trước hết là chính trị và pháp luật.

Trên cơ sở triết học duy vật lịch sử và duy vật biện chứng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm các quy tắc, nguyên tắc và chuẩn mực xã hội mà nhờ đó, con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp giữa lợi ích cá nhân và những tiến bộ xã hội trong các mối quan hệ giữa người với người.

Ở nước ta, vấn đề đạo đức và đạo đức nghề nghiệp cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu, nhất là vấn đề đạo đức cách mạng của người cán bộ đảng viên. Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề phải làm sao cho tất cả cán bộ, công chức từ Chính phủ đến làng xã đều là công bộc của nhân dân, đều phải tận tụy phục vụ nhân dân. Người luôn nhấn mạnh và khẳng định, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, của cán bộ, công chức; và đòi hỏi mỗi người, nhất là người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng, phải kết hợp chặt chẽ phẩm chất và năng lực, hồng và chuyên, đức và tài, trong đó đức là gốc: “Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (2). Vì vậy, trước lúc đi xa Người vẫn không quên căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (3).

Từ những vấn đề đạo đức, chuẩn mực chung của xã hội, mỗi ngành nghề lại xây dựng cho mình những quy tắc, chuẩn mực riêng trong ứng xử, hành động, việc làm. Ở nước ta, nhiều ngành nghề đã xây dựng được những bộ quy tắc ứng xử, tạo được hiệu ứng tốt trong dư luận như Đảng ủy Tạp chí Cộng sản xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong 11 chữ “Sáng tâm, sắc nghiệp vụ, sâu lý luận, sát thực tiễn”; Đảng ủy Bộ Kế hạch và Đầu tư xác định chuẩn mực “Trung thành - trách nhiệm - đoàn kết - chí công vô tư” với phong cách làm việc “Kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”…

Có thể nói vấn đề đạo đức nghề nghiệp nói chung và đạo đức người công chức hiện nay luôn tạo được mối quan tâm, chú ý của toàn xã hội. Nếu sử dụng công cụ tìm kiếm Google, khi gõ cụm từ “đạo đức nghề nghiệp”, chỉ trong vòng 0,12 giây, sẽ ra được kết quả 2.900.000 tài liệu (chủ yếu là các bài viết) có liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Với từ khóa “đạo đức công chức”, công cụ tìm kiếm Google cũng cho ra kết quả là 2.200.000 tài liệu liên quan. Nếu nhìn vấn đề từ góc độ lịch sử thì ngay từ năm 1950, trong những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 76/SL ngày 20-5-1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam. Sau này, trong các văn bản pháp luật, trong Hiến pháp, Luật Cán bộ công chức,… những vấn đề về đạo đức nghề nghiệp luôn được quy định cụ thể, rõ ràng.

Như vậy, vấn đề đạo đức công chức đã được pháp lý hóa trong văn bản pháp luật cao nhất là Hiến pháp cho tới các luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Hay nói cách khác, hành lang pháp lý để kiến tạo và thực thi đạo đức công chức đã có. Vấn đề là việc thực hành đạo đức công chức ra sao và có những giải pháp gì để việc thực hành đạo đức công chức trở nên thường xuyên như việc “rửa mặt hằng ngày”?

2. Thực trạng đạo đức nghề nghiệp ở nước ta hiện nay

Nhìn chung, trong tất cả các ngành nghề, đa phần cán bộ, công chức, viên chức lao động đều tuân thủ đúng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, lối sống và phong cách tốt đẹp, nói lên truyền thống của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam: cần cù, chịu khó, nhân ái, khoan dung. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh những mặt thuận lợi, tích cực thì vấn đề đạo đức con người cũng có những biểu hiện cần phải lên án, bài trừ để làm trong sạch môi trường văn hóa.

Ở lĩnh vực đạo đức công vụ, công chức, cùng với việc kiện toàn hệ thống pháp luật về cán bộ công chức, Đảng và Nhà nước cũng tiến hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức. Kết quả là những năm gần đây, đội ngũ cán bộ công chức có những chuyển biến đáng ghi nhận, ngày càng chuyên nghiệp hơn trong công việc, hiện đại hơn về tác phong, công nghệ,… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đội ngũ cán bộ công chức nước ta cũng bộc lộ không ít những yếu kém, tiêu cực, đặc biệt là về phương diện đạo đức. Những biểu hiện tiêu cực của đạo đức cán bộ công chức hiện nay được bộc lộ ở nhiều khía cạnh: thứ nhất là thái độ hách dịch, cửa quyền và thứ hai là nạn tham nhũng (như tham nhũng thời gian; tham nhũng tài sản công, tiền bạc; tham nhũng quyền lực). Chính việc tuyển dụng, sắp xếp vị trí làm việc chưa hợp lý, quản lý công chức lỏng lẻo đã vô tình tạo cơ hội cho tình trạng kèn cựa địa vị, tham ô lãng phí, mất đoàn kết nội bộ nảy sinh và cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức, lối sống.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp” (4). Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại kỳ họp lần thứ năm khóa XI khẳng định: “Bộ máy nhà nước làm việc kém hiệu lực và tình trạng tha hóa ngày càng nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân (…), nhiều chủ trương chính sách bị biến dạng qua các tầng nấc hành chính, cơ quan nhà nước vẫn “hành dân là chính”, sự tha hóa trong bộ máy và đội ngũ cán bộ không giảm (…). Điều đó lại càng nguy hiểm khi bộ máy hành chính của nước ta vừa quan liêu vừa tham nhũng, tạo kẽ hở cho sự hình thành các mối quan hệ theo kiểu đường dây”.

