TCCSĐT - Ngày 21-6, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII - năm 2012 đã được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội nhân Ngày truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 − 21-6-2013).

1. Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam lần thứ 6 - 2013

 

Từ ngày 18 đến 19-6, tại Thành phố Huế đã diễn ra Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam lần thứ 6 - 2013, do Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN), Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS) Pháp tổ chức.

 

Hội nghị thu hút sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Pháp, Anh, Mỹ, Ốt-xtrây-li-a, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam; các nhà quản lý từ nhiều tổ chức phát triển quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Chương trình phát triển Liên hợp quốc,...

 

Có gần 50 báo cáo được gửi tới và trình bày tại Hội nghị, tập trung vào các lĩnh vực: tăng trưởng và phát triển kinh tế, tài chính, chính sách kinh tế, đổi mới cách thức quản lý kinh tế, biến đổi khí hậu,... Đây là những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

 

2. Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

 

*Hà Nội: Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt và chúc mừng hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội vào ngày 18-6. Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo một số cơ quan báo chí và các nhà báo đã phát biểu, đánh giá cao tinh thần cầu thị, thái độ tiếp thu và hành động hiệu quả của lãnh đạo thành phố trước các vấn đề mà báo chí nêu. Hầu hết các ý kiến đóng góp đều mong muốn để Hà Nội thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế chính trị - xã hội và tạo đà vững chắc cho sự phát triển những năm tiếp theo.

 

*Hà Tĩnh: Tại Lễ kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Tổng kết, trao giải Báo chí Trần Phú, ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh biểu dương lực lượng báo chí đã bám sát thực tiễn sinh động của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh trung thực, kịp thời những sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội. Tại buổi lễ, Ban Tổ chức giải Báo chí Trần Phú đã tổng kết và trao giải Báo chí Trần Phú năm 2012, trong đó có 2 giải A, 5 giải B, 7 giải C và 9 giải khuyến khích.

 

*Bạc Liêu: Kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Hội thao do Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức với sự tham gia của 178 vận động viên đến từ 9 đơn vị, doanh nghiệp thuộc khối thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh; Giải ảnh báo chí Bạc Liêu - Cà Mau lần thứ nhất - năm 2013, với sự góp mặt của 328 tác phẩm của 55 tác giả, trong đó có 21 phóng sự ảnh.

 

*Thừa Thiên - Huế: Ngày 18-6, Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tổng kết và trao giải báo chí Thừa Thiên - Huế lần thứ VI - 2013, nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6. Giải Báo chí tỉnh Thừa Thiên - Huế năm nay không có giải Nhất; 5 tác phẩm đạt giải Nhì, 4 tác phẩm đạt giải Ba và 3 tác phẩm đạt giải Khuyến khích.

 

*Bắc Giang: Ngày 18-6, tại Lễ kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 − 21-6-2013), Chủ tịch Hội Nhà báo Bắc Giang Nguyễn Thế Dũng cho rằng, cần có nhiều tác phẩm chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương cho 2 đồng chí lãnh đạo tỉnh, 5 cán bộ và phóng viên Hội Nhà báo Bắc Giang, tặng cờ Tập thể xuất sắc năm 2012 cho Hội Nhà báo Bắc Giang. Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang cũng phát động cuộc thi viết về chủ đề "Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ" và trao Giải Báo chí Thân Nhân Trung năm 2012. Ngoài giải Đặc biệt, Ban Tổ chức đã trao 2 giải A, 6 giải B, 11 giải C và 12 giải khuyến khích cho các nhà báo hội viên đạt Giải Báo chí Thân Nhân Trung năm 2012.

 

*Hải Phòng: Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) do Hội Nhà báo Hải Phòng tổ chức ngày 18-6, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Hữu Doãn khẳng định: Mọi thông tin trên báo chí đều hướng công chúng tới sự ổn định xã hội. Dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã kết nạp 46 hội viên mới thuộc Hội Nhà báo Hải Phòng; trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam cho 4 nhà báo.

 

*Bình Dương: Ngày 18-6, hơn 200 hội viên Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã dự họp mặt kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Dịp này, Hội Nhà báo tỉnh đã phát động “Giải Báo chí Nguyễn Văn Tiết” lần thứ nhất năm 2013. Các tác phẩm dự thi phản ánh việc triển khai các nghị quyết của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt chú ý đến những giải pháp phát triển kinh tế bền vững, an sinh xã hội; thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; những nhân tố mới, điển hình mới gắn với phong trào thi đua yêu nước, thực hiện đại đoàn kết dân tộc,…

 

3. Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình lần đầu tiên ở Việt Nam

 

Từ ngày 19 đến 21-6, Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình đầu tiên tại Việt Nam (Telefilm 2013) đã diễn ra tại Hà Nội. Triển lãm thu hút sự tham gia đông đảo các đơn vị truyền hình trong nước và quốc tế, trong đó có khoảng 30 đối tác lớn đến từ Đan Mạch, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a,...

 

Với hơn 200 gian hàng ở 9 ngành hàng, triển lãm giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, dịch vụ tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ truyền thông và giải trí đa phương tiện,... Tại triển lãm, du khách được tìm hiểu các kỹ thuật mới, sản phẩm công nghệ cao cùng các dịch vụ, chương trình truyền hình hấp dẫn,… Đặc biệt, nhiều bộ phim mới được giới thiệu tại triển lãm với sự xuất hiện, giao lưu của các diễn viên, người nổi tiếng tại các gian hàng, thu hút công chúng.

 

Trong khuôn khổ triển lãm còn diễn ra nhiều hội thảo chuyên ngành với các nội dung như: Phương pháp và công nghệ đo lường khán giả truyền hình; Nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam - những điểm tồn tại, lợi thế và giải pháp cụ thể; Trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến sản xuất phim truyền hình trong xu hướng phát triển quốc tế.

 

4. Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam lần thứ 3 năm 2013

 

Ngày 20-6, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam lần thứ 3 năm 2013 đã khai mạc với chủ đề “Công nghệ thông tin - nền tảng của phương thức phát triển mới nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia”.

 

Với phương châm: “Nhận diện xu thế - Chia sẻ tầm nhìn - hoạch định chiến lược - tìm kiếm giải pháp”, Diễn đàn là nơi gặp gỡ của đại diện lãnh đạo trong các lĩnh vực chủ chốt liên quan: các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách ở Trung ương và địa phương; đơn vị cần ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh; các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin - truyền thông,...

 

Sau 2 năm tổ chức, Diễn đàn đã tạo được uy tín lớn, đề xuất được những khuyến nghị có giá trị vào việc xây dựng chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Diễn đàn năm nay bàn về việc phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào các vấn đề xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đẩy mạnh cải cách giáo dục, đào tạo. Đây là những vấn đề đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm giải quyết.

 

5. Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII - năm 2012

 

Ngày 21-6, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII - năm 2012 đã được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội trong ngày truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và chúc mừng những thành tích, những kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII năm 2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu một số nội dung, định hướng nhiệm vụ đối với báo chí cách mạng trong thời gian tới.

 

Cơ cấu Giải được mở rộng từ 8 lên 11 loại giải so với trước; ảnh báo chí và báo điện tử được tách riêng; một số thể loại trong cơ cấu giải được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đã có 146 đơn vị, trong đó có: 59 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; 56 Liên Chi hội, Chi hội cơ quan báo chí Trung ương, đã gửi 1.540 tác phẩm dự giải. Có 1.450 tác phẩm đủ điều kiện dự giải, gồm 1.253 tác phẩm của hội viên Hội Nhà báo và 197 tác phẩm của cộng tác viên. Đây là năm có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ mùa giải đầu tiên (năm 2006) đến nay.

 

Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII - năm 2012 đã quyết định trao tặng cho 117 tác phẩm đoạt giải thuộc 11 loại giải; trong đó, có 5 giải A, 28 giải B, 45 giải C và 39 giải Khuyến khích.

 

6. Phổ biến Nghị định về thương mại điện tử

 

Ngày 21-6, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị “Phổ biến Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 về thương mại điện tử” tới các Sở Công Thương khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử tại Hà Nội.

 

Khác với Nghị định trước đây chỉ gồm những quy định khung nhằm làm rõ hơn các nguyên tắc của Luật Giao dịch điện tử đối với việc sử dụng thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại, Nghị định mới về thương mại điện tử quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Mục tiêu đặt ra là thiết lập hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp giao dịch thương mại điện tử một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, qua đó tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại cho Việt Nam.

 

Nghị định 52 gồm 80 Điều, chia thành 7 chương và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Do đó, các website thương mại điện tử được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định có hiệu lực phải tiến hành thông báo hoặc đăng ký theo quy định tại Nghị định này trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực.

 

7. Bế mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII

 

Ngày 21-6, Quốc hội đã họp phiên bế mạc sau khi hoàn thành chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII.

 

Tại Kỳ họp này, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của mình, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận và đồng bào, cử tri cả nước theo dõi, giám sát.

 

Như vậy, sau 27 ngày làm việc khẩn trương, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự của Kỳ họp đã đề ra.

 

8. Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013

 

Ngày 22-6, tại Nhà hát Hội An, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ khai mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013.

 

Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm Công ước UNESCO về bảo tồn văn hóa phi vật thể (2003 - 2013). Festival  được tổ chức ở nhiều nơi trên địa bàn của tỉnh Quảng Nam như: Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ, Nam Giang, Phú Ninh và Đông Giang.

 

Nhiều hoạt động trong chương trình Festival sôi nổi, phong phú về nội dung và hình thức, thu hút sự quan tâm của công chúng như: Chung kết hội thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam; Hội thi Hợp xướng quốc tế; Không gian di sản văn hóa Việt Nam và ASEAN; Diễn đàn đầu tư “Tăng trưởng xanh cho Quảng Nam”,…

 

Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013 diễn ra đến hết ngày 26-6./.