Sự tha hóa đạo đức của cán bộ công nhân viên chức không chỉ diễn ra trong các cơ quan công quyền, hành chính mà nhìn rộng ra trong một số ngành nghề khác như y tế, giáo dục, kinh doanh, luật,… vẫn còn những hiện tượng, những người vì danh lợi, địa vị tiền tài, tự hủy hoại nhân cách, lương tâm của bản thân, gây ảnh hưởng xấu đến ngành nghề, nơi công tác, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Ở lĩnh vực y tế

Nhiệm vụ đặc thù của ngành y là chữa bệnh cứu người, đem lại sự sống và hạnh phúc cho mọi người vì thế mỗi y, bác sĩ phải thấm nhuần lời dạy của Bác “thầy thuốc như mẹ hiền”, “lương y như từ mẫu”. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhiều tác động tiêu cực của xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến người thầy thuốc. Hiện tượng “phong bì”, thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực đạo đức của y bác sĩ với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhất là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của bác sĩ, y tá đã gây ra những vụ việc thương tâm gây nhức nhối dư luận. Tình trạng đẩy giá thuốc lên cao, độc quyền giá thuốc, nhiều bác sĩ còn ngại gian khổ đi đến những vùng miền khó khăn,…đang là những vấn đề nổi cộm của y đức hiện nay.

Ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Nhìn chung, đa phần các thầy, cô giáo giữ vững được phẩm chất đạo đức người thầy trong việc gieo mầm tri thức, vun trồng nhân cách cho các thế hệ học trò, đem đến cho họ những bài học về đạo làm người, cách ứng xử nhân ái khoan dung với đồng loại. Nhưng bên cạnh những mặt tích cực ấy, ngành giáo dục trong những năm qua cũng phải đối mặt với những thách thức trước tình trạng một bộ phận giáo viên tha hóa, biến chất, đánh mất nhân cách người thầy như tiếp tay cho nạn tiêu cực trong thi cử; một bộ phận khác thì lợi dụng uy tín của người thầy để uy hiếp, đe dọa danh dự học sinh, thậm chí lạm dụng tình dục học trò; đổi tình lấy điểm, thương mại hóa các hoạt động giáo dục, bắt ép học sinh học thêm, nhồi nhét kiến thức,... dẫn đến nhiều hiện tượng thầy đánh trò, trò tấn công lại thầy làm dấy lên vấn nạn về bạo lực và sự xuống cấp của văn hóa học đường.

Ở lĩnh vực báo chí, truyền thông đại chúng

Bên cạnh những ưu thế và thành tựu đạt được thì những năm qua báo chí nước ta cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, non kém. Điển hình như hiện tượng thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, không đúng sự thật, thiếu toàn diện, thiếu cân nhắc sự lợi hại, đưa đậm các mặt trái, mặt yếu kém, các vụ án và các tệ nạn xã hội trên trang nhất; thông tin dễ dãi, xa rời tôn chỉ mục đích, bình luận một chiều, lên án thái quá, thậm chí quy chụp, coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng, gây tổn hại nghiêm trọng tới lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan báo chí; khuynh hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí, tư nhân núp bóng để ra báo, kinh doanh báo chí có xu hướng gia tăng; vẫn có nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pháp luật và bị xử lý hình sự;… Báo chí có tình trạng nặng về khai thác vụ việc tiêu cực, thiên về chức năng phê phán, đôi khi phê phán thiếu tính xây dựng, nhẹ về thực hiện chức năng biểu dương; thiếu một cái nhìn toàn diện và nhân văn, thiếu việc phát hiện, cổ vũ, tôn vinh kịp thời cái hay, cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống vừa làm cho bức tranh xã hội bị bóp méo, vừa không động viên được người tốt, việc tốt, và xa hơn nữa, làm cho lớp trẻ mất niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp thực sự vẫn đang hiện diện trong xã hội.

Nhìn chung ở lĩnh vực, ngành nghề nào bên cạnh những mặt tích cực, tiến bộ thì vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế với những mức độ biểu hiện đa dạng, khác nhau. Đặc biệt trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay, những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đã làm chao đảo nhiều giá trị tốt đẹp, bắt nguồn từ những nhận thức lầm lạc, thiếu bản lĩnh chính trị của một số cán bộ, công nhân viên chức.

3. Một số nguyên nhân và giải pháp khắc phục

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về đạo đức trong các ngành nghề, lĩnh vực thời gian qua bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Hiện tượng suy thoái đạo đức trong xã hội hiện nay có một phần nguyên nhân từ sự thiếu gương mẫu của những người đứng đầu, những nhà lãnh đạo quản lý khi họ chưa ý thức sâu sắc, thậm chí đi ngược lại những vấn đề của văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo quản lý. Mặt khác do những sức ép của cuộc sống mưu sinh, nhiều người có thể sẵn sàng làm bất cứ việc gì bất kể là có hại cho người xung quanh hoặc tàn phá, hủy hoại môi trường. Một nguyên nhân khác là do hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đủ mạnh để điều chỉnh hành vi hoặc răn đe những thói hư tật xấu mà con người mắc phải; nhiều cơ quan, ban, ngành chưa xây dựng được bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp công vụ, thiếu sự định hướng, giáo dục kịp thời nên hiện tượng suy thoái đạo đức tieps tục diễn ra. Mặc dù nhiều ngành nghề đã xây dựng được quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nhưng nội dung còn dài dòng, chủ yếu là những khẩu hiệu đọc cho vui tai chứ thực sự chưa chú ý đến thực chất công việc đặc thù của từng lĩnh vực mà con người cần phải tuân theo.

Để khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, nhằm tạo ra môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, thúc đẩy hiệu quả năng suất lao động, củng cố niềm tin của nhân dân, trước hết cần phải thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp cho người lao động để họ hiểu sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của ngành nghề, từ đó bồi đắp tình yêu và tinh thần trách nhiệm với công việc được giao. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát huy vai trò dẫn đầu, nêu gương của các cấp lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến hết lòng hết sức vì tập thể, vì công việc; đồng thời thực hiện tốt đợt sinh hoạt chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Thứ hai, hoàn thiện và kiện toàn hệ thống pháp luật của từng ngành nghề, tạo cơ sở hành lang pháp lý trong việc khen thưởng và xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với người lao động cũng như cán bộ lãnh đạo quản lý. Mỗi ngành, nghề cụ thể cần phải xây dựng được bộ quy tắc ứng xử về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm sự ngắn gọn, ấn tượng, hiệu quả. Song song với việc xiết chặt kỷ luật lao động, cũng cần phải thường xuyên quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động để có cơ chế chính sách phù hợp như: cải thiện tiền lương, nâng cao chất lượng cuộc sống; tạo môi trường làm việc thông thoáng, có tính cạnh tranh lành mạnh; có chính sách đãi ngộ, trọng dụng người tài, bố trí sắp xếp công việc hợp lý, đúng người đúng việc, tạo được niềm tin, không khí hồ hởi và sự gắn bó của người lao động với ngành nghề, vị trí được đảm nhiệm.

Thứ ba, các cơ quan, đơn vị sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, người lao động phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng ý thức, tinh thần đạo đức nghề nghiệp cho người lao động; không ngừng học tập kinh nghiệm quản lý nhân sự, nghệ thuật thu phục nhân tâm của các nước tiên tiến trên thế giới; cần đưa môn giáo dục đạo đức nghề nghiệp vào giảng dạy chính thức trong các cơ sở đào tạo, dạy nghề; phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết, tính kiên trì, nhẫn nại, cần cù của con người Việt Nam; đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, tham nhũng, lãng phí…vì mục tiêu chung bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của gia đình, bản thân, góp phần vào sự lớn mạnh, giàu đẹp của Tổ quốc.

Có thể nói, thời nào cũng vậy vấn đề đạo đức nghề nghiệp, đạo đức và nhân cách con người cũng luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Những biến động của đời sống xã hội Việt Nam, nhất là sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên trong những năm qua đang đặt ra nhiều vấn đề về cách thức quản lý, tổ chức xã hội; về sự thích ứng linh hoạt của con người trước những biến đổi dữ dội của cuộc sống xung quanh. Do đó, cần phải củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền, khơi dậy truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, thủy chung của con người Việt Nam.

Làm được những điều đó sẽ tạo động lực để mỗi người phát huy quyền làm chủ, tinh thần sáng tạo và ý thức trách nhiệm công dân của mình trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay./.

----------------------------------------------

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 22;

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 252 - 253;

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002,t. 12, tr. 510;

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 173.